Giá trị nhân bản là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp làm nền tảng cho cuộc sống. Cùng với những lo âu khi con người không nhận thức đúng bản chất hiện thực, không thể lí giải bản chất của đời sống và bị dục vọng nhấn chìm, nhà văn đau đáu về những giá trị nhân bản thật sự. Theo Nam Trân, việc tìm kiếm những giá trị nhân bản này chính là một trong những “triết lí
văn chương”của Akutagawa [58, tr.396].
Những sáng tác đề cập đến giá trị nhân bản có thể phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những truyện đề cập đến những phẩm chất tốt đẹp của con người nhưng bị khuất lấp dưới vẻ bề ngoài xấu xí đáng thương hại như Thầy
Mori, Mấy trái quýt… Nhân vật chính trong các truyện này thường để lại ấn
Truyện Thầy Mori kể về nhân vật thầy giáo cùng tên. Đó là giáo viên dạy môn Anh văn cấp hai có lối ăn mặc kì dị quê mùa. Thầy dạy không hay, lại thường xuyên than thở về những khó khăn trong cuộc sống. Vẻ bề ngoài và cách giảng dạy của thầy khiến học sinh ra mặt chống đối. Ngay cả tôi cũng xem thường và cho rằng thầy đi dạy chỉ để kiếm sống. Khi đã là sinh viên đại
học, tôi vô tình gặp thầy Mori trong quán cà phê. Thầy đang say sưa giảng
tiếng Anh cho những người bồi bàn. Thì ra ngày nào thầy giảng bài như thế dù chẳng ai trả công. Khi ấy tôi mới hối hận: “Nếu ai đó sinh ra để trở thành
nhà giáo thì đúng người đó là thầy Mori…” [2, tr.265].
Cùng trong mạch truyện, Mấy trái quýt tựa như bức tranh với những gam màu tươi sáng về những giá trị tốt đẹp trong con người. Tôi là người hành khách đi trên chuyến tàu với tâm trạng chán chường. Đột nhiên một bé gái khoảng 13, 14 tuổi ập vào nhầm toa. Khuôn mặt nó xấu xí thảm hại: “hai gò má đỏ gay đầy những lằn nứt nẻ ngang dọc, thấy dễ sợ. Nó đúng là một đứa con gái nhà quê, nó quàng một chiếc khăn len màu lá vàng nhạt cáu bẩn, thả
xuống tận đùi, trên đấy đặt một tay nải lớn” [2, tr.272]. Sự hiện diện của đứa
bé gái làm tăng nỗi u uất trong tôi. Khi tàu qua khỏi hầm, tôi thấy bé gái ném quýt xuống cho lũ trẻ bên đường ray. Thì ra nó lên phố ở mướn còn lũ em đi tiễn chị. Phát hiện nay khiến tôi “quên đi được dù chỉ một thoáng cái mệt rã
rời của cuộc đời thấp hèn, tẻ nhạt, vô nghĩa này” [2, tr.277].
Như vậy, cả hai truyện xây dựng hình ảnh đối lập giữa vẻ bề ngoài với phẩm chất bên trong của người thầy và bé gái. Việc giảng dạy không cần lương của thầy Mori chứng tỏ đạo đức trong sạch cũng như nhiệt huyết của một giáo viên chân chính. Hành động ném quýt bộc lộ phẩm chất bên trong đứa bé gái. Đó là tình thương em và sự dũng cảm đương đầu với khó khăn để kiếm sống. Tuy nhiên, những điều tốt đẹp bị ẩn giấu. Nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ, quan niệm của tôi về thầy so với 7, 8 năm trước chắc không có gì
thay đổi. Thầy Mori với vẻ ngoài quê kệch, đôi mắt van lơn sẽ vẫn để lại trong tôi cảm giác thương hại nhiều hơn kính trọng. Nếu tôi không đủ kiên nhẫn để quan sát cảnh đứa bé ném quýt, không đủ vị tha để đoán ra nguyên nhân từ biệt em của nó, liệu suy nghĩ của tôi có thay đổi hay không? Đâu đây trong cuộc sống, sự hời hợt, vô tư đến vô tâm của con người vẫn đang xảy ra. Do đó, giá trị nhân bản luôn khuất lấp, nếu ta thờ ơ, dửng dưng thì sẽ không nhìn thấy được.
Nhóm thứ hai là những truyện ngắn thể hiện những băn khoăn, tìm kiếm và kêu gọi trở về với những giá trị nhân bản đích thực. Các truyện tiêu biểu như Chiếc mùi soa, Tuẫn đạo, Đứa con rơi, Tu tiên, Con Bạch,… Các phẩm chất được đề cập gồm sự giản dị, nhân cách cao thượng, tình mẫu tử.
Tinh thần võ sĩ đạo là một sản phẩm văn hóa tinh thần của đất nước mặt trời mọc: “Võ sĩ đạo thấm đượm những giá trị của Nho giáo kết hợp với Thần
đạo và những yếu tố Thiền của Phật giáo như: đề cao trung hiếu, sùng võ
nghệ, trọng tín nghĩa…” [55, tr.56]. Một trong 8 đức tính cơ bản mà võ sĩ đạo
đề cao là biết kiểm soát: “Những ai không tự chủ được mình để cho những điều lo lắng bên trong dễ dàng bộc lộ ra nét mặt thì không thể xem là hạng người có dũng khí. Không hề tỏ ra một dấu hiệu vui mừng hay giận dỗi, đó là
câu nói cửa miệng để nhắc nhở thực hiện đức tính này” [8, tr.52].
Về mặt chính trị và quân sự, tinh thần võ sĩ đạo tạo nên sức mạnh tiềm tàng, là một trong những yếu tố giúp Nhật Bản vươn lên thần kì. Tuy nhiên tinh thần võ sĩ đạo cũng có sự hạn chế khi ngăn cản con người vươn đến giá trị nhân bản thật sự.
Giáo sư Hasegawa (Chiếc mùi soa) tìm đọc những cuốn sách về kịch nghệ để gia tăng hiểu biết cũng như nắm bắt tâm tư của sinh viên. Ông đang đọc dở thì mẹ một sinh viên tìm gặp và thông báo cái chết của con trai. Giáo sư rất ngạc nhiên vì suốt cuộc nói chuyện, người mẹ không hề nhỏ một giọt
nước mắt. Khi cúi xuống nhặt cái quạt bị đánh rơi, ông vô tình thấy người phụ nữ vò chặt chiếc khăn mùi soa trên tay “thiếu điều làm cho nó muốn rách ra”. Thì ra, người mẹ “ngoài mặt như thể tươi cười nhưng từ khi nãy đến giờ,
chính ra toàn thân bà đang nức nở” [2, tr.84]. Giáo sư xúc động muốn viết
bài báo ca ngợi người thiếu phụ có tinh thần võ sĩ đạo, biết kiềm chế cảm xúc đến cùng ấy. Sau đó, ông đọc tiếp cuốn sách dang dở. Trong đó viết rằng lối diễn xuất hai tầng theo kiểu mặt vẫn tươi cười trong khi tay xé rách chiếc khăn mùi soa là kiểu cọ, giả dối! Mặc dù hai sự việc khác nhau nhưng giáo sư liên hệ chúng lại và cảm thấy rất thất vọng. Ông nhìn ra hiên, nơi đó treo một chiếc đèn lồng Gifu với họa tiết những cọng cỏ thu giản dị.
Như vậy, trong khi người phương Tây thể hiện rõ ràng những xung động tình cảm thì người phương Đông lại khép kín. Sự che giấu quá mức đôi khi khiến mọi thứ trở nên giả tạo, làm mất đi những cảm xúc tự nhiên chân thành như tình mẫu tử trong câu chuyện trên chẳng hạn. Làm thế nào để cởi bỏ hình thức, trung thực với cảm xúc là điều đáng suy ngẫm. Chiếc đèn Gifu cuối truyện là biểu tượng giàu ý nghĩa, kêu gọi sự trở về với một nền văn hóa Nhật Bản giản dị, thuần khiết.
Truyện ngắn Tuẫn đạo ra đời khi đạo Thiên Chúa thâm nhập Nhật Bản.
Truyện có dáng dấp Quan Âm Thị Kính của Việt Nam, hướng đến ca ngợi nhân cách cao thượng ở con người. Nhân vật chính là nhà sư trẻ tuổi đức hạnh, tuy nhiều cô gái gạ gẫm nhưng vẫn không màng đến. Có cô tức giận vì bị từ chối nên rêu rao đứa bé trong bụng mình là con sư. Nhiều năm sau, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra trong làng, sư liều mình cứu sống đứa trẻ con cô gái ấy. Ngọn lửa cũng đã làm sư ngừng thở. Lúc ấy, mọi người mới bất ngờ phát hiện ra sư là phụ nữ. Với nhân cách cao thượng, sư đã chọn cách im lặng trước bao nhiêu lời bình phẩm cay nghiệt của người đời. Phẩm chất của sư thật hiếm có trên đời.
Đứa con rơi là câu chuyện xúc động về tình mẫu tử. Nhân vật chính là đứa bé trai bị bỏ rơi ở chùa. Sư cụ nuôi nấng và mong muốn tìm mẹ ruột cho cậu. Có người phụ nữ trung niên ăn vận lịch sự đến xin nhận con. Bà kể rằng vì sinh đứa trẻ trong lúc khó khăn nên bà đành bỏ lại. Sau đó gia đình khấm khá dần thì chẳng may người chồng và con thứ hai chết hết. Bà đau khổ muốn tìm lại đứa con đầu. Thấy người đàn bà thật thà, đáng thương nên sư cụ cảm động và đồng ý. Sau đó, hơn 20 năm ròng bà yêu thương, chăm sóc cậu bé. Khi trưởng thành, trong một chuyến làm ăn, người thanh niên phát hiện ra mình không phải là con ruột của bà. Nhưng anh vẫn che giấu và yêu thương bà nhiều hơn vì “bà cao cả hơn những người mẹ bình thường khác” [2,
tr.355].
Các truyện ngắn mang màu sắc kì ảo như Tu tiên, Con Bạch… thể hiện
sự ca ngợi và kêu gọi sự trở về với những giá trị nhân bản thật sự. Chàng Gonsuke thật thà sau hai mươi năm chăm chỉ làm việc đã được biến thành tiên, bất chấp sự độc ác của vợ chồng thầy thuốc (Tu tiên). Con chó Bạch
(Con Bạch) vì hèn nhát, ích kỉ nên đã không cảnh báo nguy hiểm cho bạn của
mình. Kết quả chú chó kia bị bắt để giết thịt. Bạch cảm thấy rất áy náy. Sau đó, màu lông trắng của nó đột nhiên chuyển sang đen một cách lạ lùng. Vì không ai còn nhận ra Bạch nên nó bỏ nhà đi với nỗi ân hận dày vò. Bạch ra sức làm việc thiện như dẫn đoàn người đi lạc ra khỏi rừng, cứu người thoát chết… để mong chuộc lại lỗi lầm. Khi đã kiệt sức, nó trở về với ý định giã biệt. Đột nhiên, bộ lông trên mình Bạch trắng toát trở lại. Bạch được đón nhận nồng nhiệt trong vòng yêu thương của chủ cũ.
Quá trình mà bộ lông Bạch chuyển từ trắng sang đen hoàn toàn là tưởng tượng mang màu sắc kì ảo. Mục đích của nhà văn nhằm diễn tả chuyển đổi bên trong tâm hồn. Màu đen là hiện thân của tâm hồn tội lỗi, ích kỉ, hèn nhát, cần giũ bỏ. Màu trắng phản ánh tâm hồn cao thượng, trong sáng. Bạch
trải qua quá trình gian khổ để tự gột sạch bản thân, trở về với tính thiện và được mọi người đón nhận. Điều này cũng giống như quá trình con người chiến đấu chống cái ác, cái xấu để trở về với nhân cách cao đẹp.
Dường như những giá trị nhân bản tốt đẹp trong cuộc sống có một ý nghĩa lớn lao đối với Akutagawa. Đó là liều thuốc tinh thần tiếp thêm động lực sống cho nhà văn. Tuy nhiên đây vẫn là cuộc hành trình mà nhà văn tìm kiếm. Giá trị nhân bản khuất lấp đâu đó bên trong con người. Nếu không có tấm lòng bao dung, nhân hậu thì chúng ta không thể nhìn thấy. Những phẩm chất tốt đẹp ấy cũng dễ bị mài mòn bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, tính ích kỉ, tàn nhẫn, những dục vọng cá nhân… là những thứ a-xit đáng sợ.
Trong giai đoạn cuối đời, Akutagawa chuyển hướng sáng tác sang đề tài cuộc sống hiện đại. Truyện vừa Đất nước của các thủy dân là tác phẩm mang tính giễu nhại xã hội Nhật Bản. Tuy nhiên, chủ đề chính trong sáng tác của Akutagawa vẫn là sự bất toàn của con người. Nội dung này thể hiện xuyên suốt trong các giai đoạn sáng tác của nhà văn. Mặc dầu ông luôn chú trọng mở rộng phạm vi sáng tác, đổi mới về giọng điệu… song đây vẫn là sở trường chưa ai vượt qua.
Phải chăng Akutagawa thể hiện tư tưởng bi quan, yếm thế khi nói về sự bất toàn của con người? Vấn đề này phải được xem xét từ nhiều phương diện. Ở góc độ đời sống cá nhân, những bi kịch gia đình có ảnh hưởng lớn đến Akutagawa. Tư tưởng bi quan hoàn toàn có thể nảy sinh từ những bất hạnh khủng khiếp ấy. Thậm chí, đến cuối đời, nhà văn không che giấu cảm giác cay đắng: “Nhưng tôi thấy rằng sau hết tôi là con một người điên. Hiện nay
tôi cảm thấy ghê tởm cả thế giới này, nhất là bản thân tôi” [36, tr.233].
Về phương diện nghệ thuật, Akutagawa là nhà văn tài hoa, luôn sáng tạo và học hỏi để cho ra đời những tác phẩm mang màu sắc tân kì. Tuy nhiên, thần kinh nhạy cảm khiến ông dễ bị dao động trước dư luận và thời cuộc. Sự
chuyển hướng liên tục trong sáng tác thể hiện ý thức đổi mới nhưng phần nào bộc lộ sự đuối sức trong việc tìm kiếm ý tưởng của nhà văn. Người họa sĩ trong Mộng mịbất lực khi muốn lột tả con người thật của cô người mẫu trong tranh là hình bóng của Akutagawa. Càng về cuối đời nhà văn càng nhận rõ sự bế tắc của mình.
Tuy nhiên, trong suốt chặng đường sáng tác, Akutagawa vẫn lưu tâm tìm kiếm những vẻ đẹp của cuộc sống, đặc biệt là về phương diện nghệ thuật và ở các giá trị nhân bản. Dù miêu tả một sự vật bình thường (bầu vú người vợ-
Đàn bà, con nhện- Thân thể đàn bà) thì trước hết sự miêu tả ấy phải có tính
nghệ thuật, tính thẩm mĩ. Tác phẩm phải đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người đọc. Ngay cả các sáng tác lấy từ đề tài truyện cổ thì ông vẫn chú ý đến “sự chân thật trong thơ hơn là sự chính xác lịch sử” [36, tr.209]. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, giá trị nhân bản là điều Akutagawa luôn hướng tới. Ở một phía đối lập với sự bất toàn, con người vẫn có những phẩm chất tốt đẹp như tận tâm với nghề (Thầy Mori), biết hi sinh, giàu tình thương (Mấy
trái quýt, Đứa con rơi), chăm chỉ, thật thà (Tu tiên)… Đặc biệt, con người
luôn muốn vươn đến những chuẩn mực Chân, Thiện, Mĩ và khao khát gột sạch những xấu xa, tội lỗi của bản thân (Con Bạch).
Do đó, tuy sáng tác về đề tài sự bất toàn của con người nhưng nhà văn không thể hiện tư tưởng bi quan, yếm thế. Ông chỉ băn khoăn, hoài nghi sức mạnh lí trí cũng như thể hiện nỗi buồn về sự yếu đuối của con người khi họ thất bại trong cuộc đấu tranh Thiện- Ác, để dục vọng điều khiển… Nhà văn muốn thức tỉnh con người về những lầm lạc và ngộ nhận. Khi thức tỉnh cũng là lúc con người bắt đầu cuộc hành trình hướng về những giá trị sống tốt đẹp.
Tiểu kết chương 2:
Như vậy, “sự thất bại của lí trí” là chủ đề bao trùm sáng tác của Akutagawa. Con người không nhìn nhận đúng bản chất cũng như không lí
giải được bí ẩn của đời sống, nghệ thuật. Do đó, lí trí và hiện thực đời sống không tương đồng. Bên cạnh đó, lí trí chưa đủ mạnh mẽ để ngăn con người khỏi sự sai khiến của hoàn cảnh và dục vọng. Còn những giá trị nhân bản thường ít ỏi và bị che khuất. Viết về chủ đề này, nhà văn thể hiện sự hoài nghi, u buồn nhưng điều hướng đến là sự thức tỉnh con người và trân quí những giá trị nhân bản.
Chương 3. TUYỂN TẬP TRINH TIẾT
VÀ NHỮNG CÁCH TÂN NGHỆ THUẬT TRUYỆN NGẮN
3.1.“Truyện cổ tích của thời hiện đại” 3.1.1. Phong vị cổ tích
Phong vị là “vị đặc sắc, riêng có, gây cảm hứng đặc biệt” [62, tr.1339]. Truyện ngắn vay mượn đề tài truyện cổ của Akutagawa thể hiện đặc sắc riêng tạo nên phong vị cổ tích. Có 14 truyện gồm Cổng Rashomon, Cái mũi, Cháo
khoai, Bọn đạo tặc, Lòng đã trót yêu, Địa ngục trước mắt, Sợi tơ nhện, Niềm
tin, Bốn bề bờ bụi, Trinh tiết, Tu tiên, Ảo thuật, Con rồng, Thân thể đàn bà
(tổng cộng 14 trên tổng số 41 truyện mà luận văn khảo sát. Con số này sẽ nhiều hơn nếu tính toàn bộ hơn 140 truyện).
Trước hết, phong vị cổ tích được tạo nên do sự vay mượn cốt truyện gồm nhân vật, tình tiết, tình huống… từ tuyển tập truyện cổ như Konjaku Monogatari (Truyện giờ đã xưa), Uji Shuui Monogatari (Truyện do ông phán
quan ở Uji chép nhặt lại). Ví dụ Cổng Rashomon dựa trên các chi tiết trong
hai đoạn của truyện Konjaku Monogatari. Đó là đoạn thứ mười tám về người ăn trộm trông thấy xác chết trên gác cổng Rashomon và đoạn thứ hai mươi mốt về bà già bán cá trong trận Tatewaki. Đây là những dữ kiện cơ bản mà nhà văn sử dụng để sáng tạo. Nhân vật bà già vẫn giữ nguyên. Chỉ có tên trộm thay đổi thành tên nô bộc bị đuổi việc đang trú mưa dưới cổng Rashomon.