Chiến tranh – sự mất mát không gì bù đắp

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 75 - 80)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1.Chiến tranh – sự mất mát không gì bù đắp

Các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 nói nhiều đến những mất mát, đau khổ mà chiến tranh đã để lại. Thông qua yếu tố kì ảo, bức tranh toàn cảnh của chiến tranh với những nỗi buồn sâu thẳm hiện ra đầy đủ, chân thật và sâu sắc. Ở đó, cả người còn lại lẫn người ra đi đều có cuộc sống riêng bất hạnh và đau khổ. Những người lính đã chết thì linh hồn lang thang vất vưởng nơi chiến trường năm xưa với những nguyện ước ấp ủ không bao giờ thực hiện được, những người lính còn sống thì ám ảnh không nguôi về cuộc chiến tranh đã qua. Cuộc sống của họ bị chia làm hai nửa, một nửa thân xác trống rỗng, đau khổ hiện hữu trong hiện tại, một nửa linh hồn bay về quá khứ kỉ niệm để thương, để nhớ; để buồn tủi và xót xa. Một loạt tác phẩm như Bến trần gian, Nỗi buồn chiến tranh, Tiếng vạc sành, Người sót lại của Rừng Cười, Cỏ lau, Con đò và người khách lạ, Đồng đội, Biển cứu rỗi, Những giấc mơ có thật,… đã đưa người đọc đi từ khám phá này đến

khám phá khác, giúp người đọc cảm nhận hết những bất hạnh và khổ đau của những người từng đi qua chiến tranh.

Chiến tranh đã qua đi, song nỗi đau mà nó để lại vẫn âm ỉ từng ngày. Trong chiến tranh, cả người còn sống lẫn người đã khuất đều mang nỗi đau riêng không gì có thể xóa nhòa. Có được chiếc lá thần kì ông lão cho, linh hồn của một người lính đã thực hiện một cuộc hành trình trở về quê nhà sau bao năm lang thang trong rừng (Bến trần gian). Sự trở về của Lăng là do sự trăn trở, đau đáu về cuộc sống không bình yên của những người ở lại - nói cách khác anh còn quá nặng lòng với những người còn sống nên chưa thể thanh thản ra đi. Nhưng đã qua bao nhiêu năm, người thân của anh đã chấp nhận cái sự thực là anh đã hi sinh. Sự trở về của anh lúc này không phải là một sự đoàn tụ vui vẻ. Có chăng chỉ đem lại niềm đau khổ cho những người còn sống, đem lại nỗi sợ hãi cho những người xung quanh. Người yêu của anh giờ đã có chồng, nàng đã yên bề với nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ đã từ lâu. Nên cuối cùng, dù đau đớn, bà cụ Lăng cũng đành khuyên anh ra đi để không làm xáo trộn cuộc sống của người ở lại.

Cứ ngỡ tình yêu của Bạch Điệp và Xuân Sinh không thể nào trở thành hiện thực bởi chiến tranh chia cắt, song với khát vọng hạnh phúc mãnh liệt, Bạch Điệp dù đã chết nhưng vẫn quay về gặp lại người yêu. Xuân Sinh dù đau đớn nhưng vẫn cố gắng dùng máu của mình cứu sống Bạch Điệp. Cuối cùng tình yêu đã chiến thắng, những giọt máu của Sinh đã giành lại sinh mạng của Bạch Điệp từ tay thần Chết. Anh và Bạch Điệp sống với nhau hạnh phúc như bao cặp vợ chồng khác. Song liệu họ có hạnh phúc được không khi Bạch Điệp chỉ sinh cho anh toàn bướm là bướm. Phép màu mang lại sự sống cho Bạch Điệp nhưng không thể trả lại cho cô thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Còn mất mát nào hơn khi tình yêu, hạnh phúc không thể đơm hoa, kết trái. Có phải thế không mà sau này Sinh làm thơ “chỉ toàn là hoa và bướm. Tịnh không có một từ nào về chiến tranh và đau khổ”. Chiến tranh đã qua đi, chiến thắng đã được ghi nhận nhưng những nỗi đau, sự mất mát của con người thì còn lại mãi, thường trực và đầy day dứt.

Chiến tranh đã đến và lấy đi hạnh phúc của biết bao gia đình. Biển cứu rỗi là câu chuyện về một người lính trở về, nhưng số phận đã không dành cho anh người vợ bạc tóc chờ chồng. Mà đợi anh chỉ có những đứa trẻ không cha “tàn tích của những cuộc giao hoan vội vã”- trên con đường động mạch của chiến tranh- của người vợ trẻ lạc loài, ngơ ngác, bán trôn nuôi miệng chờ chồng. Chờ anh còn có đứa con gái ruột mười lăm tuổi- đồng nghiệp của mẹ- với “nụ cười chưa hết hơi sữa nhưng đã mang hơi hướng đổi chác”, gặp bố mà không biết đó là cha mình. Tất cả những điều ấy đã đuổi anh ra khỏi cõi người, cõi thanh bình. Anh tìm đến với hoang đảo, tự nói chuyện với bóng mình trong gương để nghe rõ giọng nói lạ hoắc của chính mình, giọng nói của một kẻ lạc loài sau cuộc chiến. Cuộc chiến đã qua đi, người lính trở về trong bình yên, nhưng mái ấm gia đình hạnh phúc của anh thì không thể như ngày nào. Chiến tranh đã đến và mang đi hạnh phúc của một gia đình.

Niềm đau hòa lẫn với tiếng vạc sành vọng lại trong đêm vắng nhắc người ta hãy luôn nhớ đến những đau thương, mất mát mà chiến tranh đã gây ra cho con người (Tiếng vạc sành). Chiến tranh đã cướp đi gương mặt con người và hạnh phúc gia đình của một người lính. Anh trở về với một gương mặt biến dạng, và người vợ mà anh yêu thương nhất đã không nhận ra chồng mình. Nàng giờ đã yên bề gia thất với một người đàn ông khác. Nỗi thương nhớ người vợ xưa đã khiến anh hằng đêm trở về phía sau vườn nhà để gọi vợ, nhưng tiếng gọi ấy không mang âm thanh của tiếng người mà chỉ là những tiếng “tọc tọc tọc” ghê sợ trong đêm tối. Âm thanh đó khiến người vợ nghĩ là tiếng một con rắn độc. Và người chồng mới đã giúp vợ giết chết con rắn độc sau vườn- cũng chính là người chồng năm xưa. Mang niềm đau thương, hồn anh hóa thành con vạc sành, khoác đôi cánh màu xanh của người lính. Hằng đêm “với gương mặt xấu xí anh ẩn mình trong các lùm cây “crọc crọc” ròng rã từ lúc chạng vạng tới sáng, lên tiếng kêu đau thương để gọi vợ gọi con. Tiếng kêu xé lòng của hạnh phúc bị số phận đắng cay tước đoạt”.

Trong chiến tranh, biết bao người đã hi sinh hạnh phúc, tuổi thanh xuân của mình để rồi khi trở lại thời bình, họ không còn gì ngoài một thân xác tàn tạ và một kí ức chất chứa buồn đau.

Những giấc mơ của Tuân trong Những giấc mơ có thựclàm bật lên nỗi chua xót, bẽ bàng của người phụ nữ từng là hoa khôi của Trường Sơn năm xưa. Người nữ thanh niên xung phong xinh đẹp mệnh danh là “hoa khôi của rừng”, được bao chàng trai đeo đuổi ngày nào giờ lại trở thành một chiếc bóng lẻ loi “làm nghề quét dọn suốt ngày loay hoay với cái chổi cán dài và chiếc giẻ lau trong tay”. Ngoài chứng bệnh “quên quên nhớ nhớ” lại còn thêm chứng mất ngủ triền miên “đêm đêm thường mặc bộ quần áo ngủ may bằng thứ vải dệt gia công của địa phương nhàu nhĩ màu nước dưa đi lang thang như một kẻ mộng du”. Ban ngày chị lại hiện nguyên hình là một người đàn bà lầm lũi với cây chổi trong tay. Ban đêm chị vật vờ với những giấc mơ không có thật. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ đồng thời cũng mang theo tuổi xuân và niềm hạnh phúc của chị. Để lại trong hiện tại là một người đàn bà với những chuỗi ngày đau khổ cùng một thân xác tàn tạ đáng thương. Và có lẽ chị sẽ mãi sống cô đơn, lầm lũi với niềm nuối tiếc khôn nguôi về những năm tháng tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại.

Đến với Hai người đàn bà xóm Trại, người đọc không khỏi ngậm ngùi cho số phận hai người đàn bà lẻ loi, quạnh vắng trong căn lều nhỏ nơi bến sông. Từ lúc thanh xuân cho đến khi trở thành hai bà lão, họ chưa bao giờ có dịp gặp lại người chồng thân yêu của mình. Chiến tranh và những cuộc gặp gỡ hi hữu không hẹn trước khiến họ không thể hưởng trọn vẹn hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ. Những giấc mơ khắc khoải nỗi chờ mong thường xuyên hiện hữu trong tác phẩm càng tô đậm nỗi bất hạnh của những con người trong chiến tranh. Ở đâu đó khuất nẻo nơi bến vắng vẫn còn những người vợ, người mẹ sống lầm lũi, hao gầy trong nỗi đau, sự mất mát, chia lìa không gì có thể bù đắp. Còn bất hạnh nào hơn đối với người phụ nữ khi mãi mãi chôn vùi thiên chức thiêng liêng làm vợ, làm mẹ dưới lòng đất sâu của quá khứ. Hòa bình dù có trở về trong ý nghĩa niềm vui và hạnh phúc thì

cũng không thể trả lại cho những người vợ, người mẹ những khát khao dung dị, đơn sơ mà cao cả đó.

Trở về sau chiến tranh, Thảo (Người sót lại của rừng Cười) vĩnh viễn không thể tìm lại sự hồn nhiên, thanh thản trước đây của mình. Sự khốc liệt của chiến tranh đã lấy mất những giấc mơ êm ái của tuổi thanh xuân và trả về cho cô những cơn ác mộng khôn nguôi mỗi lúc đêm về. Trong những giấc mộng đau đớn ấy, Thảo chỉ thấy “tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của chị Thắm, và từ trong đám tóc rối ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo và rắn câng như thủy tinh, đập mãi không vỡ”. Mãi mãi, niềm hạnh phúc lứa đôi không bao giờ trở lại với cô. Suốt quãng đời còn lại, người con gái duy nhất may mắn sống sót của rừng Cười chỉ sống với nỗi cô đơn và những giấc mơ triền miên về mái tóc đã bị rừng già cướp mất.

Trong các tác phẩm viết về chiến tranh, Nỗi buồn chiến tranh là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh gây sức ám ảnh nhất đối với người đọc. Tác phẩm không khai thác đề tài cuộc chiến ở góc độ tập thể mà đi sâu khám phá số phận riêng của từng cá nhân. Vì vậy, tác phẩm đề cập nhiều đến những mất mát, bi thương mà chiến tranh để lại cho con người. Những yếu tố kì ảo trong truyện góp phần khắc sâu những đau thương, mất mát ấy. Nhân vật chính trong tác phẩm là Kiên- một người lính đã trở về sau những năm tháng làm bạn với khẩu súng nơi chiến trường. Hòa bình trở về, Kiên chẳng còn gì ngoài một hình hài tiều tụy và một tâm hồn mang đầy những vết thương. Tuổi trẻ, tình yêu, sự bình yên trong tâm hồn đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Những năm tháng nơi chiến trường khốc liệt, lần lượt chứng kiến những cái chết bi thương, kinh hoàng của những người đồng đội đã khiến anh không thể nào quên được. Kiên luôn sống triền miên với những giấc mơ

“Đôi khi chỉ cần nhắm mắt lại là trong tôi lập tức ký ức tự nó xoay mình lui về theo lối cũ, gạt toàn bộ cõi đời thực hôm nay ra rìa cỏ”[40,48] “Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang....” Trong mơ, Kiên thường thấy mình quay về Truông Gọi Hồn, nơi ghi

dấu những trận chiến khốc liệt và đau thương “Cách đây không lâu, trong mơ tôi đã trở lại với truông Gọi Hồn [...] Một đêm khác, cũng trong mơ, tôi nhìn thấy truông Gọi Hồn và mơ thấy Hòa, cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu đã hi sinh vào thuở tối tăm mù mịt năm 68”. Kể cả lúc đang đứng bên bờ tỉnh thức, quá khứ cũng có thể quay về ám ảnh Kiên “Trở về sau chiến tranh, cho đến tận bây giờ, tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này thấu đêm thâu kia... thử hỏi đã bao nhiêu năm ròng. Nhiều hôm, không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nồng lên thành mùi thối rữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp năm 1972. Tử khí xộc lên từ vỉa hè nồng nặc đến nỗi tôi phải vội đưa tay lên bịt mũi như kẻ hóa rồ trước mắt người qua đường”. Quá khứ về một cuộc chiến tranh đau thương và khốc liệt đã gây nên một vết thương không bao giờ lành lặn trong tâm hồn Kiên. Chính vết thương quá sâu trong tâm hồn đã khiến cuộc đời thực hôm nay của anh như địa ngục. Kiên sống trong thực tại nhưng tâm hồn anh là một chuỗi dài của quá khứ với nỗi ám ảnh về cái chết. Những giấc mơ triền miên về quá khứ tạo nên một cái nhìn mới về chiến tranh. Chiến tranh không phải chỉ có chiến thắng, nó không hoàn toàn là màu hồng. Chiến tranh còn chứa đựng biết bao khốc liệt và hi sinh, và di chứng mà nó để lại không chỉ là những vết thương thể xác mà còn là những vết thương nơi tâm hồn. Những người lính đã bước qua chiến tranh sẽ không bao giờ có thể sống thanh thản, bình yên như những người bình thường khác.

Một phần của tài liệu YẾU tố kì ảo TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT về CHIẾN TRANH GIAI đoạn SAU 1975 (Trang 75 - 80)