Vài nét về du lịch Việt Nam

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh vĩnh long giai đoạn 2000 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (Trang 39)

1.2.1.1. Vài nét về tiềm năng du lịch của Việt Nam

Nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi đang diễn ra các hoạt động kinh tế sôi động nói chung và du lịch nói riêng, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Sự đa dạng của nguồn tài nguyên cả về thiên nhiên (bãi biển, hang động, đảo, nước khoáng, lớp phủ thực vật, giới động vật quý hiếm, nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo điển hình...) lẫn nhân văn (các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán, các làng nghề thủ công truyền thống, sự đa dạng về bản sắc văn hoá của các dân tộc...), là điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch với thời gian dài ngắn khác nhau.

Tài nguyên du lịch nước ta phân bố tương đối tập trung. Điều đó góp phần hình thành các lãnh thổ du lịch điển hình trong toàn quốc. Mỗi lãnh thổ du lịch có một sắc thái riêng, tạo nên các tuyến du lịch xuyên quốc gia, không lặp lại giữa vùng này với vùng khác nên thường không làm nhàm chán khách du lịch. Mặt khác, chúng lại gần các đô thị lớn, các cửa khẩu quốc tế quan trọng tạo thuận lợi cho việc đi lại, thăm viếng, ăn ở của khách. Nhiều lãnh thổ du lịch của Việt Nam, nếu được qui hoạch và đầu tư thích đáng sẽ trở thành những trung tâm du lịch lớn, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Đó là trung tâm du lịch Hà Nội và phụ cận (Hà Tây, Ninh Bình, Phú Thọ, Hoà Bình...), vùng biển Hạ Long - Cát Bà - Đồ Sơn (Quảng Ninh - Hải Phòng), vùng Đại Lãnh, Văn Phong, Nha Trang (Khánh Hoà), đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Huế - Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long... [8]

Nước ta có nguồn nhân lực dồi dào, lao động có kỹ thuật, thông minh, bước đầu đã tiếp cận và làm quen với các hoạt động kinh doanh du lịch quốc tế. Việc phát triển du lịch, trong tương lai sẽ tạo nhiều việc làm (trực tiếp và gián tiếp) cho đất nước.

* Khái quát một số danh thắng

Tính đến hết năm 2010 Việt Nam được UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới đó là Châu thổ sông Hồng, Cát Bà, Tây Nghệ An, Đồng Nai, Cù lao Chàm, Cần Giờ. Cà Mau và biển Kiên Giang

Hiện nay Việt Nam có 30 vườn quốc gia gồm Ba Bể, Bái Tử Long, Hoàng Liên, Tam Đảo, Xuân Sơn, Ba Vì, Cát Bà, Cúc Phương, Xuân Thủy, Bạch Mã, Bến En, Phong Nha-Kẻ Bàng, Pù Mát, Vũ Quang, Bidoup Núi Bà, Chư Mom Ray, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Yok Đôn, Côn Đảo, Lò Gò-Xa Mát, Mũi Cà Mau, Núi Chúa, Phú Quốc, Phước Bình, Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng.

Việt Nam có 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ. Nhiều suối có hạ tầng xây dựng khá tốt như: Suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông, Lâm Đồng; suối nước nóng Kim Bôi Hòa Bình, suối nước nóng Bình Châu Bà Rịa-Vũng Tàu, suối nước nóng Kênh Gà, Ninh Bình, suối nước nóng Quang Hanh Quảng Ninh.

Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang.

* Các di tích lịch sử văn hóa

Tính đến tháng 8/2010, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Mật độ và số lượng di tích nhiều nhất ở 11 tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ chiếm khoảng 70% di tích của Việt Nam.

Di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam được Thủ tướng chính phủ ra quyết định xếp hạng gồm: Cố đô Hoa Lư, Di tích Pác Bó, Dinh Độc Lập, Hoàng thành Thăng Long, Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Khu di tích ATK Thái Nguyên, Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích

khởi nghĩa Yên Thế, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Khu di tích Tân Trào, Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng, Nhà tù Côn Đảo, Quần thể di tích Cố đô Huế, Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vịnh Hạ Long, Đô thị cổ Hội An và Đền Hùng. Tới năm 2011, có 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tại Việt Nam bao gồm: Thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Phố Cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việt Nam có 117 bảo tàng trong đó các bộ, ngành quản lý 38, các địa phương quản lý 79. Hai bảo tàng lịch sử mang tính quốc gia là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện đang đề xuất thêm Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

* Truyền thống văn hóa

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng. Ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lát ở Lai Châu...

1.2.1.2. Khái quát hiện trạng phát triển du lịch của Việt Nam

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh và liên tục trong nhiều năm nhưng chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng (5 triệu lượt năm 2010), tỷ trọng khách du lịch thuần túy chi trả cao và nghỉ dưỡng dài ngày còn thấp. Khách du lịch nội địa tăng lên nhanh chóng (28 triệu lượt năm 2010), khách du lịch ra nước ngoài đan g có xu hướng tăng trưởng rõ rệt.

Thu nhập du lịch ngày càng cao (96 ngàn tỉ đồng năm 2010), chiếm tỉ trọng đáng kể trong GDP. Tuy nhiên so với tiềm năng và quy mô phát triển thì thu nhập du lịch chưa cân xứng, thể hiện hiệu quả kinh doanh thấp, hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp (5,25% GDP năm 2009).

Đầu tư du lịch được đẩy mạnh, đặc biệt đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng dẫn dắt phát triển du lịch. Đầu tư của khu vực tư nhân tăng nhanh, tuy có

những đột phá năng động nhưng quy mô còn manh mún, dàn trải, tự phát và thiếu đồng bộ nên hiệu quả kinh tế không cao.

Kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia, nhiều công trình giao thông, sân bay được cải tạo và đầu tư mới, cơ sở vật chất kĩ thuật khu du lịch được đầu tư nâng cấp từng bước tạo điều kiện mở đường cho hoạt động du lịch. Tuy nhiên tính đồng bộ và tính hiện đại của hạ tầng du lịch vẫn chưa đảm bảo nhu cầu của ngành dịch vụ hiện đại này.

Hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh, chất lượng được nân lên một bước, nhiều khu du lịch, resorts, khu giải trí, khách sạn cao cấp đạt trình độ quốc tế đã hình thành nhưng còn chiếm tỉ trọng nhỏ chưa làm thay đổi diện mạo của ngành, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia đồ sộ với các thương hiệu nổi bật.

Ngành du lịch tạo ra ngày càng việc làm cho xã hội (hàng năm tạo thêm 30-40 ngàn việc làm trực tiếp). Chất lượng nhân lực du lịch qua đào tạo và kinh nghiệm thực tiễn ngày càng được nâng lên nhờ những nổ lực của ngành và hổ trợ của quốc tế trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, hệ thống cơ sở đào tạo du lịch ngày càng mở rộng và nâng cấp. Tuy nhiên mặt bằng chung của chất lượng nhân lực du lịch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về chuyên môn, tính chuyên nghiệp, kỹ năng quản lý, giao tiếp và chất lượng phục vụ du lịch.

Về sản phẩm du lịch đã có những đổi mới, phát triển đa dạng hơn nhưng chất lượng còn nghèo nàn, đơn sơ, thiếu tính độc đáo sáng tạo. Sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng có giá trị gia tăng cao còn chiếm tỉ trọng nhỏ, nhiều sản phẩm trùng lấp, suy thoái nhanh.

Thị trường du lịch từng bước đã phân khúc theo mục tiêu. Tuy nhiên công tác nghiên cứu thị trường còn nhiều yếu kém, chưa thực sự đi trước một bước. Khai thác thu hút thị trường còn dừng ở bề nổi, thụ động, chưa phân đoạn và chưa có tiêu điểm tập trung.

Công tác xúc tiến quảng bá được triển khai khá sôi động trong và ngoài nước nhưng tính chuyên nghiệp và hiệu quả chưa cao, mới dừng ở quảng bá hình ảnh

chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu. Một số địa danh du lịch được quốc tế biết đến như Hạ Long, Sapa, Hà Nội, Huế, Hội An, Đà Lạt, Sài Gòn...nhưng sự khắc họa hình ảnh du lịch ở những nơi đây vẫn chưa đậm nét.

Công tác quản lí nhà nước về du lịch đần được đổi mới, hệ thống luật pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành ngày càng hoàn thiện chặt chẽ và áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của ngành còn nhiều thay đổi, hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao, còn chồng chéo trong việc quản lý. Công tác quy hoạch phát triển du lịch cả nước đã đi vào thực tiễn, hầu hết các địa phương đều có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đây là một lợi thế đẩy nhanh sự phát triển ngành ở địa phương, tuy nhiên công tác thực hiện quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa được như mong muốn.

Việc khai thác tài nguyên du lịch không ngừng được mở rộng nhưng do thiếu kinh nghiệm và chưa có tầm nhìn dài hạn nên kém hiệu quả và bền vững, các di tích, di sản đã phát huy giá trị phục vụ du lịch nhưng sự chủ động khai thác liên kết một cách liên hoàn chưa cao, công tác bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường đã được chú trọng nhưng hiệu quả thực thi thấp, ô nhiểm môi trường vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Vấn đề vệ sinh, trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội...vẫn còn tồn tại nhiều bất cập cần giải quyết.

Nhận thức về du lịch đã có bước tiến bộ và cải thiện nhất định, nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, các thủ tục thông thoáng hơn. Tuy nhiên, do xuất phát điểm còn thấp, phát triển du lịch bền vững còn là vấn đề mới nên mặt bằng chung về nhận thức du lịch vẫn còn khoảng cách khá xa so với yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới.

1.2.2. Khái quát về vùng du lịch Đồng Bằng Sông Cửu Long

1.2.2.1. Khái quát tiềm năng du lịch của vùng Đồng bằng sông cửu long

Nằm ở cực Nam Tổ quốc, ĐBSCL nằm giữa biển Đông, Vịnh Thái Lan, miền Đông Nam Bộ và Campuchia.

ĐBSCL nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á và Đông Á cũng như Châu Úc và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương. Vị trí này hết sức quan trọng trong giao thương quốc tế và phát triển du lịch.

Nhìn chung ĐBSCL có địa hình tương đối bằng phẳng, ngoài trừ một số núi thấp ở phía Tây thuộc tỉnh An Giang và Kiên Giang. Vùng có một số đảo ven bờ, nhưng phần lớn là đảo nhỏ, ngoài trừ đảo Phú Quốc có diện tích lên tới 600km2 - là đảo lớn nhất Việt Nam. Được hình thành bởi một trong những con sông lớn nhất thế giới, lại có địa hình bằng phẳng, nên lãnh thổ ĐBSCL bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt. Đây chính là phương thức vận tải truyền thống đặc sắc của vùng, và cũng là yếu tố thu hút du lịch nổi bật.

Khí hậu ĐBSCL ấm áp, ôn hòa, hầu như không có bão, giông hoặc các điều kiện thời tiết bất lợi. Với điều kiện thời tiết thuận hòa, đất đai trù phú đây là vùng sản xuất lúa gạo và cây trái lớn nhất của nước ta.

Về mặt sinh thái du lịch tự nhiên, Vùng ĐBSCL có thể được chia thành một số khu vực có nhiều điểm chung là:

+ Vùng sông nước, miệt vườn: chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Đây là khu vực tập trung nhiều vườn cây ăn trái có chất lượng và giá trị cao nhất của ĐBSCL.

+ Vùng Đồng Tháp Mười: bao gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An và một phần phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một hệ sinh thái điển hình của ĐBSCL, với nhiều sân chim, vườn cò, đặc biệt là Sếu đầu đỏ, một loài chim hiếm trong sách Đỏ quốc tế.

+ Vùng trung tâm vựa lúa: gồm các tỉnh thành Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang là khu vực giàu tiềm năng và đa dạng nhất của ĐBSCL, đặc

biệt vùng còn có dải núi đá vôi sót tại Hà Tiên là khu vực núi đá vôi duy nhất của miền Nam cũng như đảo Phú Quốc, được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế.

+ Vùng bán đảo Cà Mau: với mũi Cà Mau, hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên của tỉnh Cà Mau cũng như các lễ hội Khmer của Sóc Trăng.

Có thể nói vùng ĐBSCL là vùng có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, phù hợp để phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Trước hết phải nhắc tới sông nước, miệt vườn, vì đây chính là hình ảnh, là ấn tượng của đồng bằng sông Cửu Long với cả nước cũng như trên thế giới. Nhiều làng cây ăn trái đặc sắc đã trở thành những điểm đến hấp dẫn du lịch tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long, đặc biệt là trên các cồn, cù lao trên sông Mekong.

Tài nguyên du lịch sinh thái của vùng tuy không đa dạng, nhưng cũng đặc sắc, có giá trị khai thác du lịch cao, đó là hệ sinh thái đất ngập nước nội địa tại vùng Đồng Tháp Mười, hệ sinh thái rừng tràm nước lợ tại Cà Mau, rừng dầu Phú Quốc... Đồng bằng sông Cửu Long còn nổi tiếng có nhiều sân chim, vườn cò trải từ Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang tới Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây cũng là những điểm tham quan thú vị, độc đáo của vùng. [7]

Mặc dù có bờ biển rất dài, tuy nhiên do ảnh hưởng của nhiều cửa sông lớn, nhiều phù sa, nên nhìn chung chất lượng nước biển và bãi tắm của ĐBSCL không cao. Đa số các bãi biển trên đất liền của vùng như Tân Thành (Tiền Giang), Thới Thuận (Bến Tre), Ba Động (Trà Vinh), Khai Long (Cà Mau) có chất lượng thấp, chỉ phù hợp cho khai thác các nhà hàng hải sản và khách du lịch nội tỉnh. Các bãi biển của tỉnh Kiên Giang có chật lượng cao hơn nhiều, tập trung ở Hà Tiên, Kiên Lương và đặc biệt là Phú Quốc. Vùng biển ngoài khơi Phú Quốc còn có nhiều rạng san hô có giá trị đa dạng sinh học cao, có khả năng khai thác nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Ngoài ra còn có cỏ biển và bò biển dugong, loài động vật quí hiếm nằm trong sách Đỏ thế giới.

Không chỉ đa dạng về tài nguyên tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn của ĐBSCL còn hấp dẫn với sự giao thao của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer và Chăm trên nền đất với nhiều di chỉ khảo cổ của nền văn hóa Óc Eo. Nếu như dân tộc Kinh và Hoa sinh sống rộng khắp cả vùng thì dân tộc Khmer sinh sống tập trung nhiều nhất ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Ở An Giang có một số làng Chăm, trong đó nổi tiếng nhất là Châu Phong, Phũm Xoài, Châu Đốc.

Gắn với sông nước, một loại hình chợ độc đáo của ĐBSCL là chợ nổi, đặc biệt hấp dẫn khách du lịch. ĐBSCL có nhiều chợ nổi, tuy nhiên nổi tiếng nhất là Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ) và Phụng Hiệp (Hậu Giang). Tour đi thăm chợ nổi luôn là một trong những sản phẩm chủ đạo của du lịch ĐBSCL.

Một phần của tài liệu phát triển du lịch tỉnh vĩnh long giai đoạn 2000 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (Trang 39)