SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật việt nam (Trang 68 - 75)

VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP

3.1. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN DOANH NGHIỆP

Việc ra đời các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Đầu tư năm 2006 và Luật Chứng khoán năm 2007 giúp cho thị trường tài chính nói chung và thị trường M&A nói riêng trở nên minh bạch hơn thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, nếu như ở nước ngoài, hoạt động M&A đã trở thành quen thuộc, là một phần tất yếu của nền kinh tế thì ở Việt Nam đây vẫn là một loại hình mới mẻ. Chính vì vậy nó vẫn còn mang những nét sơ khai, đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa về mọi mặt phục vụ hoạt động, đặc biệt là khung pháp lý. Trong thời gian qua, dù khung pháp lý của thị trường mua bán doanh nghiệp đã được cải thiện, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư đều có những điều khoản quy định về hoạt động mua bán doanh nghiệp nhưng vẫn chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, khung pháp lý về hoạt động mua bán doanh nghiệp cũng như các quy định liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp cũng cần được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các bên tham gia giao dịch.

Có thể thấy rằng, sự phát triển của thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ tạo nên động lực phát triển nền kinh tế, nhất là đối với giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện nay. Việc đầu tư theo hình thức mua lại doanh nghiệp đang là lựa chọn đang được ưu tiên số một đối với các nhà đầu tư trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Trước tình hình kinh tế trong nước cũng như nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc bỏ một nguồn vốn ra để đầu tư từ ban đầu là điều mà các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, nếu thâm nhập thị trường bằng hình thức mua lại doanh nghiệp, các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải mất nhiều thời gian tìm kiếm thị trường, nhân công cũng như tìm hiểu về thị trường. Về nguyên tắc, khi hai doanh nghiệp kết hợp lại với nhau theo hình thức mua lại, giá trị của doanh nghiệp mua lại bao giờ cũng phải lớn hơn giá trị của các doanh nghiệp riêng lẻ cộng lại mới được xem xét, tiến hành. Sau mua lại, mức doanh lợi vốn chủ sở hữu, tốc độ tăng mức doanh lợi vốn chủ sở hữu đều phải tăng. Từ các công ty nhỏ, lẻ kết hợp lại thành một công ty có quy mô lớn nên khả năng bị triệt tiêu trên thương trường rất khó xảy ra; doanh nghiệp cũng có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, giảm bớt các rủi ro trong kinh doanh, tiết kiệm được chi phí cố định (quản lý, điều hành, quảng cáo, văn phòng, marketing...), tiết kiệm được chi phí đào tạo nhân lực do sắp xếp, bố trí hợp lý hơn nguồn nhân lực, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng vốn đầu tư, có khả năng mở rộng ngành nghề kinh doanh... Đó là những cái lợi mà mua bán doanh nghiệp có thể mang lại. Mặc dù vậy, sáp nhập, mua bán doanh nghiệp không tránh khỏi phải đối mặt với những vấn đề khá phức tạp như độc quyền, thuế, kế toán, chuyển đổi tài sản, phân chia lợi nhuận, trách nhiệm giải quyết các khoản nợ chưa thanh toán do doanh nghiệp bán để lại, giải quyết lao động dôi dư, môi trường văn hóa doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, tính toán các vấn đề hậu mua bán doanh nghiệp làm sao cho giá trị doanh nghiệp ngày càng tăng để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Từ những lợi ích nêu trên, có thể thấy hoạt động mua bán doanh nghiệp càng phát triển nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế bởi hình thức tập trung kinh tế này sẽ giúp thanh lọc những doanh nghiệp yếu, tạo nên những doanh nghiệp mới có tiềm lực mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn, và làm lành mạnh hóa nền sản xuất. Đối với doanh nghiệp, sẽ không còn cảnh lao động mất việc, máy móc, tài sản đất đai - nhà xưởng - máy móc hao mòn, bỏ phí. Việc bán đi doanh nghiệp sẽ mang lại những nguồn lực mới từ bổ

sung tài chính, công nghệ, kỹ năng quản lý, đến phát triển các giải pháp thị trường… Qua đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ hiệu quả hơn. Đối với chủ doanh nghiệp, họ sẽ có thêm nguồn tài chính để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh khác. Còn nếu khi bán một phần doanh nghiệp cho đối tác, họ sẽ thu được nhiều lợi ích từ sự hợp tác chuyển giao kinh nghiệm quản trị, năng lực điều hành… và việc mua bán - sáp nhập có thể tạo nên sự cộng hưởng giá trị tại chính doanh nghiệp.

Cũng xuất phát từ mục đích gia tăng giá trị và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà hiện nay, nhiều công ty không gặp phải khó khăn nhưng cũng tham gia vào thị trường mua bán - sáp nhập để tìm kiếm thêm đối tác, tạo thêm sức mạnh cho mình trong thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần nhận thấy rằng, sự hiện diện của yếu tố nước ngoài trong mua bán doanh nghiệp của Việt Nam là điều hết sức cần thiết. Bởi lẽ, doanh nghiệp nước ngoài có ưu thế về kinh nghiệm và trình độ quản lý trong việc tiến hành thuần thục các hoạt động mua bán doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam còn bỡ ngỡ, nên không thể nắm thế chủ động trong hoạt động này. Thứ hai, doanh nghiệp nước ngoài mới tạo ra nguồn "hàng hóa" tốt cho cả cung và cầu trong giao dịch mua bán doanh nghiệp. Với tiềm lực tài chính của mình, họ mới là khách hàng của những thương vụ hàng chục triệu USD mà các doanh nghiệp trong nước không thể với tới. Mặt khác các doanh nghiệp trong nước cũng chỉ muốn liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài nhằm khai thác những thương hiệu tên tuổi và bề dày kinh nghiệm quản lý của họ. Thứ ba, mua bán doanh nghiệp là một hình thức đầu tư nước ngoài hiệu quả và phổ biến giúp các doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường nội địa mà không phải chịu phí tổn thành lập, xây dựng thương hiệu và thị phần ban đầu. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường dịch vụ được bảo hộ theo lộ trình cam kết WTO thì mua lại doanh nghiệp trong nước là một trong

những con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận mạng lưới bán lẻ của Việt Nam. Hơn nữa, cũng cần nhận thấy rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có mối quan hệ biện chứng. Việc thu hút được lượng FDI nhiều hay ít phụ thuộc không nhỏ vào việc thiết lập, vận hành và phát triển thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và ngược lại, thị trường này sẽ là động lực cho FDI xâm nhập nhanh nhất vào thị trường Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hoạt động mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam đã diễn ra khá sôi động. Theo thống kê của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam thì trong 6 tháng đầu năm 2008 một số vụ mua bán doanh nghiệp có thể kể đến là: Swiss Re mua lại 25% cổ phần tại Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (tháng 1/2008) với trị giá 81,9 triệu USD; Kamaz Inc - tập đoàn sản xuất ôtô của Nga - mua 12,5% cổ phần của Công ty VMIC ở Cẩm Phả Quảng Ninh (tháng 2/2008) và dự kiến sẽ tăng lên 36%; Morgan Stanley mua lại 48,33% cổ phần của Công ty Chứng khoán Hướng Việt... Một thương vụ đáng chú ý khác trong tháng 2/2008 là Franklin Resources Inc mua lại 49% cổ phần của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank. Ngân hàng Berhard, - một trong những ngân hàng lớn nhất của Malaysia - mua 15% cổ phần của Ngân hàng An Bình (tháng 3/2008); tiếp đó là Carlsberg trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội với 16% cổ phần vào tháng 5/2008... So sánh với 6 tháng đầu năm 2007 thì giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm nay tuy thấp hơn, nhưng số lượng lại nhiều hơn 1 thương vụ (6 tháng đầu năm 2007, có 47 thương vụ M&A tại Việt Nam với tổng giá trị là 736 triệu USD).

Ngoài ra, còn một số vụ mua bán doanh nghiệp đã thực hiện, điển hình như:

- Picnic Gas - một công ty Thái Lan đã mua một nhà máy sản xuất vỏ bình gas từ một công ty tư nhân và một cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) -

bao gồm tất cả tài sản, máy móc, nhà máy và tên thương mại - của một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam.

- Christian Bernard Diffusion (CBD) - một công ty Pháp đã mua toàn bộ phần vốn góp của Yue Cheong Co., Ltd. - một công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam chuyên sản xuất đồ trang sức xuất khẩu.

- Trenergy Gas - một công ty Malaysia đã bán một nhà máy lớn cho V-Trac trước khi chấm dứt mọi hoạt động của mình tại Việt Nam...

- Công ty Công trình giao thông 677 (trực thuộc Cienco 6 - Bộ Giao thông vận tải - một doanh nghiệp nhà nước được đem rao bán cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Với những thương vụ mua bán nói trên, có thể thấy rằng hoạt động mua bán doanh nghiệp đang phát triển khá mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Không những thế, những con số này còn cho thấy mua bán doanh nghiệp đang dần trở thành một trong những hình thức đầu tư khá quan trọng vì nó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và thu hút nhiều hơn nữa các nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Cũng phải thừa nhận rằng, để tạo đà phát triển cho hoạt động mua bán doanh nghiệp thì pháp luật đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về mua bán doanh nghiệp nói chung và những quy định pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp nói riêng sẽ giúp cụ thể hóa và minh bạch các giao dịch này. Không những thế, thông qua các chính sách pháp luật phù hợp với tiến trình hội nhập sẽ khuyến khích các nhà đầu tư vào Việt Nam.

Khung pháp lý điều tiết mua lại doanh nghiệp chính là cơ sở để hình thành một loại thị trường mới, rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường - thị trường mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam. Thị trường mua bán công ty ở Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng, với mức phát triển không

nhỏ, trên dưới 30-40%/năm. Do vậy, nếu có khung pháp lý và tạo ra được nhu cầu để các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua bán doanh nghiệp chúng ta sẽ có khối lượng giao dịch không nhỏ trên thị trường này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về các điều kiện, thủ tục sáp nhập, mua lại doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể, xác định chi phí thực hiện giao dịch mua lại doanh nghiệp chưa rõ ràng; thông tin về các công ty sáp nhập, mua lại chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu tính minh bạch; nhiều doanh nghiệp chưa tham gia vào thị trường chứng khoán, vai trò kiểm toán chưa được quan tâm gây khó khăn cho việc tìm hiểu về tình hình hoạt động, tài chính của các công ty... là những cản trở không nhỏ cho việc thực hiện mua bán doanh nghiệp. Hơn nữa, việc sáp nhập, mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mới chỉ được thực hiện đối với các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, khó tồn tại độc lập hoặc có nguy cơ phá sản... vào một doanh nghiệp nhà nước khác theo kiểu mệnh lệnh hành chính, nên chưa thể phản ánh đầy đủ tính ưu việt của nó.

Tăng cường tính minh bạch trong cung cấp thông tin về các công ty thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua bán, giành quyền kiểm soát và một khuôn khổ pháp lý cụ thể, rõ ràng cho việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp là rất cần thiết. Sáp nhập, mua bán doanh nghiệp đối với thế giới không có gì mới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam lại là một bước đi mới mẻ. Trong chương trình cải cách doanh nghiệp của Việt Nam, ngoài các hình thức chuyển đổi, đa dạng hóa sở hữu như cổ phần hóa, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp... còn có hình thức bán, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp... Tuy nhiên, các hình thức này vẫn chưa được áp dụng phổ biến do khung pháp lý về việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp vẫn chưa được quy định một cách cụ thể, chỉ mới hình thành các quy định pháp lý mang tính khái quát chung mà chưa đề cập nhiều đến thủ tục thực hiện cũng như quyền và nghĩa vụ cơ bản của các khi tiến

hành các giao dịch này. Chính điều này tạo nên tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, vì khi có tranh chấp hoặc rủi ro về mặt pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng thì những quyền lợi hợp pháp của họ chưa được bảo vệ một cách triệt để. Không những thế, nếu luật không quy định cụ thể và rõ ràng, trong khi nhu cầu thị trường cho giao dịch này ngày một tăng, các bên tham gia giao dịch sẽ dựa vào những kẽ hở pháp lý để tham gia ký kết hợp đồng, điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi thực hiện việc kiểm soát tập trung kinh tế và tính nghiêm minh trong quá trình thực hiện pháp luật sẽ không được thực hiện một cách triệt để.

Thêm vào đó, liên quan đến vấn đề sở hữu của bên nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam, theo cam kết với WTO, Việt Nam chỉ hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục... và ban hành danh mục ngành nghề cụ thể. Nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn ngầm hiểu, tỷ lệ tối đa chỉ dừng ở 30 - 49%. Thị trường mua bán, sáp nhập Việt Nam chỉ có thể sôi động và chuyên nghiệp khi các quy định liên quan đến hoạt động này được xây dựng rõ ràng và đầy đủ, đặc biệt là quy định về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể. Việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp đặc biệt là các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước, sẽ góp phần tạo một kênh thu hút đầu tư nước ngoài mới và quan trọng để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ngoài ra, trong thực tiễn kinh doanh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp cũng băn khoăn về các quy trình thực hiện hoạt động này. Một số doanh nghiệp cho rằng hoạt động này còn quá mới ở Việt Nam, không chỉ mới với các doanh nghiệp Việt Nam, mà ngay cả nhiều công ty tư vấn cũng còn lúng túng trong vấn đề này do hành lang pháp lý chưa thật đầy đủ. Các quy định hiện có trong Luật Doanh nghiệp cũng chỉ mang tính khái lược và chưa có được những quy trình

cụ thể để thực hiện tiến trình này. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công trong các giao dịch mua bán, sáp nhập của các doanh nghiệp không cao, trong khi các hình thức sáp nhập để thành lập các

Một phần của tài liệu Hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo pháp luật việt nam (Trang 68 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)