7. Cấu trúc của luận văn
2.5.2 Môtip hóa thần về trời
Môtip hóa thần về trời (Nau Mưrúp) thường xuất hiện ở phần kết thúc truyện. Sau khi giúp dân xây dựng cuộc sống, Po thường hóa thần về trời, nghỉ ngơi, thỉnh thoảng hiện về. Nó thể hiện niềm tin vào sự bất tử của những vị thần hoặc những người có công với tộc người và lòng tôn kính của dân gian đối với họ. Môtip này được đánh dấu như là bước kết thúc của một số kiếp. Có thể Po lại vận động chuyển thành một kiếp khác để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình qua việc tái
sinh (trường hợp vua Pô Klaung Garai tái sinh qua việc ăn đầu gà trong Chàng Ta-
vắc) hay như vua Po Rome, tuy mắc phải sai lầm nghiêm trọng để đến nỗi mất nước, nhưng công đức của vua vẫn được người Chăm ghi nhớ “Là một ông vua đã có nhiều công làm cho vương quốc hưng thịnh, Po Rome đã được dân chúng xây tháp thờ cúng như một vị thần linh” [6, tr.22]. Hàng năm, người Chăm Ninh Thuận ngoài việc dâng cúng lễ ở tháp của các vị vua Chăm, các lễ cúng trong dân gian cũng mang đậm dấu ấn của các vị anh hùng. Chúng tôi tìm thấy các vị thần Chăm
thường hóa thân (threh) thành nhiều tên khác nhau trong những lễ tục khác nhau trong văn bản chép tay của cụ Thiên Thiện: “Po Klaung Garai mbang tuei atau angan pan mata mbang tuei yang baraw angan po hating, tuei yang adhua angan cei dalim…”. Dịch nghĩa là Po Klaung Garai cúng trong lễ Atau (lễ Rija Dayep, Rija Praong) mang tên Permata, cúng theo lễ Yang Baraw (Rija Nagar, Rija Harei) mang
tên Po Hatang (Po Tang) và cúng trong lễ Adhua (lễ Po Nai, Po Rayak) thì mang
tên Cei Dalim. Tương tự như vậy, vua Po Rome thuở thiếu thời mang tên Ja Kathaot, lên làm vua Chăm mang tên Po Rome, khi viếng thăm Mã Lai mang tên Po Cahya. Và khi chết biến thành thần linh được thờ cúng bởi nhiều tên và biệt hiệu khác nhau như: Po Rome, Po Cahya, Po Gahlau, Cei Sit. Trong các tên của vị vua Chăm không có một từ hay gốc từ Chăm nào là mang họ mà chỉ là mang tên và biệt hiệu của vua - thần Chăm mà thôi. Tên của vua còn được khấn mời về hưởng trong mọi gia đình có lễ dâng cúng hoặc tạ ơn, hoặc xin được tổ tiên phù hộ. Điều này cũng rất phù hợp với một truyền thống văn hóa của vương quốc Champa - đó là việc đồng nhất thần Ấn Giáo với các vị vua của mình.
Môtip này mang ý nghĩa tôn giáo đậm nét: hoàn thành xong trách nhiệm với trần thế, đấng siêu nhiên Chăm (Pô) còn vướng bận trần gian thì họ sẵn sàng xuất thế về với cõi hư vô. Môtip này còn phản ánh ý thức hướng về nguồn cội, biết ơn nguồn cội của đồng bào Chăm.