Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về phát triển bền vững ở tỉnh Hà Tĩnh (Trang 83 - 89)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.3.Hạn chế, khó khăn và nguyên nhân

Mặc dù có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm gần đây, song do điểm xuất phát thấp, nằm trong vùng khí hậu khắc nghiệt, đồng thời chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu... nên Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong đảm bảo PTBV. Cụ thể, Hà Tĩnh là tỉnh nghèo, thu ngân sách hàng năm đạt thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/2 so với bình quân chung của cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập. Những năm gần đây, mức độ ảnh hưởng của thiên tai như bão lụt, hạn hán, xói lở bờ sông, xâm thực mặn… ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt, 2 đợt lũ lịch sử vào tháng năm 2010 đã làm 12/12 huyện, thành phố, thị xã với 183/262 xã, phường bị ngập, kết cấu hạ tầng bị tàn phá nặng nề, đời sống và sinh hoạt của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bất ổn về an sinh xã hội thời điểm đó. Cụ thể các mặt như sau:

Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô còn nhỏ so với tiềm năng, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Công tác chuyển đổi, tích tụ ruộng đất hiệu quả còn hạn chế; dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở một số chủ rừng, địa phương xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn chậm, tỷ lệ lao động được đào tạo, có tay nghề thấp.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa đảm bảo tính bền vững. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp nông thôn còn thiếu tính chiến lược và tầm nhìn dài hạn, vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và tự phát. Chất lượng sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế. Do ảnh hưởng

của tình hình khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn, lượng hàng tồn cao, năng lực tài chính yếu kém. Kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp địa phương đạt thấp, quy mô các doanh nghiệp xuất khẩu còn nhỏ, các mặt hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh thấp.

Một số dự án triển khai chậm, nguồn vốn chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo... và các dự án khắc phục hậu quả bão lụt.

Hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã được cải thiện rõ rệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thiếu đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp, hư hỏng do tác động của mưa, lũ và thời gian nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp. Công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, thoát nước, bãi chôn lấp xử lý chất thải, nghĩa trang chưa được quy hoạch và xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là ở thành phố Hà Tĩnh.

Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong quản lý đầu tư và xây dựng chưa chặt chẽ, để một số dự án chậm trễ, kéo dài thời gian, cũng như trong việc kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án. Công tác quản lý đầu tư xây dựng của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn để xảy ra nhiều sai sót, trách nhiệm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa tập trung chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra tiến độ triển khai các dự án; có lúc còn khoán cho các đơn vị tư vấn và thi công trong quá trình lập hồ sơ và triển khai dự án. Năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế và các nhà thầu hạn chế, hồ sơ còn nhiều sai sót, sơ sài, phải sửa đổi bổ sung nhiều lần. Công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm trễ.

Nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chủ yếu vẫn đang từ nguồn ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thực tế cần đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới; trong điều kiện ngân sách địa phương còn hết sức khó khăn, Chính phủ thắt chặt đầu tư công nên nguồn vốn chưa đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của các chương trình, dự án.

Do tác động của lạm phát, suy thoái kinh tế, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cùng với triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 của Chính phủ, đặc biệt là giải pháp “thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng” nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để triển khai thi công các công trình, dự án. Do vậy, một số dự án đã thi công cầm chừng, kéo dài thời gian thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư của các công trình, dự án, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Trong lĩnh vực xã hội, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, vấn đề giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề đối với lao động nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề còn nhiều hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ, tay nghề cao đáp ứng nhu cầu Khu kinh tế Vũng Áng và phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang còn nhiều khó khăn.

Quản lý giáo dục và các hoạt động chuyên môn khá nhiều đơn vị chậm đổi mới cả về nội dung và phương pháp, chưa theo kịp được tình hình mới. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa được nâng lên đáng kể.

Hệ thống cơ sở vật chất, thiết chế phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều bất cập. Hoạt động du lịch, dịch vụ chưa

tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu; chất lượng dịch vụ thấp, giá cả tuỳ tiện; đội ngũ vừa thiếu cả về số lượng và yếu về nghiệp vụ chuyên môn, phong cách phục vụ; chưa xây dựng được những tua tuyến, điểm du lịch hấp dẫn, chưa tạo ra những sản phẩm du lịch có thương hiệu mang tính cạnh tranh cao.

Quy hoạch phát triển mạng lưới y tế và triển khai xây dựng một số bệnh viện còn chậm. Nguồn nhân lực y tế chất lượng cao còn thiếu và yếu, thái độ phục vụ nhân dân của một số bộ phận cán bộ, nhân viên còn có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà. Mạng lưới y tế cơ sở, công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược tư nhân còn những bất cập, hạn chế...

Bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng, khoáng sản trái phép vẫn đang diễn ra tại một số địa phương. Một số điểm ô nhiễm môi trường đến nay chưa được xử lý, khắc phục nhất là tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và ô nhiễm xăng dầu. Các bản cam kết bảo vệ môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản do cấp huyện thẩm định, phê duyệt có chất lượng rất thấp. Chi phí ký quỹ cải tạo, phục hồi mới thấp không thể đủ để cải tạo, phục hồi môi trường trong tương lai.

Khoa học và công nghệ chưa thể hiện được vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, chưa tạo được bước đột phá để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp chưa rõ nét, đặc biệt còn thiếu bền vững, một số kết quả đề tài dự án vẫn dừng lại ở “mô hình”. Tiềm lực khoa học và công nghệ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kinh phí đầu tư từ ngân sách cho sự nghiệp khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu.

Hạn chế, khó khăn trong thực thi các chính sách, quy định QLNN đối với PTBV: Cho đến nay, quan niệm về PTBV vẫn còn chung chung, chưa thật sự

rành mạch; hệ thống chính sách, pháp luật về PTBV đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý của nhà nước về PTBV trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, vẫn chưa đồng bộ, sau một quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ những bất cập, một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung.

Công tác QLNN về PTBV, bảo vệ môi trường nhất là trong khai thác, chế biến, trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, nguồn nước chưa thành một chỉnh thể thống nhất giữa các ngành, các địa phương; việc chịu trách nhiệm còn chung chung; nhiều cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến vấn đề môi trường, tính bền vững nguồn tài nguyên; một số dự án các cơ quan thiếu quan tâm đến PTBV trong khi việc xử lý vi phạm chưa đủ mạnh…

Các hành vi vi phạm môi trường thường gặp khó khăn trong việc xử lý, bởi vì hành vi vi phạm trong lĩnh vực này trên thực tế chủ yếu là do pháp nhân gây ra, trong khi đó Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định chỉ truy cứu trách nhiệm về hành vi vi phạm luật môi trường đối với cá nhân. Mặt khác, các hành vi vi phạm môi trường muốn xác định mức độ vi phạm phải thông qua những biện pháp khoa học kỹ thuật, phương tiện hiện đại, nên không dễ xác định. Công việc xác định được mức độ tổn hại đến môi trường lại không hề đơn giản…

Việc thi hành pháp luật ở nhiều nơi còn nhiều hạn chế, tiêu cực, dẫn tới những sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh không được xử lý theo pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ tới thành tựu phát triển bền vững kinh tế.

Nguyên nhân: Về mặt khách quan, Hà Tĩnh vẫn là tỉnh nghèo, có điểm xuất phát kinh tế thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế - văn hóa lớn; đặc biệt, trong những năm gần đây, chịu tác động của tình hình suy thoái của kinh tế thế giới, lạm phát và suy giảm kinh tế trong nước, giá cả đầu vào sản xuất tăng cao.

Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng bất thuận, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn bùng phát và lây lan diện rộng.

Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ, còn chồng chéo, hướng dẫn chưa kịp thời; nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt cho các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm, còn thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, nên hiệu quả chưa cao.

Sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong triển khai nhiệm vụ còn thiếu thường xuyên, thiếu đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn buông lỏng.

Tuy tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, phát triển nhưng việc tổ chức thực hiện của một số cơ quan, địa phương chưa tốt, việc cân đối nguồn lực thực hiện còn khó khăn.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, cơ chế chính sách cũng như việc đánh giá chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức chưa thường xuyên, chưa sâu sát, có mặt còn hình thức, hiệu quả hạn chế.

Tổ chức bộ máy QLNN về PTBV còn bất cập. Trình độ, năng lực và phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới. Một số cán bộ, công chức, viên chức còn vi phạm pháp luật, sống buông thả, sách nhiễu, gây phiền hà làm mất niềm tin nhân dân và doanh nghiệp.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Quản lý nhà nước về phát triển bền vững ở tỉnh Hà Tĩnh (Trang 83 - 89)