8. Giả thuyết nghiên cứu
2.1.1. Chính tả và phân môn chính tả ở tiểu học
a. Chính tả
Trong cuốn Dạy học chính tả cho học sinh Tiểu học theo vùng phương ngữ, tác giả Võ Xuân Hào cho rằng chính tả là cách viết đúng, nghĩa là đúng quy định và truyền thống sử dụng chữ viết của mỗi dân tộc. Chính tả gắn liền với chữ viết, vấn đề chính tả chỉ được đặt ra với những ngôn ngữ có chữ viết.
Nói cách khác chính tả là hệ thống chữ viết được xem là một chuẩn mực của ngôn ngữ. Chuẩn chính tả không tách rời chuẩn ngữ âm. Cũng như mối quan hệ giữa ngữ âm và chữ viết, chuẩn ngữ âm có trước, chuẩn chính tả có sau. Đối với tiếng Việt, chuẩn ngữ âm chưa được xác định nhưng chuẩn chính tả (chữ viết) tương đối ổn định. Nghĩa là việc phát âm có thể theo vùng miền khác nhau nhưng chữ viết phải đúng.
Điểm tựa chủ yếu của chính tả theo nguyên tắc phổ biến là chính âm, dựa vào cách phát âm chuẩn để viết đúng chính tả. Song vấn đề chính âm đối với tiếng Việt là khó khăn vì tiếng Việt có nhiều phương ngữ. Người ở mỗi vùng phương ngữ không phát âm chuẩn tất cả các âm của tiếng Việt. Ở trường tiểu học, dạy chính tả là dạy học sinh rèn luyện viết đúng theo qui ước của cộng đồng
Trong trường hợp nguyên tắc ngữ âm được đảm bảo, tức là giữa âm và chữ có sự tương ứng 1-1 thì chính tả phải đảm bảo sự tương ứng đó, nghĩa là một âm
chỉ có một sự thể hiện trên chữ viết. Ví dụ âm /a / chỉ có một sự thể hiện là chữ a trong mọi trường hợp.
b. Nội dung dạy – học chính tả ở trường tiểu học
Nội dung trọng tâm trong dạy học chính tả ở trường tiểu học bao gồm: Dạy và học cách viết đúng các từ ngữ theo quy tắc của hệ thống chữ viết tiếng Việt. Xác định cách viết thống nhất cho các từ phát âm giống nhau nhưng lại viết khác nhau.
VD: âm /z/ viết d trong tiếng dành dụm, da dẻ…, viết gi trong giành giật, gia (đình); Hay âm /k / viết k khi đi sau là /i, e, ɛ, iɤ/ (kín, kết, kém, kiệt…), viết c trong các trường hợp khác (cúm, cột, cõng, cắt…)
Luyện tập chính tả những chữ dễ sai do ảnh hưởng cách phát âm của vùng phương ngữ.
VD: Luyện viết đúng chính tả âm /ʂ/ và / s/ (s/x), / z / và / ʐ / (d, gi/r), / c/ và / ʈ/ (ch/tr), âm cuối /-ŋ/ và /-k/ (ng, k).
Thực hiện các quy tắc viết hoa (cho tất cả các trường hợp viết hoa của chữ viết tiếng Việt hiện đại). Ví dụ: các tên riêng chỉ tên người (như: Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Kim Đồng…), … chỉ địa danh (như: Hà Nội, Vinh, Nha Trang, Vũng Tàu…)
Thực hiện các quy tắc phiên âm tên riêng và thuật ngữ tiếng nước ngoài. Xác định cách viết trên riêng nước ngoài, nhất là tên riêng các nước ở châu Âu (ví dụ: I-ta-li-a hay Ý, Ô-xtrây- li- a hay Úc…), tên riêng các dân tộc thiểu số sống trên đất nước Việt Nam sang tiếng Việt (ví dụ: Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà- ôi, Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang-lơng…).
c. Nội dung, thời lượng chính tả lớp 3
Việc phân bố thời lượng cho phân môn chính tả ở lớp 3 như sau: 2 tiết/ tuần với 2 bài. Tổng cộng 62 tiết cho cả 2 học kỳ [1].
Chương trình của phân môn chính tả ở khối lớp 3 gồm các dạng sau: Nghe – viết chính tả những bài tập đọc đã học (chính tả nghe đọc). Viết theo trí nhớ các bài học thuộc lòng (chính tả trí nhớ).
Bài tập chính tả trong SGK tập một tập trung vào các chủ điểm: Măng non,
Mái ấm, Tới trường, Cộng đồng, Quê hương, Bắc – Trung – Nam, Anh em một nhà, Thành thị và nông thôn.
Bài tập chính tả trong SGK tập hai tập trung vào các chủ điểm: Bảo vệ Tổ
quốc, Sáng tạo, Nghệ thuật, Lễ hội, Thể thao, Ngôi nhà chung, Bầu trời và mặt đất.
Sự sắp xếp nội dung của các bài chính tả trong SGK tiểu học nói chung và trong SGK lớp 3 nói riêng tuân thủ theo nguyên tắc từ dễ đến khó. Cụ thể, các bài chính tả được sắp xếp theo trình tự: nghe đọc, ghi nhớ, so sánh. Trình tự này phù hợp với quy luật nhận thức của HS tiểu học.