8. Đóng góp mới của đề tài nghiên cứu
3.3.2. Kết quả thực nghiệm đối với bé Gia Thuận
3.3.2.1. Mô tả đặc điểm của bé và gia đình
Bé Gia Thuận là bé trai, được 36 tháng tuổi, đã đi học mầm non. Bé sống cùng ba mẹ (bé có ba anh chị em, một chị gái năm tuổi rưỡi và một em trai mới ba tháng tuổi), cùng ông bà ngoại và gia đình chú dì (có một em họ 30 tháng tuổi). Ba mẹ của bé cùng làm nghề kinh doanh áo cưới và có hoàn cảnh kinh tế trên trung bình.
Về cách thức giáo dục, nuôi dưỡng bé, bé là con thứ hai, mẹ mới sinh em bé nhưng luôn cố gắng dành thời gian quan tâm và dạy dỗ bé. Bé được cha mẹ quan tâm giáo dục, dựa trên sự gần gũi, thân thiện. Do tính chất công việc nên gia đình vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc ăn uống của trẻ, nhất là do mẹ của bé mới sinh em bé nên càng không có thời gian quan tâm đến việc ăn uống của bé thường xuyên. Thông thường mẹ và bà ngoại là người thường cho bé ăn nhất. Gia đình thường cho bé ăn trước người lớn nhưng không nấu riêng đồ ăn cho bé. Bé thích ăn vặt nhiều hơn là ăn các bữa ăn chính, bé cũng ít uống sữa vì đến giờ bé vẫn phải đút từng muỗng chứ không bú bình hoặc uống ly.
3.3.2.2. Quy trình và kết quả thực nghiệm
a. Quy trình thực nghiệm
Sau khi làm việc với phụ huynh để xác định mức độ biếng ăn và loại biếng ăn mà bé gặp phải, nhóm nghiên cứu và phụ huynh đã thống nhất quy trình thực nghiệm đối với bé Gia Thuận như sau:
- Trước bữa ăn:
+ Không cho trẻ ăn vặt và uống sữa sau khi đi học về, để trẻ chơi và bụng đói, tắm cho trẻ để tạo cảm giác thoải mái, bữa ăn của trẻ bắt đầu lúc gần 6 giờ.
+ Tạo không khí vui vẻ với trẻ trước khi ăn.
+ Chuẩn bị một loại thức ăn trẻ thích ăn là trứng và loại trẻ không thích ăn là cá để cho trẻ ăn.
+ Động viên khích lệ trẻ ăn, khen ngợi trẻ khi trẻ ăn giỏi.
+ Chơi trò chơi con thỏ với trẻ: trẻ là con thỏ, khi con thỏ ăn cỏ thì trẻ ăn cơm và khai thác thêm trò chơi này khi trẻ chơi với ghế, làm cái hang để trẻ chui vào ngủ và mẹ giả bộ làm tiếng gà gáy để đánh thức trẻ và thỏ thức dậy phải ăn và mẹ đút cơm cho trẻ.
+ Cho trẻ ăn kèm thức ăn thích ăn và không thích ăn.
+ Chơi trò tập tầm vông để trẻ tham gia đoán đồ vật với mẹ, nếu đoán đúng mẹ sẽ thưởng và khen ngợi trẻ, không la mắng trách phạt trẻ khi trẻ không đáp ứng tích cực với việc cho ăn.
+ Chơi bán đồ ăn với trẻ, mẹ đóng vai người bán, trẻ là người mua và ngược lại. + Khi trẻ có biểu hiện không muốn ăn nữa, đưa phần thưởng khuyến khích trẻ, cho trẻ thấy phần thưởng và cho trẻ được chơi với phần thưởng khi ăn giỏi.
Cũng tương tự như trường hợp của bé Nhật, điều quan trọng nhất trong quá trình thực nghiệm là làm sao cho trẻ cảm thấy thoải mái trong bữa ăn thì trẻ sẽ ăn ngon hơn, nhanh hơn và ăn được nhiều hơn.
b. Kết quả thực nghiệm
Trước thực nghiệm, bé Thuận bị biếng ăn khá nặng với điểm trung bình mức độ biếng ăn là 1,06. Bé thường ăn khá lâu mà vẫn không ăn hết khẩu phần thức ăn mà người lớn đã chuẩn bị. Đặc biệt, bé chỉ chịu ăn thức ăn mà mình yêu thích là món trứng và không chịu ăn các loại thức ăn khác như cá, thịt và nhất là món cá. Ba mẹ đã tìm nhiều cách khác nhau nhưng đứa trẻ vẫn chỉ chịu ăn loại thức ăn quen thuộc. Khi ba mẹ trộn lẫn hai loại thức ăn với nhau thì trẻ dễ dàng phân biệt và nhất quyết không chịu ăn. Trong bữa ăn, trẻ cũng thường đòi dạo quanh nhà, có khi đòi ra đường đi vòng vòng mới chịu ăn. Thông thường thì người lớn mềm mỏng và dụ dỗ trẻ ăn nhưng có khi trẻ không chịu ăn thì ba mẹ nổi nóng và la mắng trẻ. Tuy nhiên, điều này không giải quyết được vấn đề mà lại khiến cho bé càng trở nên “lì” hơn.
Bảng 3.12. Điểm trung bình mức độ biếng ăn của bé Gia Thuận trước và sau thực nghiệm
1 Ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết 2,0 1,0
2 Ăn quá lâu 2,0 0,67
3 Bộc lộ cảm xúc tiêu cực 0,33 0
4 Hành vi tránh né 1,0 0,67
5 Hành vi chống đối 0,67 0,33
6 Phản ứng sinh lý 0 0
Điểm trung bình chung 1,06 0,44
Trước thực nghiệm, điểm trung bình mức độ biếng ăn của bé Gia Thuận là 1,06 - tương ứng với mức biếng ăn khá nặng thì sau thực nghiệm giảm xuống còn 0,44 - tương ứng với mức biếng ăn nhẹ. Trong sáu loại biếng ăn, bé có biểu hiện của bốn loại đó là ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết, ăn quá lâu, hành vi né tránh và hành vi chống đối. Loại biếng ăn bộc lộ cảm xúc tiêu cực chỉ lâu lâu mới xuất hiện và trẻ không có biểu hiện của loại biếng ăn đi liền với phản ứng sinh lý.
Tiến hành phỏng vấn mẹ của bé về những kết quả thu được sau thực nghiệm cho thấy, bé đã có sự đáp ứng khá tốt đối với các biện pháp thực nghiệm mà đề tài đề xuất. Mẹ của bé chia sẻ rằng “Tôi nhận thấy sự tiến bộ khá rõ ở con trai tôi sau khi áp dụng các biện pháp thực nghiệm. Nếu như trước đây, sau khi cháu chịu ăn mấy muỗng đầu thì về sau cháu bắt đầu tỏ ra chán ăn, tôi có dỗ thế nào thì cháu cũng không chịu ăn. Thậm chí, có lúc tôi bực mình quá nên la mắng cháu thì cháu cũng chỉ ăn thêm được một, hai muỗng nữa là thôi. Khi tôi sử dụng các trò chơi với cháu, nhất là trò “con thỏ” và trò “tập tầm vông” thì cháu tham gia khá hào hứng và chịu ăn. Khi cháu có biểu hiện chán ăn thì tôi treo phần thưởng là món đồ chơi thì cháu rất thích thú và lại tiếp tục ăn đến khi hết chén cơm mới thôi. Giờ đây bữa ăn không còn nặng nề như trước nữa, bé cảm thấy vui vẻ khi ăn và tôi cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn.” [phụ lục 5].
Như vậy, có thể kết luận rằng, bé Gia Thuận đã có sự đáp ứng tích cực đối với các biện pháp thực nghiệm. Mức độ biếng ăn của bé đã giảm đi rõ rệt, bé ăn được
nhiều hơn và nhanh hơn. Tuy nhiên, bé vẫn chưa chịu ăn loại thức ăn mà bé không thích đó là cá. Điều này đòi hỏi ba mẹ phải có những biện pháp phù hợp để bé chịu ăn thêm các loại thức ăn khác cho đảm bảo chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ.