7. Bố cục khóa luận
2.3.2. Ngôn ngữ trần thuật mang giọng sắc lạnh, tỉnh táo, gai góc
Đọc truyện của Y Ban có khi người đọc còn bắt gặp giọng điệu tự nhiên sắc lạnh, tỉnh táo, gai góc. Nhiều tác phẩm ngoài âm hưởng giọng điệu chủ đạo (và các giọng đan xen khác), Y Ban để người kể chuyện dùng giọng sắc lạnh để vạch mặt đặt tên, châm biếm đả kích “thói đời”, “thói người”.
Qua các sáng tác của chị, người đọc có dịp đối mặt với hiện thực. Có những hiện thực khắc nghiệt trớ trêu. Tồn tại nghịch lí cuộc sống nhiều lúc gây nỗi đau âm ỉ trong lòng con người. Y Ban làm tròn bổn phận của người cầm bút để tái hiện hiện thực ấy. Nói cách khác, chị với tư cách nhà văn, cầm ngòi bút nghệ thuật nhọn sắc để trích vào cái nhọt tấy đầy vi trùng cuộc sống để mong rằng sau lần phẫu thuật ấy vết thương cuộc đời sẽ lành lặn. Trước hiện thực, Y Ban không tô hồng, không bôi nhọ mà chị viết bằng trái tim chân thành. Và, giọng điệu người kể chuyện trở lên nghiêm túc, sắc lạnh và tỉnh táo. Có khi ta ngỡ như niềm cay nghiệt.
Xuân Từ Chiều là cuốn tiểu thuyết kể về cuộc đời, số phận của ba
người phụ nữ. Không phải là những câu chuyện hướng đến bao quát toàn cục thế giới mà là những câu chuyện đời thường, là cái nhìn xung quanh bể nước của khu tập thể, là những câu chuyện kể của giới công chức, chuyện đời sống vợ chồng,… Cuộc sống cứ diễn ra tự nhiên, rõ mồn một như không có một dụng cụ nào của người kể chuyện.
Xuân là một cô gái nhà quê lên làm dâu ở một khu tập thể bệnh viện, làm công việc nuôi dạy trẻ. Ở đó, cô cùng với Từ theo bà Nuôi đi chôn những hài nhi không được làm người và chôn con của một bà điên, điên đến mức không biết cái quần cái áo nhưng vẫn có những kẻ không hẳn hoi làm cho bà điên chửa. Chồng đi bộ đội, Xuân thi đỗ Đại học Sư phạm và cố gắng phấn đấu trở thành Trưởng khoa của một trường Đại học. Xuân là người phụ nữ được chồng hết lòng yêu thương nhưng lại hiếm muộn về đường con cái.
Chiều là một người đàn bà Trực bình. Buổi chiều hè chị thường bế con ra bể nước của khu tập thể chơi, chồng ra bảo, đưa đây bế con cho, về giải hộ tớ bài toán. Chính nhờ những bài toán vợ giải hộ ấy mà anh từng bước hoàn thành việc học hành, leo dần lên những nấc thang của danh vọng. Đây cũng là lúc chồng và con không cần đến cô nữa, cô cảm thấy lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà của mình. Không còn con đường nào khác cô đành phải tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho mình. Bằng giọng văn tỉnh táo, sắc
lạnh Y Ban đã cho người đọc thấy được rằng con người vì danh vọng, tiền tài mà quên đi người vợ đã từng hi sinh tất cả cho mình. Chú Chiện - chồng cô Chiều leo lên đỉnh cao của danh vọng từ những bài toán vợ giải nhưng cuối cùng lại trả cho vợ một cuộc sống heo hắt, cô đơn.
Từ - một cô gái thông minh, năng động, đầy nhiệt huyết. Tốt nghiệp Đại học, năng lực có thừa nhưng cuộc sống xô đẩy khiến Từ phải gia nhập “công chức vỉa hè”, phải ra đường bán xôi chim kiếm sống. Mệt mỏi xoay xở với cơm áo, chật vật giằng co giữa tình yêu và gia đình nhỏ bé, Từ va chạm với mọi sóng gió đời thường của người phụ nữ. Trong số ba nhân vật nữ, Từ là nơi tác giả gửi gắm nhiều ước vọng hơn cả, người đọc thấy đâu đó bóng dáng của Y Ban trong nhân vật này.
Trong tiểu thuyết Xuân Từ Chiều xuất hiện tương đối nhiều thứ ngôn
ngữ sắc lạnh, tỉnh táo, gai góc: “Nhà Xuân cũng nuôi lợn. Bà mẹ chồng hay mang về cái gọi là rau bà đẻ để cho lợn ăn. Cái rau to như cái đài trang, Xuân không lạ gì cái rau bà đẻ. Còn cái trong cóng bơ nhà con Từ thì Xuân không hiểu gì. Con Từ bảo, phải đun chín lên em mới chỉ cho chị được. Cái cóng bơ đỏ lòm những máu đun lên chuyển sang màu trắng đục, những mẩu màu trắng đục. Con Từ lấy que khều khều cái bàn tay ếch nhô lên khỏi những mẩu trắng đục đó…” [3; 22]. Đọc những câu văn đó ta có cảm giác rùng rợn, xót xa nhưng dường như Y Ban lại kể với giọng điệu rất tự nhiên, lạnh lùng khiến người nghe cảm thấy “rợn tóc gáy”. Cái rau thai mà mẹ chồng Xuân đem về cho lợn ăn phải nạo ra nên nát bét rồi. Đó là lời Từ đã nói với Xuân. Những câu văn ngắn gọn tỉnh táo, trơ cảm xúc nhưng ẩn chứa bên trong là một tấm lòng thương cảm, xót xa, quặn đau. Qua những câu văn ấy cho ta thấy Từ là một cô bé tuy ít tuổi nhưng “khôn lõi đời”. Từ nói với Xuân: “Người ta có chửa nhưng không nuôi được thì phải phá đi chứ” [3; 23]. Câu nói tuy táo bạo, dửng dưng nhưng ẩn đằng sau là sự thương cảm, xót xa đến tội nghiệp thân phận của những người phụ nữ. Khi Từ đau đẻ thì chồng Từ lại không hề lo lắng cho vợ. Thấy bạn đến chơi, anh chàng vẫn dẫn bạn ra quán nước như
không có chuyện gì xảy ra: “Anh chàng còn bảo với mẹ, nó mà đẻ rơi được thì tốt quá, càng đỡ phải rặn” [3; 40]. Khi Từ sinh con xong chồng cũng bỏ mặc vợ đấy để đến ông thầy quen lấy lá số tử vi cho con gái. Mẹ chồng cũng về luôn. Với việc sử dụng thứ ngôn ngữ có sức ám ảnh đến lạnh người như vậy Y Ban đã cho chúng ta thấy được một con người vô trách nhiệm, vô cảm với chính người vợ và đứa con của mình. Một sự suy thoái đạo đức đang diễn ra trong chính xã hội hiện đại đang cần tiếng nói lên án những con người như vậy.
Ngôn ngữ trần thuật tỉnh táo, sắc lạnh được Y Ban sử dụng một cách linh hoạt trên những trang viết của mình. Đó là lối viết không cần phải bóng gió, ẩn dụ mà đi thẳng vào vấn đề một cách tự nhiên kể cả những điều khó nói như chuyện phòng the, quan hệ vợ chồng,… mà lâu nay vẫn bị coi là cấm kị hoặc ít được đề cập tới trong văn học. Bằng giọng văn tỉnh táo, sắc lạnh, tự nhiên thậm chí xù xì mang đậm hơi thở cuộc sống đời thường nhà văn đã kể ra bao nhiêu câu chuyện bi hài trong khu tập thể. Đó là chuyện mất nước của khu tập thể, nhà không còn giọt nước nào dùng mà cái thằng bé con ru mãi không ngủ, thế là tương cho nó thìa sirô e phê nát gan, nó ngủ tít luôn. Đó còn là những câu chuyện bi hài của những cô y tá hay câu chuyện xoay quanh cái cống lọ thiên quanh nhà tắm đều được nhà văn nói một cách tự nhiên, không hề giấu giếm, ngại ngùng. Y Ban đã vận dụng rất thành công lối viết mới của văn học hậu hiện đại. Với thứ ngôn ngữ táo bạo, mạnh mẽ nhiều khi gây “shock” cho độc giả Y Ban đã khẳng định vị trí của mình trong sáng tác văn học không chỉ bằng việc đòi quyền lợi cho chị em phụ nữ mà còn công khai viết về những điều cấm kị. Dường như Y Ban đã cố ý sử dụng lối viết “trắng” không cảm xúc để nói lên những thực trạng đang diễn ra trong cuộc sống thời bao cấp. Thứ ngôn ngữ thẳng thừng, mạnh bạo không chút e dè đã đem đến cho độc giả hướng đọc và cách tiếp cận mới cho tác phẩm.
Viết về những khao khát mãnh liệt trong quan hệ vợ chồng của Từ, Y Ban bằng việc sử dụng ngôn từ táo bạo, không chút e dè đã diễn tả một cách
chân thực, đầy đủ, tinh tế diễn biến cơ thể của con người: “Từ ủn chồng ra lấy lệ rồi thả lỏng người. Sau đó thì cong người lên, cong đến độ phải bật ra tiếng rên. Từ không nhắm mắt. Qua ánh đèn chiếu nghiêng Từ thấy các cơ mặt chồng căng ra và cả người anh cũng căng ra. Dường như anh đang huy động toàn bộ sức mạnh” [3; 71]. Ngay cả trong thời gian ở cữ thì khao khát được thỏa mãn nhau vẫn không dừng lại: “Chồng Từ thừa cơ sắp tới ôm chặt lấy Từ hôn hít. Từ cảm nhận được dưới đùi mình một sự rất cứng. Vả lại cô cũng rất muốn. Từ xiết lấy chồng. Cô chờ đợi sự cuồng nhiệt của chồng… Từ cong người để cảm nhận chồng” [3; 62]. Đó là những khao khát chính đáng, bản năng của một người phụ nữ khao khát được yêu, được thỏa mãn trong đời
sống vợ chồng.
Xuất hiện trong tác phẩm còn là đôi vợ chồng Xuân. Họ rất thỏa mãn và biết chiều chuộng nhau trong quan hệ chăn gối nhưng họ lại không có con. Họ khao khát có một đứa con. Nhưng lạ thay cả hai đi khám bác sĩ bảo họ bình thường. Lỗi ở đây là do Tuấn - chồng của Xuân đã bị mất cái vật linh thiêng đó khi đi bộ đội. Nhưng đây lại là một bí mật bị chôn vùi vĩnh viễn. Mãi đến khi Tuấn mất đi rồi Xuân mới biết được sự thật ấy. Tuấn yêu vợ là thế nhiều lúc Từ cũng phải ghen tỵ nhưng ẩn chứa bên trong lại là sự ích kỉ, nhỏ nhen không dám thừa nhận sự bất lực của bản thân mà nhẫn tâm đẩy vợ sống cuộc sống cô đơn, hứng chịu búa rìu, áp lực từ bố mẹ chồng. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật nhà văn đã trao lời cho bố mẹ chồng Xuân với những lời chì chiết, cay nghiệt: “Thôi bà đừng có mà ước này ước nọ, cứ nói trắng phớ cho thiên hạ biết là nhà này vô phúc, cưới phải con dâu như vậy” [3; 86]. Khi Từ cất giọng nói: “Cháu thấy chị Xuân cũng rất tốt đấy chứ ạ” thì bà mẹ chồng Xuân lại tiếp lời với giọng lạnh lùng, chì chiết: “Thì có ai bảo nó không tốt đâu. Nó biết ăn biết ở với nhà chồng, cái đó thì nhỏ thôi, ai chẳng biết ăn biết ở. Cái chính là đàn bà phải biết đẻ con. Đàn bà mà không biết đẻ con thì vứt đi” [3; 86]. Khi từ lên tiếng bênh vực Xuân bố chồng lại nói vời giọng đay nghiến: “Để riêng từng người thì bình thường nhưng hợp vào nhau
nó lại không bình thường. Nói đơn giản cho dễ hiểu, nó như hạt giống ấy, trên đất này thì nó nảy mầm được, trên đất khác thì nó chết. Đàn bà là đất, đàn ông là hạt giống. Đàn bà phải là đất phù sa màu mỡ chứ, đằng này lại là đất phèn đất chua thì sao mà giống nó mọc được. Đã phân tích hết nước hết nhẽ rồi mà con mình nó ngu, nó không nghe lời. Nó ăn phải bùa mê thuốc lú của con này rồi nên nó không dám bỏ” [3; 86 - 87]. Dường như đằng sau những câu văn rất tỉnh táo, rất lạnh lùng lại ẩn ức canh cánh những nỗi lòng mà người kể muốn chia sẻ cho nhân vật của mình. Một sự cảm thông với những gian truân vấp váp mà Từ đã trải qua, là sự cảm thông trước khao khát muốn được làm mẹ của Xuân, nỗi niềm xót xa, trân trọng tâm hồn cao cả, đức hi sinh của người đàn bà lam lũ hết lòng vì chồng vì con,… .
Trong Trò chơi hủy diệt cảm xúc, Y Ban cũng sử dụng giọng điệu tỉnh
táo, sắc lạnh bằng việc người kể chuyện là người tham gia trực tiếp vào câu chuyện, dùng ngôi thứ nhất “tôi” để kể lại. Nhân vật chính được giới thiệu là một Tiến sĩ môi trường làm chủ gia đình, thành công trong công việc. Người đàn bà tham gia trò chơi ban đầu chỉ với mục đích chiếm lĩnh số tiền thưởng khá lớn. Thậm chí là: “Tôi tham gia trò chơi đó như một sự giải trí, như những buổi chiều người dân đánh con lô con đề vậy” [4; 194]. Mọi vấn đề của cuộc sống đều được đề cập: chuyện vợ chồng, chuyện sinh hoạt hàng ngày,… Đó là khi ả nghe điện thoại của chồng và ả nghi ngờ chồng ả ngoại tình “ả sẽ phì ra như rắn, nhảy thếch lên như con cào cào và rủa xả như cái máy bơm nước thải”. Ngôn ngữ sắc lạnh, gai góc của một người đàn bà bắt quả tang chồng mình ngoại tình. Dường như hành động của ả ta đều dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống. Có người đàn bà nào chịu ngồi im khi biết chồng đi ngoại tình. Ả tra khảo chồng:
“- HS Hải là ai đấy? Sao cứ sáng ra là nó gọi cho mày…
- …Sáng ra bao nhiêu việc ở cơ quan, sao mà cà phê cà pháo được. Tao thấy là cứ sáng là nó gọi cho mày. Mà sao mày không nhấc máy…
- …Hỏi lại mày lần nữa. HS Hải là ai?” [4; 22 - 23]. Ngôn từ sắc lạnh, những câu hỏi dồn dập khiến người đọc cũng phải rùng mình trước người đàn bà nữ quyền.
Như vậy, với việc sử dụng ngôn ngữ sắc lạnh, tỉnh táo khiến nhân vật hiện lên mang một diện mạo mới. Ẩn giấu đằng sau giọng sắc lạnh, tỉnh táo ấy là thái độ của tác giả với cuộc sống, là những cay đắng mà con người phải trải qua. Tuy nhiên, sắc lạnh mà không hằn học, bi quan. Y Ban không phải tuýp người “bới bèo ra bọ” thích gây sự. Chị chỉ viết về sự thật, về “nhân tình thế thái” nghiêm khắc nhắc nhở thói tật đáng trách để cuộc sống tốt hơn, đẹp hơn.