2.1.3.1. Những điểm mạnh của đội ngũ công nhân Nam Định
Đội ngũ công nhân có số lượng đông, chiếm phần lớn lực lượng lao động của tỉnh, tập trung trong các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước quản lý. Thí dụ năm 2004 công nhân Công ty May Nam Định có 1516 công nhân, đến 2008 có hơn 2300 công nhân. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài cũng thu hút đông đảo công nhân lao động, như Công ty May Youngone có 10700 công nhân, công ty TNHH T.I.N có hơn 1000 công nhân.
Đội ngũ công nhân Nam Định tương đối tập trung, có khả năng tạo ra phong trào cách mạng to lớn lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Họ sống tập trung ở Thành phố Nam Định, nên họ có tính tập thể cao nhất là các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn ở thành phố và các vùng phụ cận. Tác phong công nghiệp và tính tập trung cao là điều kiện thuận lợi để công nhân rèn luyện tính tổ chức kỷ luật, tinh thần tập thể và thuận lợi cho quá trình giáo dục tư tưởng lý luận chuyển từ tính tự phát sang tính tự giác. Đây cũng là đặc điểm của công nhân thành thị. Xu hướng tập trung ngày càng bộc lộ rõ ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, chẳng hạn khu công nghiệp Hoà Xá, năm 2004 tập trung khoảng 400 công nhân, đến nay có hơn 12000 công nhân. Khu công nghiệp Mỹ Trung có khoảng 1000 công nhân. Mức độ tập trung công nhân trong các khu công nghiệp sẽ tăng đi khi quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế tri thức.
Đội ngũ này có thành phần đa dạng, bao gồm cả công nhân công nghiệp, công nhân nông nghiệp, thợ thủ công. Chủ yếu tập trung ở công nghiệp dệt may cơ khí, sản xuất chế biến những ngành sử dụng nhiều lao động. Hiện nay Nam Định cũng tăng mạnh tỷ lệ công nhân sản xuất trong các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là công nhân có trình độ kỹ thuật cao, có tay nghề thành thạo, có phẩm chất thông minh, cần cù, vượt khó khăn gian khổ.
Cuộc sống công nghiệp và đô thị ảnh hưởng tới tác phong của người công nhân Nam Định, một mặt hình thành tính cộng đồng, nếp sống văn minh đô thị, khả năng ứng dụng các dịch vụ tiện ích; mặt khác chính những thiếu thốn của cơ sở hạ tầng đô thị có thể gây tác động xấu tới tác phong công nghiệp của những người công nhân và các nhóm xã hội khác. Chính tính đô
thị cũng tạo nên nét đặc thù của công nhân trên địa bàn tỉnh, nó quy định khả năng cách thức phát huy vai trò của công nhân.
Nam Định có truyền thống hiếu học, do vậy có ảnh hưởng tới nhận thức, hiểu biết, trình độ tay nghề của công nhân cộng với tính cần cù, thông minh sáng tạo nên sớm hình thành những phẩm chất quý giá riêng, tạo ra sự thay đổi về chất của họ, góp phần to lớn vào sự phát triển của tỉnh, đưa Nam Định từng bước vượt qua thời kỳ suy giảm đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, phát triển tương đối toàn diện, tạo ra chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Số lượng công nhân trí thức từng bước gia tăng, trình độ tay nghề chuyên môn cũng được nâng lên đáng kể. Từ thời Pháp thuộc, công nhân Nam Định nói chung và công nhân trong ngành Dệt nói riêng được coi là những người có trình độ tay nghề cao. Nhóm công nhân có tay nghề cao xét về lượng đứng đầu trong cả nước thời Pháp thuộc, hiện nay giảm đi do chuyển dịch cơ cấu sản xuất cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội những thập niên tám, chín mươi của thế kỷ XX. Hiện nay trình độ học vấn và tay nghề của công nhân Nam Định vẫn được coi là cao so với khu vực đồng bằng sông Hồng và với cả nước. Tay nghề chủ yếu từ bậc 3 trở lên, học vấn chủ yếu tốt nghiệp PTTH. Bảng 2.6. Trình độ học vấn trên địa bàn tỉnh Đơn vị: % Trình độ 1997 2001 2005 2008 Tiểu học 2,5 1,5 0,8 0,5 THCS 46,0 45,0 41,2 41 THPT trở lên 51,5 53,5 58 58,5
Nguồn: Theo báo cáo của BCH công đoàn Nam Định khoá VIII, IX
Tính tiên phong của công nhân Nam Định hiện nay là kết quả của sự kết hợp tố chất,ý thức, trách nhiệm, nghề nghiệp, bổn phận cùng với ý thức
vươn lên của họ. Ý thức về bổn phận đanh dự trách nhiệm nghề nghiệp là một mặt mạnh của công nhân Nam Định.
2.1.3.2. Một số hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế ở đội ngũ công nhân Nam Định hiện nay
Hạn chế của đội ngũ công nhân Nam Định
Thứ nhất, sự phát triển của họ chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, và trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ học vấn của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Tính chung cả nước số công nhân có trình độ phổ thông cơ sở là 40,5%, phổ thông trung học là 52,3%, tiểu học là 2,2 % (năm 2007). Số thợ bậc cao còn ít, theo điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì thợ bậc 7 chỉ chiếm 1,9%. Đến năm 2006 theo điều tra của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, công nhân lao động trong cả bước có trình độ tiểu học chiếm 3,7%, THCS là 14,7% còn THPT là 76,6%, THCNvà cao đẳng là 13,8%, đại học là 13,24%. Nam Định cũng không nằm ngoài những con số tính toán trên. So với yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hóa là chưa phù hợp. Những yếu kém về trình độ học vấn, trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân Nam Định gắn liền với quá trình thực hiện công nghiệp hoá theo cơ chế cũ; thực hiện kế hoạch hoá tập trung với các chỉ tiêu pháp lệnh thiên về công nghiệp nặng và công trình quy mô lớn. Từ khi thực hiện đổi mới, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Nam Định từng bước khắc phục những nhận thức cũ về công nghiệp hoá tiếp nhận những nhận thức mới, cách làm mới để tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hóa.
Thứ hai, chất lượng nguồn lực từ đội ngũ công nhân trên địa bàn tỉnh còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Mô hình tháp lao động chung ở Nam Định tỷ lệ lao động không lành nghề chiếm 89%, công nhân lành nghề 5,3%, 3,7% là chuyên viên kỹ thuật, 1,7% là kỹ sư, 0,3% là các nhà khoa học và chuyên gia. Còn hiện nay tháp lao động của các nước công nghiệp là 35% lao động không lành nghề, 35 % lao động lành nghề, 24,5% là
chuyên viên kỹ thuật, 5% là kỹ sư, 0,5% là các nhà khoa học và chuyên gia. Tình trạng này phản ánh sự thiếu trầm trọng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng và trong cả nước nói chung. Sự thiếu thốn này đã đang hạn chế việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, là lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Thứ ba, địa vị chính trị của họ chưa được thể hiện đầy đủ. Họ được coi là nền tảng xã hội, là lực lượng nòng cốt trong khối liên minh công, nông, trí thức, nền tảng của khối đoàn kết dân tộc, là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng, của chế độ XHCN, tuy nhiên họ vẫn còn hạn chế phát huy vai trò nòng cốt trong liên minh công nông trí thức. Họ chưa thể hiện một cách đầy đủ là lực lượng đi đầu tiên phong trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá; giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của họ còn thấp, có người còn mơ hồ về giai cấp; họ chưa thấy được vị trí và vai trò tiên phong của mình trong quá trình xây dựng CNXH. Hiểu biết về chính sách và pháp luật của công nhân còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ Đảng viên và cán bộ lãnh đạo xuất thân từ công nhân còn thấp. Một bộ phận công nhân không thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia vào các hoạt động của các tổ chức chính trị khác như công đoàn, đoàn thanh niên... trong các doanh nghiệp. Điều mà công nhân Nam Định hiện nay quan tâm là gì? Kết quả bảng điều tra sau đây cho thấy:
Bảng 2.7. Sự quan tâm của công nhân tới các chính sách xã hội
Đơn vị: % STT Một số chính sách xã hội Rất quan tâm Ít quan tâm Không quan tâm 1 Việc làm 85,41 13,59 1,0 2 Thu nhập 81,41 17,49 1,1
3 Bảo hiểm xã hội 74,20 16,8 9,0
5 Môi sinh môi trường 50,46 29,31 20,23
6 Đào tạo văn hoá 53,64 27,19 20,17
7 An sinh xã hội 80,48 18,30 1,22
8 Chính sách bồi dưỡng đào tạo lại
48,85 31,14 20,41
Nguồn: Báo cáo của sở lao động thương binh xã hội tỉnh, năm 2006
Điều họ quan tâm là những chính sách xã hội nào liên quan trực tiếp đời sống hàng ngày của họ: việc làm, thu nhập...
Thứ tư, về đời sống và lợi ích của một bộ phận công nhân chưa được hưởng tương xứng với thành tựu đổi mới và những đóng góp của chính mình. Việc làm, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều bức xúc, nhất là ở bộ phận công nhân lao động giản đơn, tại các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bản thân họ cũng có nhiều nỗ lực vươn lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sự nghiệp nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do xuất thân từ nông dân và thợ thủ công nghèo có tinh thần cần cù lao động không ngại gian khổ, nhưng khi mới gia nhập vào đội ngũ công nhân thì cũng còn hạn chế về ý thức giai cấp và tác phong công nghiệp. Các doanh nghiệp và người sử dụng lao động còn vi phạm chính sách pháp luật với người lao động, nhất là khu vực các doanh nghiệp ngoài nhà nước, dẫn tới tình trạng công nhân đình công như ở xí nghiệp may Youngone.
Một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế của đội ngũ công nhân Nam Định
Nguyên nhân đầu tiên là do những hạn chế yếu kém trong phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, đời sống, tư tưởng tình cảm của người công nhân. Điển hình như Nhà máy dệt Nam Định, năm 1996 có khoảng 6000 công nhân không có việc làm, tình trạng các gia đình công nhân phải chạy ăn từng bữa, phải sống vào các khoản trợ cấp khó khăn trong khoảng thời gian dài, từ đó làm nảy sinh tâm trạng chán nản, không thiết tha
với doanh nghiệp, mất lòng tin vào vào cán bộ lãnh đạo, vào giai cấp và chính bản thân mình.
Đảng bộ đã chú trọng đến xây dựng đội ngũ công nhân nhưng chưa đầy đủ, chưa ngang tầm vị trí, vai trò của họ trong thời kỳ mới. Tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác nhiều khi hoạt động mang nặng tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa thể hiện rõ vai trò chính trị của mình
Hệ thống chính sách pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đồng bộ, một số chính sách với công nhân chưa hợp lý. Chính sách khen thưởng động viên khuyến khích còn nhiều hạn chế. Hàng năm tỷ lệ chiến sỹ thi đua còn khiêm tốn dưới 10%, còn chủ yếu là khen thưởng với các cấp quản lý hành chính, khen thưởng ít đến với người công nhân lao động trực tiếp. Chưa thúc đẩy khích lệ được người lao động hăng hái thi đua sản xuất.
Không ít công nhân còn mang tâm lý an phận thủ thường, ngại khó khăn, ngại va chạm đấu tranh. Tinh thần vượt khó chưa cao, ít chịu học tập rèn luyện để tự nâng cao năng lực tay nghề chuyên môn của mình, hài lòng với những gì mình có.