8. Cấu trúc khóa luận
2.1.2 Nhân vật trong sáng tác Nguyễn Minh Châu
2.1.2.1. Các loại nhân vật:
Trong một tác phẩm văn học, nhân vật là sự biểu hiện khả năng chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật cùng với tư tưởng nghệ thuật, lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Do nhân vật có vai trò quan trọng như vậy nên nhiều nhà văn đã rất coi trọng việc xây dựng nhân vật trong quá trình sáng tác của mình. “Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực.
Nhân vật chính là người dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng của đời sống trong một thời kỳ lịch sử nhất định” [6; Tr.102].
Sự ra đời của các loại hình nhân vật tuỳ thuộc vào quan niệm sáng tác của mỗi nhà văn. Đối với Nguyễn Minh Châu, hệ thống nhân vật đã phản ánh trung thành thế giới nghệ thuật cũng như quan niệm nghệ thuật về con người và hiện thực trong các chặng đường sáng tác. Vào thời kỳ trước 1975, nhìn chung, nhân vật của Nguyễn Minh Châu chưa có nét riêng độc đáo vì tác giả chủ yếu chỉ soi chiếu ở góc độ “con người xã hội”. Khi lòng yêu nước trở thành một hệ quy chiếu để nhìn nhận đánh giá phẩm chất con người thì nhân vật trong tác phẩm cũng được tác giả thể hiện chủ yếu trên phương diện ấy. Nhưng càng về sau, dạng nhân vật loại hình không còn giữ vị trí độc tôn trong sáng tác của ông nữa, ngòi bút ấy đã vươn tới khắc họa nên những dạng nhân vật tư tưởng, nhân vật tính cách – những nhân vật có số phận riêng so với cộng đồng.
Nhân vật tư tưởng:
Đây là loại nhân vật tập trung thể hiện một tư tưởng, một ý thức tồn tại trong đời sống tinh thần của xã hội. Thông thường loại nhân vật này hay xuất hiện khi xã hội có những dấu hiệu biến động và nhà văn thông qua nhân vật để gửi gắm tư tưởng của mình.
Vào thời điểm những năm tám mươi khi có những dấu hiệu mở đầu thời kỳ đổi mới trong đời sống sáng tác, loại nhân vật này của Nguyễn Minh Châu đã xuất hiện, thể hiện sớm nhất và trực tiếp nhất nỗi trăn trở của chính bản thân ông về đổi mới tư duy nghệ thuật cũng như vấn đề bản lĩnh và nhân cách con người. Các nhân vật này hoặc mang nhu cầu được sống trung thực với bản thân mình mà không bị hư danh, lừa dối, hoặc đòi hỏi phải nhận thức lại một số vấn đề của đời sống xã hội. Điều đó xuất phát từ nhu cầu muốn nhận thức lại các mối quan hệ giữa con người và xung quanh, giữa người nghệ sĩ và mục đích của nghệ thuật “không muốn văn học chỉ là sự minh hoạ”. Nhân vật
người hoạ sĩ trong truyện ngắn “Bức tranh” là một trong số những nhân vật tư
tưởng tiêu biểu đầu tiên của Nguyễn Minh Châu. Người hoạ sĩ có tác phẩm “nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài” sau lần đi đến cái quán nhỏ cắt tóc, anh ta đã bàng hoàng phát hiện ra tội lỗi khó bề tha thứ của mình do thất hứa với người lính đã từng giúp đỡ, cứu mạng mình mà người mẹ tưởng con hy sinh nên đã khóc mù cả mắt. Bắt đầu từ những ngày đó, anh ta sống trong dằn vặt, đau khổ. Cùng khi người hoạ sĩ nhận thức về sự vi phạm chuẩn mực đạo đức thông thường của mình thì trong chính anh ta, một con người khác hiện ra xuê xoa, biện hộ với lý do khả dĩ là vì bận các việc chuẩn bị cho cuộc triển lãm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cách cư xử thường tình của con người có đạo đức thì hiển nhiên là không một lý do nào có thể biện minh được. Người hoạ sĩ đã không đủ dũng cảm để ra “đầu thú”, nhưng lương tâm anh ta lại cũng chưa đến mức có thể lờ đi được tội trạng của mình. Quá trình nhận thức của người hoạ sĩ trong “Bức tranh” diễn ra khá phức tạp. Vấn đề lương tâm, trách nhiệm của cá nhân được Nguyễn Minh Châu đặt ra khá rạch ròi, cụ thể qua hình tượng nhân vật người họa sĩ: Nếu là một con người đạo đức liệu anh có thể tự cho phép mình vô ơn đối với những con người dẫu vô danh trong xã hội nhưng đã từng cứu mạng mình? Và nếu biết được hậu hoạ thói vô ơn của mình, liệu anh có đủ dũng cảm để thú tội? Hơn thế, là xin gánh một phần trách nhiệm? Còn ở góc độ người nghệ sĩ vả chăng “vì mục đích của số đông” mà anh “có quyền lừa dối”, coi lời hứa của mình với người lính vô danh như một phép ứng xử có phần lịch sự thông thường để đáp lễ? Và trước nỗi bất hạnh có thật kia anh đã dửng dưng như một kẻ vô can.
Loại nhân vật tư tưởng này còn được trở lại trong một số truyện khác và hình thành một môtip khá rõ thể hiện những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Nhà văn T trong truyện ngắn
“Sắm vai” vốn từng dặn dò người khác “không được đánh mất mình”, “sống
khác – do chiều theo sở thích và yêu cầu của vợ mà từ bỏ tất cả những thói quen và sở thích cũ để đóng vai một anh chồng hào hoa, có vẻ thời thượng. Dường như bên trong anh ta có hai vẻ mặt khác: “một bên đầy suy nghĩ và lơ đễnh của người nghệ sĩ sáng tạo”, một bên “vui vẻ trẻ trung”. Nhà văn đã rơi vào bi kịch đánh mất bản thân. Nhưng rồi anh ta chọn cho mình một lối đi “dứt khoát từ nay không chịu sắm vai”. Dường như điều quan trọng nhất của
Nguyễn Minh Châu muốn kí thác qua nhân vật “Sắm vai” là tính trung thực
vô ngần của người nghệ sĩ. Tính trung thực ấy là đạo đức trong lao động sáng tạo, là bảo đảm sự sống còn của văn chương; đi xa hơn nữa, điều này gắn liền với quan niệm về đạo đức, nhân cách của con người. Nếu như trước kia nhân
vật Điền trong “Trăng sáng” của Nam Cao từng vật vã vì sự cách biệt giữa
những trang văn của mình với những đói rách, nghèo khổ của đời thường trước
mắt, thì trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, người phóng viên trong lần đi tìm
cảnh để chụp ảnh làm lịch Tết theo yêu cầu của ông trưởng phòng, đã mục kích một sự thật nghiệt ngã trong đời sống những người ngư dân. Tuy nhân vật
không có những “tuyên ngôn” nghệ thuật hoặc đạo đức như trong “Sắm vai” (hay cả như trong “Trăng sáng”) nhưng từ sau chuyến đi này, mỗi lần ngắm
bức tranh, người phóng viên đó lại cảm nhận đằng sau “cái màu hồng hồng của ánh sương mù” là vẻ lam lũ, khắc khổ cam chịu của người lao động. Và điều đó sẽ là một ám ảnh dai dẳng trong ý thức và quan điểm nghệ thuật của anh. Cũng như Nam Cao, Nguyễn Minh Châu muốn nghệ thuật phải cắm rễ sâu vào các nguồn mạch của đời sống, và phải “đào bằng ngòi bút cho đến cùng của cái đáy sự thật chứa đầy bí ẩn để cảm thông và hiểu biết được số phận nhọc nhằn của người lao động”.
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng nhiều dạng nhân vật tư tưởng mang những sắc thái khác nhau bởi lẽ đây là thời kỳ mà nhà văn “như người đứng giữa trận tiền” và những nhân vật đó đã thể hiện trực diện và cụ thể ý đồ nghệ thuật của nhà văn – người muốn gióng lên tiếng chuông báo động về sự tha
hoá đạo đức. Song xét cho cùng không thể nói là nhân vật không mang tính minh hoạ, cho nên hiệu quả nghệ thuật vẫn còn hạn chế. Thế nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính loại nhân vật này đã chứng tỏ sự táo bạo cả về phương diện tư tưởng lẫn sự tìm tòi và càng nhận xét thêm khả năng “nhìn đâu cũng ra truyện ngắn” của Nguyễn Minh Châu, cũng như việc ông tìm tòi, thể hiện một cách táo bạo, trực tiếp ý đồ nghệ thuật của mình. Về sau, trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu đã xuất hiện một loại nhân vật mới: nhân vật tính cách – số phận. Chính loại nhân vật này đã chứng tỏ độ chín của Nguyễn Minh Châu về tài năng, bản lĩnh trên bước đường hình thành phong cách.
Nhân vật tính cách – số phận:
Dấu ấn quan trọng để nhận diện được loại nhân vật này chủ yếu ở mặt cá tính, ở số phận riêng tư chứ không phải qua lời phát ngôn trực tiếp hoặc luận bàn về các vấn đề mà tác giả cần quan tâm. ở loại nhân vật này tư tưởng của tác giả cùng những vấn đề đặt ra trong xã hội được thể hiện đằng sau cá tính, sau số phận của cá nhân.
Sự xuất hiện của nhân vật Quỳ trong truyện “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” được ghi nhận như một sự tìm tòi nỗ lực của Nguyễn Minh
Châu. Xây dựng Quỳ là một nhân vật có cá tính mạnh mẽ, Nguyễn Minh Châu đã để cho chị hành động hoàn toàn theo suy nghĩ, sở thích yêu ghét... của mình. Giữa bối cảnh chiến trường chị vẫn đi tìm chân trời của những giá trị tuyệt đối, những con người tuyệt đối hoàn mĩ với một cơn khát cháy lòng. Dĩ nhiên là cuộc tìm kiếm không thành. Chỉ khi phẩm chất đàn bà trong con người chị được ý thức, chị mới đi đến một quyết định táo bạo: quyết tâm chinh phục và gắn bó cuộc đời mình với một người mà mình chưa biết, không yêu, với mục đích là cứu sống một con người có khả năng thực hiện hoài bão không bao giờ còn thực hiện được của bao người đã ngã xuống vì chiến tranh, trong số đó có người trung đoàn trưởng tài ba – người chị từng yêu dấu. Người đó trước đây chị từng đòi hỏi anh phải như một thánh nhân nhưng phải đến
sau khi anh hy sinh, chị mới nhận ra rằng điều ấy không thể nào có được. Tuy nhiên, chị cũng hiểu ra rằng ở đời phải có những hành động mang tính chất thánh nhân thì “con người mới ngày một tốt đẹp hơn”. Trước đây, khi đi tìm thánh nhân trong cuộc đời, chị đã vô tình mà trở thành vô tâm trước bao tấm lòng, bao tình cảm của đồng đội. Vì thế, sau này, để có thể thực hiện được mục đích của mình, chị đã phải hành động như một “thánh nhân”, phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại, những hy sinh thầm lặng của một người phụ nữ bình thường.
Như vậy Quỳ không phải là một nhân vật được xây dựng trong mối quan hệ với lịch sử và mang dấu ấn lịch sử. Chị là nhân vật thể hiện khát vọng được chia xẻ bù đắp cho những người bị thiệt thòi, là nhân vật mang thiên tính nữ tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu.
Trong “Cỏ lau”, Thai vừa có nét dịu dàng, xinh đẹp của cô Nết, cô Xiêm trong “Dấu chân người lính” vừa có nét tính cách mạnh mẽ của Quỳ và cũng có cuộc gặp gỡ duyên phận vừa khác lại vừa giống Hạnh trong “Bên đường chiến tranh”. Xây dựng nhân vật Thai, Nguyễn Minh Châu muốn hội
tụ nơi chị những nét trội trong tính cách, số phận những nhân vật nữ trước đó. Vào những ngày hạnh phúc bên người chồng mới cưới, ông đã cho người đọc tiên cảm về một số phận không may khi Thai xuất hiện ở vùng núi có tên là “Đợi” với “bốn phía đầy những hòn vọng phu với đủ hình dáng”. Tám năm xa cách, Thai vừa tham gia công tác xã hội, vừa bị tù đày, vừa chăm sóc bố chồng, lại tự tay chôn cất em chồng, rồi chôn cất cả chồng! Bi kịch đó dẫu đã điển hình thì cũng sẽ không gây được ấn tượng nếu Thai không có một phẩm chất đặc biệt: “suốt đời chỉ có thể yêu được một người”. Cho nên bi kịch càng được đẩy lên cao trào khi người chồng cũ – người duy nhất được Thai yêu – trở về. ở đây Nguyễn Minh Châu đã dùng thứ ánh sáng của tư tưởng, nhân văn, từ nhiều tâm trạng cùng quy về một mục đích tìm kiếm. Tính bi kịch đó càng được gia tăng khi Nguyễn Minh Châu đặt chị vào trường tình cảm của
hai người đàn ông vốn cũng rất đặc biệt. Một người “hai mươi bốn năm nay gần như không yêu một ai”. Một người cảm thấy “khổ sở, nhục nhã” vì không được vợ yêu nhưng lại càng yêu, càng quý vợ hơn vì anh ta nhìn thấy ở Thai tính cách “thờ chồng có thể hoá đá”. Cuộc gặp gỡ ở cuối truyện trên thực tế chỉ càng chứng tỏ hơn tính cách của Thai: “dẫu còn mắc trăm công ngàn việc”, vẫn đau đáu chờ chồng dẫu có xa nhau đằng đẵng bao nhiêu năm, cả khi chị đã có gia đình mới, gặp lại Lực, chị vẫn khăng khăng đòi quay về với người yêu đích thực của mình.
Con đường tìm tòi của Nguyễn Minh Châu luôn mở ra theo nhiều cách khác nhau. Nét đặc sắc của Nguyễn Minh Châu là ông đi sâu vào phân tích quan sát, tạo được cái nhìn xuyên suốt vào lịch sử, vào số phận một giới, một
lớp người nhất định. Qua hình tượng lão Khúng trong “Khách ở quê ra” và “Phiên chợ Giát”, Nguyễn Minh Châu đã tạo nên một hình tượng độc đáo về
người nông dân Việt Nam. Nguyễn Minh Châu đã miêu tả Khúng có “tính nết trật trưỡng, đầy trái khoáy” khi quan niệm về sự nổi tiếng, về sự thích đông con (“ở nhà quê mình nhà nào đông con mới có uy thế được”), về xóm giềng (“có thêm người là có thêm sự ganh ghét nhau”). Con người “chả giống ai” dưới hình thức “vừa gầy, vừa đen, vừa già, vừa xấu” đó là người vừa cần cù, vừa giỏi giang trong lao động, trong tổ chức nguồn lực lao động gia đình và rất yêu quý đất đai. Với Khúng, phàm cái gì gắn bó và sinh ra trong gia đình lão, kể cả những đứa con không mang dòng máu lão, lão đều yêu quý hết lòng. Vì thế mà với con bò đã gắn bó cả cuộc đời với cơ nghiệp, dẫu đã già nua và buộc lòng phải bán, lão vẫn có cảm giác tội lỗi. Cảm giác đó lớn hơn cái phần tư hữu trong bản chất nông dân đủ cho lão không tính toán thiệt hơn khi đuổi nó vào rừng cùng đồng loại. ý đồ giải phóng cho con vật xuất phát từ lòng cả tin ngây thơ ở một người vừa ranh mãnh, vừa tự tin. Bằng kết quả và năng lực lao động của mình, lão đã có ý khinh nhờn các vị vua chúa và đại thần, kể cả với ông bí thư huyện uỷ. Con người nông dân trong lão Khúng
được Nguyễn Minh Châu nhìn nhận từ mối quan hệ với đất đai và từ góc độ con người cá nhân (có cả phần tư hữu) trong quan hệ với gia đình và xã hội. Tính cách đó của lão Khúng vừa được Nguyễn Minh Châu khai thác từ “tính nông dân là phần bản năng còn lại của nhân loại” [21; Tr.142] lại được ông phát hiện từ cái nhìn lịch sử – như lời ông nói – và với cái nhìn đó, đằng sau một tính cách, ông đã cho người đọc thấy một số phận con người, tránh tình trạng trước đây “thay vì miêu tả lịch sử thông qua con người, con người trở
thành phương tiện để trình bày lịch sử” [7; Tr.155]. Khúng của “Khách ở quê ra” được khám phá chủ yếu từ tính cách nhưng Khúng của “Phiên chợ Giát”
lại là nhân vật được đặt dưới cái nhìn lịch sử – số phận. Và nhân vật Lực trong
“Cỏ lau” cũng đã kết hợp được cả hai góc nhìn trên để từ đó Lực hiện ra một
cách đầy ấn tượng. Đúng là “chiến tranh đã phạt anh thành hai nửa”. Anh không thể tìm lại hạnh phúc từ hiện tại khi tuổi trẻ đã đi qua theo thời gian, mỗi con người đã là của một hoàn cảnh riêng. Nhưng làm sao anh có thể quên đi một quá khứ đẹp đẽ, quên đi người đàn bà từng là vợ, cho đến lúc này vẫn tha thiết yêu mình. Chiến tranh đã không hề gây thương tích cho anh nhưng nó đã để lại trong anh một vết thương lòng xót xa, nhức nhối. Con người cô