2 Phương pháp học tập của SV 87 3Thời gian tham gia các CLB học thuật4
2.4. Kiến nghị và giải pháp
2.4.1. Nhận xét chung
Nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố chủ quan cũng như khách quan tác động tới kết quả học tập của SV trường Đại học KTQD, nhóm điều tra đã tiến hành cuộc điều tra trong phạm vi 4 khóa SV trong trường bằng phương pháp phỏng vấn Anket. Thông qua cả 2 hình thức là phát bảng hỏi tại chỗ và gửi bảng hỏi thông qua thư điện tử, số phiếu thu lại được là 303/350, tức 86.6%. Những kết quả thu được từ việc tổng hợp và phân tích số liệu đã phản ánh được phần nào thực trạng học tập hiện nay của SV trường KTQD cũng như đã xác định được các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập của những SV đó. Theo đó, điểm tích lũy trung bình của SV cả 4 khóa là trong khoảng từ 7.0 đến dưới 8.0. Còn khi xét theo khóa, số SV của khóa 50 có nhóm điểm giỏi, từ 8.0 đến dưới 9.0 nhiều hơn và nhóm điểm trung bình cũng thấp hơn của 3 khóa còn lại. Có nghĩa là, nếu số SV này ra trường thì số bằng khá, giỏi sẽ chiếm ưu thế, đây là kết quả của chương trình đào tạo của nhà trường. Khi xét theo giới tính, các con số cũng cho ta kết quả tương tự khi kết quả học tập của SV nữ cao hơn so với SV nam. Kết quả này là xứng đáng cho sự chăm chỉ và cẩn thẩn của phần lớn SV. Bên cạnh đó, tuy SV thi đại học khối D vào trường có điểm đầu vào thấp hơn khối A, nhưng trong quá trình học tập lại có kết quả cao hơn; điều này chứng tỏ kết quả học tập là hoàn toàn phụ thuộc vào sự cố gắng cũng như ý thức
của mỗi người. Nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò của môn Tiếng Anh, một lợi thế của “dân khối D” trong sự đóng góp và kết quả học tập của họ bởi lẽ số tín chỉ của môn học này là khá lớn trong tổng số tín chỉ đào tạo của nhà trường. Nghiên cứu này càng khẳng định thêm sự cần thiết của việc cải thiện trình độ ngoại ngữ của SV không chỉ để đóng góp vào thành tích học tập mà còn để phục vụ tốt hơn cho công việc sau này khi tốt nghiệp ra trường.
Có sự học lệch đúng như dự đoán của nhóm SV thi đầu vào là khối A và khối D trong sự phân bố điểm số của nhóm các môn học tự nhiên và xã hội. Trong khi nhóm SV khối A trả lời “điểm thấp ở các môn xã hội, cao ở các môn tự nhiên” thì nhóm SV thi khối D lại hoàn toàn đối lập “điểm cao ở các môn xã hội và thấp ở các môn tự nhiên”.
Bên cạnh đó, theo kết quả kiểm định thì chỗ ở hiện tại không có mối liên hệ tới kết quả học tập của SV, vì điểm tích lũy ở mỗi nhóm SV phân theo nơi ở đều phổ biến từ 7.0 đến dưới 8.0.
Khi tìm hiểu về trợ cấp mà SV nhận được từ phía gia đình thì mức trợ cấp của đa số SV là từ 1.5 đến dưới 2.5 triệu đồng. Mức trợ cấp ở mức cao (trên 2.5 triệu đồng) chiếm tỉ lệ rất nhỏ và tỉ lệ SV nam có mức trợ cấp này cao hơn SV nữ. Một nguồn không kém phần quan trọng khác đóng góp vào thu nhập của SV là thu nhập từ công việc làm thêm. Tại thời điểm điều tra, chỉ 30% SV trường Đại học KTQD hiện đang đi làm thêm, đây là một tỉ lệ còn khiêm tốn, đặc biệt là đối với một trường chuyên ngành về kinh tế, đòi hỏi ở SV sự năng động như trường ta. Tỉ lệ SV đi làm thêm khi xét theo khóa cũng tăng dần từ khóa 53 đến khóa 50, vì SV của các khóa trên đã quen với môi trường ngoài xã hội và cũng đã có sự ý thức rõ ràng hơn về việc cần phải tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công việc sau này.
Yếu tố quyết định rất lớn đến kết quả học tập của SV đó là ý thức tự học. Thời gian tự học hàng ngày của SV điều tra được phổ biến là từ 1 giờ đến dưới 2 giờ. Điều này cho thấy tính chủ động và tinh thần tự học của SV còn chưa tốt. Đặc biệt khi xét khoảng thời gian tự học từ 4 giờ đến dưới 6 giờ thì tỉ lệ này gần như giảm dần theo các khóa từ khóa 53 đến khóa 50. Tức là, càng ở những năm sau của quá trình học đại học thì mức độ chăm chỉ trong việc tự học hàng ngày
của SV lại càng giảm đi. Hơn nữa, SV hầu như vẫn chưa có cách học tập khoa học, vì có tới 86% số SV “để dành” đến khi thi mới bắt đầu học, còn tỉ lệ SV đã ý thức được tầm quan trọng của việc phải học thường xuyên, học liên tục chỉ là một con số rất nhỏ 14%. Một chỉ tiêu khác cũng nhằm đánh giá ý thức tự học của SV là tần suất lên thư viện. Kết quả điều tra về tiêu chí này cho thấy, phần lớn SV hiếm khi hoặc chưa bao giờ lên thư viện trong suốt thời gian ngồi trên ghế giảng đường của mình. Thực tế này cho thấy việc tham khảo tài liệu của SV còn rất ít, dường như đối với SV, một cuốn giáo trình là đã “quá đủ” cho một môn học.
Việc tham gia vào các CLB học thuật như CLB Ngoại ngữ, các khóa học tại Học viện doanh nhân, các CLB nhằm đào tạo các nhà kinh tế trẻ… cũng giúp bổ trợ rất nhiều kiến thức cho SV. Khóa 50 là khóa SV có thời gian tham gia các CLB học thuật dưới 2 giờ thấp nhất trong 4 khóa, vì đây là lớp SV sắp ra trường nên đã tự ý thức được việc phải trau dồi các kĩ năng như ngoại ngữ, tin học, giao tiếp để có thể có một công việc tốt. Cũng vì phân bổ thời gian cho các công việc đó nên thời gian tham gia các hoạt động ngoại khóa của khóa này cũng thấp hơn các khóa khác, đặc biệt là khóa 53 vì đây là khóa SV mới vào trường.
Đa số SV trường đại học KTQD hiện tại đang ở cách trường trong bán kính dưới 4km, vì rất nhiều thuận lợi của việc ở gần trường mang lại. Bên cạnh việc học tập thì đời sống tinh thần là không thể thiếu được, trong đó việc có người yêu giúp đời sống tinh thần của SV thêm phong phú. Khi nhắc đến tác động của việc yêu đến kết quả học tập, phần lớn SV đánh giá cao vai trò tích cực mà tình yêu đem lại, đó là giúp tạo động lực để phấn đấu học tập tốt hơn. Chiếm tỉ lệ lớn chỉ đúng sau ý kiến trên là những quan điểm đồng tình với sự tiêu cực mà tình yêu thời SV mang lại, đó là việc liên lạc như nhắn tin, gọi điện cho người yêu “ngốn” mất rất nhiều thời gian và khiến các bạn mất tập trung vào bài học. Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến khác cho rằng việc yêu đem lại cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực.
Phần lớn SV đánh giá cao vai trò của phương pháp giảng dạy của giảng viên trong việc tạo nên kết quả học tập của mình. Và phương pháp giảng dạy được số đông SV yêu thích là SV phải tự học, tự nghiên cứu, còn giảng viên chỉ
đóng vai trò hướng dẫn thêm. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử cũng được đông đảo SV hoan nghênh. Chứng tỏ rằng, SV trường Đại học KTQD đã nhận thức được đúng đắn tầm quan trọng của việc cần phát huy tính chủ động của SV cũng như vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào việc dạy và học.
“Học thầy không tày học bạn”, sự ganh đua cùng bạn bè trong học tập cũng là một động lực để học tập tốt hơn của đa số SV. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những tác động tiêu cực của cạnh tranh vì đã có rất nhiều SV cho rằng cạnh tranh gây áp lực nặng nề, thậm chí còn làm thoái chí SV và còn có rất nhiều hệ quả không tốt do cạnh tranh mang lại như không trung thực trong thi cử, đi thầy…
2.4.2. Một số ý kiến đề xuất
Như chúng ta đã phân tích ở trên, có rất nhiều nhân tố tác động và tạo nên kết quả học tập của SV, trong đó có những nhân tố chủ quan từ chính các bạn SV và các nhân tố khách quan từ phía nhà trường, xã hội. Bởi vậy, cần phải có sự kết hợp đồng thời từ các phía là SV, gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể giúp nâng cao chất lượng học tập của SV trường Đại học KTQD, thế hệ những nhà kinh tế trẻ sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà trong tương lai. Những đề xuất này dựa trên cơ sở những kết quả đã được phân tích trong đề tài.
2.4.2.1. Đối với sinh viên
Tự tìm ra những nguyên nhân tại sao mình chưa học đều giữa các nhóm môn học tự nhiên xã hội để từ đó có những biện pháp để khác phục tình trạng trên. Các nguyên nhân đó có thể là: chưa có cách học phù hợp (học các môn tính toán mà không chăm chỉ làm bài tập, những môn lý thuyết lại chưa biết cô đọng vấn đề mà chỉ học “vẹt” nên không thể nhớ được…), chưa phân bổ thời gian đúng mức sao cho tương xứng với khối lượng kiến thức các môn học….
Không để việc đi làm thêm ảnh hưởng tới kết quả học tập. Cụ thể là: thời gian làm thêm không nên lấn át thời gian học, lịch làm thêm không nên trùng với lịch học vì rất dễ gây bỏ học để đi làm; không nên làm những công việc quá nặng nhọc dẫn đến không có đủ sức khỏe và tinh thần để học tập.
Cần đảm bảo việc tự học mỗi ngày một cách thường xuyên, đều đặn. Bên cạnh đó, mỗi SV phải tự tìm cho mình một cách học khoa học, hợp lý cũng như học liên tục trong cả kì học. Thêm vào đó, SV nên tự nâng cao tính chủ động của mình bằng cách nghiên cứu trước bài học trước khi lên lớp và chủ động tranh luận cùng bạn bè, hỏi ý kiến giảng viên về những điều còn vướng mắc…
Việc có người yêu là một nhân tố được đánh giá khá nhạy cảm và luôn có tác động hai chiều đến kết quả học tập. Bởi vậy, mỗi SV cần phải tỉnh táo và biết làm chủ tình cảm cũng như tương lai của chính mình để tình yêu trong sáng thời SV mang đến những lợi ích, những tác động tích cực. Điều quan trọng là xác định được mục tiêu và lý trí của chính mình, từ đó xác định được những việc cần làm và thực hiện để hướng tới mục tiêu. Đồng thời, SV cần nghiêm túc trong tình yêu để không lãng phí cả về tinh thần, vật chất, thời gian và nhận lại từ nó những kết quả tốt nhất có thể.
2.4.2.2. Về phía nhà trường • Đối với giảng viên
Giảng viên cần sử dụng nhiều hơn cách giảng dạy bằng giáo án điện tử vì thông qua slide, SV sẽ hiểu bài tốt hơn mà không mất công ghi chép lại dễ học ,dễ nhớ. Bên cạnh đó, giảng viên cũng cần tạo điều kiện cho SV được phát huy tính chủ động cũng như sự sáng tạo của mình bằng cách khuyến khích các cách làm hay và mới; giảng viên nên đóng vai trò hướng dẫn mà không phải là “cầm tay chỉ việc SV”; nhiệt tình trao đổi và giảng giải cho SV.
Tuy nhiên, giảng viên cũng cần có thái độ nghiêm khắc để có thể đánh giá được SV dưới các hình thức như: kiểm tra bài, gọi lên bảng làm bài, điểm danh thường xuyên trên lớp, có các hình thức phạt đối với những SV không có ý thức trong giờ học gây ảnh hưởng đến tập thể…
Giảng viên của mỗi lớp tín chỉ tùy vào môn học cụ thể mà tổ chức các buổi đi tham quan hay đi thực tế tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất...nhằm nâng cao tầm hiểu biết cho SV cũng như củng cố thêm các bài học.
• Đối với ban giám hiệu nhà trường
Trang bị những thiết bị cơ bản nhất cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên như:micro,máy chiếu…
Hoàn thiện thêm các thiết bị khác như máy tính,sách tham khảo, băng đĩa…tại thư viện bằng cách xin nguồn tài trợ hoặc nhờ vào nguồn đóng góp thêm của SV.
Thứ ba,cần thường xuyên đổi mới,chỉnh sửa thiết bị đảm bảo trong khi học tập không bị hỏng hóc.
2.4.2.3. Về phía gia đình
Có thể nói, sinh viên là lớp người đã trưởng thành, có khả năng làm chủ và giải quyết mọi vấn đề của cá nhân. Thêm vào đó, đa phần SV sống xa gia đình, xa sự quản lý của phụ huynh. Vậy nên, sự quản lý của gia đình không còn đóng vai trò quyết định đến thái độ học tập và sinh hoạt của SV mà chủ yếu là do ý thức của SV. Bên cạnh những kết quả tốt đẹp, đáng khích lệ thì không ít các bậc phụ huynh đã không khỏi bàng hoàng với những kết quả học tập của con em mình khi bước chân vào giảng đường đại học. Không thể phủ nhận vai trò của gia đình trong việc định hướng lối sống, xác định được động cơ và mục đích học tập cho mỗi cá nhân SV. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần có những biện pháp cụ thể để có thể nắm được tình hình học tập và sinh sống của SV, từ đó có thể định hướng tốt cho lối sống sinh viên. Ví dụ: trợ cấp hàng tháng không nên quá nhiều, tránh tình trạng sinh viên sử dụng tiền vào các mục đích không lành mạnh như chơi game, tụ tập,..; tâm sự, trò chuyện với các con để hiểu được đời sống tâm tư, tình cảm của SV.
Cần thiết có sự liên hệ giữa gia đình sinh viên với trường đại học. Ví dụ như tổ chức các cuộc gặp mặt và liên hệ, đối thoại giữa gia đình SV với trường đại học với mục đích thông báo tình hình học tập, rèn luyện của sinh viên, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh SV và tìm ra giải pháp quản lý cũng như động viên SV có những cố gắng để tiến bộ, đáp ứng được những yêu cầu từ phía nhà trường
Quản lý sinh viên là hoạt động cần sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng trên hết vẫn phải là ý thức của từng sinh viên đối với tương lai của chính mình. Làm sao để trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng mong đợi của gia đình đó mới chính là điều mà Nhà trường, gia đình, xã hội trông chờ ở các bạn SV.
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: Phiếu điều tra.