Như đã nói ở phần Dẫn nhập, sáng tác của Akutagawa được dịch và giới thiệu ở Việt Nam từ rất sớm. Tuyển tập truyện ngắn Trinh tiết được Nhà xuất
bản Văn học phát hành năm 2006. Đề tài luận văn chọn tuyển tập Trinh tiết để
khám phá thế giới nghệ thuật của Akutagawa ở thể loại truyện ngắn vì nhiều lí do.
Trước hết, tuyển tập này được dịch trực tiếp từ nguyên tác tiếng Nhật chứ không thông qua ngôn ngữ trung gian (những bản dịch trước đây đều được chuyển ngữ từ văn bản tiếng Anh, Pháp…), văn phong hoa mĩ của nhà văn do đó vẫn giữ lại được. Ví dụ truyện ngắn Bốn bề bờ bụi (Đinh Văn Phước dịch) so với bản dịch của Phong Vũ (được dịch thành Trong rừng trúc) thì từ ngữ, cách diễn đạt trau chuốt và uyển chuyển hơn. Do đó, Trinh tiết
không chỉ bảo đảm yêu cầu về nội dung mà còn đạt được tính nghệ thuật, tính thẩm mĩ, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn chương của độc giả. Nhiều bản dịch thành công như Nước dòng sông Cái, Cái mũi, Bốn bề bờ bụi, Thân thể
đàn bà… cuốn hút độc giả ngay từ những dòng đầu tiên.
Đội ngũ dịch giả của tuyển tập là những cựu sinh viên du học tại Nhật trong thập niên 60 (hiện một số đang sinh sống tại Nhật), không chỉ thông thạo ngôn ngữ mà còn am hiểu sâu sắc văn hóa Nhật Bản. Họ là những học
giả uy tín như Nguyễn Nam Trân, Văn Lang Tôn Thất Phương, Việt Châu, Cung Điền, Đinh Văn Phước, Nguyễn Ngọc Duyên, Phạm Vũ Thịnh… Đối với các dịch giả, việc dịch Trinh tiết nhằm thỏa mãn niềm say mê, yêu mến đối với “bậc thầy truyện ngắn” Akutagawa. Đây là một trong số nhiều công trình biên dịch, nghiên cứu về văn học Nhật Bản của họ. Ví dụ như công trình đồ sộ nhất là Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản của tác giả Nguyễn Nam Trân.
Hầu hết các truyện ngắn trong Trinh tiết đều được đánh giá cao, được xem là tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của Akutagawa như Cổng Rashomon,
Bốn bề bề bụi, Địa ngục trước mắt, Sợi tơ nhện... Đây là cũng là những truyện
được nhắc đến nhiều nhất trong tất cả những bài nghiên cứu mà chúng tôi tìm hiểu về nhà văn này.
Số lượng tác phẩm được dịch trong tuyển tập Trinh tiết nhiều hơn hẳn so với các tập truyện trước. Tuyển tập Trong rừng trúc của Phong Vũ chỉ giới thiệu 9 truyện. Bên cạnh đó, các truyện ngắn còn trải dài suốt văn nghiệp của Akutagawa chứ không tập trung vào một vài giai đoạn như các tuyển tập in trước đó. Ngoài ra, Trinh tiết còn giới thiệu đến người đọc những tác phẩm chưa từng được dịch của Akutagawa gồm Nước dòng sông Cái, Mùa thu,
Trích sổ tay Yasukichi, Cục đất, Sổ điểm danh những người đã khuất, Mộng
mị, Ảo ảnh cuộc đời.
Tuyển tập Trinh tiết gồm 30 tác phẩm được sắp xếp theo trình tự thời gian, tương ứng với các giai đoạn sáng tác của nhà văn. Mở đầu là Nước dòng
sông Cái (1912), tiếp theo là những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp
Akutagawa như Cổng Rashomon (1915), Cái mũi (1916), Cháo khoai (1916),
Bọn đạo tặc (1917), Thân thể đàn bà (1916), Lòng đã trót yêu (1918), Địa
ngục trước mắt (1918), Sợi tơ nhện (1918). Tất cả đều có điểm chung là lấy
trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Akutagawa bị quá khứ thu hút vì chúng có khả năng xử lí các vấn đề bất thường, siêu nhiên hoặc kì diệu. Quá khứ trở thành một khởi điểm để sáng tạo. Từ những gợi ý của truyện cổ, nhà văn chú trọng khắc họa chi tiết ngoại hình nhân vật, xây dựng các tình huống khác thường để khai thác diễn biến nội tâm. Sức hấp dẫn lớn nhất của các tác phẩm này là khả năng khai thác, lí giải rất sâu sắc của tác giả về những biến đổi tâm lí kì lạ trong con người. Do đó, tuy lấy đề tài truyện cổ nhưng các truyện ngắn mang đậm màu sắc hiện đại.
Ứng với giai đoạn tiếp theo là các truyện Cánh đồng khô (1918), Thầy
Mori (1919), Niềm tin (1919), Mấy trái quýt (1919), Ảo thuật (1919), Tiệc
khiêu vũ (1920), Tay đạo chính hào hiệp (1920). Tuy lấy đề tài cũ như giai
đoạn trước nhưng phạm vi phản ánh được tác giả mở rộng. Ví dụ Cánh đồng
khô miêu tả những ngày cuối đời của Basho- thi nhân lừng danh thời Edo,
Tiệc khiêu vũ phỏng theo một tác phẩm nước ngoài kể về sự kiện diễn ra vào
năm Minh Trị thứ mười chín. Khả năng phân tích tâm lí nhân vật của nhà văn được phát huy. Ngoài thói vị kỉ, cuộc đấu tranh thiện ác… thì giai đoạn này xuất hiện chủ đề giá trị nhân bản. Đó là tính thiện, phẩm chất tốt đẹp của con người bị vùi lấp dưới hình thức bề ngoài xấu xí, đáng thương như Mấy trái
quýt, Thầy Mori…
Từ năm 1920, khuynh hướng tự thuật xuất hiện trong sáng tác của Akutagawa. Các truyện ngắn gồm Đàn bà (1920), Mùa thu (1920), Đứa con rơi (1920), Bức họa núi thu (1920), Bốn bề bờ bụi (1922), Chiếc xe goòng
(1922), Trinh tiết (1922), Tu tiên (1922), Trích sổ tay Yasukichi (1923), Cục đất (1924), Sổ điểm danh những người đã khuất (1926), Mộng mị (1926), Ảo
ảnh cuộc đời (1927). Với nhân vật chính là Yasukichi, các truyện ngắn thuộc
dạng tự thuật nhưng người kể ở ngôi thứ ba là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Vào những năm cuối đời, Akutagawa chuyển sang kiểu nhân vật xưng tôi.
Nhà văn tiếp tục phát huy sở trường khai thác tâm lí nhân vật nhưng gắn với những đề tài cuộc sống hằng ngày. Đối với Akutagawa, việc lấy đời tư cá nhân làm đề tài sáng tác là một hình thức tự diệt- như con rắn tự nuốt cái đuôi. Bên cạnh đó, áp lực từ cao trào văn học vô sản cũng như bất hạnh cá nhân đè nặng tâm hồn ông. Vì vậy, âm hưởng chính trong sáng tác thời kì này là nỗi u buồn, bế tắc và ám ảnh về cái chết. Các truyện ngắn như Sổ điểm
danh những người đã khuất, Mộng mị, Ảo ảnh cuộc đời thể hiện sâu sắc nội
dung này.
Nói tóm lại, việc lựa chọn tuyển tập Trinh tiết làm nòng cốt triển khai đề tài căn cứ vào nhiều lí do như đội ngũ dịch giả, chất lượng bản dịch, số lượng tác phẩm, sự triển khai đầy đủ các giai đoạn sáng tác. Theo đó, tuyển tập này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất. Tuy nhiên, con số 30 trên tổng số khoảng 140 truyện ngắn của nhà văn vẫn là quá khiêm tốn. Trong điều kiện tuyển tập của nhà văn chưa được dịch toàn bộ thì khả năng bao quát là hạn chế lớn nhất của luận văn. Để khắc phục nhược điểm này, người viết tiến hành sưu tầm các truyện ngắn khác của Akutagawa từ nguồn internet, các tuyển tập khác… song song với quá trình thực hiện luận văn; tham khảo tóm tắt của các nhà nghiên cứu về những truyện chưa được dịch. Có 11 truyện ngắn đã được sưu tầm gồm Vụ án mạng thế kỉ ánh sáng (1918), Người chồng
có văn hóa (1919), Cái bóng (1920), Đức Chúa ở Nam Kinh (1920), Bóng
người mũ đỏ (1920), À…a…a…ba! (1923), Đất nước của các thủy dân (1927)
và một số truyện chưa rõ năm sáng tác gồm Con Bạch, Hâychu- kẻ bợm tình,
Con rồng, Tuẫn đạo.
Tiểu kết chương 1:
Như vậy, trong bối cảnh văn học Nhật Bản đang bước vào thời kì hiện đại, nhu cầu nội tại của việc đổi mới khiến cho những sáng tác thời kì này nói chung và truyện ngắn nói riêng có những cách tân về nhiều mặt. Tuy nhiên,
truyện ngắn của Akutagawa là sự cách tân vượt bậc so với các tác gia cùng thời kì. Đặc biệt, các sáng tác thời kì đầu của ông cho đến nay vẫn là mẫu mực kinh điển.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay nếu xét về thể loại truyện ngắn, các công trình lí luận văn học chủ yếu nhắc đến các tác giả gạo cội như Chekhov, M. Gorki, Lỗ Tấn… Văn học Nhật Bản được nước ngoài biết đến nhiều nhất hiện nay chủ yếu vẫn là thơ haiku, tiểu thuyết Truyện Genji, các tác phẩm đạt giải Nobel của Kawabatata, tiểu thuyết ăn khách của Haruki Murakami… Truyện ngắn là một thể loại chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Do đó, tìm hiểu truyện ngắn Akutagawa là việc làm cần thiết để có thêm cái nhìn bao quát về vị thế của thể loại này trong nền văn học hiện đại Nhật Bản.
Chương 2. TUYỂN TẬP TRINH TIẾT VÀ NỖI BUỒN
VỀ “SỰ THẤT BẠI CỦA LÍ TRÍ”
Lí trí là năng lực suy luận và phán đoán, là nhận thức bằng khái niệm dựa trên cơ sở xử lí chất liệu do tri giác cảm tính mang lại. Do đó, lí trí không vượt ra ngoài phạm vi của kinh nghiệm. Khái niệm lí trí đối lập với tình cảm.
“Sự thất bại của lí trí” là cụm từ chỉ sự hạn chế của lí trí con người trong quá trình khám phá hiện thực đời sống. Từ khi xuất hiện đến nay, con người luôn tự hào là sinh vật thông minh nhất. Gắn liền với sự tự hào là niềm tin tuyệt đối vào bản thân, đặc biệt là năng lực trí tuệ. Tuy nhiên, trí tuệ của con người có khả năng vô hạn khi khám phá thế giới hay không? Akutagawa trả lời câu hỏi này qua các sáng tác của mình. Tác phẩm của ông thể hiện thái độ hoài nghi, bi quan sâu sắc về niềm tin tuyệt đối này. Do đó, “người đời yêu văn tài của ông đã đành nhưng cũng thương cảm cho nỗi buồn về “sự thất bại lí trí” toát ra từ tác phẩm cũng như cuộc đời ba mươi sáu năm ngắn ngủi
và đầy bi kịch của ông” [2, tr.499]. “Sự thất bại của lí trí” thể hiện ở nhiều
phương diện mà trước hết là sự bất tương đồng giữa lí trí và hiện thực.