Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 70 - 75)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.2. Thời gian nghệ thuật

Cùng với không gian, thời gian nghệ thuật cũng là phương tiện triển khai hình tượng con người một cách hiệu quả trong tác phẩm. Thời gian nghệ thuật khác với thời gian vật lý. Nó được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhân vật mà nhà văn chủ tâm xây dựng trong tác phẩm. Nó có sự thay đổi về nhịp điệu, trình tự; gắn với cảm xúc và tâm trạng nhân vật. Trong các truyện viết về chiến tranh có yếu tố kì ảo, thời gian đêm tối luôn mang đến cho người ta sự bất an. Đêm tối là thời khắc hồn ma trở về dương gian, là thời điểm xuất hiện của những giấc mơ và của bao điều lạ lùng, huyền bí khác.

Cuộc hành trình trở về quê hương của người lính trong Bến trần gian diễn ra trong một đêm tối “Anh đi đã mấy chục năm, vượt qua bao nhiêu khuôn mặt chỉ để đêm nay tới đây và gọi Đò ơi!”. Dòng sông đêm nơi anh đang đứng gắn với truyền thuyết ma gọi đò. Theo truyền thuyết thì “tiếng gọi như lời khẩn cầu tha thiết có sức hút huyền bí đến lạ lùng. Bao nhiêu cô gái đã chạy ra bến và chèo một mạch qua sông rồi lại chèo về, cứ thế cho đến sáng”. Đêm nay đây, chỉ cần vượt qua con sông này, Lăng sẽ được đoàn tụ với người thân. Và anh đã cất tiếng gọi “Đò ơi!”. Tiếng gọi đò tha thiết của Lăng dường như có tác dụng, từ bên kia sông, một con đò nhỏ đang lững lờ trôi về phía anh. Người chèo chiếc thuyền ấy không ai khác chính là Thùy- người yêu xưa của anh. Con đò của Thùy sẽ đưa Lăng vượt qua chặng đường cuối cùng, giúp anh hoàn thành tâm nguyện bao nhiêu năm của mình.

Trong truyện ngắn Cặp bồ với ma, Nhân đã gặp hồn ma của Huệ vào một đêm trăng “một đêm trăng, tôi đang ngồi đọc sách, chai rượu uống dở còn đặt trên bàn… Chợt gáy tôi sởn lên vì chút hơi gió lạnh ào qua và khi thấy phía ngoài cửa bước vào một dáng phụ nữ, mảnh mai ăn mặc giản dị”. Và từ đó, mỗi lần gặp Nhân, Huệ chỉ đến vào ban đêm “đêm thứ hai, Huệ lại đến, trong bộ quần áo tím mỏng, nhẹ nhàng”, “nàng đêm nào cũng đến, Huệ của tôi… Những đêm mưa, nàng bắt tôi kể chuyện đời”. Trong truyện cũng có nhắc đến thời khắc giao thừa, thời khắc giao nhau giữa năm cũ và năm mới, giữa cõi âm và cõi dương. Vào cái thời khắc âm thịnh dương suy, Nhân ngồi trong nhà, tự nhiên thấy gió lạnh đùng đùng.

Anh nhìn thấy ở các cửa ra vào, cửa sổ dầy đặc những bóng ma đói đang nhìn anh trừng trừng để thăm dò. Tất cả những hồn ma đó với Nhân vừa đáng sợ nhưng cũng rất đáng thương. Chết rồi nhưng vẫn chưa thoát được sự khốn khổ của kiếp người. Thời khắc giao thừa cũng được nhắc đến trong truyện ngắn Người bán nhang chùa Vĩnh Nghiêm. Trong thời điểm giao nhau giữa năm cũ và năm mới, người bộ đội đã xuất ngũ, đồng thời là người bán nhang ở chùa hiện nay đã gặp một sự việc lạ kì. Ông nhìn thấy một đứa bé có gương mặt giống hệt với một tội phạm đã bị chính tay ông xử bắn vào nhiều năm trước.

Theo quan niệm dân gian, giữa khuya luôn là thời khắc đáng sợ nhất, người ta cho rằng, đây là thời khắc người chết đội mồ sống dậy. Trong Ăn mày dĩ vãng, Hai Hùng đã gặp lại những linh hồn của đồng đội mình vào chính thời khắc ấy “trong đêm khuya khoắt rợn mình, tôi vật vờ đi giữa cái thế giới vô hình và hữu hình của người chết”, trước mắt anh hàng loạt “những hàng chữ khắc trên bia nhảy nhót, phồng lên, nở ra, dài ngoẵng thành những thân người, mặt người lạ lẫm và thân thuộc”. Tất cả những bóng ma ấy đều còn rất trẻ, họ đều đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường năm nào. Giờ đây, xuất hiện trước mắt anh chỉ là những cái bóng thấp thoáng, mờ ảo với “tiếng cười âm u, tiếng thở dài nhớt nhát, tiếng nói lạnh lẽo úp chụp, đậu lên vai, luồn vào tóc, chui cả vào ngực nhồn nhột, không mùi không vị…”[41,171].

Những giấc mơ cũng thường xuất hiện vào đêm. Ban đêm là thời gian tĩnh lặng, không ồn ào, không tiếng động. Trong bóng đêm, con người mới có thể sống trọn vẹn với chính mình. Bóng đêm cũng gợi nên sự suy tư, nhắc đến những kỉ niệm và bao giờ bóng đêm cũng đem đến sự hoang mang, sợ hãi cho con người.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, vô vàn những đêm là đêm trong tác phẩm. Bóng đêm gợi lại bao kỉ niệm, bao suy nghĩ về một thời mà Kiên đã trải qua. Và những giấc mơ vẫn thường trở đi trở lại trong giấc ngủ nặng nề của Kiên mỗi khi đêm về. Những giấc mơ ấy đưa Kiên trở về quá khứ, về với truông Gọi Hồn, nơi

ghi dấu những cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu năm nào. Với Kiên, đêm cũng là nơi bắt đầu của những “giấc mơ dài không dứt”. Anh thích sống về đêm nhưng đôi lúc anh lại sợ hãi cái bóng đêm đó. Trong tác phẩm có biết bao điều kì lạ xảy ra với Kiên trong những đêm đen và trong những giấc mơ như thế. Có khi đó là tiếng hát của những người đã chết huyền bí, thì thào như hoàn toàn hư, hoàn toàn thực từ cõi mông lung gọi về…Có khi đó là câu chuyện về một người lính khi chết được bó trong một tấm tăng nằm lại trên đèo “xương cốt đã hóa mùn cả, riêng cây đàn Ghita tự tạo của người chết thì còn nguyên vẹn” [ 40,99]. Và đêm đêm, người ta lại nghe thấy tiếng hát của những người vô danh vang vọng mãi trong lòng rừng.

Sau khi Tuyết Lan và Phượng lần lượt rời khỏi quán Tiên, chỉ còn mình Mùi và một người chiến sĩ đã bị lãng tai ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Trong đêm tối, Mùi (Truyền thuyết về quán Tiên) thao thức không sao ngủ được bởi những nỗi niềm trăn trở đang vây kín trong lòng, bởi nỗi sợ hãi về một chú khỉ vừa bị giết chết. Lúc nào Mùi cũng bị ám ảnh về điều đó. Đêm càng về khuya, bên ngoài mưa vẫn rơi lộp độp, ngọn lửa vẫn leo lét trong bếp, và ở ngăn ngoài, chiếc võng nơi người chiến sĩ nằm vẫn đang đều đều tiếng ngáy. Tất cả làm màn đêm xung quanh Mùi càng trở nên tĩnh mịch, đáng sợ. Mãi đến khi mệt mỏi, cô thiếp đi vào trong giấc ngủ chập chờn. Trong giấc ngủ đầy tâm sự ấy, Mùi đã gặp lại ngôi nhà thân yêu của cô, gặp lại người chồng mới cưới đã phải chia xa. Những nỗi sợ hãi về một chú khỉ đã chết cũng theo Mùi vào cả trong giấc mơ. Khi đang đắm chìm trong cảm giác hạnh phúc, bất chợt “Mùi ngờ ngợ có cái gì ram ráp cọ vào vai. Cô thảng thốt ngồi nhổm dậy, trời đất ơi, một đôi mắt đồng thau đang nhìn mình”. Mùi hoảng hốt tỉnh giấc, trống ngực đập thình thịch, cô mới biết mình vừa trãi qua một cơn mơ khủng khiếp. Bên ngoài mưa vẫn rơi lộp độp, ngọn lửa trên bếp vẫn leo lét cháy. Lúc này cô mới cảm nhận hết nỗi cô đơn, trống vắng, sợ hãi mà không biết phải dựa vào ai.

Bóng đêm luôn chứa đựng những điều bí ẩn, và đáng sợ. Hai cô du kích trong Đốm lửa bị lạc đường vào một đêm tối tĩnh mịch, hoang vu “Ngọc lắng nghe

tiếng thở dài của dòng sông! Nàng linh cảm thấy càng lúc càng lạc sâu vào đầm lầy hoang. Tiếng dế rả rích, tiếng ếch nhái, ễnh ương oàm oạp kêu vang tạo thành âm thanh buồn bã, thê lương. Đêm làm đầm lầy càng thêm âm u và rùng rợn”. Đêm tối bị lạc trong đầm lầy thật đáng sợ. Đáng sợ hơn bởi thỉnh thoảng họ lại gặp những đốm lửa lập lòe lúc ẩn, lúc hiện như trêu đùa hai người. Đêm đó, cả Ngọc và Mỹ đều cùng trãi qua một giấc mơ lạ lùng mà khi trời sáng, họ phát hiện ra mình đang nằm cạnh một người đồng đội đã chết.

Đêm cũng là thời điểm xảy ra những điều kì lạ. Trong Trái tim con rắn, sau khi vừa cạn ly rượu, Thuật đã thấy có điều bất ổn, song tất cả mau chóng đi qua. Chỉ đến khi tiệc tan, trở về phòng, ông mới bắt đầu cảm nhận được những thay đổi kì lạ đang diễn ra trong người. Suốt đêm hôm đó, Thuật không thể nào chợp mắt được bởi cảm giác lo lắng và sợ hãi. Trong đêm tối, Thuật nghe rõ ràng những âm thanh Ịch, ình, ịch ình, ình ịch… vang lên rõ ràng từ lồng ngực mình, ông cũng thấy rõ ràng một con rắn ngay giữa đùi mình, song khi ông bật đèn lên thì những cảm giác và hình ảnh ấy liền biến mất. Tất cả những điều kì lạ ấy chỉ diễn ra trong bóng đêm, và chỉ mình Thuật mới nhìn thấy và cảm nhận được điều ấy.

 Trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975, thời gian chủ yếu để yếu tố kì ảo xuất hiện thường là vào đêm, đặc biệt là vào những đêm khuya. Trong tâm linh người Việt, đêm tối là khoảnh khắc mà người chết có thể trở về dương gian. Nó cũng là thời điểm thích hợp cho sự xuất hiện của những giấc mơ. Đặc biệt trong bóng đêm, con người thường trở nên bé nhỏ, yếu ớt, đơn côi. Vì vậy, khi viết truyện, các tác giả đặc biệt chú ý vào những khoảnh khắc này. Tất nhiên, ngoài thời gian đêm khuya, hoàng hôn- thời điểm giao nhau giữa ngày và đêm cũng có mặt (trong truyện Bướm trắng, Sinh đã gặp lại hồn ma của Bạch Điệp vào khoảng thời gian này). Tuy nhiên sự xuất hiện chỉ là thiểu số. Phần đông, các tác giả vẫn dành nhiều ưu ái cho khoảnh khắc về đêm.

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)