Cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ CNH HĐH tại Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (Trang 27 - 28)

Bù Đăng là một huyện miền núi mới đựơc tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Tuy rằng trong những năm gần đây cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật của huyện đã được đầu tư và phát triển để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân nhưng vẫn còn rất nhiều yếu kém cần có biện pháp khắc phục nhanh chóng.

Về giao thông vận tải, mạng lưới giao thông đã và đang được nâng cấp, mở rộng, làm mới, nhu cầu đi lại vận chuyển giao lưu kinh tế của nhân dân đã dần dần được cải thiện từng bước. Tổng chiều dài các tuyến đường trong huyện là 670 km, trong đó đường nhựa là 212 km chiếm 32,7%; đường cấp khối và đường đất đỏ là 464 km, chiếm 67,3%. Huyện đã có bến xe khách tại Thị trấn Đức Phong để phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân. Nhưng

bến xe chưa được đầu tư đồng bộ về bãi đậu xe, nhà chờ và hệ thống cấp thoát nước nên chất lương của bến kém và chất lượng phục vụ cũng chưa đảm bảo.

Về thủy lợi, toàn huyện hiện có 8 công trình hồ chứa nước, đập dâng lớn, nhỏ. Nhưng do địa hình dốc, bị chia cắt nhiều nên hiệu quả cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất của các công trình còn thấp. Theo thiết kế thì các công trình thủy lợi này sẽ phục vụ nước tưới cho khoảng 900 ha đất nông nghiệp, nhưng trong thực tế chỉ có thể phục vụ được khoảng 458 ha tức là chỉ mơi đạt 50,8% công suất thiết kế. Ngoài ra còn có các đập nhỏ theo mùa vụ, hệ thống kênh tưới với chiều dài 2,2 km. Như vậy diện tích đất nông nghiệp được phục vụ nước tưới là rất nhỏ, không đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là vào các tháng mùa khô trời nắng liên tục trong thời gian dài.

Về mạng lưới điện, mạng lưới điện của huyện là mạng lưới điện trung thế, mới được xây dựng gần đây nên chất lượng khá đảm bảo. Hệ thống mạng lưới điện trung thế được kéo vào đến trung tâm của100% xã, thị trấn và các cơ quan, ngành, khu vực quan trọng trên địa bàn huyện.

Về thông tin liên lạc, hiện tại huyện đã có bưu điện trung tâm đặt tại thị trấn Đức Phong, ngoài ra còn có 10 điểm bưu điện tại các xã, số điện thọai cố định của huyện đã lên trên 3000 máy; các mạng điện thoại di động đã phủ sóng hầu khắp các xã, thị trấn kể cả vùng sâu, vùng xa nhât, tỷ lệ người dùng điện thoại di động của huyện là rất lớn. Nhìn chung, thông tin liên lạc bảo đảm thông suốt phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của huyện.

Một phần của tài liệu Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ CNH HĐH tại Huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (Trang 27 - 28)