8. Cấu trúc khóa luận
2.1.1.1. Tư tưởng nghệ thuật
Là một nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cũng như mọi nhà văn khác lúc bấy giờ, Nguyễn Minh Châu quan niệm văn học là vũ khí để góp phần cuộc tái thiết và bảo vệ Tổ quốc. Các tác phẩm viết trong chiến tranh của Nguyễn Minh Châu khẳng định phẩm chất yêu nước, ý chí chiến đấu của các thế hệ người Việt Nam và cảm hứng anh hùng ca là cảm
hứng chủ đạo. Chúng ta có thể thấy điều này trong “Cửa sông”, “Dấu chân người lính”, “Những người đi từ trong rừng ra”… Song, một điều đáng chú ý
là ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu nhập vào lãnh địa của những tình cảm riêng tư trong những con người bình thường. Chính vì thế sáng tác của Nguyễn Minh Châu trong những năm chiến tranh dù nghiêng về thể hiện cái cao cả, cái anh hùng và thiên về ca ngợi những vẻ đẹp trong chiến đấu thì đây đó cũng đã ánh lên vẻ đẹp của đời thường thật gần gũi và ấm áp. Để rồi bước vào tìm hiểu những tác phẩm viết sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu chúng ta hoàn toàn bị chinh phục bởi một Nguyễn Minh
Châu sâu sắc, nhân hậu, đằm thắm trong vẻ đẹp của đời sống thường nhật thông qua các mối quan hệ tình cảm vợ chồng, bố mẹ và con cái, giữa những người hàng xóm, đồng đội; vẻ đẹp bao dung, nền nã, nhân hậu trong người phụ nữ; là ở sự cảm thụ tinh tế và những rung động sâu xa của ông trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của tạo hoá.
Là một nghệ sĩ chân chính, Nguyễn Minh Châu chủ trương đưa văn học trở về với những quy luật vĩnh hằng của đời sống con người, coi tính chân thật là một phẩm chất quan trọng của văn học. Ông đã đặt vấn đề một cách
nghiêm túc về chức năng của văn học và sứ mạng đích thực của người nghệ sĩ. Ông quan niệm “viết văn là phải đào xới đến tận cùng cái đáy của cuộc đời” để “săn tìm các quy luật”, ông là người sớm phát hiện ra cái tội “dễ dãi về cách nhìn và sự phô bày đời sống một cách đơn giản và dễ dãi về nghệ thuật trình diễn; đời sống chưa được khúc xạ qua lăng kính nghệ thuật”. Trong bài
“Viết về chiến tranh” (Báo Văn nghệ quân đội số 11 - 1978), Nguyễn Minh
Châu cho rằng: “hình như trong quan niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước”. Xuất phát từ quan niệm coi con người với những quy luật vĩnh hằng là đối tượng của văn học, ông đã đi sâu vào các số phận, các tính cách, tìm đến các nỗi niềm riêng tư, sâu kín vốn thường bị trùm phủ bởi các sự kiện xã hội hoặc bị che khuất bởi tư tưởng thời
đại. Truyện ngắn “Bức tranh” (1982) được coi là một mốc quan trọng trong
sự chuyển đổi tư duy nghệ thuật của ông. Trong tác phẩm này, Nguyễn Minh Châu bàn về vấn đề đạo đức xã hội dưới dạng tâm lý, tập trung sự chú ý vào những diễn biến sâu kín mang tính chất quy luật bên trong của tâm lý con người.
Không chỉ đặt ra nhiệm vụ của văn học, Nguyễn Minh Châu còn nêu ra nhiệm vụ của người cầm bút: hãy không ngừng khám phá và sáng tạo, đi sâu phát hiện được bản chất thực sự của sự vật hiện tượng. Trong truyện ngắn
“Dấu vết nghề nghiệp”, Nguyễn Minh Châu viết: “Chẳng mấy ai chạy trốn
hay xoá bỏ sạch được tất cả những gì mà công việc nghề nghiệp – cái hoạt động lắp đi lắp lại suốt cả đời đã đóng dấu vào vào con người mình”. Cái “dấu vết nghề nghiệp” ấy đã “đóng dấu” rõ nhất vào các nhân vật: nhân vật nhà văn, nhân vật nghệ sĩ. Lao động nghệ thuật đã tạo ra cho họ một cốt cách khá giống nhau: rất nhạy cảm trước cuộc đời, luôn có con mắt sáng suốt để nhìn thẳng vào sự thật: và đặc biệt họ có một trái tim nhân hậu, biết quan tâm đến
nỗi đau của con người. Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, thông qua một
câu chuyện đầy nghịch lý của cuộc đời, Nguyễn Minh Châu muốn nói đến một sự thực trong nghệ thuật. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh phát hiện ra cái mâu thuẫn éo le trong nghề nghiệp của mình: đằng sau bức ảnh con thuyền mờ sương rất đẹp mà anh đã tình cờ chụp được là số phận đớn đau của một người phụ nữ, là sự nheo nhóc chẳng đẹp đẽ gì trong một gia đình lao động làm nghề chài lưới. Và con mắt tinh tường kia đã đặt một dấu hỏi cho cái chân lý lớn đã được một đại văn hào phát hiện: bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Nhưng anh cũng chỉ ra rằng quan niệm về đạo đức cũng đang biến đổi theo hoàn cảnh, theo sự nhìn nhận của số phận từng cá nhân. Vì vậy, người nghệ sĩ không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn cuộc sống và con người.
Nhân vật nhà báo trong truyện “Mùa trái cóc ở miền Nam” mang phẩm
chất của một người nghệ sĩ chân chính. Anh có một trái tim nhân hậu, bao dung trước bao số phận của con người, trước hết là đối với đồng chí của mình. Nhưng trái tim ấy cũng biết sôi lên căm giận trước thói quan liêu, độc đoán của “bọn quỷ” khoác áo cách mạng, tâm hồn chai sạn, không hề biết gào lên trước cái ác cùng sự dửng dưng trước cái ác của con người”. Câu chuyện viết đầy ám ảnh, trong đó trái tim của người làm báo “bị ngập chìm trong lo âu, một nỗi lo âu sao mà lớn lao và đầy khắc khoải về con người”. Rõ ràng, Nguyễn Minh Châu đã đụng đến một vấn đề có tính “vĩnh cửu” của nghệ thuật, đến thiên chức của người cầm bút trước cuộc đời.