7. Bố cục khóa luận
2.3.3. Ngôn ngữ trần thuật mang giọng chiêm nghiệm triết lí
Đọc tác phẩm của Y Ban người đọc được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với những giọng điệu khác nhau. Khi là giọng sắc lạnh, khinh miệt, gai góc, khi lại cảm thông, nâng niu trân trọng nhưng bao trùm lên người đọc vẫn nhận ra một giọng văn mang tính chiêm nghiệm triết lí sâu sắc. Y Ban hay để cho nhân vật chiêm nghiệm về hạnh phúc, về cuộc sống trong tương quan với những cay đắng họ phải nếm trải. Chị không tham vọng trong tác phẩm nghệ thuật của mình xuất hiện những tuyên ngôn. Thứ ngôn ngữ triết lí của chị rất tự nhiên trong mạch kể sáng tạo. Nó được kết tinh từ nhận thức sống, trải nghiệm sống và những va đập từng trải. Những triết lí được đặt đúng lúc, đúng chỗ góp phần sâu sắc vào việc thể hiện tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm.
Để câu chuyện thêm sinh động với cái nhìn tỉnh táo, nhà văn đã sử
dụng người trần thuật ở ngôi thứ ba. Đàn bà xấu thì không có quà là một điển
hình. Người trần thuật đứng ở bên ngoài câu chuyện quan sát mọi sự kiện diễn ra với nhân vật chính. Bởi vậy, những chiêm nghiệm triết lí được đưa ra mang tính khách quan, chân thực. Dường như những phát ngôn ấy được nói ra bởi nhân vật chứ không phải người kể chuyện.Trong tác phẩm, nhà văn đưa ra hàng loạt những triết lí được phát ngôn bởi nhiều nhân vật khác nhau. Có khi
là của người đàn bà xinh đẹp cùng phòng: “Cái đẹp phải được ban phát cho nhiều người” [2; 10]; Có khi do chính nàng Nấm nói ra: “Mẹ vẫn sống như mặt trời cần mẫn chiếu rọi cho trái đất” [2; 65]; Đôi khi là do đồng nghiệp H: “Cháu hãy khóc cho mình và cười cho người khác nhé. Và cháu hãy coi cuộc đời này là một cuộc chơi để cháu thể nghiệm thì cháu sẽ không phải đau khổ” [2; 73]; “Nhà văn phải trải qua tất cả những khổ đau, vui sướng, kể cả mất mát ở đời để có cái mà kể lại” [2; 94]. Giọng văn của Y Ban lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội. Và thông điệp mà nhà văn muốn chia sẻ chính là: Thỉnh thoảng đừng quên tặng quà cho người phụ nữ mà mình yêu quý, việc này tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại đem đến những cảm xúc vô cùng lớn với phụ nữ. Quan trọng là quà tặng của ai, và tặng như thế nào. Nhiều khi cuộc sống tất bật, gấp gáp hôm nay đã làm cho người đàn ông mất đi thói quen đáng yêu đó. Thỉnh thoảng hãy tặng quà cho nhau và đừng bao giờ nghĩ “đàn bà xấu thì không có quà”.
Xuân Từ Chiều là cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của những người phụ nữ
mà chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp khuôn mẫu trong xã hội. Xuân - được chồng yêu nhưng hiếm muộn; Từ - long đong vì sự nghiệp và hi sinh cho chồng con; Chiều - hi sinh vì gia đình và bế tắc cùng vì gia đình. Người trần thuật dùng ngôi thứ ba để kể lại câu chuyện. Cách kể đan xen để cho các nhân vật đồng hiện, tác giả đã đan cài rất có duyên các mối quan hệ giữa các nhân vật theo trật tự thời gian. Các nhân vật có cơ hội bộc lộ những chiêm nghiệm của bản thân. Từ là một cô gái trường Y, thông minh lanh lợi hứa hẹn một tương lai tươi sáng với “điểm số ngon lành, toàn điểm ưu”.Thế nhưng trong phút chốc, Từ bỗng ngộ ra rằng “nếu học y thì cô chỉ có thể cứu chữa cho một số người thôi. Còn cả một xã hội thì chẳng có bác sĩ nào cứu được cả” [3; 56]. Bởi Từ nhận ra “cái xã hội mà cô đang sống đây nó không chỉ có một dòng chảy như con sông kia, mà có rất nhiều dòng chảy ngầm” [3; 56]. Cô mê đắm cái dòng chảy gọi là cổ tích, dòng chảy gọi là văn học dân gian. Điều đó khiến một cô nàng bác sĩ tương lai từ bỏ trường Y để thi vào khoa Xã hội học của
trường Đại học Tổng hợp. Bao sự kiện xảy ra với cô gái trẻ: bị cắt bỏ viện trợ, gặp tình yêu của đời mình, lấy chồng, sinh con, hành trình xin việc, bươm trải cuộc sống, đặc biệt là sự kiện Từ “gia nhập công chức vỉa hè và công dân đề đóm” khiến cô có thêm những trải nghiệm trong cuộc sống “Từ không mảy may nghĩ ngợi gì về hai thân phận mình đang mang vác trên đôi vai người trí thức” [3; 129]. Câu nói đó của tác giả nhẹ tênh nhưng mang đầy ý nghĩa. Dường như từ khi cô phải từ bỏ con đường học hành bằng phẳng của mình để ra vỉa hè bán xôi chim, để bươn trải với cuộc sống thì Từ không còn nghĩ được điều gì khác ngoài việc kiếm tiền. Tiền đã bó buộc con người khiến họ không thể thực hiện được những điều mình muốn, mình mong ước. Đồng tiền cũng đã hủy hoại nhân cách Từ khiến cô rơi vào con đường đề đóm. Từ đã ngẫm nghĩ và tự vấn bản thân mình: “Sao mình thay đổi nhiều thế, trước đây mình mơ mộng thế, nay thì chỉ nghĩ đến tiền” [3; 144]. Những câu hỏi dồn dập được đặt ra trong đầu Từ. Từ không phủ nhận đồng tiền khiến Từ thành ra như vậy nhưng cuộc sống không có tiền buộc Từ phải như vậy. Đôi khi Từ cũng biết rằng khi người đàn bà còn yêu người đàn ông thì người đàn bà đó sẽ hi sinh tất cả cho người đàn ông mình yêu. Rồi Từ đi làm, những lo toan bộn bề của cuộc sống khiến Từ ngộ ra nhiều điều. Ôm con ngủ Từ lại rưng rưng muốn khóc. “Trong sâu thẳm Từ nghĩ thương con cháy lòng. Cái thời đại con đang sống có rất nhiều biến động. Những biến động khôn lường. Liệu với chỉ tấm lòng mẹ có che chở được cho con không…” [3; 209]. Ngôn ngữ tự vấn chính mình khiến cho nhân vật tự nhìn nhận, xem xét lại chính bản thân mình để có thể điều chỉnh cách sống cho phù hợp.
Ngôn ngữ trần thuật là một căn cứ quan trọng khi định giá một tác
phẩm. Tiểu thuyết Xuân Từ Chiều của Y Ban đã sử dụng ngôn ngữ người kể
chuyện ngôi thứ ba. Lời triết lí đúng lúc sẽ đem lại hiệu quả cao cho tác phẩm: “Cũng như sau sự sung sướng, hạnh phúc luôn kèm theo sau đó là sự bất hạnh. Như các cụ xưa thường nói, họa vô đơn chí phúc bất trùng lai, hay là trong phúc có họa trong họa có phúc” [3; 159]. Đó chính là cái chân lí của
cuộc sống. Bằng cách người kể tự bình luận, triết lí hoặc trao lời cho nhân vật, Y Ban đã đúc kết những suy ngẫm, trải nghiệm về những hiện tượng trong đời sống, lẽ nhân sinh, thân phận người phụ nữ… Lời triết luận nào cũng tạo những ấn tượng với bạn đọc.
Với giọng điệu chiêm nghiệm triết lí, nhân vật của Y Ban được soi chiếu từ nhiều bình diện, tầng bậc. Bằng giọng điệu này nhà văn đã bộc lộ thế giới quan, nhân sinh quan của mình và làm tăng sức khái quát cho hình tượng nghệ thuật.