Phương thức “tiếp nhận Việt Nam” trong lĩnh vực cải cách giáo dục

Một phần của tài liệu yếu tố pháp việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở việt nam thời kỳ 1862 1945 (Trang 94 - 99)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2. Phương thức “tiếp nhận Việt Nam” trong lĩnh vực cải cách giáo dục

Có đường bờ biển dài, tiếp giáp nhiều quốc gia, nằm trên tuyến đường giao thương quốc tế là những điều kiện để Việt Nam đón nhận các giá trị văn hóa đến từ Trung Hoa, Ấn Độ và khoảng thế kỷ XVI là từ các nước phương Tây. Phương thức “tiếp nhận Việt Nam” là

93

từ dùng để chỉ đặc điểm mối quan hệ về văn hóa của Việt Nam với nước ngoài: tiếp nhận nhiều hơn là trao đổi [xem 105, tr.7,150-151].

Cuộc sống định cư trên lưu vực các dòng sông với nền sản xuất nông nghiệp đã tạo nên ở người Việt tâm lý “hướng nội” trong mối quan hệ với thế giới xung quanh. Do vậy, nếu như cư dân của các thị quốc Hy Lạp cổ đại tung hoành trên biển Địa Trung Hải thì người Việt cổ (và những tộc người thuộc nền văn minh nông nghiệp) lại lẩn quẩn quanh nơi cư trú, thu mình trong nỗi sợ hãi thiên nhiên, tôn các hiện tượng Vân - Vũ - Lôi - Điện thành Thần - Phật thay vì ra sức tìm hiểu, khám phá các quy luật vận hành của tự nhiên để phục vụ đời sống, sản xuất. Hơn nữa, rời bỏ làng quê là ý niệm không thường tồn tại trừ phi đã vào bước đường cùng, phải tha phương cầu thực.

Những giá trị văn hóa của dân tộc được hình thành, phát triển sau lũy tre làng, được gìn giữ, bảo lưu bởi một cộng đồng xã hội có quan hệ chặt chẽ (dựa trên nguyên lý cùng cội nguồn (hay nguyên lý cùng dòng máu), nguyên lý cùng chỗ (hay trong văn hóa Việt Nam thường gọi là quan hệ làng xóm, láng giềng), nguyên lý cùng lợi ích) [xem 34, tr.28-30], cư trú trên một địa bàn hẹp, ngăn cách với thế giới bên ngoài. Vai trò của lũy tre làng không chỉ là ranh giới ngăn cách về địa lý mà còn là “lá chắn” đối với các thành tố văn hóa đến từ bên ngoài. Sau quá trình tiếp xúc, những thành tố phù hợp sẽ được “truyền vào”, “thấm vào”, còn những gì không phù hợp sẽ phải dừng lại.

Khi những giá trị của văn hóa dân tộc vừa được định hình thời Văn Lang - Âu Lạc thì, sau thất bại của An Dương Vương năm 179 tr.CN, người Việt cổ phải đối mặt với chính sách đồng hóa của chính quyền đô hộ Trung Hoa. Kẻ cai trị đủ kinh nghiệm để nhận ra rằng muốn đồng hóa một dân tộc thì điều trước hết phải làm là xóa bỏ văn hóa của dân tộc đó. Tuy nhiên, chính quyền đô hộ đã không thể với tay đến tổ chức làng xã của người Việt nên văn hóa Trung Hoa đã dừng bước trước lũy tre làng. Chủ quyền quốc gia bị tước đoạt nhưng tính tự trị làng xã vẫn không bị xâm phạm, do dó, làng xã trở thành nơi duy trì, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa truyền thống. Là một trong những trung tâm rực rỡ, lâu đời của văn minh nhân loại, nhiều yếu tố của văn hóa Trung Hoa (tư tưởng, tôn giáo, nghệ thuật …) có trình độ hơn hẳn so với văn hóa Việt cổ. Hệ quả tất yếu của quá trình du nhập văn hóa là quá trình tiếp xúc văn hóa. Nhưng người Việt không dễ dàng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa vì đây là sản phẩm của kẻ xâm lược và đến Việt Nam bằng con đường chiến tranh thay vì du nhập hòa bình (giống như phương thức truyền bá của văn hóa Ấn Độ đến các khu vực khác ở Đông Nam Á). Lòng tự tôn dân tộc, ý thức chống xâm lược đã tạo nên sức kháng cự của

94

dân tộc đối với văn hóa ngoại lai, do vậy, quá trình tiếp xúc, tiếp nhận văn hóa diễn ra đồng thời với quá trình tiếp biến văn hóa. Hoài Nam vương Lưu An đã nhận thức đúng về bản sắc của dân Việt trước Công nguyên và có thể xem đây là lời tiên tri cho hàng ngàn đời sau: “Việt là đất ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được … Đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được … vả người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày” [dẫn theo 121, tr.79]. Sau 10 thế kỷ bị đô hộ, nhiều thành tố văn hóa Việt đã chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Hán nhưng cũng trong thời kỳ này, ý thức tiếp biến văn hóa được hình thành và biểu hiện sinh động trong thực tiễn, không chỉ trước làn sóng văn hóa đến từ phương Bắc mà còn cả với văn hóa Ấn Độ, phương Tây …

Sự hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam luôn diễn ra đồng thời hai quá trình hội tụ và gìn giữ, bảo vệ. Người Việt vốn bản chất hiền hòa, không mấy khi có sự kỳ thị về chủng tộc và văn hóa. Trong quá trình tiến về phía Nam và phía biển, người Việt đã tiếp nhận văn hóa Chăm, văn hóa Khmer còn nhiều lạ lẫm bằng thái độ ôn hòa, bằng sự đồng cảm giữa những kiếp người phiêu bạt cùng sống trên một vùng đất. Dù nhận được hay không sự quan tâm của chính quyền, quá trình giao lưu văn hóa là diễn biến tiếp sau của những xung đột lãnh thổ và quá trình cộng cư. Không nhất thiết phải là triết lý cao siêu hay phong cách nghệ thuật có tầm ảnh hưởng lớn, thông qua hôn nhân, qua quá trình cùng nhau lao động sản xuất của những con người, xóm làng kề cận, người Việt đã tiếp nhận từ các tộc người cộng cư những giá trị văn hóa bình dị, gần gũi với cuộc sống thường nhật: tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, tập quán … Mỗi tộc người có nguồn gốc lịch sử và những đặc trưng riêng về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và có ý thức tự giác tộc người, nhưng khi hòa mình vào cộng đồng các tộc người trong quốc gia, cùng có chung vận mệnh lịch sử của quốc gia và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, thống nhất của quốc gia thì các tộc người trở thành một bộ phận hợp thành không thể tách rời của nước Việt Nam [105, tr.6]. Do vậy, cùng với quá trình hội tụ là quá trình gìn giữ, bảo vệ sự ổn định thống nhất của cộng đồng tộc người chống lại mọi ý đồ và hành động xâm lược của các tộc người khác đến từ bên ngoài, không có chung vận mệnh lịch sử. Từ đây, trong văn hóa hình thành xu hướng co lại, níu giữ tất cả những gì đã có và kháng cự lại những giá trị văn hóa xa lạ gắn với ý đồ xâm lược.

Từ những phân tích trên, nội dung của cách “tiếp nhận Việt Nam” có thể được mở rộng hơn, bao gồm: tiếp nhận nhiền hơn trao đổi, quá trình tiếp xúc, tiếp nhận văn hóa diễn ra đồng thời với quá trình tiếp biến văn hóa. Được hình thành dựa trên các điều kiện về vị trí

95

địa lý, tập quán cư trú, tâm lý tộc người và lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam (mở rộng lãnh thổ, thường xuyên đối mặt với tham vọng bành trướng lãnh thổ …), đặc điểm này của Việt Nam trong mối quan hệ văn hóa với bên ngoài, đến thế kỷ XIX được thể hiện rõ ràng trong quan hệ văn hóa với phương Tây trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.

Khi chiếm được Nam Kỳ, De La Grandière, Lemyre de Viler, có cùng quan điểm với giáo sỹ và thương nhân, đã từng nảy sinh ý định xóa bỏ lập tức nền Nho học ở Nam Kỳ để thay bằng nền giáo dục mới được mang đến từ phương Tây. Kẻ xâm lược đã không nhận ra rằng: khác hoàn toàn với những đối tượng mà họ đã từng chinh phục ở châu Phi hay các khu vực khác; ở đất nước mà họ vừa đánh chiếm, người ta đã kiến lập từ lâu đời những giá trị văn hóa bền vững, lại tha thiết gìn giữ truyền thống. Mọi mưu toan áp đặt thô bạo văn hóa từ bên ngoài đã nhận lấy sự thất bại, đối với người Pháp, điều này cũng không ngoại lệ. Mặc dù chủ quyền quốc gia của người dân nước này đã bị tước đoạt nhưng kẻ thù hãy còn rất xa với mục tiêu “chinh phục tinh thần” vì gặp phải chướng ngại từ thái độ bất hợp tác và không ngừng chống lại của dân chúng. Do đó, sự vội vàng ban đầu của chính quyền thực dân đã được thay thế bằng bước đi cẩn trọng hơn ở Nam Kỳ lẫn Bắc và Trung Kỳ. Chương trình học theo Quy chế 1874 và Quy chế 1879 được áp dụng ở Nam Kỳ (cho đến năm 1917) trong khi dành ưu thế tuyệt đối cho tiếng Pháp và các môn học thuộc nền giáo dục phương Tây thì chữ Hán và chữ Quốc ngữ Latin vẫn có một vị trí nhất định gắn với nội dung Nho học và dù rất khó chịu trước sự tồn tại của trường Nho học nhưng nhà cầm quyền Pháp, trong hai bản Quy chế nêu trên, đã cho phép các trường học của thầy đồ được tự do thành lập mà không cần phải xét đến các điều kiện về đạo đức và khả năng như quy định đối với các trường tư. Dù diễn ra trong hoàn cảnh “Nước Annam công nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp” (Hiệp ước Patenôtre) nhưng các vị Tổng Khâm sứ, Toàn quyền Đông Dương khi tiến hành cải cách, điều chỉnh giáo dục đã gạt ra ngoài những khuyến dụ phế bỏ chữ Hán và Nho học của các giáo sỹ thừa sai mà, do tác động của khuynh hướng liên hiệp (assocation) và kinh nghiệm có được ở Nam Kỳ, đã chú ý đến đối tượng tiếp nhận và yếu tố văn hóa truyền thống. Điều này lý giải cho sự tồn tại của chữ Hán và chữ Quốc ngữ, tuy thời lượng không nhiều nhưng ổn định, trong các chương trình học; cho quyết định của Toàn quyền Albert Sarraut trong thông tri đề ngày 20/3/1918, được Toàn quyền Martial Merlin tái xác nhận trong Nghị định ngày 18/9/1924: tiếng Việt là ngôn ngữ chủ yếu ở lớp Đồng ấu và lớp Dự bị, tiếng Pháp sẽ bắt dạy từ lớp Sơ đẳng, để thay cho quy định về ngôn ngữ ở bậc Tiểu học trong chương trình học do Toàn quyền Klobukowsky ban hành (1910) và Điều 134

96

của Học chính Tổng quy (1917); cho sự tồn tại đồng thời 3 loại trường ở bậc Tiểu học: Sơ học bản xứ, Sơ đẳng Tiểu học, Tiểu học Toàn cấp và Nghị thành lập lớp Trung đẳng Đệ nhất niên (1927); và ở bậc Trung học, là sự tồn tại của Việt văn và Hán văn trong chương trình Tú tài bản xứ bên cạnh các môn được dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp theo chương trình Tú tài Tây.

Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ và nhiều sỹ phu Nho học khác đã từng ước mong triều đình sẽ tiến hành cải cách nền giáo dục theo kiểu phương Tây để đất nước có đủ sức mạnh chống lại hành động xâm lược của thực dân Pháp nhưng vì nghi kỵ, thiếu quyết đoán và những chuyển biến bất ngờ của tình hình chiến sự, vua Tự Đức đã phụ những tấc lòng luôn trăn trở về vận nước. Khi ưu thế quân sự và sự xác lập nền thống trị đã mang đến cho người Pháp quyền chủ động thiết lập nền giáo dục theo mô hình chính quốc, tức là nền giáo dục phương Tây đã hiện diện ở Việt Nam, thì đến lượt dân chúng, vì tinh thần phản kháng, đã từ chối tiếp cận với trường học của quân xâm lược, vẫn tiếp tục theo các thầy đồ học Kinh Thư Thánh hiền để, nếu không tiến thân theo con đường khoa cử thì cũng tự hào đã trọn đạo trung quân. Sau nhiều lần cải cách, nền giáo dục Pháp - Việt đã chứa đựng nhiều yếu tố “bản xứ” để phù hợp với đối tượng tiếp nhận là người Việt. Điều này dẫn đến hệ quả là: xã hội Việt Nam phải chứng kiến thời buổi “thi tàn học cũng tàn theo” (Trần Tế Xương) và người dân tự nguyện từ bỏ Ngũ Điển Tam phần, chấp nhận nền giáo dục mới. Đến đầu thế kỷ XX, Tân thư, Tân văn và sự hùng cường của Nhật Bản đã tạo nên sự chuyển đổi trong nhận thức của các sỹ phu. Lúc này, tầng lớp cựu học lại lên án Nho học, nồng nhiệt mở đường cho tân học và tuy thời gian tồn tại không lâu nhưng phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa thục đã “cảnh tỉnh nhân dân và thúc đẩy nhà cầm quyền phải sửa đổi chính sách theo Tân học mà bỏ khoa cử” [108, tr.156]. Như vậy, khi đối mặt với sự du nhập của nền giáo dục đến từ phương Tây, có triết lý hoàn toàn khác với Nho học, dân tộc Việt Nam đã tránh được hai cực đoan: lĩnh hội đến mức rập khuôn và đề kháng đến mức bảo thủ. Người Pháp tiến hành cải cách giáo dục vì mục tiêu tạo lập sự ổn định của nền cai trị, còn sự thay đổi thái độ đối với nền giáo dục mới của sỹ phu Việt Nam lại phát xuất từ lý tưởng khai sáng dân tộc. Dù thế nào đi nữa, nền giáo dục Pháp - Việt cũng đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam.

97

Một phần của tài liệu yếu tố pháp việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở việt nam thời kỳ 1862 1945 (Trang 94 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)