7. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Mục đích của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ
Nền Nho học của thế kỷ XIX có thể là lực cản của sự phát triển xã hội, lạc hậu về nội dung và phương pháp giáo dục nhưng vẫn còn đủ khả năng để đào tạo nên những sỹ phu yêu nước, trung thành với nền độc lập của quốc gia - dân tộc. Do đó, khi quân đội triều đình vừa thất bại trước ưu thế về vũ khí của quân xâm lược thì ngay lập tức khởi phát một phong
7Trần Văn Giàu chú giải như sau: “Trong bài Vịnh Dương họa (thơ nói về một bức vẽ của người Tây), Minh Mạng khen người Tây vẽ rất giống, biểu hiện được tinh thần, tình cảm của người, làm nổi được màu sắc của cảnh vật, nhưng nhà vua kết luận bằng câu: Điển phần vi quý thứ hà trân(nghĩa là: nhưng điển phần mới là quý, chớ những cái kia có quý gì? Điển là ngũ điển, phần là tam phần, ngũ điển tam phần nói về đạo học thời Tam hoàng Ngũ đế)” [xem 127, tr.358].
48
trào kháng chiến quy tụ toàn thể dân chúng Nam Kỳ mà lực lượng lãnh đạo, không ai khác, chính là quan lại và sỹ phu. Không thể thi hành chính sách đồng hóa thái quá trong tình cảnh hỗn loạn, Đô đốc Bonard quay sang tìm kiếm sự hợp tác từ phía các nhà Nho, bằng những lời lẽ đi ngược lại quan điểm của các nhà truyền giáo “Còn về tôn giáo của người Pháp, nguyên tắc của Pháp là không ép buộc ai theo tôn giáo đó cả; vì thế mọi người An Nam, không kể thuộc đạo nào, đều có thể hành đạo theo ý mình mà không sợ gì cả …; Người Pháp tôn trọng chữ nghĩa và những người học thức … Thay vì xua đuổi những người có học, Chính phủ chỉ mong muốn được dùng họ để phục vụ hạnh phúc dân chúng (…) Chỗ nào mà tổ chức của nước An Nam có thể lập lại được, thì các quan An Nam đều đã được phục chức. Mong rằng các bậc hiền giả đã cai trị dân chúng hãy xuất hiện! Những chức vụ chưa có người hay chưa có người xứng đáng nắm giữ chắc chắn sẽ được giao cho những người tài đức nhất …” [dẫn theo 115, tr.181]. Đối lại với thái độ đầy thiện chí đó, “các nhà Nho né tránh mọi sự tiếp xúc và trung thành với những mệnh lệnh của nhà vua đã rút lui, mang theo họ tất cả những tài liệu lưu trữ. Thế là các cơ quan hành chính của Pháp phải đứng trước một khoảng chân không tuyệt đối” [82, tr.265]. Trong nhận thức của người dân, mọi sự tiếp cận với quân viễn chinh và hợp tác với chính quyền thực dân đều là hành vi phản quốc, một tội lỗi không thể dung thứ. Chủ trương cai trị trực tiếp của Đô đốc De La Grandière cũng không mang lại hiệu quả. Số nhân viên bản xứ mà người Pháp thu nhận được nếu không phải là các con chiên thì là những tay ranh mãnh “sau khi bị đuổi khỏi làng vì đói khổ hay phạm tội, lưng họ dẻo, rất hám sống, không nghĩ gì đến cuộc chiến đấu dân tộc, sẵn sàng phục vụ mọi ông chủ” [dẫn theo 115, tr.186]. Buộc phải tuyển chọn những con người mà lòng trung thành quan trọng hơn khả năng thì những viên chức này chỉ có thể là khôn ngoan nhưng “rất ít học thức mà nhiều người trong số họ trước đây sẽ không bao giờ được nhận làm một chân thư lại trơn trong các văn phòng. Chúng ta bắt buộc phải lấy những con người rất ít được học hành trong một tầng lớp rất kém về đạo đức, … Bởi vì cần phải có những người theo chúng ta nên chúng ta đã phong những chức quan huyện cho những người rất tầm thường, mù chữ, và đã gây nên một sự tổn thương rất lớn về đạo lý cho nền cai trị của chúng ta” [dẫn theo 82, tr.269]. Trong khi đó, tại các trường làng, những nhà Nho hằng ngày vẫn dưỡng nuôi lòng yêu nước cho học trò bằng lời dạy của Thánh hiền; chữ Hán vẫn là phương tiện lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, kháng cự lại mọi chủ trương khai hóa, truyền bá văn minh phương Tây.
49
Bị cô lập giữa một xứ sở xa lạ, điều mà người Pháp cần là sự ổn định về chính trị; có một lực lượng nhân sự đủ trình độ và lòng trung thành cần thiết cho bộ máy công quyền; sự giao tiếp trực tiếp với người bản xứ mà không phải thông qua trung gian là những thông ngôn mà họ không mấy tin tưởng và đặc biệt, trong ánh mắt của chính quyền thực dân, nền Nho học và chữ Hán là nguyên nhân của mọi bất ổn, rào cản của mọi nhu cầu tiếp xúc với dân chúng, chướng ngại của mọi dự định truyền bá tôn giáo và văn minh, nhất thiết phải bị loại bỏ. Cùng với những cuộc hành quân, tất cả những ước muốn vừa nêu được trao cho sự nghiệp giáo dục do người Pháp đảm trách.
Thế hệ trưởng thành trong môi trường Khổng giáo đang tích cực thực hiện các hoạt động kháng chiến rồi sẽ trôi vào quá khứ. Tương lai cho sự ổn định của nền thống trị Pháp ở Nam Kỳ thuộc về trẻ em - đối tượng hướng đến của nền giáo dục mới. G. Dumoutier, Giám đốc Học chính, cho rằng: “Một khi người ta muốn thay đổi hình dáng hoặc màu sắc của một cái cây, người ta không thể bắt đầu với những cây đã phát triển hoàn toàn và đã sinh hoa kết quả, mà người ta phải tác động đến các hạt, phải chăm sóc điều khiển việc nảy mầm và phát triển của nó trong những miếng đất được chọn lọc và chuẩn bị đầy đủ. Muốn biến cải một dân tộc cũng phải làm như vậy. Người ta sẽ thất bại nếu tấn công trực diện vào một nền văn minh cổ trên hai nghìn năm như nền văn minh này (…). Nếu chúng ta muốn đặt được vĩnh viễn ảnh hưởng của nước Pháp trên phần đất này của thế giới (…) thì phải làm cho họ tiêm nhiễm tư tưởng của chúng ta dạy cho họ tiếng nói của chúng ta và do đó phải bắt đầu từ nhà trường và chú ý trước tiên đến trẻ em” [dẫn theo 47, tr.14]. Thật vậy, một khi nền giáo dục mới thành công trong việc “giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn các thần dân mới của nước Pháp ra khỏi ảnh hưởng của những nhà Nho ở Huế và của nền văn minh Trung Hoa - Khổng giáo” [dẫn theo 106, tr.35] thì điều mà người Pháp có được không chỉ là “những nhân viên giàu năng lực” [dẫn theo 106, tr.33], như mong muốn của Đô đốc Bonard, mà to lớn hơn, Nam Kỳ sẽ trở thành “một mảnh đất Pháp trong trái tim, trong tư tưởng và trong khát vọng” [dẫn theo 123, tr.131]. Như vậy, giáo dục, cùng với các lĩnh vực khác, sẽ đảm nhận sứ mệnh: Biến Nam Kỳ thành “một Đế quốc Gia Tô và Pháp” [115, tr.177].