Loại nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 61 - 63)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.1.3. Loại nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích

Nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975. Bước vào thế giới của những câu chuyện này, trước mắt người đọc không chỉ là không khí chiến trường với những anh lính cụ Hồ kiên cường dũng cảm, những cô thanh niên xung phong anh hùng quả cảm, mà bước vào đó, người còn có cảm giác như lạc bước vào một thế giới của những câu chuyện thần tiên với những nhân vật hư ảo có phép thần nhiệm màu giúp con người chết đi sống lại.

Đó là ông già “râu tóc bạc phơ” giống như ông tiên trong truyện cổ tích đã cho người lính chiếc lá thần kì giúp linh hồn anh không bị tan ra khi trở về thăm lại người thân (Bến trần gian- Lưu Sơn Minh). Hay như Bạch Điệp trong Bướm trắng. Bị trúng hai quả rốc-két trong lúc làm nhiệm vụ, Bạch Điệp chết với thân xác không còn nguyên vẹn. Nhưng, sau đó cô đã hóa thân thành bướm để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình - dẫn các đoàn xe qua những đoạn đường nguy hiểm. Con bướm trắng ấy cũng đã hóa thân thành người trong lần gặp gỡ với Xuân Sinh. Xuân Sinh đã dùng “những sợi máu đỏ lấy từ tim” mình để vá lại “những mẩu thi thể bị chiến tranh xé nát” của Bạch Điệp.

Nếu ví Bướm trắng là câu chuyện cổ tích thần kì mà ở đó nhờ phép nhiệm màu, nhân vật chết đi sống lại, vượt qua thử thách để hoàn thành nguyện ước của mình, thì Hồn trinh nữ của Võ Thị Hảo lại là một câu chuyện cổ tích thế sự về cuộc đời của những người chinh phụ hóa đá chờ chồng. Người con gái trong truyện tuy đã may mắn hơn bà và mẹ mình vì cuối cùng sự chờ đợi của nàng đã được bù đắp, nhưng Thần hạnh phúc đã không mỉm cười với nàng. Người con trai mà nàng chờ đợi bao năm đã trở về và một hôn lễ long trọng được cử hành. Tuy nhiên đó không phải là hạnh phúc mà nàng mong chờ bởi: chiến tranh và giết chóc đã biến người con trai ngày xưa trở thành người đàn ông không biết cười, với cái nhìn lạnh lẽo như Thần Chết. Điều đó khiến cô khiếp sợ. Hạnh phúc đã vụt khỏi tầm tay ngay trong ngày hôn lễ. Chàng trai bỏ đi. Nàng trinh nữ sống âm thầm như cái bóng “hễ nghe có tiếng chân hay tiếng động mạnh là đưa tay lên ôm mặt”. Khi chết cô hóa thành một loài hoa lạ mà “mỗi khi có chân bước qua hay va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn lại giật mình khép lại, xuôi xuống như bàn tay ai che mặt”. Người ta gọi đó là “hoa trinh nữ”. Truyện viết tựa như một sự tích mới về loài hoa trinh nữ.

Dạng nhân vật mang màu sắc huyền thoại cũng được các tác giả sử dụng làm phong phú diện mạo của các truyện ngắn viết về chiến tranh. Ở các truyện này, có khi nhân vật được tác giả viết lại dựa trên câu chuyện thần thoại đã lưu truyền trong dân gian, có khi nhân vật đó do tác giả dựng ra nhưng mang dáng dấp của những bậc anh hùng trong các huyền thoại cổ. Trong tâm thức dân gian, Thánh Gióng là một vị thần xuống nhân gian để hoàn thành sứ mệnh đánh đuổi ngoại xâm. Thánh Gióng là biểu tượng của sự đoàn kết, sức mạnh, và lòng yêu nước của người Việt Nam. Được viết lại dựa vào truyền thuyết trên, truyện ngắn Gióng của tác giả Lê Minh Hà đã để lại ấn tượng mạnh mẽ bởi ở đây, Gióng không phải là một người dũng sĩ hiên ngang mặc áo giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt hiên ngang dũng mãnh khiến quân giặc phải khiếp sợ, mà là một đứa trẻ thơ bé bỏng thiếu tình thương mẹ cha sau khi đất nước đã không còn bóng giặc. Trở về cuộc đời

Gióng không phải là thần thánh, Gióng chỉ là một con người như bao con người bình thường khác.

Người thắng trận, nàng Đoan Trang với trái tim nhân hậu là biểu tượng của tình thương. Chỉ có cái giếng nơi nàng trẫm mình mới có thể xóa hết vết máu trên chiếc khăn, hóa giải những hận thù mà con người tự mình gây ra. Câu chuyện mang dáng dấp của những truyền thuyết xưa khiến người ta nhớ đến truyện An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy. Ngọc trai từ máu Mị Châu sẽ sáng và đẹp hơn nếu rửa ở giếng Trọng Thủy.

Người thủ lĩnh nghĩa quân trong Huyền thoại thìa gợi nhớ đến những chàng dũng sĩ hiên ngang trong những truyện thần thoại. Chỉ là một thủ lĩnh nghĩa quân bình thường, nhưng với sự kiêu hãnh, hiên ngang của một dũng tướng, “người anh hùng sa cơ” ấy khi được rửa mặt bằng dòng nước của quê hương đã trở thành một người có gương mặt đẹp nhất thế gian. Chết đi nhưng chàng đã kịp để lại cho đời “chiếc thau rửa mặt tỏa ngời ánh kim sắc trắng” - đó là chiếc gương mà ai soi vào cũng thấy “gương mặt người đẹp nhất” hiện lên. Và những kẻ xấu xa, độc ác khi soi vào chỉ thấy được những gương mặt quái thú.

 Sử dụng loại nhân vật kì ảo, các tác giả không chỉ nhằm mục đích gây sự hứng thú, tò mò nơi người đọc mà còn để chuyển tải những ý đồ nghệ thuật riêng của mình. Mỗi nhân vật khác nhau là một khoảng trời riêng bí mật mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu hết. Các nhân vật này không gây cho người đọc cảm giác sợ hãi mà khiến người đọc phải cố gắng khám phá đến tận cùng tác phẩm, phải nhập vào nhân vật để cảm nhận những ý nghĩa sâu xa hàm ẩn bên trong nội dung những câu chuyện.

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)