Vấn đề ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới

Một phần của tài liệu pháp luật bình đẳng giới ở việt nam và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Trang 57 - 58)

5. Cơ cấu của luận văn

3.1.1.Vấn đề ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới

Sau khi Luật bình đẳng giới được Quốc hội thông qua, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới để cụ thể hóa các quy định của Luật đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03/5/2007 về việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới, trong đó xác định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thi hành Luật. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cho phù hợp với các nguyên tắc của Luật bình đẳng giới và bước đầu triển khai việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Chỉ thị số 10/2007/CT-TTg ngày 03/5/2007 về việc triển khai thi hành Luật bình đẳng giới thì Chính phủ dự kiến ban hành 3 nghị định hướng dẫn Luật bình đẳng giới, bao gồm:

- Nghị định 1: Về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới (dự kiến ban hành trong tháng 5 năm 2007).

- Nghị định 2: Về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới (dự kiến ban hành trước ngày 31/5/2007).

- Nghị định 3: Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới (dự kiến ban hành vào cuối năm 2007).

Tuy nhiên, trên thực tế cả 3 nghị định này đều không được ban hành đúng tiến độ, thậm chí trễ hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể là:

- Ban hành Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 4/6/2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới, nội dung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bình đẳng giới.

- Ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/05/2009 Quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

- Ban hành Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/06/2009 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới

Đến ngày 01/10/2009 Bộ Tài chính ban hành thông tư số 191/2009/TT-BTC về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này chủ yếu là do sự sắp xếp, thay đổi trong bộ máy quản lý nhà nước (Ủy ban dân số, gia đình và trẻ em – cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bình đẳng giới – bị giải thể và chuyển giao nhiệm vụ này sang Bộ tư pháp). Thêm vào đó, vấn đề giới, bình đẳng giới là một vấn đề mới và khó, trong quá trình soạn thảo còn có những quan điểm khác nhau nên việc cụ thể hóa các quy định của Luật bình đẳng giới gặp nhiều khó khăn. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành là một trong các nguyên nhân khiến cho nhiều địa phương bị động, lúng túng trong tổ chức thực hiện và Luật chậm đi vào cuộc sống. Trong quá trình đi tìm hiểu thực tế tại thành phố Cần Thơ, cho thấy trên địa bàn thành phố vấn đề tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới chỉ được áp dụng thí điểm vào tháng 6 năm 2009 duy nhất tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng với việc tuyên truyền lồng ghép với luật phòng chống bạo lực gia đình. Về tổ chức thực hiện, tại phường thành lập 3 câu lạc bộ với tổng số 40 hội viên, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng là 2 lần , kinh phí cho mỗi lần sinh hoạt là 5 nghìn đồng /1hội viên, tài liệu trang bị cho cả 3 câu lạc bộ là luật bình đẳng giới, luật phòng chống bạo lực gia đình và tài liệu tuyên truyền pháp luật bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình do Sở lao động thương binh xã hội thành phố Cần Thơ soạn thảo và cung cấp. Sau 6 tháng đi vào hoạt động cho thấy, hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới tại phường Thường Thạnh chưa đạt hiệu quả, còn mang nặng tình hình thức do trình độ của cán bộ thực hiện tuyên truyền còn hạn chế nhưng lại thiếu tài liệu tìm hiểu về pháp luật bình đẳng giới, nguồn tài chính tại địa phương cung cấp còn hạn chế, gây khó khăn cho công tác tuyên truyền pháp luật để nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề bình đẳng giới.

Một phần của tài liệu pháp luật bình đẳng giới ở việt nam và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Trang 57 - 58)