5. Bố cục
2.5.2. Những giải pháp trong việc áp dụng các quy định về quyền miễn trừ của quốc
gia trong Tư pháp quốc tế và trong Tư pháp quốc tế Việt Nam
Một giải pháp chung cho các vấn đề vấn đề là cần phải có một văn bản với những quy định cụ thể hơn nhằm tạo nên một chuẩn chung cho các quốc gia. Bên cạnh việc quy
định cụ thể về các trường hợp từ bỏ và hình thức từ bỏ quyền miễn trừ của các quốc gia thì cũng cần có những chế tài nhất định để có thể áp dụng khi có một chủ thể nào đó không thực hiện đúng với những quy định. Theo tình trạng hiện nay, những văn bản pháp lý quốc tế (trong lĩnh vực tư pháp) dường như chỉ là những nguyên tắc, định hướng chung cho các quốc gia. Vì vậy cho nên, việc áp dụng các các văn bản này là tùy thuộc hoàn toàn vào mỗi quốc gia. Trong khi đó, các quốc gia đều đặt quyền lợi của quốc gia mình lên trên hết nên giữa các quốc gia vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề mang tính quốc tế. Công ước về Quyền miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản của quốc gia năm 2004 vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn tư pháp quốc tế về các vấn đề có liên quan đến quyền miễn trừ của quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề về phạm vi của quyền miễn trừ thì rất khó để tìm ra một giải pháp hữu hiệu vì vấn đề này tùy thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia. Vì vậy, một giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này dó chính là các quốc gia sẽ cùng nhau xây dựng những quy phạm xung đột thực chất thống nhất.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình áp dụng nội dung thứ ba trong quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia còn nhiều vướng mắc. Vẫn có trường hợp nhằm lẫn nội dung này với việc miễn trừ thi hành án. Khi xem xét nội dung thứ hai là miễn trừ các biện pháp đảm bảo sơ bộ cho vụ kiện, và nội dung thứ ba là miễn trừ các biện pháp bảo đảm thi hành án thì thấy hai nội dung này có nhiều điểm tương đồng với nhau. Cả hai nội dung này đều quy định về quyền được miễn trừ các biện pháp đảm bảo với quốc gia chỉ khác nhau ở thời điểm áp dụng các biện pháp này (thời điểm áp dụng các biện pháp đảm bảo sơ bộ cho đơn kiện là trong quá trình xét xử và trước khi có phán quyết của cơ quan tài phán, còn thời điểm áp dụng của các biện pháp đảm bảo thi hành án là sau khi có phán quyết của cơ quan tài phán). Vì vậy, nên hợp nhất hai nội dung này lại với tên gọi là “quyền miễn trừ các biện pháp cưỡng chế trong tố tụng”. Việc hợp nhất hai nội dung này lại với nhau sẽ dễ hiểu hơn và sẽ không gây hiểu lầm về nội dung thứ ba với việc miễn trừ thi hành án.
Những giải giải pháp cho Tư pháp quốc tế Việt Nam
Qua phân tích vấn đề cho thấy, xu thế phát triển chung của Tư pháp quốc tế thế giới là chấp nhận quyền miễn trừ của quốc gia với nội dung gồm quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản thuộc sở hữu của quốc gia ở nước ngoài và chấp nhận thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia. Hiện nay, trong khi Tư pháp quốc tế của Việt Nam chưa phát triển cả về lý luận lẫn pháp luật thực định thì việc nghiên cứu một cách nghiêm túc các vấn đề có liên quan đến quyền miễn trừ của quốc gia khi tham gia vào quan hệ dân sự quốc tế là một việc hoàn toàn cần thiết. Bởi vì, đây là một trong những nội dung chủ yếu của quy chế pháp lý về chủ thể của tư pháp quốc tế. Trong
khuôn khổ của nội dung đề tài này, người viết chỉ đề cập đến những quy định của pháp luật Việt Nam về quyền miễn trừ của Nhà nước nước ngoài tại Việt Nam, và những ý kiến đề xuất để hoàn thiện những quy định trên mà không đề cập đến quyền miễn trừ của nhà nước Việt Nam ở nước ngoài. Sau đây là một số ý kiến của người viết :
Thứ nhất, như đã trình bày ở mục 2.6.1 thì hiện nay, trong Tư pháp quốc tế của Việt Nam chưa có một văn bản nào quy định một cách chính thức về quyền miễn trừ của quốc gia. Vì vậy cho nên, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng một văn bản quy định về vấn đề này nhằm tạo một hành lang pháp lý rõ ràng quyền miễn trừ dành cho các quốc gia khác khi họ tham gia vào các quan hệ với cá nhân, pháp nhân của Việt Nam. Nội dung quyền miễn trừ của quốc gia đã được quy định thống nhất trong các văn bản của Liên Hợp Quốc, các điều ước quốc tế có liên quan và được cụ thể hóa vào văn bản pháp luật của nhiều nước. Chính vì vậy, việc quy định một cách rõ ràng, cụ thể nội dung quyền miễn trừ của quốc gia trong pháp luật Việt Nam cũng góp phần đưa tư pháp quốc tế Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực của đời sống pháp lý quốc tế.
Vấn đề thứ hai, cần giải quyết là phạm vi của quyền miễn trừ của quốc gia trong Tư pháp quốc tế Việt Nam. Hay nói cách khác, Việt Nam chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối hay vẫn tiếp tục theo đuổi Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia. Phần lớn các quan điểm hiện nay đều tán đồng Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia, phản đối Thuyết quyền miễn trừ tương đối. Theo Giáo trình Tư pháp quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của Tư pháp quốc tế, không có lợi cho việc thúc đẩy giao lưu dân sự quốc tế”. Tương tự, theo giáo trình của Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội “nội dung thuyết miễn trừ theo chức năng hoàn toàn trái với các nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế cũng như của Tư pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn Tư pháp Việt Nam luôn luôn bảo đảm tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của nhà nước nước ngoài bằng con đường ngoại giao, trừ trường hợp nhà nước đó đồng ý tham gia tố tụng tại tòa án Việt Nam”. Dường như về mặt lý luận, Việt Nam chỉ chấp nhận Thuyết quyền miễn tuyệt đối, công khai bác bỏ Thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia.
Thực tiễn đời sống pháp lý quốc tế cho thấy, nếu chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối của quốc gia sẽ có những trường hợp không bảo vệ được một cách hữu hiệu lợi ích của các pháp nhân, thể nhân của quốc gia đó khi tham gia vào quan hệ dân sự với một quốc gia khác. Ngược lại, quốc gia chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tuyệt đối sẽ bất lợi khi tham gia vào mối quan hệ dân sự với quốc gia hay pháp nhân, thể nhân của quốc gia chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối. Chính vì vậy, chấp nhận Thuyết quyền miễn trừ tương đối cả về lý luận lẫn quy định trong pháp luật thực định là xu thế không
thể đảo ngược của Tư pháp quốc tế. Thực tiễn đời sống pháp lý Việt Nam cũng cho thấy, việc xem Thuyết miễn trừ tương đối là trái với các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế hay của Tư pháp quốc tế là thiếu thuyết phục. Tiến sĩ Đỗ Văn Đại đã dẫn ra một trường hợp cụ thể để chứng minh cho quan điểm này là vụ tàu Cần Giờ được rất nhiều người biết đến.
Nội dung của vụ việc này như sau: năm 1999, một doanh nghiệp có tên là Mohamed Enterprises của Tanzania ký hợp đồng và thanh toán trước toàn bộ số tiền khoảng 1,4 triệu USD để mua 6.000 tấn gạo của Công ty Thanh Hòa ở Tiền Giang. Sau đó, Công ty Thanh Hòa đã thuê một tàu chở gạo để thực hiện hợp đồng trên. Nhưng con tàu mà Công ty Thanh Hòa thuê lại là một con tàu “ma”, trên đường chở gạo đã trốn bặt tăm. Không nhận được gạo, Công ty Mohamed Enterprises đã khởi kiện đối tác của Việt Nam… Sự việc cứ kéo dài không được xử lý dứt điểm. Bốn năm sau (2003), tàu Sài Gòn của Công ty SEA Saigon cập cảng Tanzania đã bị bắt giữ làm con tin nhằm tạo áp lực buộc phía Việt Nam thanh toán số nợ năm 1999. Ngày 22/7/2005, Tòa án Tanzania tuyên phạt phía Việt Nam gần 2 triệu USD bao gồm tiền bồi thường thiệt hại từ hợp đồng gạo với Công ty Mohamed Enterprises và tiền lãi phát sinh. Phán quyết ghi rõ, Chính phủ Việt Nam là bị đơn thứ 12 của vụ án. Theo Tòa án, quyền miễn trừ tư pháp của nhà nước Việt Nam trong trường hợp này không tuyệt đối vì Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực vào các giai đoạn của việc thực hiện hợp đồng. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam không được hưởng quyền miễn trừ xét xử42
.
Vụ việc trên cho thấy, nếu nhà nước Việt Nam tham gia vào quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài với tư cách một bên chủ thể thì trong những trường hợp cụ thể nhất định sẽ không được hưởng quyền miễn trừ, nghĩa là nhà nước Việt Nam phải tham gia như một chủ thể bình thường khác. Như vậy, rõ ràng việc tuyệt đối hóa quyền miễn trừ tư pháp không có lợi cho nhà Việt Nam và đặc biệt là các cá nhân, pháp nhân Việt Nam trong các quan hệ Tư pháp quốc tế. Đây sẽ là cơ sở để nhà nước nước ngoài không tuân thủ một số nghĩa vụ của họ bởi vì nhà nước nước ngoài được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở Việt Nam trong khi nhà nước Việt Nam không được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối ở nước ngoài.
Việc chấp nhận Thuyết miễn trừ tuyệt đối còn gây ra thiệt hại cho chính các cá nhân, pháp nhân của Việt Nam. Điển hình là trường hợp nhà nước nước ngoài thuê công dân Việt Nam hoặc thuê pháp nhân Việt Nam thực hiện một công việc sau đó vi phạm về nghĩa vụ trả lương hay đóng bảo hiểm thì rõ ràng công dân Việt Nam hay pháp nhân Việt
42 TS. Đỗ Văn Đại, TS. Mai Hồng Quỳ: Tư pháp Quốc tế Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.69 - 70.
Nam không thể được bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình vì nhà nước nước ngoài hưởng quyền miễn trừ trong mọi trường hợp. Như vậy, sẽ dẫn đến trường hợp chính pháp luật của quốc gia đã không bảo vệ được lợi ích chính đáng của công dân mà còn gây thiệt hại cho chính công dân của quốc gia mình.
Tại Việt Nam, chưa có Luật về quyền miễn trừ quốc gia và trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định chính thức nào quy định trực tiếp về vấn đề này. Tuy nhiên, một số quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể có thể lý giải được vấn đề. Theo khoản 1 và 3 Điều 12 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ thì viên chức ngoại giao không được hưởng quyền miễn trừ trong trường hợp họ “tham gia với tư cách cá nhân vào các vụ tranh chấp liên quan đến bất động sản tư nhân có trên lãnh thổ Việt Nam; việc thừa kế; hoạt động thương mại hoặc nghề nghiệp mà viên chức ngoại giao tiến hành tại Việt Nam ngoài phạm vi chức năng chính thức của họ”. Quy định này thể hiện rõ quan điểm đối với viên chức ngoại giao thì quyền miễn trừ của họ chỉ là tương đối, nghĩa là quyền miễn trừ không bị giới hạn ở bất cứ lĩnh vực quan hệ dân sự nào nhưng bị hạn chế, hay không được hưởng, trong một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đối với nhà nước nước ngoài thì pháp lệnh lại không đề cập và Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành cũng không có quy định nào về vấn đề này.
Những phân tích trên chứng minh một điều rằng, việc thừa nhận một cách cứng nhắc quyền miễn trừ tuyệt đối của nhà nước nước ngoài ở Việt Nam chỉ làm thiệt hại cho chúng ta vì chắc chắn trong quy định của pháp luật nhiều quốc gia chỉ dành cho nhà nước Việt Nam quyền miễn trừ tương đối tại quốc gia đó. Chính vì vậy, trong điều kiện giao lưu kinh tế thương mại hiện nay cũng như cùng với sự phát triển của Tư pháp quốc tế hiện đại, Việt Nam nên chấp nhận thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia khi tham gia vào các quan hệ kinh tế, dân sự quốc tế để bảo vệ hiệu quả lợi ích của các công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ tài sản với quốc gia nước ngoài. Pháp luật Việt Nam cần có quy định về những trường hợp cụ thể nhà nước nước ngoài không được hưởng quyền miễn trừ tại Việt Nam khi tham gia vào các quan hệ dân sự quốc tế.
Vấn đề thứ ba, cần làm rõ nội dung của Thuyết quyền miễn trừ tương đối của quốc gia về mặt lý luận. Nhiều quan điểm hiện nay vẫn hiểu quyền miễn trừ tương đối theo hướng quốc gia bị hạn chế một số lĩnh vực quan hệ dân sự quốc tế không được hưởng quyền miễn trừ, còn trong những lĩnh vực mà quốc gia được hưởng quyền miễn trừ thì quốc gia sẽ được hưởng quyền miễn trừ trong bất cứ trường hợp nào mà quốc gia tham gia. Theo người viết, quan điểm này là không chính xác. Sự tương đối ở đây cần phải được hiểu theo hướng những trường hợp cụ thể mà quốc gia không được hưởng quyền miễn trừ, còn phạm vi của quyền miễn trừ vẫn bao trùm tất cả các lĩnh vực quan hệ dân
sự có yếu tố nước ngoài mà quốc gia tham gia. Sự khác nhau ở đây chính là phạm vi những trường hợp được hưởng quyền miễn trừ chứ không phải ở lĩnh vực quan hệ được hưởng quyền miễn trừ. Việc làm rõ nội dung của Thuyết miễn trừ là rất quan trọng bởi nếu hiểu không chính xác sẽ dẫn đến tình trạng không bảo vệ được lợi ích hợp pháp của quốc gia khi tham gia các quan hệ dân sự quốc tế, hoặc không tôn trọng lợi ích hợp pháp của quốc gia khác, vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của quốc gia.
KẾT LUẬN
Quyền miễn trừ của quốc gia là một trong những vấn đề quan trọng khi xem xét đến tư cách chủ thể của quốc gia trong các quan hệ tư pháp quốc tế. Quyền miễn trừ là tấm lá chắn bảo vệ hữu hiệu nhất thuộc tính chủ quyền của quốc gia. Đối với quốc gia, chủ quyền đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của một quốc gia. Không có chủ quyền thì không có một quốc gia độc lập đúng nghĩa.
Theo lý luận, quyền miễn trừ của quốc gia bao gồm hai nội dung lớn là: quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ đối với tài sản của quốc gia. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia được hợp thành từ ba quyền là: quyền miễn trừ xét xử; quyền miễn trừ các biện pháp đảm bảo sơ bộ cho vụ án; quyền miễn trừ các biện pháp cưỡng chế đảm bảo thi hành án. Nội dung của quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia là không có bất cứ một chủ thể nào có quyền khởi kiện quốc gia tại bất cứ cơ quan tài phán nào và không có một cơ quan tài phán nào có quyền xét xử một quốc gia dưới tư cách là một bị đơn của một vụ kiện nếu như không có sự đồng ý của quốc gia đó. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia đã giúp quốc gia thoát khỏi tư cách bị đơn của một vụ kiện. Nhưng quốc gia vẫn có quyền trở thành nguyên đơn của vụ kiện và các cơ quan tài phán sẽ xem đây là sự mặc nhiên từ bỏ quyền miễn trừ xét xử của quốc gia. Trong trường hợp, quốc gia là nguyên đơn của vụ kiện thì các bị đơn không có quyền phản kiện nếu như không được sự đồng ý