Phân tích mô hình ảnh hưởng của giao thông và thị trường đến thu nhập

Một phần của tài liệu tiếp cận giao thông, thị trường và thu nhập của nông hộ ở huyện u minh tỉnh cà mau (Trang 68 - 74)

thu nhập nông hộ

Theo kết quả ở bảng 4.14 ta thấy rằng, giá trị Prob > F =0,0000 nhỏ hơn rất nhiều so với mức ý nghĩa 1%. Điều đó cho thấy mô hình có ý nghĩa thống kê, phù hợp với dữ liệu khảo sát và đủ độ tin cậy để suy rộng cho tổng thể. Hệ số R2 = 0,6843 có nghĩa là 68,43% sự thay đổi trong thu nhập của nông hộ được giải thích bởi sự tác động của các biến độc lập. Còn lại 30,57% sự thay đổi trong thu nhập của nông hộ được giải thích bởi các yếu tố khác không có mặt trong mô hình (e).

57

Theo kết quả phân tích mô hình hồi quy OLS, thu nhập của nông hộ huyện U Minh, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng của 6 biến độc lập: khoảng cách giao thông (KCGIAOTHONG), khoảng cách thị trường (KCTHITRUONG), diện tích đất nông nghiệp của nông hộ (DTDATNN), sự tham gia tập huấn của hộ tại địa phương (TAPHUAN), quan hệ xã hội giữa nông hộ với các cán bộ xã-huyện-tỉnh (QHXH), số lao động trong gia đình hộ (SOLAODONG) với những mức ý nghĩa khác nhau là 1% và 10%. Tuy nhiên, mô hình cũng có một số yếu tố không có ý nghĩa về mặt thống kê như học vấn của chủ hộ (HOCVAN) và tuổi của chủ hộ (TUOICHUHO). Cụ thể như sau:

Khoảng cách giao thông

Khoảng cách giao thông có ý nghĩa to lớn trong việc tăng thu nhập cho nông hộ. Giống như kỳ vọng ban đầu của tác giả, khoảng cách từ nhà nông hộ đến các tuyến đường chính càng ngắn thì thu nhập của nông hộ càng cao. Thật vậy, kết quả mô hình hồi quy cho ta thấy rằng, biến KCGIAOTHONG có hệ số âm ở mức ý nghĩa 1%. Điều đó có nghĩa càng gần các trục đường chính thì việc đi lại, trao đổi nông sản của hộ càng thuận lợi. Đồng thời, khoảng cách giao thông ngắn giúp hộ dễ dàng nắm bắt thông tin trên thị trường, cập nhật kịp thời những biến động của giá cả. Từ đó hộ có những quyết định sáng suốt hơn trong quá trình buôn bán sản phẩm.

Ngoài ra, khi nhà nông hộ gần với các tuyến đường chính làm cho chi phí và thời gian vận chuyển vật tư giảm xuống đáng kể. Thêm vào đó, các thương lái dễ dàng hơn khi di chuyển đến nơi thu mua nông sản, nên hạn chế được tình trạng nông hộ bị ép giá, đồng thời hộ có thể đa dạng hóa thu nhập bằng các hoạt động phi nông nghiệp khác như buôn bán, làm dịch vụ, ... khi sống gần các tuyến đường trọng tâm của huyện. Khoảng cách giao thông ngắn còn tạo điều kiện để cán bộ xuống địa phương thông báo và phổ biến thông tin nông nghiệp, thông tin tín dụng nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, nếu bà con sinh sống gần các tuyến đường chính thì việc học tập của con cái, việc tham gia tập huấn và tiếp cận thông tin về các buổi tập huấn của chủ hộ sẽ đạt kết quả cao. Đây là những nguyên nhân trực tiếp giúp tăng thu nhập cho nông hộ. Cụ thể, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu khoảng cách giao thông giảm 1 km thì thu nhập nông hộ sẽ tăng 1,508 triệu đồng. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế phát triển thì hệ thống giao thông càng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện thu nhập và mức sống cho người dân, nhất là đối với huyện vùng sâu vùng xa như U Minh.

58

Khoảng cách thị trường

Trong phần cơ sơ lý luận, tác giả nghiên cứu 2 loại khoảng cách thị trường là khoảng cách thị trường đầu vào (khoảng cách từ nhà đến cửa hàng vật tư nông nghiệp, ngân hàng hoặc các quỹ tín dụng, ...) và khoảng cách thị trường đầu ra (khoảng cách từ nhà đến nơi bán nông sản). Nhưng thực tế tại vùng khảo sát cho thấy, gần 100% nông hộ bán lúa tại đồng ngay sau thu hoạch; gia súc, gia cầm, trái cây và rau màu đều được thương lái và khách hàng đến mua tận nhà. Vì vậy khoảng cách giao thị trường đầu ra không ảnh hưởng đến thu nhập. Vậy nên biến KCTHITRUONG trong mô hình chính là khoảng cách thị trường đầu vào.

Biến KCTHITRUONG có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1%, nghĩa là khoảng cách từ nhà đến thị trường càng xa thì thu nhập nông hộ càng cao. Cụ thể là khi các yếu tố khác không đổi, nếu khoảng cách thị trường tăng 1 km thì thu nhập nông hộ sẽ tăng 3,531 triệu đồng. Lý do được giải thích như sau:

Các cửa hàng vật tư tại xã, ấp thường có quy mô nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu chọn lựa sản phẩm đối với nhiều hộ. Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ khoảng từ 2-3 năm, kinh nghiệm tư vấn chưa được nhiều, trong khi các cửa hàng ở trung tâm huyện đều đã có từ lâu và sự am hiểu của chủ cửa hàng về những loại phân bón, nông dược rất sâu sắc.Với tâm lý buôn bán gần nhà nông dân nên chủ thể kinh doanh vật tư thường đẩy giá và lãi suất khi mua chịu vật tư khá cao, điều này làm cho bà con gặp nhiều ái ngại khi đến mua hàng. Còn ở chợ U Minh số lượng cửa hàng nhiều, quy mô lớn, mức độ cạnh tranh cao nên mức lãi thấp hơn. Ngoài ra, khi mua ở các cửa hàng trong chợ, thời gian trả chậm của nông hộ được gia hạn lâu hơn (6 tháng so với 4 tháng khi mua ở các cửa hàng tại ấp) nên hộ có thể sử dụng khoản tiền đó vào các hoạt động khác để tạo thêm thu nhập. Đó là lí do vì sao khoảng cách xa hơn, chi phí đi lại nhiều hơn mà thu nhập của hộ vẫn tăng.

Tại trung tâm ấp và xã chỉ có các tổ chức tín dụng bán chính thức như hội phụ nữ, hội khuyến nông, hội thanh niên, ... Số tiền vay được từ các tổ chức này thường nhỏ (dao động khoảng 10-20 triệu) nên không đủ cho hộ đầu tư vào những hoạt động sản xuất lớn. Thêm vào đó, khi hộ vay với số tiền ít sẽ xảy ra tình trạng tiêu dùng số tiền đó cho các sinh hoạt hằng ngày trước khi mở vốn kinh doanh. Do đó, nợ vẫn nợ nhưng thu nhập không tăng. Vì vậy, dù khoảng cách xa nhưng nông hộ vẫn thích vay tiền ở các tổ chức tín dụng trong thị trấn vì số tiền vay đáp ứng được nhu cầu đầu tư cho nông hộ, từ đó khả năng nâng cao thu nhập sẽ cao hơn.

59

Cũng như khoảng cách giao thông, khoảng cách thị trường có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế vùng và được kỳ vọng sẽ tương quan nghịch với thu nhập. Tức khoảng cách từ nhà đến thị trường càng ngắn thì thu nhập của nông hộ càng tăng vì tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển. Nếu gần thị trường, hộ cũng sẽ nắm bắt và thu thập thông tin dễ dàng hơn, thu nhập nâng cao từ đó. Tuy nhiên, do đặc thù của vùng nghiên cứu nên mô hình cho ra kết quả ngược lại kỳ vọng.

Diện tích

Như đã phân tích, diện tích đất canh tác càng lớn thì thu nhập của hộ càng cao. Kết quả ước lượng đã kiểm chứng những cơ trên là phù hợp: biến

DTDATNN có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1%. Diện tích lớn tạo điều kiện cho hộ tham gia trồng trọt và chăn nuôi được số lượng nhiều hơn, đa dạng được mô hình canh tác, từ đó giúp hộ nâng cao năng suất và sản lượng. Ngoài ra hộ cũng có thể cho thuê đất để có thêm thu nhập. Đất đai còn là nguồn tài sản thế chấp có giá trị nên hộ sẽ được vay nhiều hơn nếu sở hữu một diện tích đất canh tác lớn, tình trạng thiếu vốn của hộ sẽ được giải quyết, giúp đầu tư sản xuất trở nên hiệu quả hơn.

Tập huấn

Kết quả khảo sát cho thấy khả năng tiếp cận thông tại địa phương nghiên cứu còn hạn chế. Đa số nông hộ đều có học vấn thấp nên việc tự tìm hiểu và chủ động nâng cao kiến thức sản xuất gặp nhiều trở ngại. Vì vậy các buổi tập huấn, tọa đàm với các cán bộ khuyến ngư hay tham quan mô hình canh tác thành công rất có ý nghĩa đối với nông hộ.

Tham gia tập huấn không chỉ giúp chủ hộ nâng cao kiến thức về chọn giống gieo trồng; các loại sâu bệnh phổ biến; kỹ thuật sản xuất hiệu quả mà còn am hiểu hơn cách thức sử dụng phân bón, nông dược an toàn và tiết kiệm. Các buổi tập huấn, hội thảo còn là cơ hội để chủ hộ trao đổi kinh nghiệm sản xuất của mình với những bà con khác trong xã, giúp hộ kiểm tra lại mức độ phù hợp giữa kinh nghiệm đã tích lũy với tình hình thực tế, để từ đó hộ đưa ra những điều chỉnh hợp lý cho quá trình canh tác. Chính vì thế, việc thường xuyên tham gia tập huấn ở huyện U Minh giúp cho nông hộ cải thiện thu nhập đáng kể. Thật vậy, biến TAPHUAN có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1%. Trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu chủ hộ có tham gia tập huấn thì thu nhập nông hộ sẽ tăng 32,081 triệu đồng.

60

Như đã trình bày, số lao động là một trong những nhân tố trực tiếp tác động đến thu nhập của nông hộ vì đó là chủ thể chính tạo ra thu nhập. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy lý thuyết trên là hợp lý: biến lao động có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1%. Điều này có nghĩa nếu một gia đình càng nhiều lao động thì thu nhập càng cao, vì sản lượng thu hoạch tạo ra sẽ nhiều hơn trong khi chi phí thuê mướn nhân công được giảm xuống. Ngoài ra, ngày nay tỷ lệ lao động hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp ngày càng tăng lên do thu nhập từ nguồn này rất cao. Vậy nên nếu hộ có thêm một thành viên hoạt động trong lĩnh vực này thì thu nhập sẽ tăng đáng kể. Thông qua kết quả mô hình hồi quy, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu hộ tăng thêm 1 lao động thì thu nhập của hộ sẽ tăng thêm 26,472 triệu đồng.

Quan hệ xã hội

Từ xưa cho đến nay, mối quan hệ xã hội được xem như là một mắc xích quan trọng dẫn đến thành công trong công việc. Lĩnh vực nông nghiệp cũng không ngoại lệ, khi gia đình nông hộ có thành viên hoặc người thân, bạn bè làm trong cơ quan nhà nước cấp xã, huyện, tỉnh thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những chủ trương, chính sách của nhà nước về quá trình phát triển nông nghiệp tại địa phương. Từ đó hộ áp dụng vào mô hình sản xuất của mình, bắt kịp với sự tiến bộ của đất nước và tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, quen biết cán bộ tổ chức tín dụng cũng giúp nông hộ thuận lợi hơn khi vay vốn, do có thêm nhiều nguồn thông tin vay, các thủ tục trở nên dễ dàng và tâm lý của hộ thoải mái hơn. Giữ mối quan hệ tốt với chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp hoặc các thương lái cũng là một trong những nguyên nhân giúp thu nhập nông hộ tăng lên. Vì có quen biết hộ sẽ có khả năng mua chịu vật tư được số lượng nhiều hơn, tranh thủ được khoản vốn để đầu tư kinh doanh khác. Còn đối với mối quan hệ với thương lái, hộ có thể dễ dàng hơn trong việc thương lượng giá cả, tìm hiểu thị trường cũng như hạn chế tình trạng bị ép giá.

Kết quả kiểm định đã cho thấy, quan hệ xã hội có tác động đến thu nhập của nông hộ (biến QHXH có hệ số dương ở mức ý nghĩa 1%). Cụ thể, nếu hộ có thành viên hoặc người thân, bạn bè làm trong cơ quan nhà nước các cấp hay các tổ chức chính thức thì thu nhập sẽ tăng 15,647 triệu đồng, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi.

Tuổi chủ hộ

Tuổi chủ hộ thường tỷ lệ thuận với kinh nghiệm sản xuất của nông hộ. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu biến tuổi chủ hộ không có ý nghĩa thống kê, tức tuổi chủ hộ không ảnh hưởng đến thu nhập nông hộ. Kết quả này trái ngược với cơ sở lý luận đã đề ra. Có thể giải thích như sau: ngày nay cùng với

61

những thay đổi của nền nông nghiệp cả nước, huyện U Minh cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Kinh nghiệm mà chủ hộ tích lũy cùng với thời gian sinh sống từ lâu đã không còn ứng dụng hiệu quả vào mô hình sản xuất hiện tại. Bên cạnh đó, ngày nay khí hậu bất thường với những hiện tượng không thể đoán trước được, tình hình dịch bệnh thì xuất hiện càng nhiều loại côn trùng gây hại, mức độ lan dịch ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, kinh nghiệm sẵn có cũng không còn thích hợp cho những giống cây trồng, vật nuôi mới.

Kinh nghiệm phần lớn do chủ hộ tự đúc kết qua quá trình làm việc nên không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối, kinh nghiệm dày dặn nhưng không đúng thì khi áp dụng cũng không giúp hộ tăng thu nhập. Đa số các hộ lớn tuổi thường có tâm lý cho rằng bản thân đã am hiểu nhiều nên không tích cực tham gia các buổi tập huấn, tọa đàm. Bên cạnh đó, tuổi chủ hộ cao còn phản ánh khả năng lao động bị tuột dốc, đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất thu hoạch của hộ giảm sút đáng kể, chính vì thế mà thu nhập cũng phần nào ảnh hưởng theo chiều hướng đi xuống.

Học vấn

Theo cơ sở lý luận ban đầu trong bài nghiên cứu, học vấn của chủ hộ càng cao thì thu nhập của nông hộ càng tăng. Tuy nhiên biến HOCVAN trong mô hình lại không có ý nghĩa thống kê, tức học vấn của chủ hộ không ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ. Theo lý thuyết, sản xuất sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu như chủ hộ có trình độ học vấn thấp. Thế nhưng, trên thực tế trình độ học vấn chủ hộ thấp nhưng trong gia đình hộ có thành viên khác học vấn cao thì hộ vẫn có thể tiếp thu được khoa học kỹ thuật và xử lý rủi ro nhanh chóng. Ngoài ra, việc tham gia các buổi tập huấn cũng như học hỏi kinh nghiệm giữa các hộ trong ấp, xã cũng giúp chủ hộ nâng cao kiến thức và sản xuất hiệu quả hơn. Vì vậy, mặc dù học vấn của chủ hộ thấp nhưng nguồn thu nhập của hộ vẫn tăng.

62

CHƯƠNG 5

GIẢI PHÁP GIÚP NÔNG HỘ U MINH NÂNG CAO THU NHẬP BẰNG CÁCH MỞ RỘNG CƠ HỘI TIẾP CẬN VỚI GIAO

THÔNG, THỊ TRƯỜNG

Qua quá trình khảo sát thực tế và xem xét lại kết quả kiểm định từ mô hình hồi quy, tác giả nhận thấy rằng thu nhập của nông hộ huyện U Minh chịu tác động bởi khoảng cách giao thông và khoảng cách thị trường. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như diện tích đất nông nghiệp, số lao động trong gia đình, mối quan hệ của hộ với cán bộ, tham gia tập huấn các kỹ thuật sản xuất tại địa phương cũng ảnh hưởng đến thu nhập của nông hộ. Duy chỉ có hai yếu tố học vấn và tuổi chủ hộ là không tác động đến thu nhập của hộ. Trong thời kỳ đất nước đang tập trung phát triển trên nhiều lĩnh vực, nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế quốc dân. Chính vì thế mà bài toán tăng thu nhập cho nông hộ được quan tâm rất nhiều. Trong các yếu tố đã phân tích trong bài nghiên cứu, yếu tố nào tương quan thuận với thu nhập cần được phát huy, yếu tố nào tác động tiêu cực phải được khắc phục. Sau đây tác giả xin đề xuất một số giải pháp giúp tăng thu nhập cho nông hộ ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận với giao thông và thị trường.

Một phần của tài liệu tiếp cận giao thông, thị trường và thu nhập của nông hộ ở huyện u minh tỉnh cà mau (Trang 68 - 74)