Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 63 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.1. Không gian nghệ thuật

Trong sáng tác văn học, không gian nghệ thuật là “một phương thức chiếm lĩnh thực tại, một hình thức thể hiện cảm xúc và khái quát tư tưởng thẩm mĩ”. [57,72] Đó là hình thức tồn tại của hình tượng nghệ thuật, là một phương tiện chiếm lĩnh đời sống, triển khai hình tượng con người trong tác phẩm. Trong văn học sau 1975, không gian nghệ thuật trong tác phẩm viết về đề tài chiến tranh được xây dựng khá đa dạng.

Xuất hiện nhiều trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 vẫn là không gian chiến trường với tiếng bom rơi, đạn nổ ác liệt, dữ dội. Đó là những đoạn đường bị sạt lở do máy bay địch bắn phá, ngăn trở những đoàn xe ra trận; một cung đường cheo leo trên núi mà cánh lái xe gọi là Cổng Trời, chỉ cần một chút sơ ý là lăn ngay xuống vực (Bướm trắng). Là những cánh rừng đại ngàn âm u ẩm ướt Nghĩa cùng đồng đội mình hành quân, đào hầm, dựng lán; là chiến địa nóng bỏng và dữ dội ở đó anh chứng kiến những cái chết anh dũng và thương tâm của những người lính “Không gian như vỡ toác và rung rung chuyển động. Cùng lúc các cỡ súng của địch thi nhau khạc đạn. Cả một vùng trời đất bị nung nóng ngùn ngụt lửa khói” (Chiều vô danh). Đó còn là không gian chiến trận với những tiếng nổ chát chúa, những quầng lửa rừng rực và khói đen cuồn cuộn càng khép chặt con người vào vòng vây sinh tử đầy hiểm nguy “chỉ thấy nhoằng một lằn chớp xanh lét, khóm lồ ô ken sít dầy đặc đã bị phát gọn ghẽ tầng trên… pháo giàn cực nhanh 175 li từ Phước Long bắn tọa độ. Không nghe thấy tiếng đề pa. Mặt đất run bần bật. Thoáng chốc cả vạt rừng mịt mù chìm trong khói” [43, 18,]. Trong Cỏ lau- Nguyễn Minh Châu, người đọc bắt gặp một căn hầm dã chiến trong hồi ức của Lực- người phó chính ủy trung đoàn năm xưa. Một căn hầm nhỏ đang rung bần bật bởi những loạt bom nổ bên ngoài. Trong không gian đầy sự căng thẳng đó, người phó chính ủy trung đoàn vì một phút tự ái cá nhân đã chỉ thị Phi (cậu liên lạc mới bổ sung đã có những ý kiến khá trúng về trận tập kích thất bại của anh) phải vượt qua làn pháo tăng dày đặc lên dinh tỉnh trưởng. Vừa lao ra khỏi hầm, người lính ấy

đã gục ngã. Con người và sự sống trở nên bé nhỏ và mỏng tang như một làn khói trước không gian đối lập to lớn và đầy bất trắc.

Trong các trang viết, người đọc không chỉ bắt gặp khung cảnh chiến trường vang rền tiếng súng, mà còn có thể tìm thấy những không gian mang vẻ đẹp hiền hòa, lãng mạn nơi chiến trường. Đó là bờ suối Nậm Bu hiền hòa, thơ mộng lúc sương vừa tan. Dọc theo đó là những cây đỗ quyên nở hoa đỏ rực. Dòng suối xanh mát rượi là nơi Mùi thỏa sức đắm mình vào những lúc tiếng súng tạm ngưng (Truyền thuyết về quán Tiên), Là dòng suối cạnh kho quân lương, nước trong vắt, thấy cả ánh vàng dưới đáy, nơi người phụ nữ trong Họ đã trở thành đàn ông tìm đến tắm vào những buổi sáng tinh mơ. Song những không gian này xuất hiện khá ít trong các tác phẩm. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau này, nhiều tác giả đã tạo nên một không khí chiến trường u ám, ma quái đầy rẫy sự chết chóc. Ở truyện ngắn Tiếng chuông trôi trên sông, không gian chiến trường hiện lên là dãy rừng Trường Sơn âm u với những cánh võng được mắc vội, và đó sẽ là nấm mộ của những người chiến sĩ chẳng may bị cơn sốt rét rừng quật ngã trên chặng đường hành quân. Đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, không khó để tìm thấy không gian chiến trường rợn mùi tử khí. Một Truông Gọi Hồn âm u, đầy những oan hồn tử sĩ. Nơi diễn ra không biết bao nhiêu trận đấu ác liệt để rồi sau đó để lại nơi đây là những xác người lềnh bềnh trên mặt nước màu nâu thẫm, nổi váng đỏ lòm. Một Đông Sa Thầy, nơi Kiên chứng kiến cái chết kinh hoàng, dữ dội của người đồng đội. Và nơi đây, mãi về sau này vẫn còn vang vọng tiếng cười đau đớn, cuồng loạn, nức nở ma quái của người chiến sĩ khi chết. Trong Người sót lại của rừng cười, không gian chiến trường ở đây là một kho quân nhu giữa cánh rừng Trường Sơn đại ngàn, nơi mà những khe nước màu xanh đen thớ lợ đã vặt trụi tóc của những cô gái, khiến họ trở thành những người vượn lõa thể với cái cười méo mó, man dại đáng thương. Hoặc đó là một đơn vị đóng quân, nơi những người chiến sĩ vừa thoáng vui mừng vì ngỡ được đón nhận những giọt sương ban mai “li ti rơi

xuống ướt đẫm cả áo”, đã chợt bàng hoàng bởi nhận ra rằng “mình vừa dầm mình trong màn phun chất độc hóa học” (Dây neo trần gian).

Thế nhưng, đó chưa phải là không gian chủ yếu được nói đến trong các tác phẩm này. Điểm đáng ghi nhận của văn học sau 1975 là việc đi sâu vào số phận con người trong chiến tranh, những ưu tư, trăn trở của con người về một thời lửa đạn. Vì thế, không gian nghệ thuật được nhắc đến trong tác phẩm còn là không gian riêng tư của những cá nhân: một không gian của đời sống thực và một không gian trong tâm tưởng với những giấc mơ, những điều mộng tưởng. Không gian của đời sống thực thu vào những căn phòng nhỏ bé, chật hẹp giam hãm cuộc đời con người trong nỗi trống vắng, buồn tủi và cách biệt với cuộc sống xung quanh. Cuộc sống của Tuân (Những giấc mơ có thực) thu vào trong căn hộ tám mét vuông ở cuối dãy nhà cấp bốn vắng người qua lại, và chốn tựa nương của Hai người đàn bà xóm Trại

là căn nhà nhỏ duy nhất giữa triền bãi rộng chạy ven đê làng Chùa. Sự giao tiếp của họ với cuộc sống rộng mở, tươi vui và đầy sinh khí ngoài căn phòng nhỏ hết sức hạn hữu. Với Tuân, người duy nhất đến với cô là Phương, người đồng đội năm xưa nhưng Phương cũng không thể hiểu được những đau khổ dằn vặt mà Tuân đang phải trải qua. Còn Hai người đàn bà xóm Trại, “họ vẫn ở lại ngoài bãi sông, mặc dù gia đình khác đã dọn vào làng theo quy hoạch của chính quyền xã và để tránh những năm nước sông lên to. Có một điều gì đó thiêng liêng và đau khổ đã gắn chặt họ với ngôi nhà nhỏ và bến sông”. Trong căn phòng ngủ nhỏ bé, chị Bưởi (Vùng sáng của kí ức) sống khép mình với hình ảnh người chồng quá cố. Chị luôn tin rằng, mỗi đêm anh đều về cạnh chị, chia sẻ cùng chị những buồn vui, đau khổ trong cuộc đời. Các nhân vật trong truyện đều không tìm được mối dây liên hệ với cuộc đời, họ chỉ biết gói chặt đời mình trong những căn phòng chật hẹp, nơi đó họ chìm đắm trong những gì xưa cũ, phiêu diêu trong những kỉ niệm không thể mờ phai và lắng nghe những mất mát, khổ đau không gì có thể bù lấp được. Có thể nói tuy không gian nhỏ nhưng các nhà văn đã có thể dùng nó để mở ra một vùng rộng của nội tâm con người sau chiến tranh.

Cùng với không gian rất thực đó còn là không gian mộng ảo, không gian trong tâm tưởng có thể soi tỏ cõi tâm linh sâu thẳm của con người. Đó là không gian của một vạt cỏ xanh ven rừng Trường Sơn, một vùng rừng đẹp đẽ và linh thiêng, nơi ấp ủ trái tim Quỳ- cô thanh niên xung phong năm xưa và là người đàn bà mắc bệnh mộng du hôm nay (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành). Trong những cơn mộng du, trên chuyến tàu tốc hành trong tâm tưởng, Quỳ vẫn thường xuyên trở lại vùng rừng ấy, “chị nhẹ nhàng lật lên một vuông cỏ. Chị sẽ cầm lấy trái tim vẫn còn hồng hào của mình lên ngắm nghía rồi để lại như cũ”. Đó còn là không gian chứa những giấc mơ không bao giờ là hiện thực trong Hai người đàn bà xóm Trại Những giấc mơ có thực. Không gian trong giấc mơ của Mùi (Truyền thuyết về quán Tiên) là vùng quê yên bình của cô, nơi có con sông La, bên bờ sông là mái nhà ngói xinh xắn, dọc lối ngõ vào là hai bờ chè mạn hảo xén tày ngăn ngắt. Nơi đó có Hân, người chồng mới cưới của cô với nụ cười rạng rỡ và vòng tay thô bạo làm Mùi tức thở trong niềm rạo rực để mê. Cô thỏa sức đắm mình trong niềm vui sướng mãn nguyện. Nhưng tất cả chỉ là một giấc mơ, điều đó không thể trở thành sự thật khi chiến tranh ác liệt đang diễn ra hằng ngày. Đọc Họ đã trở thành đàn ông, theo giấc mơ của nhân vật, ta trôi vào một khoảng không gian bao la. Ta theo người phụ nữ ấy từ nơi chiến trường vang rền tiếng bom trôi đến Điện Biên, nơi người bố đã hi sinh khi chị chưa một lần được gặp mặt. Rồi theo chị trở về công viên khu phố, và điểm dừng cuối cùng của chị là một góc nơi sân thượng. Giữa tiếng coi hú báo động cấp ba, chị và anh vẫn ôm xiết nhau trong vòng tay như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Mặc kệ, anh muốn truyền hết tình yêu rạo rực trong mình sang chị. Trong Cỏ lau- Nguyễn Minh Châu, một không gian thực ảo đan xen trong buổi lễ truy điệu Phi. Lực nhìn thấy Huệ (người yêu Phi), vừa nhìn thấy Phi đang đứng trước mặt mình, Phi lao ra khỏi hầm và ngã xuống dưới làn đạn dày đặc. Lực đã kể lại một cách thật thà lý do vì sao anh đã giết chết một con người. Trong giây phút ấy, Lực cảm thấy hai bên má bỏng rát, mắt đổ hoa. Huệ nhảy bổ vào anh như một con thú đầy giận dữ, vừa tát vừa nguyền rủa: “thế mà tôi cứ nhầm ông là người tốt! Hóa ra mày là kẻ giết người!”. Những người xung quanh đều thản nhiên

đứng nhìn cảnh tượng ấy xảy ra. Tuy nhiên tất cả những điều kinh khủng ấy chỉ xảy ra trong tâm tưởng Lực và chỉ mình anh biết. Thực tại, anh vẫn đang đứng giữa buổi lễ truy điệu trang nghiêm. Anh vẫn là một người trung đoàn trưởng đáng kính trong mắt mọi người. Khi đang đứng trên triền đê nhìn xuống dòng sông xanh biếc, đột nhiên ông Tuyển (Trừng phạt) thấy mặt đất vỡ tan thành những hố sâu hoắm. Giữa dòng nước những cái đầu nhô lên, chậm chạp trôi về phía ông. Ông thấy mình cố nhắm mắt nhưng không thể nào nhắm được. Và rồi một cô gái áo đỏ đứng lơ lửng trên tầng không từ từ đi tới, thét vào mặt ông. Ông lao người xuống sông, nhưng lạ thay, dòng nước hất tung ông trở lại bờ đê. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ diễn ra trong đầu ông, người cháu đang cạnh bên không hề nhìn thấy. Những không gian mộng ảo, không gian trong tâm tưởng đó mở ra một con đường để người đọc lần bước đi vào những khúc quanh tâm trạng còn giấu kín, mà hơn hết những khúc quanh ấy giúp ta hiểu rõ bản chất của con người.

Cùng với không gian mộng ảo, không gian tâm tưởng; không gian huyền thoại, ma quái; không gian đan cài giữa cái thực và cái ảo cũng xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm văn xuôi đề tài chiến tranh sau 1975. Đó là không gian của cõi trần thế mang không khí “liêu trai” hư ảo để ma xuất hiện và người sống có thể gặp lại người chết. Một bến sông nơi trần gian nhưng mờ ảo, hư huyễn. Nơi đó hai thế giới âm dương có thể giao hòa cùng nhau và con đò sẽ là cầu nối đưa người chết trở về gặp lại người thân của mình (Bến trần gian). Nơi Cổng trời của cánh rừng Trường Sơn năm xưa (Bướm trắng), ở nấm mộ xi măng còn mới một con Bướm trắng bay lên hóa thân thành người để gặp gỡ người xưa. Một dòng sông quanh co trở nên đầy bí hiểm trong đêm tối, nơi hai cô du kích không thể nào tìm được lối ra dù ngày thường họ rất thông thuộc vùng này. Và khi đang chèo thuyền trên dòng sông, hai cô đã nhìn thấy những đốm lửa ma trơi lập lòe lúc ẩn, lúc hiện (Đốm lửa). Một góc rừng thâm u bên bờ sông Sa Thầy, nơi người ta vẫn nghe thấy tiếng cười cuồng loạn, nức nở, văng vẳng vọng ra dưới đồi 300. Tại đây, chín năm sau chiến tranh, người ta đã tận mắt chứng kiến “một bóng ma rách bươm, uyển chuyển và

huyền bí lướt ngang luồng ánh sáng rồi mất hút đi với mái tóc đen xõa dài” [40,109], hay truông Gọi Hồn hoang vu, nơi mọc đầy những bông hồng ma kì lạ, những tảng măng đỏ ròng ròng như máu, nơi những toán quân đã chết thường tụ họp lại để điểm danh vào những kì lễ lạt. Những không gian ma quái, đáng sợ khiến người đọc không khỏi sởn tóc gáy. [40, 8]

Ở một số truyện, không gian đời thường như căn phòng, hang núi, nghĩa trang cũng được nhắc đến. Trong căn phòng đêm tân hôn, người trinh nữ (Hồn trinh nữ) nhìn thấy theo sau người chồng mới cưới là một người đàn bà mặc áo đại tang. Người ấy đến để đòi lại công bằng cho chồng mình. Trong Trái tim con rắn, người đàn ông suốt đêm không thể yên giấc vì những điều quái lạ xảy ra. Ông nghe thấy những âm thanh quái dị vọng ra từ bên trong lồng ngực của mình. Trong không gian tối tăm của căn phòng, Thuật đã nhìn thấy một con rắn đang oặt qua, oặt lại giữa hai đùi mình. Sáng hôm sau, người ta nhìn thấy Thuật nằm chết cạnh chiếc giường ngay trong phòng ngủ, ngực của ông hằn lên những vết bầm do chính móng tay của ông cào cấu. Một hang núi sâu, quanh năm bị vây kín bởi đàn dơi chính là không gian tồn tại của những linh hồn chiến sĩ sau khi mất (Tàn đen đốm đỏ). Những linh hồn đó không thể rời khỏi chiếc hang tăm tối này bởi thân xác họ đang được chôn vùi tại đây. Trong không gian đó, hồn ba người chiến sĩ gắn bó, thân thiết với nhau. Cùng nhau trãi qua những chuỗi ngày vui buồn của kiếp cô hồn cho đến lúc hài cốt được đưa về quê hương. Trong Truyền thuyết về quán Tiên, người binh trạm trưởng phát hiện một chiếc hang cực kì xinh xắn. Chiếc hang đá đó đã trở thành quán Tiên, và ba cô gái được phân công bán hàng quán cho những chuyến xe ngày đêm ra tiền tuyến. Những biến cố lớn trong cuộc đời của ba cô gái đã xảy ra tại chiếc hang này.

Bên cạnh đó, nhiều tác giả đã chọn nghĩa trang làm không gian để người sống gặp lại những người đã khuất. Trong đêm khuya khoắt, một mình vật vờ đi giữa nghĩa trang, Hai Hùng gặp lại tất cả những gương mặt đồng đội thân quen đã nằm xuống vĩnh viễn dưới lòng đất lạnh. Trước mắt Hùng, những bóng ma “xuất

hiện mỗi lúc một nhiều, xếp hàng dọc, rùng rùng lay động, bóng thấp bóng cao, cái nét, cái mờ” [41,107] mang hơi thở lạnh buốt phả vào người anh. Trong thế giới vô hình và hữu hình của người chết ấy, Hai Hùng cố gắng lần tìm bóng dáng người con gái anh yêu năm nào. Trong không gian yên ắng, tĩnh mịch của nghĩa trang vào những ngày cuối năm, Nhân (Cặp bồ với ma) đã gặp một lượt tất cả những hồn ma trên đời: Ma đầu trâu mặt ngựa, ma mặt trắng bệch, ma mặt đen, ma gầy, ma trẻ con, ma mắt đỏ, ma bị cưỡng hôn, ma mặt đau đớn vì bị oan ức,… Và cũng chính tại nơi an nghỉ của những người đã chết này, Nhân đã gặp gỡ và làm quen với một cô gái ma. Không gian nơi nghĩa trang là nơi diễn ra mối tình sâu đậm giữa anh và người con gái đã chết ấy. Ở truyện ngắn Mai- Thanh Quế, người cha đã đến nghĩa trang hàng dương để tìm hài cốt của con gái mình. Rõ ràng trước mắt ông, không gian nghĩa trang giống hệt với những gì ông đã gặp trong giấc mơ mà con gái ông báo mộng hôm trước. Tuy nhiên, tại đây ông không chỉ gặp một mà là rất nhiều

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 63 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)