6. Phương pháp nghiên cứu
1.4.2. Đặc điểm của trà Shan truyết Hà Giang
Hà Giang là một trong những tỉnh có vùng chè Shan lâu đời nhất nước ta. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra chè ở Hà Giang và đặc biệt chú ý những cây chè cổ thụ vùng cao. Đó là thứ chè Shan lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, người ta còn gọi là chè Shan tuyết [56].
Hình 1.4. Cây chè cổ thụ Shan tuyết HG Hình 1.5. Chè cổ thụ Shan tuyết HG
Trong các khu rừng tự nhiên của Hà Giang, cây chè Shan mọc lẫn với các loại cây rừng khác. Quá trình du cư đến sinh sống, đồng bào phá rừng làm nương và giữ lại các cây chè, tiếp tục khai thác. Có những nơi, đồng bào còn trồng bổ sung bằng hạt, tạo nên những nương chè hỗn giao theo dạng chè rừng. Ở Hà Giang, chè Shan phân bố hầu khắp các huyện, trong đó các vùng chè cổ thụ đều có độ cao từ 300-1000m. Cho đến nay, một số vùng trong tỉnh có tính đặc trưng cao cho các tiểu vùng sinh thái có chè shan như: Lũng Phìn- Đồng Văn đại diện cho vùng cao núi đá vôi; Phìn Hồ, Hoàng Su Phì đại diện cho vùng cao núi đất; Tham Vè, Bó Đướt, Vị Xuyên đại diện cho vùng chè cổ nhất Việt Nam. Đây cũng chính là những địa phương có sản phẩm chè Shan tuyết thơm ngon nổi tiếng. Danh tiếng của chè Shan tuyết Lũng Phìn hay Phìn Hồ, Cao bồ, Thượng Sơn… không chỉ chinh phục được người tiêu dùng mà cả với những người sành thưởng thức trà. Về giống chè Shan Hà Giang có thể chia thành 2 dạng chính đó là chè Shan lá nhỏ, tiêu biểu chè Lũng Phìn với đặc điểm dạng tán hình mâm xôi hoặc dạng nến. Chè tán dạng mâm xôi là chè Shan lá nhỏ chiếm tỷ lệ lớn hơn chè tán dạng nến chè shan lá to. Dài búp biến động từ 2,3-4,5 cm, trọng lượng búp biến động từ 0,4-1,09g/búp, thuận lợi cho chế biến chè xanh có ngoại hình đẹp. Hàm lượng tanin biến động từ
32,25- 37,32%, chất hoà tan 43,24-47,82%, đường khử 2,00-2,95%, cafein 3,05-3,45%, nhất là chất lượng thử nếm cảm quan điểm cao từ 16-18,2 điểm trên nhiều mẫu chè. Dạng chè Shan thứ 2 với tiêu biểu vùng chè cổ Bó Đướt, Thượng Sơn, Vị Xuyên. Loại chè này đặc biệt nhiều về mức độ lông tuyết ở cả búp lá 1 và một phần lá 2. Trọng lượng búp chè từ 0,92-1,02g, năng suất 1600-1850g/cây/lứa hái. Về thành phần sinh hoá cho thấy tanin biến động từ 27,96-32,98%, chất hoà tan từ 35,81- 40,56%, đường khử từ 1,22-1,90%, cafein từ 2,85-3,00%... Ngoài những chỉ tiêu sinh hoá ở mức rất có lợi cho chế biến chè chất lượng cao, chè Shan Hà Giang là nguồn nguyên liệu sạch. Bởi vì, cho đến tận bây giờ, ở các vùng chè Shan lâu đời của Hà Giang, đồng bào vẫn không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Người ta thường đốn chè vào vụ Đông, đồng thời với việc phát cỏ, vun gốc… Sang xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người ta bắt đầu thu hái chè vụ đầu tiên (đây là thời điểm chè cho chất lượng cao nhất). Tiếp tục thu hái vụ chè thứ 2 vào tháng 5 và tháng 6 (là vụ có năng suất cao nhất trong năm). Vụ 3 vào tháng 8 và vụ 4 vào tháng 10, tháng 11. Vì vậy, có thể khẳng định chè Shan Hà Giang là vùng nguyên liệu có giá trị để sản xuất chè an toàn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững hiện nay [56].