Giọng điệu được hiểu là “thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo
đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn” [26,
tr.134]. Vai trò của giọng điệu rất quan trọng, nó “qui định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay
suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…” [26, tr.134] và nếu “thiếu một giọng
điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài
liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật” [26, tr.134].
Bên cạnh đó, những yếu tố khác cũng bị chi phối bởi giọng điệu: “Đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định, trong phạm vi của một thái độ cảm xúc nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu
chủ yếu vốn là đặc trưng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống
nhất hoàn chỉnh” [41, tr.167].
Do đó, có thể nói giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên phong cách riêng của nhà văn. Tất cả các nhà văn tầm cỡ thế giới đều coi trọng giọng điệu riêng thể hiện trong tác phẩm:“Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của chính mình, là cái giọng riêng của chính mình
mà không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kỳ một người nào khác” (Ivan
Turgenev), “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả… Nếu anh không có giọng riêng, anh khó trở thành nhà văn thực
thụ” (Chekhov) hoặc “Không có tiếng nói riêng không mang lại những điều
mới mẻ cho văn chương mà chỉ biết dẫm theo đường mòn thì tác phẩm nghệ
thuật sẽ chết (Leonit Leonop)…
Như vậy, giọng điệu là phạm trù thẩm mĩ của tác phẩm văn học. “Giọng
điệu thường đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở một giọng điệu cơ bản chủ
đạo chứ không đơn điệu” [26, tr.135]. Một nhà văn thể hiện nhiều giọng điệu
của mình trong tác phẩm văn học chứ không nhất thiết cố định vài kiểu. Một tác phẩm văn chương cũng có thể pha trộn nhiều giọng điệu chứ không phải chỉ thể hiện một giọng duy nhất. Sự kết hợp ấy tạo thành “giọng điệu đa thanh” tức là “có nhiều giọng điệu trong phát ngôn của nhà văn hoặc của
nhân vật” [80]. Việc phân chia các kiểu giọng điệu ở đây mang tính tương
đối, căn cứ vào tính chất chủ đạo, nổi trội của chúng trong tác phẩm.
Truyện ngắn của Akutagawa nổi bật lên ba giọng điệu gồm hài hước- châm biếm, ám ảnh- hoài niệm và triết lí- u buồn. Trong đó, giọng điệu thứ ba là chủ đạo, bao trùm lên toàn bộ sáng tác của nhà văn.