Hầu hết các chủng tụ cầu đều sản sinh được men penicillinase (beta- lactamase). Men này phá hủy vòng beta-lactam, cấu trúc cơ bản của các kháng sinh như Penicilline G, Ampicilline và Ureidopenicilline làm cho các kháng sinh này mất tác dụng.
Methicillin được coi là kháng sinh hàng đầu được dùng cho điều trị các nhiễm trùng do S.aureus kháng Penicillin. Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu của thập niên 60, S.aureus kháng Methicillin đã được ghi nhận và tình trạng đề kháng này bắt đầu ngày càng nặng từ giữa thập niên 80. Một số kháng lại được Methicilline gọi là Methicilline resistance
Staphylococcus aureus (MRSA) do nó tạo được các protein gắn vào vị trí tác động của kháng sinh. Một số ít kháng được Cephalosporin các thế hệ.
Vancomycin là kháng sinh chọn lựa hàng đầu để điều trị S.aureus kháng Methicillin (MRSA), nhưng việc chỉ và sử dụng rộng rãi Vancomycin có thể sẽ làm xuất hiện vi khuẩn kháng Vancomycin do sự gia tăng áp lực chọn lọc
đề kháng. Cho đến nay tại Hoa Kỳ đã có 3 trường hợp S.aureus kháng
Vancomycin (Vancomycin Resistant S.aureus: VRSA) và 24 trường hợp rải
rác trên thế giới xuất hiện S.aureus giảm nhạy cảm với Vancomycin.
Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều nghiên cứu báo động tỷ lệ cao MRSA kèm với sự đề kháng đa kháng sinh nhưng cho đến nay vẫn chưa có ghi nhận chính thức là VRSA. Tuy nhiên nguy cơ này có thể trở thành hiện thực trong tương lai vì với 41 chủng vi khuẩn phân lập tại Việt Nam được ANSORP khảo sát, có 1 chủng (2.4%) là có kiểu hình dị giảm nhạy cảm với
Vancomycin (hetero Vancomycin Intermediate S.aureus: hVISA) và đây là kiểu hình báo động tương lai xuất hiện VISA (Vancomycin Intermediate
S.aureus) và VRSA.
Trong thời gian từ tháng 9/2003 đến tháng 1/2005 đã có 235 chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus từ 7 phòng thí nghiệm vi sinh của 7 bệnh viện ở Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh được gửi về Trung tâm nghiên cứu để tái định danh và lưu trữ để làm kháng sinh đồ hàng loạt. Các chủng vi khuẩn này đều được phân lập từ các bệnh phẩm khác nhau lấy từ các bệnh nhân đến khám và điều trị tại các bệnh viện nói trên.
Kết quả ghi nhận được cho thấy 47% S.aureus kháng Methicillin, 42% với Gentamicin, 63% với Erythromycin, 68% với Azithromycin, 39% với Ciprofloxacin, 38% với Cefuroxime, 30% với Amoxicillin-clavulanic acid, 34% với Cefepime, 28% với Ticarcillin clavulanic acid, 38% với Chloramphenicol, 25% với Cotrimoxazol, 17% với Levofloxacin, và chỉ 8% với Rifampicine.
Nghiên cứu cho thấy vi khẩn S. aureus kháng Methicillin (MRSA) có tỷ lệ đề kháng các kháng sinh cao hơn rất rõ rệt so với vi khuẩn nhạy cảm Methicillin (MSSA). Nghiên cứu cũng ghi nhận Vancomycin và Linezolide,
là hai kháng sinh hiện nay được xem là đặc trị vi khuẩn S. aureus, vẫn còn 100% nhạy cảm.
Từ các kết quả này, các nhà lâm sàng trong nước có thể tin tưởng là sẽ có thêm một lựa chọn kháng sinh ngoài Vancomycin để điều trị các trường hợp nhiễm trùng do S.aureus kháng Methicillin, đó là Linezolide, một kháng sinh tổng hợp mới thuộc lớp Oxazolidinones vừa được đưa ra sử dụng trong lâm sàng từ năm 2001 (Phạm Hùng Vân và cs, 2005) [24].
Nguyễn Thị Kê và cs (2006) [11] cho biết S.aureus phân lập từ bệnh phẩm cho thấy có đến 94,1% chủng kháng Penicilline; 52,9% kháng Ciprofloxacine; 52% kháng Amoxillin và 12,5% kháng Gentamycine.
Từ tháng 8/2012 đến tháng 8/2013, một nghiên cứu với 143 chủng
S.aureus về tỷ lệ đề kháng kháng sinh của S.aureus trong 4299 bệnh phẩm, được phân lập tại phòng vi sinh bệnh phẩm, khoa LAM viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Qua kết quả từ kháng sinh đồ cho thấy tỷ lệ đề kháng của
S.aureus với các kháng sinh là: 93,7% với Penicilline G; 65% với Erythromycine; 60,8% với Kanamycine; 58% với Clindamycine. Tỷ lệ MRSA là 39,2% (Nguyễn Hữu An và cs, 2013) [1].
Theo Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 30/4/2014, hầu như tất cả các khu vực đều xảy ra kháng cao với Methicillin trong điều trị Staphylococcus aureus (MRSA). Trong đó, Đông Nam Á hơn 25%, Đông Địa Trung Hải hơn 50%, Châu Âu 60%, Châu Phi 80%, Tây Thái Bình Dương 80%, Châu Mỹ 90% [42].
2.4.Các biện pháp khống chế ô nhiễm thịt và ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn
2.4.1. Các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm
Việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là cả một quá trình từ việc chọn thực phẩm đảm bảo, bảo quản thực phẩm chưa chế biến (đông lạnh, ướp
muối...) hoặc đã chế biến (đậy, hâm, ướp lạnh...) đến quá trình giữ vệ sinh trong khâu chế biến, khi ăn uống cho đến các biện pháp phòng ngừa khi ăn ở ngoài. Trong đó phương châm cần lưu ý là "ăn chín, uống sôi". Cần phải đảm bảo các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm sau:
* Biện pháp đối với những người làm dịch vụ thực phẩm
- Quy định những bệnh lý mà người bị mắc (cả người có biểu hiện bệnh và người nhiễm tác nhân mà không có biểu hiện) không được làm trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
- Kiểm tra thường kỳ để phát hiện người lành mang vi khuẩn đường ruột. - Thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể, vệ sinh chân tay.
- Giáo dục ý thức vệ sinh thực phẩm.
- Thực hiện các yêu cầu vệ sinh đối với các loại hình kinh doanh các loại dịch vụ thực phẩm khác nhau.
* Biện pháp đối với cơ sở thực phẩm
- Đối với cơ sở phục vụ ăn uống, nhà bếp và nhà ăn phải một chiều. - Quy định quy chế riêng về vệ sinh đối với từng loại cơ sở chế biến, bảo quản, phân phối, lò sát sinh, chợ, thức ăn đường phố, nhà ăn công cộng...
- Đối với vấn đề ăn uống trong gia đình, cần giáo dục vệ sinh ăn uống, ý nghĩa của ăn chín uống sôi.
* Biện pháp đối với nguyên liệu, thành phẩm thực phẩm
- Thực hiện chế độ kiểm tra thực phẩm đối với các cơ sở ăn uống.
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra kiểm nghiệm thức ăn sản xuất, bảo quản, phân phối.
- Thực hiện chế độ đăng ký mặt hàng thực phẩm mới với Y tế (sản xuất với sự đồng ý của Y tế)
* Biện pháp với người tiêu dùng, người nội trợ
Thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến ATTP phòng ngừa NĐTP: - Chọn thực phẩm an toàn, tươi, sạch
- Nấu chín kỹ thức ăn để tiêu diệt hết mầm bệnh
- Ăn ngay sau khi nấu vì càng để lâu càng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhiễm
- Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 600C hoặc dưới 100C. Thức ăn cho trẻ không nên dùng lại.
- Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại. - Tránh tiếp xúc giữa thức ăn sống và thức ăn chín
- Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn. - Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn
- Che đậy thực phẩm ăn trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn... để tránh côn trùng và các động vật khác.
- Sử dụng nguồn nước sạch an toàn (là nước không chứa màu, mùi, vị, lạ và không chứa các tác nhân gây ô nhiễm)
Bên cạnh đó các cơ quan quản lý của nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, đồng thời phạt nặng những cơ sở vi phạm quy định về VSATTP.