Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Một phần của tài liệu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Trang 45 - 48)

5. Kết cấu của đề tài

2.3.1.Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Xuất phát từ đặc điểm các quan hệ tài sản mà luật Dân sự điều chỉnh cũng như địa vị pháp lý các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự, những điều kiện khách quan cũng như chủ quan của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại, tính khả thi của quyết định bồi thường.... Việc giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải xuất phát từ các nguyên tắc được quy định từ Điều 4 đến Điều 12 của BLDS 2005 tại chương I “ những nguyên tác cơ bản”, vì đây là những nguyên tắc cơ bản được áp dụng chung cho toàn bộ hệ thống các văn bản thuộc lĩnh vực dân sự. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định ở Điều 605 BLSD 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

“ 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường”.

 Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.

Nguyên tắc bồi thường toàn bộ có nghĩa là khi có yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm phải căn cứ vào các điều luật tương ứng của BLDS 2005 quy định trong trường hợp cụ thể đó thiệt hại bao gồm những khoản nào và thiệt hại đã xảy ra là bao nhiêu, mức độ lỗi của các bên để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường các khoản thiệt hại tương xứng đó. Bồi thường kịp thời là bồi thường đúng lúc người bị thiệt hại đang cần để dùng vào việc hạn chế và khắc phục hậu quả, để thiệt hại có thể được bồi thường kịp thời Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Trong trường hợp cần thiết có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự.

Nguyên tắc là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, nhưng các bên có quyền thỏa thuận khác về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc “Các đương sự có quyền tự định đoạt”. Các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường cao hơn hoặc thấp hơn mức thiệt hại ; có thể thỏa thuận bồi thường bằng tiền, hiện vật hoặc bằng một công việc cụ thể ; các bên có thể thỏa thuận phương thức bồi thường là một lần hoặc nhiều lần, bồi thường trực tiếp hay qua người thứ ba. Tuy nhiên các thỏa thuận này không được trái pháp luật và đạo đức xã hội hoặc văn bản pháp luật cụ thể quy định không được thỏa thuận mà phải tuân theo một nguyên tắc bồi thường cụ thể thì các bên phải tuân theo nguyên tắc đó mà không được thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không cho phép thỏa thuận thì phải áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời.

 Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường.

Để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của Tòa án, phù hợp với điều kiện thực tế của các đương sự khoản 2 Điều 605 BLDS còn quy định : “Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại”. Người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện :

Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại ;

Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và dài lâu của họ, có nghĩa là thiệt hại xảy ra mà họ có trách nhiệm bồi thường so với hoàn cảnh kinh tế trước mắt của họ cũng như về lâu dài họ không có khả năng bồi thường được

toàn bộ hoặc phần lớn thiệt hại đó. Đây là nguyên tắc cụ thể bổ sung cho nguyên tắc trên. Quy định này rất khó áp dụng trong thực tế, vì nó chỉ mới định tính chứ chưa định lượng cụ thể việc giảm mức bồi thường, cho nên việc quyết định giảm mức bồi thường trong từng vụ cụ thể phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Mặt khác, phải xem xét mức thiệt hại là lớn hay nhỏ, nếu thiệt hại không lớn thì người gây thiệt hại với lỗi vô ý thì cũng phải bồi thường. Nhưng nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì cần xem xét giảm mức bồi thường.

Khi xem xét thiệt hại có quá lớn so với khả năng kinh tế hay không thì không chỉ nhìn vào hoàn cảnh kinh tế, thu nhập hiện tại của đương sự mà còn tính đến khả năng thu nhập về sau của đương sự.

Ví dụ : Đương sự có thu nhập hiện nay là thường xuyên thiếu ăn, nhưng họ có vườn cây ăn quả rộng một ha mới lác đác bói quả, chưa có thu nhập nhưng sau hai hoặc ba năm nữa sẽ tạo ra một nguồn thu nhập rất lớn.

 Khi mức bồi thường không còn hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Mặc dù mức bồi thường đã có hiệu lực, nhưng khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các bên có quyền thỏa thuận lại hoặc yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường. Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế có thể là sự thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội, sự biến động của giá cả mà mức bồi thường đang được thực hiện không còn phù hợp trong điều kiện đó, hoặc có sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại cho nên mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với sự thay đổi đó, hoặc có sự thay đổi về khả năng kinh tế của người gây thiệt hại.

Việc thay đổi mức bồi thường thông thường chỉ áp dụng trong trường hợp bồi thường nhiều lần theo định kỳ, nhất là các khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm hoặc tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trong thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm. Còn đối với thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì đa số các thiệt hại được bồi thường một lần nên ít có trường thay đổi mức bồi thường. Người gây thiệt hại cũng có thể yêu cầu giảm mức bồi thường khi người bị thiệt hại có thu nhập cao do sức khỏe đã hồi phục, người được nhận cấp dưỡng không cần cấp dưỡng nữa hoặc không cần cấp dưỡng toàn bộ nữa, thu nhập thực tế không đủ để bồi thường.

Đây là các nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa, cũng cố đường lối giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc áp dụng các nguyên tắc này đòi hỏi Thẩm phán phải thận trọng khi xem xét, đánh giá hoàn cảnh và khả năng kinh tế của từng người.

Một phần của tài liệu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (Trang 45 - 48)