7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ
Trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975, ngoài mô-tip giấc mơ, người chết trở về, trong các tác phẩm, cũng thường xuất hiện những sự việc kinh dị, hoang đường, kì lạ (10/50 truyện khảo sát).
Đọc Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, ta thấy có biết bao nhiêu lạ lùng, kì bí gây cảm giác hoang mang, sợ hãi cho những ai tiếp xúc với tác phẩm. Đó là loại “hoa hồng ma” thường mọc ở nơi có nhiều tử khí có thể khiến người sử dụng rơi vào trạng thái mụ mị, có thể tự chế ra những ảo giác tùy sở thích. Hay như loài chim có tiếng khóc than như người thường chỉ kêu vào ban đêm và tuyệt nhiên không ai nhìn thấy chúng, những loại măng nhuốm màu đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu. Còn biết bao điều kì lạ khác nữa. Chẳng hạn trong một lần, Thịnh con bắn chết một con vượn rất to,nhưng khi ngã ra, cạo sạch lông, trước mắt họ hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược khiến cả bọn kinh hoàng quăng cả dao thớt mà bỏ chạy. Hoặc có khi họ tận mắt chứng kiến những quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kì nhông kéo lết; chưa hết, nhiều người trong họ đã nghe được âm thanh của những tiếng cười cuồng loạn nức nở vọng lại từ trong rừng,…
Trong Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, ba người lính đến lãnh quần trang ở kho quân nhu không khỏi kinh sợ bởi những tiếng cười man dại vọng lại từ khu rừng. Lúc gần đến chòi canh kho, một con vượn trắng từ chòi canh nhảy ra ôm ghì lấy cổ một anh lính và không ngừng cất tiếng cười. Nhưng khi một người đồng đội chạy đến giúp đỡ thì hóa ra, trước mắt anh không phải là con vượn nào cả mà là một người con gái lõa lồ. Khi các anh đến chòi canh kho, trước mắt họ là ba cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay đang dứt tóc và xé quần áo trên người mình.
Cô Mùi trong Truyền thuyết về quán tiên – Xuân Thiều, thì luôn rơi vào trạng thái bất an bởi hình ảnh một chú khỉ. Bất cứ lúc nào, chỉ cần có một mình Mùi ngoài suối thì chú khỉ đều xuất hiện với những hành động kì lạ giống hệt một người đàn ông. Nó giương đôi mắt hau háu nhìn Mùi tắm. Khi Mùi bắt gặp, thì nó lim dim đôi mắt, hai tay vòng trước ngực, mồm dẩu ra, môi chu chu như người ta hôn gió.
Ở tác phẩm Người thắng trận của Tạ Duy Anh, điều kì lạ xảy ra khi chiếc khăn đẫm máu mà vị tướng nhận được từ một cô gái dù dùng mọi cách vẫn không thể rửa sạch vết máu, thế nhưng khi vô tình đánh rơi chiếc khăn xuống giếng nước, nơi nàng Đoan Trang trẫm mình, vết máu bỗng nhiên biến mất.
Trong truyện Trái tim con rắn – Nguyễn Đông Thức, trong buổi tiệc, Thuật là người được ưu tiên uống li rượu pha trộn với máu và trái tim của rắn. Khi nhấp môi, Thuật có cảm giác dường như trái tim con rắn ấy quẫy nhẹ. Lúc cho nó vào miệng, rõ ràng nó lăn lên lưỡi của ông, tuột vào yết hầu và dường như dừng lại ở thực quản. Suốt đêm hôm đó, ông luôn nghe âm thanh Ịch ình, ịch ình, ịch ình từ lồng ngực mình dội lên đỉnh đầu rồi cứ thế bục ra. Nhìn xuống, rõ ràng ông thấy đầu con rắn oặc qua oặc lại giữa hai đùi mình. Khi đưa tay bật đèn, con rắn biến mất. Suốt đêm hôm đó, Thuật không thể ngủ được bởi những âm thanh kì lạ cứ vang lên trong lồng ngực. Bất chợt, giữa lồng ngực Thuật nổi lên một khối u nhỏ. Thật nhanh, Thuật chộp lấy nó, nghiến răng bóp mạnh. Ông cảm thấy nó đang vỡ ra bên trong lồng ngực của mình. Sáng hôm sau, khi giải phẩu tử thi, người ta thấy ngực ông tím bầm, nổi hằn lên những vệt móng tay do ông tự cào cấu. Từ lồng ngực Thuật, vị bác sĩ lấy ra một trái tim nhỏ xíu, chỉ bằng đầu ngón tay, đã bị vỡ đôi.
Trong Đốm lửa – Nguyễn Thị Minh Thúy, hai cô gái suốt đêm đi lạc trong vùng đầm lầy. Dù là người thông thuộc vùng này, nhưng không hiểu sao đêm nay, Mỹ không thể nào xác định được phương hướng. Như bị ma dẫn đường, cả buổi
tối, họ chỉ loanh hoanh tại một địa điểm. Trong lúc đó, hai cô gái thấy một đốm lửa nhỏ lúc rõ lúc mờ cứ chập chờn ẩn hiện. Dường như đốm lửa ma trơi ấy đến là để dẫn đường cho hai cô. Họ quyết định chèo xuồng đi theo đốm lửa. Có lẽ đi theo đốm lửa đó mà cuối cùng họ đã qua khỏi khúc eo lầy.
Người đàn bà đáng thương trong Vĩnh biệt mười tám con gà trống- Nguyễn Quang Lập, suốt mười tám năm dằng dặc sống trong cô đơn bởi người chồng đã hi sinh nơi chiến trường ngỡ là sẽ hạnh phúc vì đã tìm được một bờ vai để nương tựa khi gặp người hàng xóm thấu hiểu tình cảnh của mình. Thế nhưng, trong lúc hai người đang bên cạnh nhau, ngực bà che kín mặt ông thì sự việc kì lạ xảy ra. Trước mắt bà là bộ mặt của một người đàn ông khác, người đó đang đứng nhìn bà chằm chằm. Bà giật thót người và đẩy ông lăn xuống đất. Ông cũng thấy mặt người đàn ông kia, tấm ảnh chồng bà vừa tuột dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái. Vái lấy vái để, ông chạy vội về nhà. Bước xuống bậc thang, bà đột nhiên thấy lạnh sau gáy. Khi quay lại, bà thấy chồng bà đang nhìn bà, cái nhìn vừa dịu dàng, vừa hờn dỗi.
Trong truyện Kim Hà – Lê Thành Chơn, chiếc nhẫn, kỉ vật mà người lính đã hi sinh để lại cho người vợ của mình giống như có linh hồn. Khi người vợ cầm chiếc nhẫn ấy lên, cô cảm thấy dường như bàn tay của người lính ấy đang nắm lấy tay của mình. Chiếc nhẫn vốn lạnh với tất cả mọi người, nhưng kì lạ thay, với những người thân yêu của anh, nó bỗng ấm lên một cách kì lạ.
Trong Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu, người dân trong một ngôi làng đồn rằng, dạo gần đây, làng họ xuất hiện một con rắn lạ. Vết nó bò in xuống mặt ruộng to tày cột đình. Có người còn khẳng định họ thấy nó đầu quấn gốc cây bên này, đuôi quấn gốc cây bên kia, mình ép dẹp lép cái gàu sành sạch tát một cái ao lớn để bắt cá; có người khác lại kể, họ thấy đuôi nó cuốn trong làm gốc, mình dựng đứng làm thân cổ thụ, lừa thú vật và người đi ngang qua bắt ăn thịt. Một người đàn bà trong làng đêm nào cũng nghe tiếng “tọc, tọc, tọc” phát ra từ lùm cây hoang sau
nhà. Chị đem việc này kể với chồng mình. Anh này quyết rình bắn. Khoảng chín giờ tối hôm đó, những tiếng “crọc crọc” bắt đầu vang lên, dưới ánh trăng mờ, một con rắn thò đầu ra toan bò qua bụi chuối phía sau nhà. Người lính ngắm kĩ, miết cò súng. Ba tiếng nổ vang lên, người dân trong làng kéo đến. Khi đến nơi, tất cả đều sững sờ. Đó không phải là con rắn, đó là một con người – một người giống khuôn mặt quỷ.