7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Tranh luận về đường lối giáo dục
Mục đích giáo dục đã được xác định nhưng đường lối giáo dục thì chưa có được sự thống nhất. Phát xuất từ những dụng ý và quyền lợi khác nhau, thương nhân, giáo sỹ và những sỹ quan “am hiểu tường tận nhất đất nước và nhân dân Nam Kỳ” [dẫn theo 9, tr.47]
50
đã nêu những quan điểm khác nhau trong việc định hướng con đường phát triển tiếp theo của nền giáo dục Pháp tại Nam Kỳ, sau hơn 10 năm tiến hành mà không có kết quả đáng kể.
Kéo sang Nam Kỳ với động cơ chủ yếu là lợi nhuận, các thương nhân Pháp đều mong muốn chấm dứt càng sớm càng tốt tình trạng loạn lạc do chiến tranh gây nên để dự phần hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu của cảng Sài Gòn và tập trung xây dựng các cơ sở kinh tế cạnh tranh với thương nhân người Hoa đã hiện diện từ trước và một số ít thương nhân người Việt. Không khó để những kẻ buôn bán nhận ra rằng giữa sỹ phu Nho học và quân phiến loạn có một mối quan hệ rất chặt chẽ. Do vậy, trong hội nghị giáo dục toàn Nam Kỳ được tổ chức vào đầu năm 1873, họ đã bày tỏ quan điểm: “Nền giáo dục của chúng ta trước hết, trên hết là bằng tiếng Pháp … Đó là một nền giáo dục thực dụng và phải đi đến một mục đích nhất định. Bằng cách phổ cập hóa tư tưởng và văn hóa (không phải về hình thức mà là nội dung) mà người ta giáo dục tinh thần yêu nước. Bằng phổ biến một cách liên tục những nguyên tắc về tài năng của người Pháp trong dân chúng mà chúng ta Pháp hóa người Việt” [dẫn theo 9, tr.42]. Để thực hiện, nhà cầm quyền chỉ cần làm theo phương pháp tuyên tuyền mà Giáo hội đã làm, tức là in nhiều sách và phát tận tay cho học sinh. Nội dung của sách không nên quá nặng về tuyên truyền mà trước hết phải tạo sự hứng khởi nơi người đọc bằng các mẩu chuyện cười của Việt Nam hay của Pháp rồi sau đó mới là những nội dung phục vụ chính trị. Còn đối với trường học của các thầy đồ, cũng chẳng có gì khó khăn để giải quyết, cứ lấy “văn học đối lập với văn học; với chữ Hán lấy chữ Latinh chọi lại, lấy tư tưởng chọi lại với tư tưởng, hình thức chọi hình thức” [dẫn theo 9, tr.42-43].
Có một sự tương đồng nhất định trong quan điểm về đường lối giáo dục giữa thương nhân và giáo sỹ. Cũng nên nhắc lại rằng, năm 1861, khi Đô đốc Bonard chủ trương bảo lưu sự tồn tại của nền Nho học thì các giáo sỹ đã không tiếc lời đả kích. Mãi sau này, khi nhắc lại, Linh mục Louvet vẫn chưa nguôi nỗi ấm ức, đã phê phán Bonard “là một đầu óc dối trá và hão huyền khi cho rằng cách cứu nguy duy nhất cho thuộc địa này là trao trọn việc cai trị cho những nhà Nho, là những kẻ thù nguy hiểm nhất của Gia Tô giáo và của nước Pháp” [dẫn theo 115, tr.182]; Trưởng Tu viện Launay cũng có cùng thái độ “Bonard cho tổ chức lại việc học chữ Nho và tái lập các danh hiệu tiến sỹ, cử nhân cũ mà không tự hỏi: phải chăng là tốt hơn nên tách người An Nam ra khỏi tất cả những gì có thể giữ họ trong tư tưởng dân tộc, nghĩa là tư tưởng đồng nghĩa với chống Pháp” [dẫn theo 115, tr.183]. Một bên vì mục đích kinh tế, một bên vì nhu cầu truyền giáo, nhưng cả thương nhân và giáo sỹ lại cùng xem chữ Hán là kẻ tử thù, nhất quyết cho rằng đường lối đúng đắn của
51
nền giáo dục phải là: xóa bỏ nền Nho học, thiết lập các trường học dạy những hiểu biết thường thức bằng chữ viết theo mẫu tự Latin.
Là sỹ quan có hiểu biết sâu sắc về tổ chức hành chính và xã hội Việt Nam, Luro đã nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh. Sau khi chỉ ra một loạt bất cập của nền giáo dục do người Pháp tổ chức, Luro cho rằng: Không nên nóng vội mà phải đi sâu vào tâm lý nhân dân, vì đây cũng là một điều kiện cai trị bằng phương pháp “đồng hóa”. Phải hiểu rằng, phong tục, ngôn ngữ, luật pháp của một dân tộc không phải dễ dàng thay đổi trong vài ba năm. “Phải tìm hiểu những thứ đó, hướng dẫn người dân bị trị đi theo ý định của ta, muốn vậy ta cũng phải học chữ Hán” [dẫn theo 9, tr.45]; Không nên đóng cửa các trường học dạy chữ Hán mà cứ để họ dạy như thường nhưng bắt buộc các thầy giáo dạy chữ Hán phải học chữ quốc ngữ và dạy lại cho học trò. Lại phải dùng cả chữ quốc ngữ, chữ Hán để phổ biến khoa học, làm cho nền văn minh của nước Pháp thâm nhập vào nhân dân; Việc phổ biến tiếng Pháp thì đầu tiên phải dựa vào lớp công chức quan lại mới và các nhà giàu; Phải làm sao để nhân dân thấy rằng, tiếng Pháp là cái cửa ngõ mà mọi người phải qua để đi tới con đường khoa học. Trong các trường thì nên dạy cho học sinh về khoa học là sở trường của người Pháp. Đó là phương pháp duy nhất dể quần chúng hóa trường học và thu hút người dân thuộc địa vào quỹ đạo văn minh, khoa học; Sau khi được đào tạo, những người “cộng sự” phải vừa là nho sỹ vừa là công chức, vừa là thông dịch và không nên biến họ thành những con vẹt (…) [xem 9, tr.45-46]. Không tán đồng cách nhìn của Luro về vấn đề chữ Hán, ý kiến của Philastre là: Người Pháp vẫn phải dạy những nội dung như người Việt Nam đã học từ trước, nhưng phải thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ - “Người ta sẽ không từ chối học chữ La tinh, nhất là nếu tiếng An Nam sẽ được đưa ra bằng bản dịch của một vài tác phẩm sơ đẳng và cổ điển Trung Quốc. Nếu sau đó người ta cung cấp cho học sinh những sách viết bằng tiếng An Nam, chứa đựng những tư tưởng mới đối với họ, họ sẽ tiếp tục theo học, chữ Hán sẽ mất một phần uy thế và người An Nam sẽ bắt đầu viết tiếng nói của họ” [dẫn theo 9, tr.47].
Quan điểm về đường lối giáo dục của Luro (và Philastre) rất gần với chủ trương của Bonard, tức là, dù phát xuất từ chính sách đồng hóa nhưng khi tình hình Nam Kỳ còn nhiều bất ổn, thì khôn ngoan hơn trong đường lối cai trị là một vẻ ngoài tự do và tôn trọng các truyền thống văn hóa bản địa. Do vậy, chữ Hán và nền Nho học vẫn được duy trì, theo Luro; hay chí ít ra dù được biên soạn bằng chữ quốc ngữ, nội dung của nền Nho học vẫn được lưu giữ trong chương trình học, theo đề nghị của Philastre. Tính thuyết phục không thuộc về
52
những quan điểm chủ quan, xa rời thực tế và như sẽ thấy, khi xây dựng chương trình học và tổ chức nền giáo dục ở Nam Kỳ, người Pháp đã thay thế sự vội vàng ban đầu bằng những bước đi cẩn trọng hơn.