Đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội thành phố Vinh

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Vinh trong giai đoạn hiện nay. (Thông qua khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh) (Trang 56 - 58)

Thành phố Vinh là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Nghệ An. Một tỉnh lớn nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, có vị trí ở phía Đông - Nam của tỉnh, phía Bắc và phía Đông giáp với huyện Nghi Lộc, phía Nam giáp với Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp với huyện Hưng Nguyên. Thành phố Vinh cách thủ đô Hà Nội hơn 300 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1400 km về phía Nam, tổng diện tích tự nhiên là 104,96 km2, quy mô dân số là 435.208 người, gồm 16 phường và 9 xã.

Thành phố Vinh được mệnh danh là “phên dậu” của đất nước, là một thành phố trung tâm không chỉ đối với Nghệ An mà cả khu vực Bắc Trung Bộ, là một trong mười trung tâm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng với đủ các loại hình như: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Chính vì thế, thành phố Vinh có vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế ở tầm quốc gia do nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây và vành đai kinh tế biển, nằm giữa hai khu công nghiệp lớn: Nam Thanh - Bắc Nghệ và Thạch Khê - Vũng Áng, năm liền kề Khu kinh tế mới Đông Nam - Nghệ An, có nhiều thuận lợi trong hoạt động thương mại, dịnh vụ, cung ứng hàng hóa và đào tạo nguồn nhân lực.

Trong những năm qua, thành phố Vinh đã có những bước phát triển nổi bật làm thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tổng đầu tư toàn xã hội tăng đáng kể theo thời gian, năm 2006: 3.065 tỉ đồng, năm 2008: 4500 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách năm 2007 trên địa bàn đạt 1.355 tỉ

đồng, GDP thành phố chiếm 22% trên toàn tỉnh (bình quân đầu người đạt 1264 USD), giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 27,4%, du lịch dịch vụ chiếm 36,3%, thu ngân sách trên địa bàn chiếm 44,8%, vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33,8%. Với mức tăng trưởng kinh tế 16,4%, nhịp độ tăng trưởng kinh tế 5 năm 2003 - 2007 đạt 13,7%, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6%, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp cao 97,3%, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao... Điều này nó không chi phản ánh xu thế chung mà còn là sự nỗ lực hết mình của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thành phố Vinh không chỉ là thành phố giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa và đô thị hóa đối với tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ mà nơi đây còn là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là trung tâm vùng đất giàu truyền thống lịch sử - cách mạng, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa xứ Nghệ. Chính điều kiện tự nhiên và thời tiết thiên tai khắc nghiệt đã rèn dũa, hun đúc tạo nên bản sắc văn hóa và con người nơi đây cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chịu khó trong học tập và kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; về an ninh - chính trị, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững.

Thành phố Vinh còn là nơi có nhiều địa danh, di tích lịch sử và thắng cảnh nổi tiếng như: Đền Quang Trung, Đền Ông Hoàng Mười, chùa Cần Linh, núi Dũng Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, Thành cổ Vinh, Cồn Mô (tượng đài công nông binh ở ngã ba Bến Thủy)… và rất nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị khác không chỉ có ý nghĩa đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân mà còn là địa chỉ đỏ của ngành du lịch với nhiều loại hình phong phú và đa dạng.

Cùng với sự phát triển kinh tế, giáo dục và đào tạo cũng là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Hiện trên địa bàn thành phố Vinh là một trong 3 trung tâm giáo dục và đào tạo lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tính đến nay toàn thành phố Vinh có 5 trường đại học,

13 trường cao đẳng và nhiều phân hiệu cùng nhiều trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề tổng số sinh viên gần 100 nghìn người (nguồn năm 2011) và hàng trăm trường học từ bậc học phổ thông tới ngành học mầm non với chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục với quy mô khá hoàn chỉnh, đủ các bậc học cấp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa góp phần tạo ra một xã hội học tập đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, trên thực tế thành phố Vinh đã và đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Chính vì thế, các cấp quản lý, các nghành có liên quan cần phát động mạnh mẽ phong trào thi đua trong toàn dân, tạo nét mới, tinh thần phấn khởi, đoàn kết sáng tạo chung sức chung lòng xây dựng phát triển thành phố. Với tinh thần xứ Nghệ cần cù, thông minh, lại mang trong mình dòng máu Xô Viết Nghệ Tĩnh bất khuất kiên cường Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh đã và đang phát huy truyền thống “đi đầu dậy trước” thành quyết tâm “dám nghĩ dám làm”, dám chịu trách nhiệm, chấp nhận thử thách, thành phố Vinh chắc chắn trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa tinh thần của công nhân trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thành phố Vinh trong giai đoạn hiện nay. (Thông qua khảo sát tại một số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Vinh) (Trang 56 - 58)