Sự đan xen giữa nhiều giọng điệu

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn nguyễn minh châu sau 1975 theo phương pháp đọc hiểu (Trang 58 - 60)

8. Cấu trúc khóa luận

2.1.4.3.Sự đan xen giữa nhiều giọng điệu

Từ chỗ quan sát và khám phá đời sống thường nhật những lẽ đời, những triết lý nhân sinh, Nguyễn Minh Châu đã dần đi vào việc tìm kiếm lẽ đời trong số phận cá nhân và các vấn đề xã hội. Từng bước một ông đã hoá thân vào nhân vật, sống cùng nhân vật để khám phá và tìm hiểu cái “hiện thực ẩn kín”. Trên cơ sở đó, ông đã tạo cho sáng tác của mình một giọng điệu da diết và cuốn hút hơn khiến người đọc phải chiêm nghiệm, suy ngẫm về những gì mà

“cuộc viễn du” ấy đặt ra. “Bức tranh” đã thể hiện sự thay đổi sớm và rõ nhất

về giọng điệu trong sáng tác của ông. Xuất phát từ chỗ coi “con người không bao giờ trùng hợp với bản thân mình”, Nguyễn Minh Châu đã chọn chỗ đứng

bình đẳng với nhân vật để cho nhân vật nói thật tiếng nói của mình. Thật khó mà phân biệt được đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật. Cuộc độc thoại nội tâm đã mang tính chất một cuộc đối thoại với nhiều giọng điệu: khi thì mỉa mai, giễu cợt, khi thì tư biện, khi thì đanh thép... nhưng nổi bật lên vẫn là giọng điệu khắc khoải, thâm trầm của một tâm hồn bị nỗi đau tinh thần giằng xé. Trước đây con người nhất là con người cách mạng, được coi như bất khả chiến bại. Nhưng giờ đây với nhân vật người hoạ sĩ, Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy lẫn lộn ở đó cả “người tốt, kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” khiến cho trong một con người luôn luôn xảy ra những nghịch lý khi vừa phạm phải sai lầm lại vừa biết ăn năn, đau khổ trước những sai lầm đó. Cách nhìn mới về con người như vậy chí ít cũng đưa lại một cơ sở nhất

định để Nguyễn Minh Châu tạo cho truyện “Bức tranh” có nhiều giọng điệu

hơn so với những sáng tác trước đó, mở ra một thời kỳ mới trong cuộc đời sáng tác của ông.

Trong “Phiên chợ Giát”, do con người được nhìn từ số phận, nên giọng

điệu thâm trầm của truyện nổi lên như một chủ âm và được biểu hiện qua dòng ý thức hỗn tạp và lộn xộn. Toàn bộ truyện là “một bức tranh với nhiều nét nhoè, nét này thâm nhập vào nét kia, gây nhiều ảo ảnh, một sự thẩm thấu giữa hiện tại và quá khứ, giữa giấc mơ và sự thực, cái trừu tượng, độc thoại, giữa nhẫn nhục và tự do, những nét bút dữ dằn và thương yêu hoà quyện với nhau, xen lẫn nhau gây cảm giác dằn vặt” [21; Tr.254]. Rất nhiều tiếng nói khác nhau, rất nhiều cuộc đối thoại trong dòng độc thoại miên man làm cho truyện trở nên phức điệu và mang tính đa nghĩa: khi kinh sợ hãi hùng, lúc xót xa đau đớn, lúc buồn rầu mệt mỏi. Hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý với

giáo sư Đỗ Đức Hiểu khi cho rằng “Phiên chợ Giát” là một “văn bản đa

thanh”.

Nếu như trong “Phiên chợ Giát”, Nguyễn Minh Châu đặt nhân vật vào dòng ý thức hỗn tạp và lộn xộn thì ở “Cỏ lau”, nhân vật được đặt vào trong

một chuỗi sự kiện đòi hỏi phải xử lý theo cách khác. Từ điểm nhìn số phận, Nguyễn Minh Châu đã buộc phải xử lý theo nguyên tắc nghệ thuật cùng một lúc những cặp phạm trù đặt ra đồng thời như: sự cao cả - thấp hèn trong một con người, sự phi thường, anh hùng và đời thường trong cuộc sống... Tất cả những điều đó đều được đặt trong chủ âm là giọng điệu khắc khoải, trầm buồn, thảng hoặc có xen vào trong một số chương đoạn đôi giọng điệu khác. Chẳng hạn như cho Phi Phi với những câu chớt nhả hay những câu triết lý về giá trị của đất đai: “Người nông dân chúng tôi sống bằng đất”, về chiến tranh: “Chiến tranh làm người ta hư đi hơn là làm người ta tốt lên” tạo nên một bản hợp âm trong truyện. Sự đan xen giữa nhiều giọng điệu khác nhau góp phần tạo nên sức lôi cuốn, hấp dẫn riêng cho tác phẩm Nguyễn Minh Châu, đặc biệt những tác phẩm sau 1975.

Nguyễn Minh Châu đã kế thừa các bậc đàn anh về cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn sâu vào nội tâm và đời sống con người, đồng thời trên lộ trình nghệ thuật ông cũng thể nghiệm nhiều hướng tìm tòi, đổi mới. Sự kiên trì tìm kiếm, sự nỗ lực trong sáng tạo của Nguyễn Minh Châu là một bài học thiết thực. Ông xứng đáng với vị trí người mở đầu cho một thời kỳ mới của nền văn học nước nhà và vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

Một phần của tài liệu Dạy học truyện ngắn nguyễn minh châu sau 1975 theo phương pháp đọc hiểu (Trang 58 - 60)