7. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Những thay đổi về chương trình học và tổ chức giáo dục
Chương trình học và hệ thống tổ chức giáo dục được thiết kế nhằm đáp ứng mục đích giáo dục, phù hợp với đường lối giáo dục của nhà cầm quyền. Khi nền giáo dục còn đang trong quá trình dò dẫm thì chương trình học và hệ thống tổ chức, do sự chi phối của quan điểm cai trị và tình hình thực tế ở Nam Kỳ, chưa thể có ngay được sự ổn định.
Điều mà người Pháp quan tâm nhiều nhất từ khi chuyển quân vào Gia Định (1859) cho đến khi thâu tóm toàn bộ Nam Kỳ (1867) là các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh giành lãnh thổ: kế hoạch đánh chiếm các tỉnh, thái độ của triều đình Huế, phong trào kháng chiến lan rộng khắp nơi do các sỹ phu lãnh đạo và được dân chúng hết lòng ủng hộ. Do đó, trong báo cáo đọc tại buổi họp ngày 23/10/1889 của Hội đồng Nghiên cứu Đông Dương, Emile Roucoules viết “Trong giai đoạn chiến tranh chinh phục, các vị tư lệnh không thể nghĩ đến việc tổ chức giáo dục, và chỉ cấp một số học bổng, trích từ quỹ quân đội, cho hai trường để đào tạo những phụ tá cần thiết, những người, hầu hết chỉ nói được một thứ tiếng La-tinh bập bẹ …” [xem 146]. Giáo dục, theo thứ bậc ưu tiên, còn ở vào vị trí thứ yếu, chưa được tổ chức quy củ.
Sau khi hạ thành Gia Định (1859), đoàn quân viễn chinh gặp phải trở ngại đầu tiên trên vùng đất mới: giao tiếp với người bản xứ. “Đối với một nước đi chinh phục, chướng ngại lớn nhất phải khắc phục trước những dân tộc bị chinh phục chính là sự khác biệt về ngôn ngữ” [dẫn theo 106, tr.32]. Bị cô lập, bị người bản xứ lợi dụng sự kém hiểu biết về ngôn ngữ lừa vào những ổ phục kích, gặp khó khăn khi muốn trưng lên một thông cáo hay chỉ thị, người Pháp chỉ còn biết trông cậy vào sự hỗ trợ của các giáo sỹ Thiên chúa và một số con chiên, những con người không đáng tin lắm, ở vai trò thông ngôn. Trong hoàn cảnh đó, ngày 21/9/1861, Đô đốc Charner ký Nghị định thành lập trường Bá Đa Lộc, do Giáo sỹ Croc và Linh mục Thu, người Việt, phụ trách, với mục đích được xác định: Đào tạo thông ngôn và những thư ký làm việc trong các cơ quan hành chính [9, tr.35]. Như vậy, mở trường đào tạo thông ngôn là bước đầu tiên của việc thiết lập một nền giáo dục Âu hóa tại Nam Kỳ. Trên thực tế, đây là một cơ sở đào tạo nhân viên phục vụ cho quân đội Pháp chiếm đóng ở Nam Kỳ hơn là một cơ sở giáo dục đúng nghĩa [106, tr.48].
53
Để tuyên bố “Người Pháp tôn trọng chữ nghĩa và những người có học thức” [dẫn theo 115, tr.181] không trở thành lời nói suông, Thống đốc Bonard, ngày 31/3/1863, đã ký Nghị định tái lập nền học chính tại 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường) mà nội dung chính là:
“Đứng đầu mỗi tỉnh về ngành giáo dục là một viên Đốc học. Nhiệm vụ của Đốc học cũng như xưa, tức tổ chức và tập trung tất cả những gì liên quan tới học chính tại phủ huyện và xã thôn trong tỉnh, mở các cuộc thi khảo lục cá nguyệt, trông nom việc thực thi quyền lợi của giới sỹ phu trong xã thôn, khuyến khích việc học hành …
Đốc học làm việc dưới sự chỉ đạo của Tổng đốc tỉnh (người Pháp) và có nhiệm sở tại tỉnh lỵ. Đốc học lại có những viên chức phụ tá trong nhiệm vụ học chính, giữ chức Giáo thọ tại phủ và Huấn đạo tại huyện …
Mỗi viên Đốc học phụ trách một nhà trường giáo dục thanh niên gọi là học sanh được lựa chọn trong số học sinh thông minh nhất trong tỉnh nhằm mục đích đẩy mạnh việc học vấn của họ: sẽ có 10 học sanh tại tỉnh Gia Định, 6 học sanh tại tỉnh Định Tường, 6 học sanh tại tỉnh Biên Hòa; có thể nhận cả tú tài hay cử nhân trong số học sanh đó (!).
Các cuộc đại khảo thí xưa được tổ chức 3 năm một lần, nay sẽ được tái lập dành cho 3 tỉnh thuộc Pháp, cũng giống như lề thói cũ. Khóa thi 3 năm đầu tiên sẽ được tiến hành vào tháng 9 năm Giáp Tí (10/1864). Sau mỗi cuộc khảo thí, các cấp bằng tú tài và cử nhân sẽ được trao cho những học sinh xứng đáng nhất của cả 3 tỉnh …
Để phổ biến chữ quốc ngữ la tinh, mỗi vị Giáo thọ sẽ có một viên thông ngôn phụ tá. Tuy nhiên chưa bắt buộc phải học chữ quốc ngữ ngay …
Tại xã thôn, việc học do các Thầy dạy học tiến hành vẫn được duy trì theo tập quán địa phương” [dẫn theo 32, tr.694].
Ban hành Nghị định này, Bonard hoàn toàn không có ý tổ chức một nền giáo dục mới ở Nam Kỳ. Ý định được thể hiện rất rõ ràng: hệ thống học quan (Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo) vẫn tồn tại và thực hiện chức trách giống như đã từng làm trước năm 1859; hệ thống khoa cử sẽ vẫn được tổ chức theo lệ định, giữ nguyên các học vị cử nhân, tú tài được tuyển chọn từ kỳ thi Hương dự định sẽ tổ chức vào năm sau (1864); tại các trường làng, các thầy đồ vẫn tiếp tục việc dạy học theo cách của họ, nhà cầm quyền Pháp sẽ không can thiệp. Chỉ một điểm mới duy nhất trong nội dung học tập là: phổ biến chữ quốc ngữ Latin. Nhưng ngay cả điều này cũng chỉ là một đề nghị, Bonard nêu rõ: “chưa bắt buộc phải học chữ quốc ngữ ngay …”. Cần lưu ý rằng, nội dung Nghị định không hề nhắc đến việc học chữ Pháp,
54
loại văn tự mà các Giáo sỹ rất mực đề cao trong sự nghiệp “đồng hóa”. Chính sách “phóng khoáng” của Bonard [xem 115, tr.178-188] - kết quả của dụng ý cai trị dựa trên phong tục, tập quán cũ trong điều kiện tình hình Nam Kỳ còn chưa ổn định - lại bị phản đối ngay trong chính nội bộ của đoàn quân viễn chinh, với những lo ngại về một tương lai “khôi phục lại trên đất Nam Kỳ những trường học hoàn toàn chống đối lại nền thống trị của chúng ta” và “một điều chắc chắn rằng những kỳ thi sẽ làm cho chúng ta hết sức lúng túng, vì với một thiểu số người Pháp không thể kiểm soát nổi việc học hành và xuất bản sách, và các thầy đồ sẽ lợi dụng cơ hội để quấy rối dân chúng và kích động họ chống lại chúng ta” [dẫn theo 9, tr.37]. Mong đợi một sự hợp tác giữa những sỹ phu yêu nước và kẻ xâm lược là điều không tưởng. Các nhà Nho vẫn thản nhiên tiến hành công việc của họ: dạy học, ủng hộ phong trào kháng chiến. Cuối cùng, Nghị định của Bonard, cùng với chủ trương cai trị gián tiếp do ông đề xướng, đã không thực hiện được. Sau năm 1861, các kỳ thi Nho học đã vĩnh viễn không còn được tổ chức trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
Nhìn nhận vấn đề giáo dục theo một chiều hướng khác với người tiền nhiệm nhưng lại phù hợp với xu hướng chung, Đô đốc De La Grandière nêu rõ: “Việc thay thế chữ Hán bằng chữ viết theo mẫu tự La Tinh, theo tôi, có lẽ là một trong các điều thích hợp nhất nhằm giáng một đòn chí tử trên tinh thần duy lý Trung Hoa cũ kỹ (…) việc phổ biến các mẫu tự La Tinh sẽ giải thoát chúng ta vĩnh viễn khỏi những kẻ nguy hiểm đó [nhà Nho] và sẽ làm cho quan hệ của chúng ta, với dân tộc ngoan ngoãn và dễ đồng hóa này, trở nên trực tiếp và chắc chắn hơn” [dẫn theo 115, tr.199]. Ngày 16/7/1864, Đô đốc De La Grandière ban hành Nghị định tổ chức một số trường tiểu học ở các tỉnh để dạy quốc ngữ và dạy toán. Sách giáo khoa được ấn hành, gồm: 1 cuốn về các mẫu chữ Quốc ngữ, 2 cuốn về số học và hình học sơ giản. Do chưa kịp biên soạn, học sinh tạm thời dùng tờ Nguyệt san Thuộc địa hoặc tờ Gia Định báo thay cho các sách tập đọc [9, tr.37]. Trong khi loại chữ Hán ra khỏi nội dung học tập tại các trường do người Pháp tổ chức, Nghị định vừa nêu cũng chưa xây dựng được một chương trình học và hệ thống tổ chức trường lớp hoàn chỉnh để thay thế Nho học, đảm đương vai trò giáo dục. Dù Đô đốc De La Grandière luôn có những biểu hiện quan tâm đến việc dạy học ở các trường vừa được thành lập nhưng dân chúng Nam Kỳ vẫn giữ thái độ cố hữu: bất hợp tác.
Như vậy, sau 5 năm đóng quân, nhà cầm quyền Pháp đã tổ chức được ở Nam Kỳ một số trường học theo kiểu mới, hoàn toàn khác với các trường Nho học: Loại thứ nhất là trường dạy tiếng Pháp cho một số người Việt và dạy tiếng Việt cho một số người Pháp
55
nhằm đào tạo những thông dịch viên đáp ứng nhu cầu giao tiếp của quân Pháp ở Nam Kỳ, về sau gọi là trường Thông ngôn, được mở tại Sài Gòn; Loại thứ hai là một số trường được mở ở các tỉnh để dạy chữ Quốc ngữ và dạy toán cho người lớn và trẻ em, về sau được xếp vào loại trường tiểu học [106, tr.32-33]. Tuy nhiên, theo Vial, “Tình hình bước đầu của những trường học quả là vất vả. Dân chúng mới bị chinh phục và chưa thích nghi với sự quan tâm của các quan cai trị, không hiểu và không thể hiểu nổi tư tưởng rất đỗi quảng đại của chúng ta. Do đó, những lời kêu gọi đối với những người chủ gia đình cho con em đi học đều được coi như là một cách bắt lính, chủ làng đi bắt trẻ con như người ta bắt thuế” [dẫn theo 9, tr.38]. Sự chống đối của dân chúng cùng với những hạn chế nội tại trong cách thức tổ chức nền giáo dục đã dẫn đến, theo đánh giá của Luro, “Sự thực kết quả các trường học của chúng ta gần như không có gì” [dẫn theo 9, tr.45]. Nếu muốn tiếp tục sự nghiệp “chinh phục tinh thần”, người Pháp cần phải tổ chức lại nền giáo dục mà điều trước hết là phải giải quyết vấn đề: mức độ tồn tại của nội dung Nho học trong chương trình học mới.
Ngày 17/11/1874, Chuẩn Đô đốc - Thống đốc Krant ký Nghị định tổ chức lại nền học chính với 4 khoản và 23 điều, trong đó, những nội dung cần lưu ý là [xem 32, tr.697- 701]:
Điều 1. Nền học chính được hoàn toàn miễn phí và tự do cho người châu Á trong các trường thuộc địa.
Điều 3. Không một tư thục nào được mở nếu không có phép của chính quyền (…). Điều 9. Trường dạy chữ quốc ngữ la tinh do chính quyền thuộc địa lập tại xã thôn, nay bãi bỏ. Học sinh các trường đó, nếu yêu cầu, sẽ được gửi tới học tại các trường tiểu học mà chương trình học sẽ được ấn định.
Điều 10. Trường Tiểu học sẽ được thiết lập tại mỗi lỵ sở địa hạt (sau là tỉnh), nhưng nay tạm thời mới đặt ở những nơi: Sài Gòn, Chợ Lớn, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng. Tại các quận khác, trường dạy quốc ngữ la tinh ở xã thôn sẽ tập hợp chung vào một trường ở lỵ sở và tiếp tục sinh hoạt theo lối cũ cho tới khi có lệnh mới.
Điều 15. Nay bãi bỏ trường Sư phạm tại Sài Gòn, để thiết lập một trường lấy tên là trung học bản xứ (Collège indigène) dạy ban trung học mà chương trình sẽ ấn định sau.
Thời gian học là 3 năm … trường này do một quan chức người Pháp điều khiển, có dưới quyền là giáo sư người Âu hoặc Annam.
Nghị định ngày 17/11/1874 quy định Chương trình học chính
56
Tập đọc và tập viết chữ quốc ngữ la tinh, chữ nho - Học tiếng Pháp, Mẹo hay pháp ngữ sơ đẳng - Toán pháp sơ đẳng - Hình học sơ đẳng - Khái niệm đo đạc sơ đẳng - Khái niệm tổng quát về lịch sử và địa lý.
Học trình cấp Trung học
Học kỹ tiếng Pháp - Sơ yếu về văn học Pháp - Làm luận bằng tiếng Pháp, quốc ngữ và chữ nho - Khái niệm về lịch sử cổ đại và hiện đại căn cứ chính yếu trên vai trò của nước Pháp - Địa lý đại cương - Sơ yếu về vũ trụ học - Toán học (theo chương trình định sau) - Đại số học chính yếu - Hình học - Đo diện tích và khối tích - Đo đạc ruộng đất và vẽ bình đồ - Vật lý học và hóa học sơ đẳng - Sơ yếu về vạn vật học - Giữ sổ sách kế toán - Hội họa.
Sau 13 năm, nếu tính từ khi trường học đầu tiên được thành lập, nền giáo dục Nam Kỳ mới được tổ chức theo một bản quy chế có những quy định cụ thể về hệ thống cấp học và chương trình học. Theo đó, tổng thời gian học là 6 năm, qua 2 cấp: Tiểu học (3 năm), Trung học (3 năm). Chương trình học không chỉ có toán, chữ quốc ngữ như Nghị định ngày 16/7/1864 mà đã bao gồm hệ thống phân môn được quy định rõ ràng. Chữ Hán, từ chỗ bị giáo sỹ và một bộ phận sỹ quan phản đối dưới thời Bonard, bị loại bỏ dưới thời De La Grandière, đã có được vị trí nhất định trong chương trình ở cả 2 cấp học. Tuy nhiên, chữ Hán và chữ Quốc ngữ chỉ được dạy ở cấp Tiểu học, làm luận ở cấp Trung học, ưu thế trong lĩnh vực ngôn ngữ thuộc về chữ Pháp mà học sinh được học kỹ lưỡng trong suốt thời gian học, ngoài đọc - viết, làm luận, chương trình trung học còn có: Sơ yếu về văn học Pháp.
Chương trình học này mang đến cho học sinh dung lượng kiến thức tuy lớn nhưng toàn diện, thống nhất về nội dung: những hiểu biết về ngữ pháp, toán pháp, hình học, đo đạc, lịch sử và địa lý thuộc trình độ sơ đẳng, tổng quát ở cấp tiểu học trở thành nền tảng để tiếp nhận lượng kiến thức được mở rộng, số môn học được thêm vào ở cấp trung học; và trong một chừng mực nhất định, những điều đã học có thể ứng dụng vào thực tiễn. Một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tổ chức cần được lưu ý là: Trường tư thục trong quy định “Không một tư thục nào được mở nếu không có phép của chính quyền” (Điều 3) không bao gồm các trường học của thầy đồ vì ngay sau khi liệt kê các cơ sở giáo dục không thuộc phạm vi áp dụng của điều khoản kể trên, quy chế nêu rõ: “các trường tiểu học tự do đang hoạt động tại xã thôn thường gọi là trường dạy chữ nho, đều được miễn xin phép. Tham biện sẽ kiểm soát các trường đó” (Điều 4). Nhà cầm quyền Pháp đã thừa nhận sự tồn tại của nho học bằng văn bản pháp quy với thái độ ưu ái: “Thầy dạy chữ nho nếu dạy thêm quốc ngữ la tinh sẽ được thưởng thêm 200 francs mỗi năm” (Điều 4). Như vậy, cho đến thời điểm
57
hiện đang xem xét, ở Nam Kỳ, tồn tại song hành hai hệ thống giáo dục theo hai chương trình học khác nhau do nhà cầm quyền tổ chức tại lỵ sở địa hạt (sau là tỉnh) và các thầy đồ lập ra theo mô hình truyền thống ở các xã thôn.
Được áp dụng ở Nam Kỳ trong những năm 1874-1879, chương trình học mới tuy có nhiều ưu điểm nhưng lại mô phỏng hầu như hoàn toàn theo chương trình và sách giáo khoa của Pháp nên không phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh đồng thời cũng chưa giải quyết thỏa đáng điều sai lầm nhất mà Luro đã chỉ ra: “đòi thay thế triệt để, toàn bộ nền giáo dục của xứ này bằng việc học chữ La-tinh” [dẫn theo 9, tr.41]. Do vậy, tình trạng học sinh theo học tại các trường cho người Pháp tổ chức, như nhận xét của Piquet, vẫn là: “Tôi đoan chắc rằng trong hầu hết trường của chúng ta, nhiều học sinh hiện là những đứa trẻ nghèo khổ mà xã thôn phải thuê mướn cho đi học” [dẫn theo 32, tr.701]. Nền giáo dục Nam Kỳ lại đặt ra yêu cầu cải cách.
Ngày 17/3/1879, Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký Nghị định cải tổ giáo dục. Được dùng để thay thế cho bản Nghị định do Chuẩn Đô đốc Krant ban hành trước đó 5 năm, Quy