Khởi sự nền giáo dục Phá p Việt ở Bắc Kỳ

Một phần của tài liệu yếu tố pháp việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở việt nam thời kỳ 1862 1945 (Trang 66 - 69)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Khởi sự nền giáo dục Phá p Việt ở Bắc Kỳ

Hiệp ước Patenôtre (1884) đã thừa nhận sự bảo hộ của người Pháp đối với Bắc Kỳ. Nhưng dường như các điều khoản này chỉ có ý nghĩa pháp lý, trên thực tế, dân chúng vẫn kiên quyết kháng chiến, còn quan lại, theo Giám mục Puginier, thì “vì quyền lợi cá nhân cũng như vì căm thù nước Pháp, những hành động chống đối của họ vẫn tiếp tục: đó là cả một âm mưu mà người ta trù tính hằng ngày trong từng chi tiết nhỏ, với một sự kiên trì không ai không biết, nhưng bề ngoài thì làm như không có gì” [dẫn theo 115, tr.434]. Trong hoàn cảnh này, nếu như lực lượng mang vũ khí cho rằng cần phải giữ nguyên trạng chế độ quân sự để duy trì sự ổn định thì tại diễn đàn Hạ Nghị viện, Paul Bert đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục về nền cai trị dân sự. Paul Bert đến Việt Nam (1886), cùng với sự thay đổi về chế độ cai trị, nền Nho học ở Bắc Kỳ, sau hơn 800 năm tồn tại, bắt đầu chứng kiến nhiều điều mới lạ.

Lần tiếp xúc vội vàng năm 1873 chưa mang lại nhiều kinh nghiệm cho người Pháp trong ứng xử với dân chúng và do đó, khi đã danh chính ngôn thuận thực hiện việc chiếm đóng thì kẻ chinh phục vẫn vướng phải trở ngại mà họ đã gặp ở Nam Kỳ 25 năm trước: giao tiếp với dân bản xứ, sự tồn tại của thế lực Nho sỹ và chữ Hán - kẻ tử thù của những nhà truyền giáo và quân xâm lược. Cách thức giải quyết vấn đề của giới chức dân sự thường trầm tĩnh, sâu sắc hơn những người chỉ quen chinh chiến.

Thông ngôn vẫn là nỗi bận tâm của người Pháp, trong trường hợp Bắc Kỳ, điều đáng lo lắng không phải ở lòng trung thành của họ mà là trình độ dịch thuật. Sự kém cỏi

65

trong khả năng chuyển ngữ đã dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng là: tạo ra những hiểu lầm không đáng có giữa dân chúng và nhà cầm quyền, gây phương hại đến nền cai trị còn đang trong quá trình hoàn thiện. Do vậy, nhanh chóng thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa người Pháp và người An Nam trở thành mục đích của các trường học đã và sẽ được nhà cầm quyền tổ chức ở Bắc Kỳ. Phương sách thực hiện, theo Paul Bert, là: bằng cách truyền bá sự thông dụng tiếng Pháp cũng như sự hiểu biết những phong tục và khoa học của phương Tây; giáo viên phải cố gắng dạy học sinh những từ càng phổ biến càng tốt sao cho gần giống với cú pháp tiếng An Nam [43, tr.36]. Kèm theo đó, chữ Quốc ngữ cũng là một phương tiện hữu dụng, bởi “Việc dạy cho người bản xứ đọc và viết chữ quốc ngữ đối với chúng ta là một lợi ích lớn, công chức, thương gia của chúng ta có thể học nó rất dễ và những mối liên hệ giữa chúng ta với người bản xứ cũng sẽ trở nên rất thuận tiện” [dẫn theo 117, tr.196]. Nếu tiếng Pháp trở thành một ngôn ngữ thông dụng trong dân chúng thì thành quả đạt được sẽ là “Thoát ra khỏi sự độc quyền nguy hiểm của những viên thông ngôn” và sẽ thành hiện thực điều mà Paul Bert mong muốn “làm sao để một người Pháp du lịch đến đây hay đến để bàn bạc về kinh doanh có hy vọng tìm thấy trước mặt mình hay gần mình một người có thể hiểu được họ. Những người thông ngôn của chính quyền, bị kẹt giữa những thủ trưởng người Âu có học tiếng Annam, và những đồng bào của họ đã được người ta dạy cho tiếng Pháp, sẽ bị ngăn chặn trên con dốc không thể cưỡng được đưa họ đến chỗ làm hủy hoại sự thật” [dẫn theo 82, tr.439].

Dường như đã trở thành định kiến cố hữu, các giáo sỹ thừa sai, trong sự nghiệp truyền giáo ở Việt Nam, không thể yên lòng rao giảng Phúc Âm nếu Nho sỹ và chữ Hán vẫn còn tồn tại, và một quan điểm nhất quán của các vị chủ chăn là tiêu diệt một cách có hệ thống nền đạo lý Nho giáo vốn đã tạo thành nền tảng của xã hội Việt Nam, và thay vào đó bằng một sức mạnh tinh thần mới “mà người ta có sẵn” trong xứ này: Gia Tô giáo [115, tr.436]. Do vậy, để “lập nên ở Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ của Viễn Đông”, Giám mục Puginier cho rằng việc cần làm kế tiếp sau khi đã “Gia Tô giáo hóa cả xứ” là: phế bỏ chữ Nho và thay thế, lúc đầu bằng tiếng Việt Nam viết theo kiểu người Âu, gọi là Quốc ngữ, rồi sau đó bằng tiếng Pháp [115, tr.442-443]. Ý đồ phế bỏ chữ Hán đã chuốc lấy thất bại ở Nam Kỳ, nếu không biết rút ra bài học và mù quáng làm theo những chỉ dẫn của Đức Giám mục thì chắc chắn nhà cầm quyền cũng sẽ nhận được từ dân chúng thái độ bất hợp tác. Paul bert có cách làm riêng, tinh tế và hiệu quả hơn. Vẫn cho rằng nhất thiết phải loại bỏ những nhà Nho - linh hồn của cuộc kháng chiến đang diễn ra ở Bắc Kỳ - quan Tổng Khâm sứ đã làm

66

hai việc: đặt chức Kinh Lược Bắc Kỳ, qua đó, nắm trọn hệ thống quan lại, tiêu diệt lòng trung thành, cắt đứt quan hệ của những sỹ phu này với triều đình Huế, thành lập tổ chức “Hội đồng Nhân sỹ Bắc Kỳ” mà thành phần chủ yếu là giới bình dân để chuyển đạt đến Paul Bert nguyện vọng, nhu cầu của dân chúng, qua đó, tước bỏ uy tín và vai trò trung gian của hệ thống quan lại. Nguyên Bộ trưởng Giáo dục đã nhận thức được chức năng văn hóa của chữ Hán và chủ trương duy trì loại văn tự này: “Việc dạy chữ Pháp sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho việc học chữ quốc ngữ, cũng cần có một giáo trình chữ Nho, nếu trẻ con An Nam rời bỏ nhà trường của chúng ta mà không biết đọc và viết chữ Nho thông dụng … họ sẽ trở thành những người ngoại quốc trong xứ sở của họ và sau hết các trường của chúng ta sẽ không chiêu tập được ai vào học …” [117, tr.196].

Trong thời gian cầm quyền quá ngắn, Paul Bert chỉ kịp nêu lên danh xưng trường học Pháp - Việt và vài định hướng trong nội dung dạy học mà chưa thể phác thảo đầy đủ các vấn đề trọng yếu của một nền giáo dục là: chương trình học và hệ thống tổ chức. Dù vậy, giữa một xứ sở mà Nho học ngự trị đã xuất hiện những cơ sở giáo dục đầu tiên, khởi đầu là các trường Thông ngôn sau đó là các trường Tiểu học, dạy ngôn ngữ và kiến thức khoa học phương Tây. Chữ Pháp và Quốc ngữ được Paul Bert chọn làm phương tiện để xóa nhòa khoảng cách giữa nhà cầm quyền và dân chúng nhưng chữ Hán vẫn được lưu giữ lại trong khuôn viên các trường học do người Pháp thành lập, bất chấp những lời khuyến dụ đầy dụng ý phục vụ tôn giáo của các giáo sỹ. Còn ở bên ngoài, các thầy đồ vẫn mặc nhiên dạy Tứ Thư, Ngũ Kinh để học trò tham dự các kỳ thi Nho học do triều đình tổ chức đều đặn theo thông lệ 3 năm một lần và sau này, để đáp ứng những điều chỉnh trong thể thức thi cử, một số trường tư có dạy thêm chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Tất cả dựa trên tinh thần tự nguyện, “Paul Bert không mảy may nghĩ tới việc gây xung đột với nền văn minh và phong tục tập quán đã có bề dày hai mươi thế kỷ, nhưng vì chính sách muốn gây tác động đến văn hóa và phong tục ở đây, ông quyết định tiến hành một chính sách mưa dầm thấm lâu, dưới hình thức kiên trì tư vấn, khuyến nghị và gợi ý. Trong suy nghĩ của ông, đó không phải là chính sách đồng hóa hay cái gọi là Pháp hóa dân An Nam. Ông chỉ muốn một sự tiến hóa hợp lý về tâm thức, cải thiện chất lượng nền văn hóa và các kỹ năng bản địa thông qua một nền giáo dục hợp lý” [dẫn theo 43, tr.34]. Đây là những khác biệt đáng lưu ý nếu so sánh cách thức thiết lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ và ở Bắc Kỳ trong thời gian đầu.

Nền giáo dục thực dân sẽ không bao giờ cam nhận vị thế khiêm tốn của năm 1886, đó chỉ là bước khởi sự, khi có điều kiện thuận lợi, nó sẽ chuyển mình.

67

Một phần của tài liệu yếu tố pháp việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở việt nam thời kỳ 1862 1945 (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(138 trang)