Anh xúc tiến kế hoạch hỗ trợ Pháp quay lại Đông Dương

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 72 - 75)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.3. Anh xúc tiến kế hoạch hỗ trợ Pháp quay lại Đông Dương

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, về mặt đối ngoại, thế và lực của nước Pháp bị suy yếu nghiêm trọng, khiến cho vị trí của nước Pháp bị sa sút rõ rệt trên trường quốc tế. Còn ở trong nước, chính phủ của de Gaulle cũng phải đối mặt với những khó khăn và hậu quả chiến tranh nặng nề. Nhưng ngay sau khi lên nắm chính quyền, chính phủ De Gaulle vội vàng phái quân viễn chinh sang Đông Dương để “khôi phục” lại thuộc địa cũ của mình.

Mưu đồ tái thiết lập sự thống trị của Pháp ở Đông Dương đã có từ rất sớm. Mặc dù là một nước bị phát xít Đức chiếm đóng từ tháng 6.1940 nhưng ở nước ngoài, tướng De Gaulle - người đứng đầu Uỷ ban Giải phóng nước Pháp luôn tuyên bố sẽ khôi phục toàn bộ lãnh thổ Pháp cùng các thuộc địa của Pháp và đã ráo riết cho xúc tiến việc tái lập lại quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương. Ngày 8.12.1943, De Gaulle ra một bản tuyên bố về chính sách của Nước Pháp tự do đối với Đông Dương, khẳng định quyết tâm của Pháp sẽ “giải phóng” Đông Dương và bảo vệ những quyền lợi của Pháp ở khu vực này. Với tuyên bố này, thực dân Pháp không chỉ nhằm giành lại một thuộc địa giàu có mà chúng buộc phải chia sẻ với phát xít Nhật từ tháng 9.1940, mà còn nhằm bảo vệ hệ thống thuộc địa rộng lớn của chúng đã bị lung lay và có nguy cơ tan rã khi nước Việt Nam giành được độc lập.

Được sự giúp đỡ của Anh, De Gaulle cho tổ chức Phân đội Pháp nằm trong Lực lượng đặc biệt 136 của Bộ chỉ huy Đông Nam Á của Anh để hoạt động tình báo, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho quân đội Pháp trở lại Đông Dương. Đồng thời, De Gaulle cũng cho thực hiện việc bắt liên lạc với lực lượng Pháp kháng chiến ở Đông Dương để tránh cho Pháp khỏi bị gạt ra rìa, tụt hậu, khỏi lỡ thời cơ may mắn khi quân đồng minh đổ bộ vào Đông Dương.

Sang đầu năm 1945 khi thấy Đông Dương có nguy cơ rơi hoàn toàn vào tay Nhật, Jean Sainteny được điều trở lại Đông Dương phụ trách phái đoàn 5 (Mission 5). Nhiệm vụ của Jean Sainteny là chỉ huy các nhóm quân Pháp kháng chiến đang hoạt động lẻ tẻ ở dọc biên giới Việt - Trung, vùng Thượng Lào, vùng biển Đông Bắc Việt Nam (Quảng Ninh) để thu thập tin tức về hoạt động của quân đội Nhật ở Đông Dương và theo dõi tình hình phát triển của phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này, nhất là ở Bắc Kỳ và Lào để giúp de Gaulle chuẩn bị kế hoạch tái chiếm Đông Dương.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945) De Gaulle xúc tiến ráo riết về chính trị, quân sự cho việc trở lại của Pháp ở Đông Dương. Với sự giúp đỡ của quân Anh, ngày 24.8.1945 Leclerc cùng Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra một kế hoạch trở lại Đông Dương. Kế hoạch này đã được Ủy ban Đông Dương thông qua với các nội dung: Dựa vào sự có mặt của quân đội Anh để xâm chiếm từ nam vĩ tuyến 16; Thả dù các nhân viên dân sự và lực lượng quân sự xuống vùng quân Tưởng kiểm soát ở miền Bắc Việt Nam; Duy trì và xác nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương; Từng bước giành lại những vùng do quân Tưởng kiểm soát. Như vậy, cho đến tháng 8.1945 âm mưu và hành động nhằm tái lập nền thống trị của Pháp đã được chuẩn bị kỹ càng và đầy đủ, bất chấp cuộc Cách mạng tháng Tám đã bùng nổ và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2.9.1945.

Thậm chí, một tuần sau ngày nhân dân thủ đô Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền (19.8.1945), tướng De Gaulle gửi sang Đông Dương một bức điện vừa đầy vẻ trịch thượng, bề trên, vừa sặc mùi thực dân và lừa bịp: Mẫu quốc gửi đến những người con trong liên bang Đông Dương niềm hân hoan và lòng biết ơn... Những người con Đông Dương đã tỏ ra xứng đáng với một thực thể quốc gia rộng rãi hơn và tự do hơn, do thái độ của họ trước đây đối với quân thù, do lòng trung thành của họ đối với nước Pháp!...nước Pháp tuyên bố sẵn sàng thực hiện những điều cam kết, vì lợi ích to lớn của mọi người...[50]

Trong âm mưu và hành động chuẩn bị của Pháp có sự ủng hộ tích cực của Anh - một đế quốc có nhiều thuộc địa nhất. Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan ở Đông Nam Á và Nam Á bị Nhật chiếm đóng. Vì vậy, Anh chủ trương giữ nguyên trạng như trước chiến tranh

(status quo ante bellum): Sau khi thắng Nhật, thuộc địa của đế quốc nào phải

được trả lại cho đế quốc ấy. Thủ tướng Anh Churchill luôn chống lại và phản đối kịch liệt chế độ ủy trị quốc tế do Roosevelt đề xướng vì lo ngại rằng hình thức này sẽ được áp dụng ở các thuộc địa của Anh và không muốn Hoa Kỳ tranh giành quyền lợi và gây ảnh hưởng ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Đông Dương, một vùng nằm trong ảnh hưởng truyền thống của Pháp và Anh. Mặt khác, việc Anh tích cực giúp Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương còn nhằm mục đích góp phần dập tắt phong trào đòi độc lập ở đây vì sợ rằng phong trào đó sẽ ảnh hưởng đến các thuộc địa của Anh ở Đông Nam Á.

Với các mục đích trên, Anh từng bước giúp Pháp trở lại Đông Dương bằng cách giúp Pháp trang bị cho các đơn vị quân đội Pháp để đưa sang Viễn đông, cho đặt Phái bộ quân sự và tình báo Pháp nằm trong Bộ chỉ huy Đông Nam Á của Anh, luôn ủng hộ và bênh vực lập trường của Pháp về vấn đề thuộc địa trong các Hội nghị quốc tế... Ngày 24.8.1945 Anh ký với Pháp một thỏa hiệp

về nguyên tắc và cách thức khôi phục lại chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Tiếp đó ngày 9.10.1945 Anh lại ký với Pháp hiệp định quy định về “quyền hành chính” của Pháp ở Việt Nam, bất chấp chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và ngày 1.1.1946, Anh ký tiếp với Pháp hiệp định “Nhường quyền tiếp phòng” cho Pháp ở vùng Nam Đông Dương [50]. Có thể nói, khác với Mỹ và Tưởng, thực dân Anh chính là kẻ mở đường cho những hành động vũ lực của Pháp nhằm tái chiếm Việt Nam ngay sau cách mạng tháng Tám.

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)