Con người gắn với nhân phẩm

Một phần của tài liệu quan hệ về con người trong sáng tác của nguyễn huy thiệp (Trang 47 - 55)

7. Bố cục của luận văn

2.2 Con người gắn với nhân phẩm

Nguyễn Huy Thiệp nhìn thẳng vào sự thật, viết về cái hôm nay ngổn ngang bề bộn, màu đỏ với màu đen đầy rẫy những biến động bất ngờ với rất nhiều những con người bẩn thỉu, ti tiện, cái xấu, cái ác trong một mảnh đất khô cằn ngột ngạt, tù đọng. Nói như một nhân vật trong truyện ngắn Chảy đi

sông ơi: “Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường”. Con người bị ném vào cuộc đời rồi bị biết bao tai biến, biết bao “tha nhân” ràng buộc như không một lối thoát. Nhưng con người đã được đánh thức bởi những bản năng để tự mở đường ra đi và dũng cảm nhận lấy trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Ở những con người phàm tục ấy bị tha hóa bởi bao nhiêu lực lượng xã hội xa lạ với mình và dường như không tránh né được, vẫn le lói một tình thương. Họ thầm lặng đi tới cái tốt và cũng là cái đẹp.

Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Nhà văn không thể cứu được mọi người, nhưng có thể giúp họ giảm nhẹ được khổ, dù là ít ỏi”. “Thương người như thể thương thân, Nguyễn Trải đã nói vậy. Không có tình thương nền tảng xã hội sẽ tan biến” [39, tr.500]. Khi mà nhà văn thường xuyên suy tư về đời sống, về sống chết, vinh nhục, ngay thẳng, đểu giả... thì trái tim nhà văn làm sao có thể là một trái tim thờ ơ? Đúng là Nguyễn Huy Thiệp có lối viết về cái ác nhưng không phải để hả hê, mà là xót xa. Tự trong thẳm sâu ông hy vọng vì ông biết tuyệt vọng: “Đến bao giờ, hỏi đến bao giờ, mặt đất này xuất hiện tiến bộ” (Vàng lửa). Cho nên, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không phải chỉ có cái ác, cái xấu, cái ti tiện, sự vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha nhếch nhác của con người, sự bơ vơ lạc loài của cái đẹp, mảnh đời nhiều cay đắng

khốn cùng, bệ rạc vì tiền nong, vì mong muốn trục lợi. Bức tranh nhân thế trong tác phẩm của ông không chỉ toàn màu đen. Nhà văn còn phát hiện ra những nhân cách rất đẹp, những tâm hồn thánh thiện và sáng trong như suối tự nguồn. Trong bức màn tối, ông nhìn thấy và chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kì diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trên thế giới, cải tạo và làm trong sáng cuộc sống con người.

Vẻ đẹp của thiên lương con người trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp hầu như tập trung ở hai kiểu người: nhân vật thiểu năng và nhân vật nữ. Người thiểu năng là người không bình thường, khuyết tật về thể chất hay hạn chế về trí tuệ. Người đời xưa nay vẫn nhìn kiểu người này bằng cặp mắt hoặc thương hại hoặc khinh khi. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, đối với bọn “dốt nát có học” hay “bọn Nho giả tập tọng văn chương” ông tỏ ra coi thường nhưng lại dành cho những người không may này một sự cảm thông vô hạn. Quan trọng hơn, ông nhìn thấy ở họ vẻ đẹp sáng ngời của nhân cách con người.

Cô Lài trong truyện Tướng về hưu dù gàn dở, ngờ nghệch nhưng tình cảm đối với mọi người, hành động trong cuộc sống lại hết sức trong sáng và chân thực. Trong thế giới đầy những toan tính lạnh lùng và cô đơn của gia đình ông tướng Thuấn chỉ có cô là người biết yêu thương người khác đúng nghĩa vì cô không ranh khôn mà lại cả tin, lúc nào cũng siêng năng làm việc và cười nói vui vẻ. Sau đám tang của bà cụ Thuần, “đến tối, cô Lài tắm giặt, mặc quần áo mới ra hương án khóc: “Bà ơi, cháu xin lỗi bà, cháu không đưa

bà ra đồng…Hôm trước bà thèm canh cua, cháu ngại làm, bà chẳng được

ăn…Bây giờ đi chợ, cháu biết mua quà cho ai?”, “Cháu ở nhà thì bà có chết không bà?” Điều đó đã làm cho Thuần thấy lòng đắng ngắt, ân hận vì mấy chục năm nay chưa lần nào mua cho mẹ chiếc bánh hay là gói kẹo. Những

giọt nước mắt của cô Lài là những giọt nước mắt xót thương tận đáy lòng, nụ cười, sự bẽn lẽn của cô là thật. Có lẽ vậy mà trong mắt những người trong truyện, cô là người gàn dở, ngờ nghệch? Xây dựng con người như cô Lài, Nguyễn Huy Thiệp muốn mở ra niềm tin mãnh liệt rằng cuộc đời dẫu còn nhiều đắng cay, ngang trái nhưng không phải là không thể cải tạo được. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn để cho ông tướng Thuấn nói với cô Lài như một lời dặn dò lúc quay lại đơn vị cũ “Con ơi con, con không hiểu rằng cả tin là sức mạnh để sống hả con?”.

Trong thế giới Không có vua của gia đình lão Kiền, giữa lúc mọi giá trị bị lật nhào, mọi tôn ti sụp đổ, người ta nhìn thấy ở bé Tốn – đứa trẻ thiểu năng có một tâm hồn thánh thiện. Tốn “bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị

dạng”. Khi được Khiêm giải phóng khỏi buồng cạnh nhà xí, Tốn “chân tay

mặt mũi đen nhẻm nhe răng cười” rồi “lết đôi chân què đi lên nhà”, bị coi dị

dạng vô tích sự trong gia đình. Người ta quen với hành động cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác của Tốn là xách xô nước đi lau nhà. Nhưng phải chăng ở nhân vật này lại tồn tại nguyên sơ tất cả bản năng thiện của loài người khi loài người chưa được “văn minh hóa”. Tốn “không chịu được bẩn”, “hay giúp đỡ Sinh, nó cư xử với Sinh bằng lòng tốt vô bờ bến”. Những ý thích nhỏ nhặt của cô, nó thực hiện với lòng tận tụy cầm thú. Nửa đêm, nếu Sinh buột miệng “có ô mai thì thích” là sẽ có ngay ô mai”, làm cho Sinh an ủi được phần nào trong gia đình đốn mạt đó. Lúc nào Tốn cũng lau sàn. Khi bốn ông anh biểu quyết để bố chết thì Tốn bật khóc hu hu. Và khi bệnh tình bố ngày càng nặng hơn, Tốn không lau nhà nữa mà “suốt ngày ngồi thu mình trong cái buồng vẫn để than củi cạnh nhà xí”. Đặt Tốn cạnh hai ông anh cử

nhân Đoài và Khảm, ta thấy nổi bật lên nhân cách của Tốn. Và nữa, lão Kiền, một người cha lúc nào cũng cau có, luôn gây chuyện và chửi con những lời thậm tệ nhưng khi tắt thở, trên môi lão “thấp thoáng nụ cười, trông rất hiền

lành, trung hậu”. Phải chăng, chỉ khi con người chết đi họ lại trở về với bản

tính ban đầu khi sinh ra.

Có thể nói rằng trong hiện thực sẫm màu của cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp vẫn cố gắng tìm và chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kì diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trong cuộc sống, cải tạo và làm cho cuộc sống trong sạch hơn. Con người thiên tính ấy vẫn luôn xuất hiện trong hầu hết tác phẩm viết sau Tướng về hưu.

Dường như trong tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Thiệp dành tình cảm đặc biệt cho những nhân vật nữ. Trừ nhân vật Thủy trong “Tướng về

hưu” còn lại phần lớn những nhân vật nữ khác đều nhân hậu và cao thượng. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến gọi đó “nguyên tắc tính nữ hoặc thiên tính nữ” [39, tr.16]. Nguyên tắc tính nữ là tinh thần của cái đẹp, là tinh thần vị tha và đức hy sinh. Nó phong phú và bao la như tâm hồn của người phụ nữ. Nó tỏa một ánh sáng dịu dàng, huyền dịu trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là nàng Bua, nàng Sinh, là chị Thắm, con gái Thủy Thần, là Xuân Hương, là bé Thu, là chị Sinh và người thiếu phụ chèo đò ở bến Tầm Xuân.

Vẻ đẹp của những người phụ nữ này là những con người có tấm lòng cao thượng. Đó là tấm lòng bao dung sẵn sàng mở ra thông cảm với mọi người, kể cả kẻ ác. Chị Thắm trong Chảy đi sông ơi làm nghề chèo đò trên sông là người phụ nữ ít học nhưng đôn hậu, dịu dàng, rất thấu hiểu ý nghĩa của cuộc đời, có những hành động hết sức cao thượng. Khác hẳn với những con người ngu muội, bất chấp với tục lệ ở làng chài “không cứu người chết đuối”, chị đã giành lại sự sống cho những con người mà thuỷ thần muốn cướp

đi, cứu không biết bao nhiêu con người trên khúc sông. Lời nói và việc làm của chị chứa chan tình yêu thương, xúc động lòng người. Chị cũng đã đưa linh hồn nhân vật “tôi” thoát ra khỏi sự oán hận với người dân chài ngu muội.

Khi nghe chú bé trách bọn đánh cá đêm độc ác, ta nghĩ rằng chị sẽ đồng tình với nhân vật tôi, thậm chí còn hơn thế, vì chị hiểu rõ con người sống trong vùng sông nước nghèo khó này. Song người đọc thật bất ngờ trước câu trả lời của chị: “Đừng trách họ thế…Có ai thương họ đâu...Họ đói và ngu muội

lắm”. Một câu nói giản dị nhưng hé lộ bao nhiêu điều nhân bản. Chị không trách những người dân chài mà còn hết sức cảm thông với họ bởi chị hiểu: họ là những con người thiếu tình thương, cái đói, cái ác nảy sinh trong lòng họ từ cái nghèo, tăm tối. Đó là tấm lòng bao dung hào phóng với tất cả mọi người. Mẹ Cả trong truyện Con gái thủy thầntrở thành biểu tượng cho sự phù hộ bất ngờ, hiện thân cho sự trong sáng vô tư đến cứu giải con người đang bị nước đe dọa. Cũng như chị Thắm, Mẹ Cả không chỉ cứu vớt sinh mạng con người. Mẹ Cả hóa phép thành con rái cá ra sức đào bới cứu hai cha con ông Hội bên Đoài Hạ đang bị vùi lấp trong cát. Lần khác, Mẹ Cả ngồi trên mặt trống đánh thùng thùng làm sấm tan, mưa tạnh, rồi ôm trống lặn xuống đáy sông, đã làm nguôi cơn giận của thần sông với những người muốn mang chiếc trống thiêng đi. Thế là Mẹ Cả cứu được những người ở Phòng Văn hoá huyện. Mẹ Cả còn là sức mạnh nâng đỡ linh hồn con người, giúp nó khỏi sa ngã giữa chốn nhân gian lầm bụi: “Tôi đã sống qua rất nhiều lẽ thường…ánh mắt vô hình vẫn dõi theo tôi hoài. Nàng vẫn thủ thỉ trong đêm. Nàng nói: Này Chương, vẫn không phải đường ra biển” (Con gái thủy thần). Nàng Bua trong truyện cùng tên sống với chín đứa con và nàng không biết đích xác đứa nào là con của ai. Những đứa con không có bố sinh ra tự nàng lo liệu lấy chúng. Điều đó làm đám đàn ông trong bản rất hài lòng. Nhưng đám đàn bà không thích, thốt lên những lời khinh rẻ qua cửa răng và gọi nàng là “đồ quỷ cái”. Thậm chí, họ họp lại và còn đòi đuổi nàng ra khỏi bản. Nhưng trong một lần cùng các con vào rừng đào củ mài, nàng được hủ vàng và trở nên giàu có. Lúc này các bà vợ lại giục chồng đi nhận con. “Tuy nhiên, Bua không thừa nhận trong những

người đàn ông ấy là bố của những đứa trẻ. Họ đến và ai cũng được một món quà tặng làm vui lòng các bà vợ nền nếp của mình”. Đó là thiên tính làm mẹ, tình cảm hồn nhiên muốn đùm bọc, che chở, cứu giúp của bé Thu trong Tâm hồn mẹ. Thu chỉ mới bảy tuổi nhưng luôn giải nguy cho người bạn học cùng lớp – Đăng - như một người mẹ lo lắng cho con. Trong những hoàn cảnh khắc nghiệt bao giờ bé Thu cũng tìm ra được cái gì cho người bạn mà mình che chở. Thu đã cứu Đăng ra khỏi đoàn tàu đề rồi cuối cùng chịu tai nạn thảm khốc. Hành động của Thu tuyệt nhiên theo bản năng không có sự toan tính mà là do Thu có “tâm hồn mẹ”.

Nhân cách cao đẹp của con người có thể cứu rỗi thế giới. Đọc“Không có vua” ai không ngán ngẩm cho cái bệ rạc, đen tối của gia đình lão Kiền. Nhưng một phút nào đó, hãy lắng lòng lại để nghe Sinh nói cảm tưởng về cảnh ngộ của gia đình nhà chồng: “Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa

chua xót nhưng thương lắm”, đã làm cho con người trở thành người hơn. Ba chữ “nhưng thương lắm”thổi vào mảnh đất cằn cỗi nhà lão Kiền làn gió mát rượi của sự yêu thương.

Trong truyện thứ hai và ba của Chút thoáng Xuân Hương, nhân vật Xuân Hương là một người phụ nữ nhưng vì bà quá mạnh mẽ, sống có dũng khí, luôn đứng cao hơn cõi đời trần tục, nên cả Tổng Cóc, cả ông Phủ, cả ấm Huy, cả tri huyện Thặng đều nhìn bà với cái nhìn ngưỡng mộ, nể phục. Đối với Tổng Cóc, “bà luôn thất bại trong cuộc đời” nhưng “vẫn thăng bằng”,

“vẫn không có cảm giác thua cuộc”. Cho nên Tổng Cóc luôn “ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”. “Vẻ đẹp nhân tính ở nhân vật Xuân Hương là hiện thân của những gì quá cao lớn, tác giả không sao diễn đạt được bèn gọi là CON NGƯỜI (hai chữ con người viết hoa)” [39, tr.17].

Ở truyện thứ ba của Chút thoáng Xuân Hương, người thanh niên trẻ tuổi đi trên chiếc đò đã có cử chỉ sàm sỡ với một thiếu phụ chèo đò. Trước sự

phản ứng giận giữ của chị, anh ta đỏ mặt, lúng túng, “mắt nhìn vào đôi bàn tay như thể nhận ra ở đấy một vật quái dị ở đâu gắn vào” và xin lỗi. Đến lúc người thiếu phụ nói với anh: “Thôi đi….đàn ông các anh ai mà chẳng thế! Anh giúp tôi mấy bao ngô rồi đòi trả ơn….Đàn ông các anh thế hết”. Thì anh ta “thấy cổ mình đắng ngắt”, “một nỗi tê tái lan truyền cơ thể”. Đó là sự đỏ mặt, đắng ngắt của nhân phẩm khi nhận biết hành động sai trái của chính mình.

Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác không hề đơn giản bởi vì mầm ác nằm ngay trong lòng mỗi người, “ma quỷ nằm ngay trong lòng ta” [39, tr.124]. Người ta làm điều ác dễ dàng bởi điều ác chính là một phần cuộc sống của họ. Vấn đề là họ có nhận ra mình đang làm điều ác hay không, bởi vì như Biêlinski đã nói: “Người cao thượng không phải là người không bao

giờ đê tiện. Người cao thượng là người biết mình có những lúc đê tiện” [39, tr.124]. Nhận thức được cái ác có nghĩa là chiến thắng được cái ác. Truyện

Muối của rừng, chính là bài ca trữ tình ca ngợi cho sức mạnh kì diệu của thiên lương. Tâm trạng ông Diểu, từ khi nảy ra ý định vào rừng săn thú cho tới khi cay đắng hiểu ra rằng “hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng mỗi sinh vật quả thật nặng nề” và “buồn tê tái đến tận đáy lòng” đã qua cả một quảng đường dài trong sự thức tỉnh của lương tâm con người trước cái đẹp. Và khi đó, ông đã gặp hoa tử huyền, biểu tượng của hạnh phúc của cái Thiện. “Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ may mắn. Người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”. Con người ra đi với ý định hủy hoại cuộc sống, hủy hoại thiên nhiên, khi trở về như nhập vào lòng thiên nhiên, vào lòng cuộc sống: “mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông đã nhạt vào màn mưa”.

Con người biết kinh hoàng trước cái bất nhân thì trong tâm cũng đã có lý tưởng nhân từ. Phát hoảng trước hiện tình là phản xạ tất yếu, miễn đừng rối trí là được.“Khi cái ác được viết ra, tức là có điều kiện đẩy lùi nó. Mỗi lần nghệ thuật chiến thắng là một lần cái thiện chiến thắng” [39, tr.409]. Có thể nói, những tấm lòng cao thượng, những nhân cách cao đẹp trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mở ra niềm tin mãnh liệt rằng cuộc đời dẫu còn nhiều đắng cay ngang trái nhưng có thể cải tạo được. Những gì có thể giúp con người vượt lên trên cái vô nghĩa của cuộc sống và sự trống rỗng của tâm hồn?

Một phần của tài liệu quan hệ về con người trong sáng tác của nguyễn huy thiệp (Trang 47 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)