Lễ hội tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực

Một phần của tài liệu nguyễn trung trực những chiến công rực rỡ và sự tôn vinh ông của nhân dân nam bộ (Trang 50 - 55)

5. Bố cục luận văn

3.2.2. Lễ hội tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực

Vào các ngày 27, 28, 29 tháng 8 âm lịch hằng năm tại đền thờ Nguyễn Trung Trực đều tổ chức lễ hội kỷ niệm ngày sinh vị anh hùng dân tộc. Một nét đẹp dễ nhận thấy ở lễ hội Nguyễn Trung Trực là sự đa sắc tộc, đa tín ngưỡng và đa tôn giáo. Người dự lễ hội dễ dàng tìm thấy sự hòa hợp, tình đoàn kết giữa các dân tộc Việt- Hoa- Khmer ở đây. Mọi người cùng chung sức chăm lo cho sự thành công của lễ hội mà không bị rào cản nào bởi ngôn ngữ hay khác biệt tôn giáo. Trước ngày khai mạc khoảng một tuần không khí của thành phố Rạch Giá nhộn nhịp hẳn lên với đường phố đầy hoa, đèn lồng, băng cờ và nhiều hoạt động thông tin cổ động khác. Hàng trăm ngàn lượt khách từ các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long và cả nước đã hành hương về lễ hội, làm cho thành phố Rạch Giá tưng bừng trong không khí vui tươi. Rất nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, du lịch thương mại được diễn ra ... Dòng người thắp nhang tưởng nhớ cụ dường như vô tận, họ không chỉ đến với lễ hội bằng tấm lòng thành kính mà họ sẵn sàng tham gia công việc sửa sang đền thờ, dựng trại, thành tâm như con cháu lo cúng giỗ cho ông bà, nhiều người tiếp tục nấu cơm, rửa bát đũa, dọn dẹp cho đến hết lễ hội mới quay về nhà. Lễ hội năm nào cũng có trên dưới 1500 người thay thế nhau làm công việc. Họ đến đình trước nhiều ngày để lo công việc chuẩn bị nơi ăn ở, bà con họp nhau lại cùng Ban tổ chức Lễ hội xây dựng các khu lán trại, nhà ăn, nhà bếp, quét dọn trang trí, tu bổ cho ngôi đình khang trang hơn. Có bà con ở tỉnh xa, làm ăn trong năm thuận lợi không chỉ đến trước lo tiếp công việc chuẩn bị mà còn mang theo gạo, thực phẩm các loại … Về với lễ hội thực sự là một nhu cầu tâm linh của đồng bào. Dù là ai, giàu hay nghèo, dù bận đến đâu

thì bà con vẫn hướng về lễ hội, năm 1995 có khoảng 160 ngàn lượt người về dự lễ thì năm 2005 khoảng 350 ngàn lượt người từ các nơi về, năm 2009 có khoảng 700 ngàn lượt người, năm 2012 khoảng 800 ngàn lượt khách.

Lễ hội hàng năm tưởng nhớ Nguyễn Trung Trực thường gồm phần Lễ và phần Hội: phần lễ tổ chức theo các nghi thức cổ truyền bao gồm: Lễ dâng hương trình trời đất thánh thần, Lễ thượng đài kỳ (kéo cờ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, lá cờ có nền xanh nhạt, bên ngoài viền vàng có chữ “ Nguyễn Trung Trực Tướng quân”, bằng chữ nho), lễ an vị thần, lễ viếng và dâng hương… Đặc biệt là ngày 28 tháng 8 âm lịch có lễ tế đàn cả theo nghi thức cổ truyền. Đó là thủ tục mời các vị thần về dự lễ. Bắt đầu từ lúc 0 giờ kéo dài suốt 2 giờ. Lễ vật là heo quay, xôi, bánh và các lễ vật khác do đồng bào “hỷ cúng”. Không khí rất linh thiêng, khi hương chức tuyên bố bắt đầu lễ, nhạc lễ xướng lên, học lễ và nghĩa quân nối gót chủ tế 3 bước để vào chánh điện. Tất cả tựu vị trước bàn thờ di ảnh cụ Nguyễn trong 15 phút, đây là nghi thức “ Khởi trần cung lễ” đọc văn tế. Tiếp đó người ta làm các nghi thức như dâng ba tuần rượu, điểm trà, đốt bản văn tế. Chiều cùng ngày là lễ tế cụ Nguyễn và nghĩa quân được cử hành với lễ dâng cúng gồm mâm cơm cổ truyền để ghi nhớ việc ngày xưa đánh giặc khổ cực, cơ hàn với những thức ăn đạm bạc, những sản vật đồng ruộng như khoai lang, ốc nướng, cua đồng. Sáng ngày 29 tháng 8 đồng bào tiếp tục phần dâng hương và buổi tối tiến hành “Lễ tất”, tức là kết thúc lễ hội. Phần lễ luôn được tạo ấn tượng và gây xúc động trong lòng người. Nó khơi dậy và phát huy truyền thống dân tộc, nhắc nhở mọi người phát huy truyền thống đó vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Phần hội diễn ra với không gian rộng với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền

thống với các loại hình nghệ thuật hiện đại như: đua ghe ngo ở khu lấn biển, đây là sinh hoạt văn hóa cổ truyền để tưởng niệm trận thủy chiến trên sông Nhật Tảo. Bước vào cuộc đua khi hiệu lệnh phát ra, những chiếc ghe như những con rắn khổng lồ lao về phía trước thật uy nghi hùng dũng. Theo tiếng hô của người ra lệnh và nhịp trống, đây là trò biểu dương sức mạnh đồng đội. Lễ hội còn nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác hấp dẫn người xem như chơi cờ người, đấu vật, kéo co, triển lãm tranh ảnh về thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tao nhã và trí tuệ hơn cả là phần thi thư pháp cũng được đưa vào phần chính của lễ hội.

Hội chợ thương mại cũng thu hút hàng trăm doanh nghiệp và hàng ngàn người tới mua sắm giao lưu thương mại. Nhiều đội lân sư rồng đến từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau… luôn góp vui phục vụ đông đảo du khách hành hương trong các buổi tối tại nhiều địa điểm, làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Trên sân khấu văn nghệ người xem say mê thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử, ngoài ra còn tổ chức liên hoan giao lưu văn nghệ quần chúng của ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer.

Điều thú vị hơn cả là, đến dự lệ hội hàng trăm ngàn lượt du khách được phục vụ ăn uống miễn phí. Kinh phí tổ chức chủ yếu do người dân và các doanh nghiệp đóng góp tự nguyện. Để phục vụ tốt cho bà con về dự lễ hội, Ban Bảo vệ di tích đình đã trích hàng trăm triệu đồng từ tiền “hỷ cúng” để sửa chữa hệ thống bếp ăn, hệ thống nước sạch, vệ sinh công cộng. Với lượng khách đông như vậy nên việc vệ sinh an toàn thực phẩm đều có Trung tâm Y tế Thành phố Rạch Giá tham gia kiểm tra khu vực chế biến thức ăn, xử lý nguồn nước và xung quanh khu vực chế biến. Hàng trăm ngàn người ăn bếp tập thể như thế, nhưng chưa kỳ lễ hội nào có người bị ngộ độc thức ăn.

Những ngày vào lễ hội chính, mỗi ngày nấu từ 5 - 6 tấn gạo, số rau cải dùng cho mỗi ngày cũng tương đương như thế. Mỗi ngày khoảng 2.500 bàn ăn phục vụ từ sáng đến tối.

Bộ phận phục vụ hậu cần tự phân công việc cho nhau và tiến hành trôi chảy, họ đứng xuyên suốt hàng chục chiếc lò luôn rực lửa từ sáng đến hơn 10 giờ đêm. Các món chay là mắm kho, canh chua, rau cải, giá, kiệu xào, tàu hủ kho…Khu chế biến thức ăn, khu rửa chén đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Bà con dùng bữa xong, có ngay thùng nước nấu chín để cạnh. Những năm gần đây, một số đoàn đến dự lễ hội còn mua thuốc trị bệnh thông thường để lập các tổ y tế phục vụ bà con.

Tổ nấu cơm rất vất vả. Những người chạy bàn không bén chân, lúc nào kêu cũng có cơm nóng bốc khói nghi ngút. Có những tình nguyện viên đến từ An Giang, nhà đang chạy lũ nhưng không bỏ được ngày giỗ Cụ. Khi kết thúc lễ hội, anh chị em trong tổ phục vụ dọn dẹp sạch sẽ trả lại mặt bằng nguyên hiện trạng cũ. Toàn bộ dụng cụ trả lại mặt bằng nguyên hiện trạng cũ. Toàn bộ dụng cụ nấu nướng, bà con chở từ Đồng Tháp, An Giang đến, xong việc họ mang về, kỳ lễ hội sau họ lại chở đến.

Thật cảm động khi có những bà con cụ 80 tuổi ở tận huyện vùng sâu Vĩnh Thuận (Kiên Giang) nhà nghèo, những năm bà còn khỏe chống xuồng đi cắt từng ngọn rau muống mang góp cho ngày giỗ cụ Nguyễn. Lễ hội năm 2007, nhiều bà cụ sức khỏe yếu vẫn xách lên đây vài ký gạo góp giỗ. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Kiên Giang đóng góp tổng giá trị hàng tỷ đồng bằng cả hiện vật và tiền mặt. Ban tổ chức cho biết: năm 2006 lần đầu tiên thực hiện thành công chủ trương không chi ngân sách. Vậy mà người dân ai cũng tắc tắc: “Đông quá, đẹp quá, vui và ý nghĩa quá trời!”

Nếu lễ hội ở một số nơi khác người ta lợi dụng những ngày diễn ra lễ hội để tăng giá phòng trọ, giá bán thức ăn, thức uống lên thì ở lễ hội đình Nguyễn Trung Trực, ở người dân có nhà xung quanh đình tự giác cho bà con ở xa nghỉ nhờ, phòng trọ giá bình dân còn được ăn uống miễn phí và phục vụ quá chu đáo. Một lễ hội mà tình thương giữa con người với nhau thể hiện rất rõ.

Về tài chính, số tiền công đức của du khách, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, được chi vào cho lễ hội hoặc để trùng tu, sửa chữa đình. Ngoài ra bà con còn đóng góp gạo, thực phẩm, hoa quả… có khi được hàng tấn. Để công khai minh bạch tiền của, vật chất của nhân dân ủng hộ, Ban tổ chức cho niêm yết danh sách hỷ cúng. Mọi thông tin được ghi lên bảng để trước đình thờ cho mọi người cùng biết.

Ăn cơm đình miễn phí, coi hát miễn phí, ai đau bệnh được khám và phát thuốc điều trị tại chỗ miễn phí, thậm chí ngủ cũng miễn phí luôn. Mặt dù năm 2007 trong ba ngày lễ hội có 5 trận mưa to nhưng ai nấy cũng đều vui vẻ vì trong tâm nguyện luôn mong muốn được bày tỏ lòng thành kính với cụ Nguyễn – vị thần do chính nhân dân chứ không phải vị vua chúa nào phong tặng.

Ý nghĩa của lễ hội là giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông. Lễ hội cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính đối với vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Thông qua các hoạt động trong lễ hội có sự giao hóa văn hóa Kinh – Hoa – Khmer. Vì vậy, đây cũng là dịp để củng cố thêm sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Nhìn những cỗ hoa, mâm trái cây bày trí thật khéo và đẹp. Nhưng cái đẹp nhất là tinh thần phục vụ, ý thức người dân đến với lễ hội càng đẹp hơn. Đó là những ấn tượng tốt đẹp của du khách về dự lễ hội.

Một phần của tài liệu nguyễn trung trực những chiến công rực rỡ và sự tôn vinh ông của nhân dân nam bộ (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)