7. Kết cấu của luận văn
2.2.1. Tình hình về các nhóm nghề truyền thống
Sản phẩm của nghề thủ công truyền thống ở Hà Tây rất phong phú và nhiều mặt hàng nổi tiếng từ lâu đời. Bao gồm 13 nhóm mặt hàng cơ bản:
- Nhóm dệt, in vải: dệt lụa tơ tằm, dệt màn, in hoa nhuộm vải, dệt thảm, khăn mặt.
- Nhóm chế biến tơ tằm, trồng dâu.
- Nhóm chế biến nông sản thực phẩm: làm bún, rượu, miến, tinh bột... - Nhóm chế biến chè khô.
- Nhóm mây tre đan lá: mây tre đan, làm nón, đan cỏ tế, đan cót.
- Nhóm sản xuất đồ gỗ, khảm trai: đóng đồ gỗ, tiện gỗ, khảm trai đồ gỗ. - Nhóm điêu khắc, sơn mài, tạc tượng.
- Nhóm nghề thêu, may.
- Nhóm nghề đan tơ lưới, đan võng. - Nhóm nghề cào bông.
- Nhóm da giày: thuộc da, đóng giày.
- Nhóm sản xuất vật liệu xây dựng: khai thác cát, đốt gạch, nung vôi.
* Sau đây xin điểm qua một số nhóm mặt hàng chủ yếu:
- Nhóm các ngành cơ - kim khí.
Sản xuất các mặt hàng từ công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt thường ngày, đến cửa sắt, sen hoa... Gồm các làng kim khí Rùa Hạ, Dụ Tiền, Liễu Nội... và điển hình là làng rèn Đa Sĩ.
Nghề rèn ở làng Đa Sĩ có từ thời nhà Trần thế kỷ XVIII. Trong thời kỳ bao cấp nghề rèn được tổ chức lại thành hợp tác xã rèn, tập trung tư liệu sản xuất của các hộ gia đình. Mọi nguyên liệu đầu vào đầu ra đều do nhà nước đảm nhận, thực hiện theo kế hoạch. Trong giai đoạn chiến tranh, sản phẩm chủ yếu phục vụ quốc phòng như vỏ lựu đạn, bi đông nước... và một ít sản phẩm phục vụ tiêu dùng. Chuyển đổi cơ chế mô hình hợp tác xã giải thể, phải mất một thời lâu làng nghề mới bắt nhịp được với cơ chế thị trường. Năm 1996, cả làng có hơn 300 lò rèn, sản phảm làm ra chỉ có hơn 2 triệu sản phẩm. Đến năm 2002, số lò rèn là 500, có hơn 90% số hộ làm nghề rèn và nông nghiệp, thu
nhập từ nghề rèn chiếm 60 - 70% tổng thu nhập gia đình. Làng nghề thu hút cả lao động nơi khác, trung bình cứ một hộ làm nghề (khoảng 5 người) thuê 1 công nhân. Trong quá trình CNH, HĐH các hộ sản xuất đã tự tìm cách cơ giới hóa kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư 10 - 20 triệu đồng để mua búa máy, cả xã hiện có khoảng 10 búa. Sản phẩm của làng rèn Đa Sĩ là cưa, chàng, đục... đặc biệt dao kéo Đa Sĩ nổi tiếng khắp mọi miền vì chất lượng tốt, lưỡi dao mỏng sắc. Đầu ra cho sản phẩm theo con đường tự tiêu, có xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, một số hộ chuyên làm dịch vụ thu mua lại sản phẩm, đưa vào miền nam và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Các hộ sản xuất thủ công ở Đa Sĩ chia “đẳng cấp” kỹ thuật rất rõ ràng. Gia đình có tay nghề cao làm hàng kỹ - chất lượng tốt, giá cả đắt, họ còn làm theo đơn đặt hàng. Hộ sản xuất nào tay nghề kém làm hàng xô, chất lượng kém hơn, chủ yếu đổ buôn cho các chợ ở miền quê. Chất lượng dao Đa Sĩ hơn hẳn hàng ngọai và được người tiêu dùng ưa thích, nhưng nhược điểm mà ai cũng nhận thấy là sản chưa có tính mỹ thuật, màu thép đen, chuôi gỗ, dễ han rỉ.
- Nhóm dệt.
Hà Tây là vùng đất có rất nhiều làng nghề làm dệt: làng Hòa Xá với nghề dệt màn, làng Phùng Xá với nghề dệt vải, khăn mặt. Huyện Hoài Đức với một cụm làng La Dương, La Nội, Y La làm nghề dệt, in nhuộm vải sầm uất.
Hà Tây nổi tiếng là đất trồng dâu nuôi tằm nên từ xa xưa đã nổi tiếng về nghề dệt lụa tơ tằm, đũi.... Câu ca “the La, lụa Vạn” để chỉ làng Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc mịn màng óng ả, đạt độ tinh xảo về đường nét hoa văn. Không chỉ được người Việt Nam ưa chuộng mà còn vượt biên giới đến với nhiều nước trên thế. Năm 1937, lụa tơ tằm Vạn Phúc đi dự hội chợ Mác-Xây (Pháp), người dệt lụa đã được tặng thưởng danh hiệu cao quí.
Sau ngày hòa bình lập lại ở miền bắc nghề dệt lụa truyền thống được tổ chức lại theo con đường làm ăn tập thể xây dựng hợp tác xã thủ công nghiệp. Đến thời kỳ hợp tác xã làm ăn sa sút, thị trường Đông Âu thu hẹp, làng Vạn Phúc chịu ảnh hưởng nặng nề, nghề truyền thống chao đảo. Đảng ủy xã đã cùng họp bàn với dân tìm cách tháo gỡ, phải làm gì để tiếp tục nghề trong thời kỳ đổi mới. Đầu tiên các khung cửi của một số gia đình được đưa về nhà tự tổ chức sản xuất. Tháng 12-1989, xí nghiệp liên hiệp dệt lụa Van Phúc ra đời, từ sau những năm 1990-1991 tổng doanh thu của cả xã được giữ vững tăng lên dần dần. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Vạn Phúc đã mạnh mẽ sáng tạo chuyển đổi cải tiến các máy dệt của Hồng Công, Nhật Bản thành máy dệt lụa tơ tằm, cùng với 180 khung dệt tay. Các hộ sản xuất đã tích cực chủ động tự tìm đầu ra cho sản phẩm, bằng nhiều con đường. Các hộ tay nghề kém, vốn ngắn thì bán qua tư thương trong làng, xí nghiệp chủ yếu tiêu thụ qua con đường bán lẻ tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Vạn Phúc đã có trang WEB (địa chỉ www.vanphucsilk.com) quảng các sản phẩm được thiết kế trên nền lụa tơ tằm đã thu hút hàng ngàn lượt người truy cập, chính vì thế đến với Vạn
Phúc hôm nay là 40% khách nước ngoài - hình thành tour du lịch làng nghề nổi tiếng. Năm 2002, xuất được hơn 300 nghìn mét luạ hoa, hơn 400 nghìn mét lụa sa tanh. Không chỉ biết ứng dụng mạng Internet trong quảng bá sản phẩm, mà còn đưa công nghệ tin học trong việc thiết kế mẫu mã. Lụa Vạn Phúc bây giờ rất phong phú và đa dạng về màu sắc, các họa tiết đan xen truyền thống và hiện đại đứng đầu bảng chất liệu thời trang hiện nay. Về Vạn Phúc sẽ thấy phố lụa đông đúc không thua kém phố Hàng Đào, Hàng Ngang về lượng khách nước ngoài. Vạn Phúc đã đạt được cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn: lao động nghề thủ công 68%, lao động thương mại dịch vụ 30,5%, lao động nông nghiệp chỉ còn 6,5% [10] và hướng tiêu thụ sẽ là xuất khẩu.
Bình quân mỗi hộ sản xuất có từ 2-5 máy, số khung dệt từ 550 chiếc (1990) đến năm 2002 là 1000 chiếc, trung bình một tháng một lao động thủ công nhận được từ 400 - 700 ngàn đồng. Về văn hóa - xã hội, trường mầm non Vạn Phúc liên tục là lá cờ đầu của tỉnh Hà Tây. Nhiều hộ gia đình mua máy vi tính để các cháu vừa học tập vừa thiết kế mẫu lụa cho gia đình.
Trở ngại lớn ở Vạn Phúc là rất nhiều hộ muốn mở rộng qui mô sản xuất -mở xưởng dệt hoăc nhiều hộ gia đình có đủ khả năng cải tiến khung dệt khổ 90 cm thành khổ 120 cm để cạnh tranh với tơ tằm Bảo Lộc nhưng giới hạn mặt bằng không cho phép. Xã đã có qui hoạch 12 ha đất để xây dựng xưởng sản xuất tập trung nhưng trở ngại là thiếu khoảng 66 tỷ đồng [3].
- Nhóm đồ gỗ, khảm trai:
Ở Hà Tây có nhiều làng nghề làm nghề đóng đồ gỗ như làng Thượng Thôn (huyện Đan Phượng), làng Vạn Điểm (huyện Thường Tín), đắc sắc thì phải kể tới những sản phẩm gỗ tiện có hình tròn, hình cầu đạt đến độ chuẩn xác cao - một kỳ công mang tính bí quyết cổ truyền, của làng tiện gỗ Nhị Khê. Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) có nghề mộc từ thế kỷ XVIII. Toàn xã có
1.600 hộ thì có 60% số hộ làm nghề mộc. Hàng năm giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm 65 - 70% tổng thu nhập kinh tế của địa phương. Sản xuất tập trung qui mô hộ gia đình là chủ yếu, thu nhập trung bình người lao động từ 400.000 – 900.000 đồng/tháng. Từ đôi bàn tay khéo léo tài hoa người Chàng Sơn đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu mã, chủng loại sản phẩm. Khó khăn đối với Chàng Sơn hiện nay là không có mặt bằng để mở rộng qui mô.
Nhu cầu của xã hội về sản phẩm đồ gỗ có khảm trai, ốc, chạm khắc ngày càng tăng. Ngay từ thời bắc thuộc sản phẩm khay đựng chén, cơi trầu của của ta đã được coi là báu vật. Nói tới nghề này phải kể tới làng Ngọ (Chuyên Mỹ). Thời phong kiến thợ làng Ngọ chuyên làm hoành phi câu đối, tủ thờ... để trang trí trong phủ vua chúa, đình chùa. Người thợ làng Ngọ có thể thể hiện các hình vẽ dù tinh vi phức tạp đến mức nào bằng cách khảm trai ốc trực tiếp trên sản phẩm đồ gỗ gia dụng, thị hiếu phổ biến hiện nay. Các đường nét rất tinh vi, nội dung rất sinh động. Để làm được các tuyệt tác này phải tuân thủ những thao tác tỉ mỉ, phức tạp như cắt, gọt họa tiết trên các mảnh trai ốc đến những khâu đơn giản như đánh giấy ráp, vì vậy nó có thể thu hút mọi lao động ở mọi trình độ, lứa tuổi với thu nhập cao 25 - 30 nghìn đồng/người/ngày, thu nhập thấp 10 nghìn đồng/người/ngày. Kỹ thuật nghề khảm hầu như là thủ công. Nghề khảm ốc trai, chạm khắc gỗ lúc đầu ở làng Ngọ sau đó lan sang các làng lân cận như: thôn Trung, thôn Thượng, thôn Đồng Vinh và thôn Bối Khê, hình thành nên một vùng nghề truyền thống khảm trai ốc nổi tiếng – xã Chuyên Mỹ. Không chỉ thu hút lao động địa phương, mà hàng ngày Chuyên Mỹ còn có khoảng 400 - 500 người đến làm thuê. Chuyên Mỹ là một xã giàu, với 72% tổng giá trị thu nhập từ nghề tiểu thủ công nghiệp. Ở Chuyên Mỹ đang có xu hướng những hộ có kỹ thuật cao, vốn lớn là những hộ giàu chuyển sang làm dịch vụ bán buôn ốc trai từ Trung Quốc về. Số hộ vốn ít có kỹ thuật
đi làm thuê ở trong làng hoặc một số vào miền nam vừa làm thuê vừa truyền nghề.
Sản phẩm khảm trai ốc trên đồ gỗ của Chuyên Mỹ có thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ ở trong nước mà còn được thị trường các nước châu Á ưa chuộng. Hợp tác xã khảm trai Chuyên Mỹ có đại lý bán hàng tại Trung Quốc. Nhưng nhược điểm trong xuất khẩu của Chuyên Mỹ là các sản phẩm tủ, bàn thờ thì họa tiết hầu như đều lấy từ điển tích của Trung Quốc xưa như kết nghĩa vườn đào... nên khi xuất hay bị lầm tưởng là hàng Trung Quốc. Hoặc nhiều hộ chưa coi trọng chữ tín trong kinh doanh nên khâu xử lý gỗ chưa đảm bảo. Sản phẩm của vùng nghề này chia hai lọai rõ ràng:
. Hàng kỹ, chất lượng tốt, giá cao là hàng phải đặt trước hoặc để xuất khẩu.
. Hàng tạp, hàng ký gửi giá rẻ hơn, nhưng người tiêu dùng tinh ý thì mới nhận biết hàng gỗ tốt thường chưa đánh véc-ni, loại sơn véc-ni trước là gỗ chất lượng kém.
- Nhóm chế biến lương thực phẩm.
Hà Tây là vùng đất tiếp giáp Hà Nội, vì vậy một số làng thuận tiện giao thông từ lâu đời bên cạnh nghề nông đã làm nghề chế biến rượu, bún, bánh đa, miến... như làng nghề Cao Xá Hạ (Hoài Đức) chuyên làm bún, làng Kỳ Thủy xã Bích Hòa (Thanh Oai).
Thôn Thanh Lương xã Bích Hòa nằm sát quốc lộ 21B, diện tích đất nông nghiệp bình quân theo đầu người thấp. Nghề làm bún truyền thống đã đem lại 4,39 tỷ đồng năm 2001, chiếm 72,7% tổng giá trị sản xuất toàn thôn với số lao động làm nghề truyền thống 68%. Nghề đã cho phép tận dụng nguồn phế thải giúp chăn nuôi phát triển. Sản phẩm được tiêu thụ ở các vùng phụ cận Hà Nội, Hà Đông, Hòa Bình. Nhưng thực trạng chung không chỉ ở xã Bích Hòa mà ở các làng nghề chế biến môi trường bị ô nhiễm do hệ thống
thoát nước kém, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được tuân thủ chặt chẽ.
- Nhóm mây tre đan, nón lá (có khoảng 50 làng được công nhận làng nghề).
Trong điều kiện kinh tế thị trường có rất nhiều cơ hội cho các làng nghề phát triển, song cũng không ít làng nghề phải vật lộn để giữ nghề truyền thống của cha ông không bị mai một. Các làng nghề làm nón ở Hà Tây đang phải chịu thử thách đó. Nghề làm nón ở làng Chuông (Thanh Oai) ngót 100 năm. Thời bao cấp nghề làm nón hưng thịnh nhất, nhà nhà làm nón, người người làm nón. Khâu nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm do nhà nước lo. Đến phiên chợ làng Chuông, mọi người sẽ rất ấn tượng trước rừng nón trắng.
Sự phát triển xã hội văn minh, sự tiếp biến văn hóa thế giới, các phương tiện tốc độ cao đã làm đường phố dần vắng những chiếc nón trắng. Thị trường tiêu thụ nón ngày càng thu hẹp. Thu nhập từ làm nón thấp. Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống bị biến mất, Đảng ủy xã đã mạnh dạn tìm đường xuất ngoại cho nón; mặt khác, người làng Chuông rất yêu nghề. Một tổ chức gồm 30 người là vợ cựu chiến binh được sự dìu dắt của nghệ nhân Lê Thị Viết đã làm sống lại nghề làm nón quai thao, tạo lên sự phấn khởi tự hào về nghề truyền thống. Cơ sở sản xuất nón của chị Tạ Thu Hương hàng năm xuất được 100 ngàn chiếc nón sang Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc... tìm được đường ra cho nghề truyền thống, đã giúp cơ cấu kinh tế năm 2002 có bước chuyển dịch: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 49,57%, nông nghiệp chiếm 29,10%, dịch vụ thương mại 21,33%. Hiện nay, nón làng Chuông tiêu thụ 40% trong nước, 60% xuất khẩu với nhiều kích cỡ các kiểu: nón thúng Quai Thao, nón Ô- sin, nón Lâm- Xung [63].
Như vậy, về lâu dài làng nghề phải có chiến lược quảng bá sản phẩm nón lá Việt Nam ra thế giới thì mới có thể trụ vững với nghề của cha ông.
Một trong những thế mạnh của Hà Tây là nghề mây tre đan có ở nhiều làng nghề truyền thống, phát triển tại các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ. Làng Phú Vinh (huyện Chương Mỹ) được coi như đất tổ của nghề này, sau thời kỳ đổi mới gần như có 100% số hộ làm nghề này. Người xưa có lời thề cấm truyền nghề ra ngoài nhưng cái tâm và sự tiến bộ của lớp người sau đã vượt qua phá bỏ lời thề, thường xuyên mở các lớp dạy nghề từ 2 - 3 tháng đã hình thành vùng mây tre đan huyện Mỹ Đức với hơn 200 kiểu mẫu hàng hóa. Nghề thu hút được nhiều lao động vì dễ học, trong thời gian học nghề cũng được trả công, đầu tư vốn ít. Hàng năm nghề mang lại thu nhập cho xã Phú Nghĩa khoảng 6 tỷ đồng. Hoàn thành xuất sắc phổ cập giáo dục tiểu học. Trong tương lai nghề sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu. Khác với tre, cây mây sau 3 năm mới cho thu hoạch lại, tỉnh Hà Tây chưa có qui hoạch cho loại cây này, chủ yếu nhập khẩu song, trúc từ Trung Quốc, Lào, hoặc các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Hòa Bình. Ngành mây tre đan ở Chương Mỹ không có doanh nghiệp nào mở trang WEB tự quảng cáo cho sản của mình vì thế khi xuất khẩu đều qua trung gian là các công ty xuất khẩu thương mại ở Hà Nội.
- Nhóm nghề thêu ren.
Hà Tây là nơi hội tụ nhiều nghề tinh xảo khéo léo. Nghề thêu ren được coi như có quê tổ tại huyện Thường Tín. Sau những năm 80, hầu hết các hợp tác xã thêu giải thể. Tận tuỵ với nghề, một số nghệ nhân đã ra Hà Nội chào hàng, nhận gia công lại. Rồi thành lập tổ thêu tại gia đình, rồi tổ thêu theo xóm, thôn. Tổ hợp thêu của thương binh Đỗ Văn Quyến đã tạo việc làm cho các xã trong huyện như Lê Lợi, Chương Dương và các xã ở huyện Ứng Hòa,