Người lính và sự tha hóa, biến chất

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 88 - 91)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.3.Người lính và sự tha hóa, biến chất

Trong những tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975, bên cạnh hình tượng những người lính cô đơn, khoắc khoải khi trở về cuộc sống đời thường, ta còn bắt gặp hình ảnh những con người bị tha hóa, biến chất. Trong các truyện viết về chiến tranh trước 1975, người lính bao giờ cũng hiện ra trong tư thế hiên ngang, hùng dũng. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Song trong những tác phẩm sau 1975, người lính hiện ra với bức chân dung đầy đặn, nhiều chiều. Hiện ra trong các tác phẩm còn là những người lính với tư cách là con người bình thường với những sai lầm, những ham muốn, dục vọng cá nhân của bản thân. Họ - những người lính từng một thời cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước; song khi trở về thời bình, trước sự thay đổi của cuộc sống, họ trở thành những con người khác. Yếu tố kì ảo trong truyện đã góp phần bộc lộ những góc khuất ấy.

Đến với Trái tim con rắn, người đọc không khỏi ngỡ ngàng bởi những sự việc kì lạ xảy ra với nhân vật Thuật. Với suy nghĩ “người nào đã chịu nhiều gian khổ, sống chết, thì bây giờ phải được hưởng”, Thuật ra sức ăn chơi trác táng để bù đắp những gian khổ đó. Trong buổi tiệc định mệnh, ông đã tự mình nuốt vào bụng một trái tim con rắn vẫn còn đang phập phồng nhịp đập. Suốt đêm hôm đó, ông bị đau đớn bởi một con rắn chui ra từ lồng ngực. Cuối cùng, chính tay đã bóp vỡ nó ra “sự trác táng đã đi đến giới hạn cuối cùng của nó”. Sáng hôm sau, khi giải phẩu tử thi, mọi người đều rởn óc khi thấy một trái tim nhỏ xíu đã bị vỡ đôi giữa lồng ngực của ông. Cái chết của Thuật là lời cảnh báo về sự băng hoại đạo đức của một bộ phận những người từng có những cống hiến cho Tổ quốc.

Trong Con đò và người khách lạ, vì sợ chết, Khôi đã không dám nả súng vào bọn giặc khiến Đông - người bạn thân của mình trúng đạn. Anh che giấu điều

đó để thuận lợi đến với người yêu của Đông. Sau này, khi gặp lại người đồng đội ấy trong hình hài dị dạng, một lần nữa anh lại tìm cách che giấu lỗi lầm trước đây vì không muốn ảnh hưởng đến hạnh phúc của riêng mình. Chỉ trong giấc mơ, Khôi mới sống thật với chính mình, mới dám đối mặt với tội lỗi mà mình gây ra. Những lời Khôi nói trong giấc mơ “Ta có lỗi gì? Ừ, lúc đó tao đã sợ chết nên tao không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi… Phải tao có tội với mày bởi tao là kẻ hèn nhát, một tên khốn nạn đã bỏ rơi bạn bè trong lúc lâm nguy. Hãy tha thứ cho tao, Đông ơi!” thể hiện những mặc cảm tội lỗi đè nén trong lòng của kẻ gây nên lầm lỗi, song trong cuộc đời thực, anh vẫn không dám vượt qua sự hèn nhát của bản thân để thú nhận điều đó với mọi người.

Cũng bằng mô-tip giấc mơ, truyện ngắn Trừng phạt đã đưa người đọc lần vào thế giới tâm hồn với những ám ảnh tội lỗi của nhân vật Tuyển. Mỗi lần bước vào thế giới của những cơn mộng mị là mỗi lần ông Tuyển đối diện với sự phán quyết của chính lương tâm mình. Những giấc mơ đã đưa ông Tuyển ngược dòng thời gian quay về những năm tháng xa xưa để ngẫm lại bao thay đổi trong cuộc đời mình. Sau chiến tranh, trở về với vô số bằng khen, giấy khen về những thành tích đã đóng góp cho Tổ quốc, ông nghiễm nhiên được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được cất nhắc nhiều chức vị quan trọng. Địa vị, tiền tài, vật chất là những chất xúc tác nguy hiểm khiến người ta dễ bị cám dỗ và sa ngã vào vũng lầy tội ác lúc nào không hay. Ông đã nhanh chóng biến chất thành một con người nhẫn tâm và đê tiện, sẵn sàng ra tay hãm hại ai nghịch ý mình. Ông mất nhân tính đến nỗi ra tay cưỡng hiếp Thanh - là con của một người đồng đội thân thiết năm xưa. Bao nhiêu điều tội lỗi chỉ vỡ òa trước lời kết tội đanh thép của Thanh. Chính những lời kết tội này đã không ngừng ám ảnh ông, khiến tâm hồn ông không thể nào thanh thản với những tội lỗi đã gây nên. Sự trừng phạt về pháp luật đôi khi con người có thể thoát khỏi, nhưng sự trừng phạt trong tâm hồn có lẽ khó khăn lắm mới có thể vượt qua. Giấc mơ – đó chính là lời sám hối chân thành trong chính trái tim ông Tuyển, trái

tim của một người lính còn sót lại chút lương tâm con người. Giấc mơ – đó cũng chính là sự trừng phạt đích đáng nhất mà ông phải gánh lấy để bù đắp những tội lỗi đã gây ra.

 Tuy số lượng không nhiều, song các truyện này vẫn để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Những tác phẩm là lời cảnh tỉnh sâu sắc đến một bộ phận không nhỏ những người lính trước sự cám dỗ của thế lực và đồng tiền. Đó cũng là lời nhắc nhở đến xã hội: cần cảnh giác, và loại trừ những mầm mống xấu xa làm ảnh hưởng đến hình tượng đẹp đẽ, thiêng liêng của những người chiến sĩ trong lòng mọi người. Đặc biệt, bằng mô-tip giấc mơ, các tác giả đã đưa người đọc khám phá thế giới tâm tư của những người lính, những dằn xé bên trong tâm hồn bởi những sai lầm nghiêm trọng mà họ đã gây nên.

Chương 3: Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 88 - 91)