nhà thơ Thạnh Tịnh đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần có dân liệu cũng xong”, nhân dân chính là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề. Nhưng ở đây cần có sự tác động qua lại giữa hai phía. Nếu chỉ có lòng yêu nước của nhân dân thôi thì chưa đủ, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ huy của chính quyền, định hướng cho lòng yêu nước đó đi theo một con đường thích hợp thì mới trở thành một “làn sóng” thực sự đủ mạnh được. Để làm được điều đó giai cấp cầm quyền cũng phải là những con người yêu nước, thương dân, hòa mình vào tinh thần yêu nước của nhân dân. Có nhiều lần giai cấp cầm quyền không hoàn thành được bổn phận quan trọng đó của mình, cũng chính lúc đó, hoặc vương triều sẽ bị sụy đổ và được thay thế bằng một vương triều khác, hoặc là đất nước sẽ rơi vào bàn tay của giặc ngoại xâm. Ở đây chúng tôi xin được phép phân tích những giai đoạn lịch sử tiêu biểu nhất để thấy được vai trò to lớn trong sự gặp gỡ giữa chính quyền và nhân dân trong một điểm tụ lớn nhất – lòng yêu nước.
Như đã trình bày ở phần trước, trong giai đoạn buổi đầu dựng nước, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu về lòng yêu nước của cha ông qua những câu truyện thần thoại. Nổi bật trong bốn truyện đứng đầu là truyện Thánh Gióng. Trong truyện, khi đất nước đối diện với giặc Ân xâm lược, chính triều đình đã cho người đi vào trong các làng xã để tìm người cứu nước, một sự gặp gỡ kỳ diệu giữa nhà cầm quyền và Gióng đã đưa đất nước thoát khỏi nạn ngoại xâm. Ở đây có sự phối hợp từ cả hai phía, Gióng – đại diện cho quần chúng nhân dân, sẵn sàng ra trận đánh giặc, còn triều đình – người lãnh đạo có nhiệm vụ cung cấp những vũ khí cần thiết cho việc đánh giặc bao gồm áo giáp, ngựa, roi sắt,… Như vậy từ buổi sơ khai, sự hòa hợp trong tinh thần yêu nước đã đem lại thắng lợi to lớn cho công cuộc bảo vệ non sông, đất nước của dân tộc Việt Nam ta.
Sang thời Bắc thuộc, lòng yêu nước được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân. Trong các cuộc khởi nghĩa đó, theo sử sách ghi lại đều có sự cộng tác giữa những người lãnh đạo với các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Chẳng hạn trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, hai người phụ nữ tài ba này đã “tụ họp được người các bộ, hăng hái dấy quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận
huyện hưởng ứng”39. Về cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, sử sách có chép như sau: “Năm Mậu Thìn (248) (…) Bà Triệu Ẩu, người quận Cửu Chân, họp dân chúng đánh phá các quận huyện”40. Khi cất binh khởi nghĩa bà đã “họp quân trong núi, đánh phá các thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay…”41. Về cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan, các sử gia cũng ghi lại: “Mai Hắc Đế, nổi lên từ châu Hoan, căm giận chính lệnh tàn ngược của Sở khách, cất quân tiến đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”42. Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự tàn ngược của chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu”43. Hay việc chính quyền họ Khúc được thiết lập thay cho tiết độ sứ người Trung Hoa năm 905, “Khúc Tiên Chúa [Thừa Dụ] mấy đời là hào tộc, mạnh sáng trí lược, nhân nhà Đường mất, lòng người yêu mến, suy tôn làm chúa, dựng đô ở La Thành, dân yên nước trị, công đức truyền mãi…”44. Như vậy chỉ cần dẫn ra một số ghi chép trong sử sách về các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta thời Bắc thuộc, chúng ta hoàn toàn có thể nhân thấy sự gắn kết giữa những người lãnh đạo và nhân dân. Tinh thần yêu nước của nhân dân đã được khơi dậy từ những sự kêu gọi của những người tài ba, ngược lại tinh thần đó lại cùng đồng hành với giới lãnh đạo trong việc giành lại chính quyền, mặc dù những nỗ lực đó đa số đều bị dập tắt bới chính quyền đô hộ.
Sự gặp gỡ trong tinh thần yêu nước giữa chính quyền và nhân dân, trong giai đoạn độc lập tự chủ từ thế kỉ X trở đi, được thể hiện rất rõ nét qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Là chiến thắng của Lê Hoàn chống quân Tống năm 981, chiến thắng của nhà Lý chống quân Tống năm 1077, ba lần chiến thắng của nhà Trần trước