II. Các khoản đầu tư
1. Tình hình baothanh toán tại tại VIB và một số ngân hàng thương mại khác
1.1. Về bao thanh toán nội địa
Đối với ngân hàng VIB
Trong xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới như hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp thì Ngân hàng VIB đã là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ bao thanh toán nội địa. Không dừng lại ở đó, VIB tiếp tục tăng cường những tính năng và tiện ích mới cho dịch vụ Bao thanh toán nội địa nhằm mang đến giải pháp tài chính tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đặc điểm nổi bật của dịch vụ bao thanh toán nội địa mà VIB cung cấp là không cần có tài sản đảm bảo khi bên mua hàng có thể đáp ứng được các điều kiện theo quy định của VIB. Điều này cũng chính là tính hấp dẫn của dịch vụ bao thanh toán do VIB cung cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thường gặp vấn đề khó khăn về tài sản đảm bảo.
“...Sau hơn 5 năm triển khai và cung cấp dịch vụ bao thanh toán nội địa cho các doanh nghiệp, VIB đã cung cấp dịch vụ bao thanh toán cho hơn 300 doanh nghiệp và đã đáp ứng nhu cầu về vốn với giá trị hơn hai nghìn tỷ đồng…”
(Nguồn: Trích “Báo cáo thường niên năm 2010 của ngân hàng VIB”).
Đối với ngân hàng Eximbank
Nhận thức được sự tiện ích mang lại từ hoạt động bao thanh toán, ngân hàng Eximbank đã chính thức triển khai dịch vụ bao thanh toán nội địa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang cần vốn, hạn chế rủi ro, giảm chi phí quản lý...
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dịch vụ bao thanh toán, ngân hàng Eximbank đã yêu cầu các khách hàng phải cung cấp tài sản đảm bảo cho việc thực hiện giao dịch của mình. Chính điều này đã phần nào hạn chế số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ bao thanh toán nội địa của Eximbank so với VIB. (xem Hình 1: Lợi nhuận hoạt động bao thanh toán nội địa của VIB và một số ngân hàng khác).
Đối với ngân hàng Agribank
Xuất hiện vào khoảng đầu năm 2006 nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu bao thanh toán nội địa của Agribank là thấp nhất so với hai ngân hàng VIB và Eximbank.
Điều này là do những quy định khá khắt khe về việc áp dụng tài sản đảm bảo cho loại hình này. Agribank yêu cầu khách hàng phải thực hiện một trong các hình thức bảo đảm cho hoạt động bao thanh toán nội địa như: ký quỹ, cầm cố, thế chấp tài sản, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba, v.v…
Ngoài ra, khi khách hàng muốn sử dụng dịch vụ bao thanh toán nội địa thì phải thỏa mãn các yêu cầu về uy tín tín dụng của Agribank như: “…có tín nhiệm được xếp loại A theo quy định của Agribank hoặc có lãi 02 năm liền kề (đối với quan hệ lần đầu) …”
(Nguồn: Trích “Điều kiện bao thanh toán của ngân hàng Agribank” http://agribankanphu.com.vn/vn/business/details/dich-vu-bao-thanh-toan-11.html).
Rõ ràng, việc quy định như vậy thật sự là rào cản quá lớn cho các doanh nghiệp khi tiếp cận với loại hình dịch vụ bao thanh toán nội địa tại Agribank. Mặc dù vậy, Agribank lại là đơn vị duy nhất trong ba ngân hàng nhóm chọn để phân tích cung cấp cả hai phương thức bao thanh toán là có truy đòi và miễn truy đòi. Chính điểm tích cực này đã giúp cho lợi nhuận từ hoạt động bao thanh toán nội địa của Agribank mặc dù là thấp nhất so với VIB và Eximbank nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của mình (xem Hình 1: Lợi nhuận hoạt động bao thanh toán nội địa của VIB và một số ngân hàng khác).
Đánh giá chung về hoạt động bao thanh toán nội địa
Để có cái nhìn cụ thể về lợi nhuận kiếm được cũng như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thu về từ hoạt động bao thanh toán nội địa của ba ngân hàng, chúng ta hãy xem xét biểu đồ sau:
Hình 1: Lợi nhuận hoạt động bao thanh toán nội địa của VIB và một số ngân hàng khác
(Nguồn: Trích từ “Báo cáo thường niên” qua 3 năm của 3 ngân hàng). Dựa vào biểu đồ này, chúng ta dễ dàng nhận thấy trong ba ngân hàng thì VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất. Điều này cũng là do chính sách thực hiện triển khai hoạt động bao thanh toán nội địa của VIB được đánh giá là thông thoáng và điều kiện thuận để cho các doanh nghiệp có nhu cầu về tài trợ vốn có thể dễ dàng tiếp cận.
Rõ ràng, việc áp đặt những quy định không quá khắt khe mà vẫn tuân thủ đúng những thủ tục cần thiết sẽ tạo tiền đề cho hoạt động bao thanh toán ngày càng trở nên phát triển.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, trong biểu đồ trên thì cả ba ngân hàng tuy có mức tăng lợi nhuận từ hoạt động bao thanh toán nội địa là khác nhau nhưng nhìn chung qua ba năm, không có ngân hàng nào có giai đoạn bị sụt giảm lợi nhuận thu được từ hoạt động bao thanh toán nội địa. Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng cho hoạt động bao thanh toán nội địa bởi lẽ nó nói lên được nhu cầu sử dụng bao thanh toán nội địa của doanh nghiệp hiện đang khá lớn và khả năng loại hình bao thanh toán này vẫn còn phát triển là rất lớn.
1.2. Về bao thanh toán quốc tế
Hiện nay, trong ba ngân hàng trên thì duy nhất chỉ có Eximbank là đã cung cấp dịch vụ bao thanh toán quốc tế nhưng những số liệu cụ thể về doanh thu vẫn chưa có vì Eximbank chỉ mới cung cấp dịch vụ này từ cuối năm 2011.
Thực trạng trên cũng đã phần nào nói lên được các ngân hàng hiện rất hạn chế trong việc đưa loại hình bao thanh toán quốc tế đi vào hoạt động mặc dù nước ta vẫn đang trên đà phát triển và hội nhập một cách mạnh mẽ với nền kinh tế thế giời thì lẽ ra một công cụ tài trợ cho xuất khẩu vốn mang nhiều điểm ưu việt như bao thanh toán quốc tế phải rất phát triển mới đúng.
Đây cũng chính là một trong những lý do vì sao nhóm lại chú trọng đến giải pháp pháp phát triển loại hình bao thanh toán quốc tế ở chương sau.
Phần tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về quy trình chi tiết thực hiện bao thanh toán tại ba ngân hàng trên để có những đánh giá cụ thể.