Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối với Đông Dương

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 67 - 72)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.2 Chính phủ Hoa Kỳ thay đổi chính sách đối với Đông Dương

Khi chính thức tham chiến, Hoa Kỳ lo ngại sau khi quân đồng minh chiến thắng, nếu các cường quốc thuộc địa chiếm lại thuộc địa cũ thì khó mà bắt họ thực thi nghiêm chỉnh chính sách giải tán thuộc địa. Vì thế từ đầu năm 1943, Hoa Kỳ chủ trương phải đặt ngay các thuộc địa cũ của Anh, Pháp, Hà Lan… dưới hình thức ủy trị quốc tế sau khi giành lại từ tay phát xít, rồi sau một thời gian thích hợp chuẩn bị các điều kiện tự lực sẽ đi tới độc lập hoàn toàn.

Công thức của Roosevelt dự định cho Đông Dương là chế độ ủy trị quốc tế phỏng theo chế độ ủy trị của Hội Quốc liên trước kia [13, tr 33]. Ý tưởng này đã luôn luôn tồn tại trong suy nghĩ của Roosevelt. Sẽ có vài nước tham gia chế độ uỷ trị, nhưng Tổng thống Roosevelt muốn “Mỹ giữ vai trò trung tâm trong tương lai của nước Việt nam thời hậu chiến” [18, tr 55]. Tuy nhiên, trong bối cảnh Hoa Kỳ vừa phải đối phó với nhiều kẻ thù nên phải tìm một đồng minh để giữ vai trò thứ hai sau mình. Và đồng minh mà Hoa Kỳ tin tưởng lúc bấy giờ là Trung Hoa dân quốc. Điều đó lí giải vì sao, Hoa Kỳ trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai đã giúp đỡ, viện trợ cho Trung Hoa dân quốc. Tại Cairo, Tổng thống Roosevelt đã bàn bạc với Tưởng Giới Thạch về việc đặt Đông Dương dưới sự ủy trị quốc tế. Tất nhiên, Tưởng Giới Thạch liền gật đầu đồng ý.

Nhà sử học Mỹ Walter LaFeber đã nói: “Kế hoạch của Roosevelt về giải pháp ủy trị cho Đông Dương đặt trên cơ sở Mỹ cho rằng Trung Hoa có thể thay Pháp làm một đại cường quốc ở Châu Á” [18, tr 55]. Lúc đầu, Tổng thống Roosevelt đã muốn đặt Đông Dương dưới sự cai trị của Hoa Kỳ và người bạn đồng minh của ông là Trung Hoa. Ông cho rằng Tưởng Giới Thạch là người có thể tin tưởng được. Hoa Kỳ muốn thực hiện chế độ “ủy trị quốc tế” nhằm phá vỡ thế độc quyền của thực dân Anh, Pháp ở các thuộc địa, dễ dàng gạt bỏ Pháp và Nhật ra khỏi Đông Dương, gây ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở khu vực này, trực tiếp nắm lấy Đông Dương khi có cơ hội. Và khi chưa có điều kiện can thiệp trực tiếp, Hoa Kỳ vẫn muốn thông qua Tưởng Giới thạch để nắm lấy Đông Dương. Tháng 11.1943, tại Hội nghị Tehran, trong khi gay gắt lên án Pháp về vấn đề Đông Dương thì Hoa Kỳ lại ra sức vận động để trao Đông Dương cho Tưởng một khi chế độ ủy trị quốc tế không được Anh chấp thuận. Trong khi, Tổng thống Roosevelt muốn thông qua Trung Hoa ân quốc để thực hiện ý đồ của mình thì Tưởng Giới Thạch cũng muốn dựa vào Hoa Kỳ để thực hiện tham vọng bành trướng, thôn tính Việt Nam. Sau đó, tại các Hội nghị, Hoa Kỳ đã công khai gợi ý giao cho Tưởng phụ trách chiến trường Đông Dương, cho nên Tưởng Giới Thạch càng xúc tiến mạnh mẽ việc chuẩn bị thực hiện tham vọng thay Pháp ở Việt Nam.

Mặc dù bị Chính phủ Anh và Pháp phản đối quyết liệt và ngay cả nhiều quan chức trong bộ máy chính quyền Hoa Kỳ không đồng tình, Tổng thống Roosevelt vẫn kiên trì quan điểm của mình. Sau Hội nghị Tehran, Thủ tướng Anh Churchill đã chỉ thị cho Lord Halifax đại sứ Anh tại Washington yêu cầu sự xác nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề này. Roosevelt đã trả lời dứt khoát: “Tôi đã gặp Halifax và đã nói thẳng rằng: đúng là hơn một năm nay, tôi có ý kiến là Đông Dương không thể trả lại cho Pháp nhưng có thể đặt dưới chế độ ủy trị quốc tế. Pháp đã cai trị gần một trăm năm và mọi thứ đều tồi tệ hơn so với

trước khi họ đến. Tôi không có lý do gì để tranh cãi với Bộ Ngoại giao Anh được. Chỉ có một lý do mà Anh chống lại việc quản trị quốc tế là vì Anh sợ ảnh hưởng đến thuộc địa của họ” [42, tr 32]. Tiếp đó, ngày 17.2.1944, khi trả lời những vấn đề do Bộ Ngoại giao nêu lên về thái độ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với các hoạt động quân sự của Pháp ở Đông Dương, Roosevelt đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ rằng, bất kỳ các đội quân nào của Pháp cũng sẽ không được sử dụng trong các kế hoạch tác chiến ở Đông Dương và nhấn mạnh rằng các hoạt động quân sự ở Đông Dương sẽ được quân Anh, Mỹ thực hiện và bước tiếp theo là sẽ lập một Ủy ban ủy trị quốc tế đối với các thuộc địa của Pháp[24, tr 98]

Thực tế, trong chính sách ngoại giao của mình, Roosevelt đã tìm cách để đạt được mục tiêu ngoại giao mà không trả những giá cần thiết. Vào giữa tháng 3.1945, Tổng thống có thể đã có một lập trường ôn hòa hơn nhưng không phải là đã hoàn toàn từ bỏ lý tưởng về quyền ủy tri [26, tr 31]. Tổng thống Roosevelt từng nhiều lần trì hoãn câu trả lời về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương, ông nói đó là vấn đề của thời hậu chiến. Bởi bản thân Roosevelt phải đối phó với sự chống đối từ nhiều phía, cả ở trong và ngoài nước, không chỉ sự chống đối kịch liệt từ chính phủ Anh mà còn do mâu thuẫn ngay trong nội bộ chính quyền Hoa Kỳ về chính sách thời hậu chiến.

Ngay từ tháng 2 năm 1943, Roosevelt đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bộ Ngoại giao đối với thái độ chống Pháp và chủ trương ủy trị quốc tế của mình. Đầu tiên, đó là mối lo ngại rằng sự sắp xếp ủy trị có thể can thiệp đến các căn cứ quân sự muốn giữ lại ở Thái Bình Dương sau chiến tranh. Một sự lo sợ rằng cuộc thảo luận về sự ủy trị sẽ dẫn đến tranh chấp lãnh thổ và bất đồng giữa các đồng minh trước việc hoàn thành mục tiêu chung là đánh bại Nhật Bản. Một số quan chức Hoa Kỳ coi trọng vị trí của Pháp trong chiến lược toàn cầu của

Hoa Kỳ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai nên đã không đồng ý chủ trương ủy trị quốc tế. Hoa Kỳ nên nhận ra lợi ích của mình trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước đồng minh. Phải tỉnh táo để nhận thức được rằng bất kỳ mối đe dọa cho an ninh của Hoa Kỳ trong tương lai sẽ đến từ cộng sản chứ không phải là tư tưởng chủ nghĩa đế quốc. Pháp sẽ là một thành phần quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ chống lại Liên Xô. De Gaulle đã cảnh báo rằng, Pháp đã thất vọng bởi chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương, có lẽ kết quả là Pháp chuyển về phía Liên Xô: “Nếu quần chúng ở đây thấy rằng các ông chống chúng tôi ở Đông Dương, thì đó sẽ là một sự cực kỳ bất mãn, và không ai biết là sự việc sẽ đưa tới đâu. Chúng tôi không muốn trở thành Cộng sản; chúng tôi không muốn rơi vào quỹ đạo của Liên Xô; nhưng chúng tôi hi vọng là các ông không đẩy chúng tôi vào đó.” [38, tr 364].

Ý kiến của phe ủng hộ Pháp được biểu hiện qua thái độ của William Langdon, tổng lãnh sự Mỹ tại Côn Minh, khi tiếp một phái đoàn Việt Minh vào tháng 09 năm 1944. Langdon xác nhận là Hoa Kỳ có quan tâm tới “tương lai chính trị và sự thăng tiến của các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” nhưng vì người An Nam là “công dân nước Pháp” nên không có lý do gì mà “nước Mỹ, trong khi bỏ bao nhiêu sinh mạng và tài sản để cứu giúp nước Pháp thoát khỏi vòng nô lệ nước Đức, lại đồng thời làm cho đế quốc Pháp bị sụp đổ.” Tháng 10, thủ tướng Anh Churchill tự ý giao cho Pháp một phần công tác của Bộ tư lệnh chiến trường Đông Nam Á (SEAC) mà không đợi sự chấp thuận của tổng thống Mỹ. Roosevelt đã đưa ra một chỉ thị thậm chí còn thẳng thắn hơn: “....Churchill và tôi đã không chính thức công nhận các nhiệm vụ quân sự của Pháp ở SEAC và thêm vào đó, tôi đã không thỏa thuận, xác định hoặc trái lại với Anh, Pháp hoặc Hà Lan để duy trì thuộc địa ở Viễn Đông của họ”[38, tr 362].

Cho nên, Tổng thổng Roosevelt buộc phải điều chỉnh chủ trương ủy trị quốc tế về Đông Dương, thông qua việc mở rộng thành phần tham gia, không chỉ có Hoa Kỳ và Trung Hoa. Đến Hội nghị Yalta vào tháng 2.1945, tuy chống lại ý đồ mời Pháp tham dự Hội nghị này nhưng khi đưa ra đề nghị thành lập Hội đồng ủy trị quốc tế ở Đông Dương, Roosevelt vẫn đề nghị có một đại diện của Pháp, một hoặc hai đại diện của Đông Dương, một đại diện Philippin, một đại diện Trung Quốc, một đại diện Liên Xô và một đại diện của Hoa Kỳ. Bằng việc đưa đại biểu của Pháp vào Hội đồng ủy trị, Hoa Kỳ hy vọng sẽ nhận được sự đồng ý của Anh. Tuy nhiên, sự nhân nhượng của tổng thống Roosevelt vẫn không có được sự ủng hộ của Anh “tất cả ý đồ của Roosevelt đều không dẫn tới một quyết định nào tại Hội nghị” [11, tr 13] do Anh kiên quyết chống lại chủ trương mang tính chất chống chủ nghĩa thực dân của Hoa Kỳ và “coi đó như là một ý định nhằm vào cả thuộc địa của Anh”.

Sau hội nghị Yalta, Roosevelt đã tóm tắt thái độ của đồng minh về kế hoạch ủy trị: Stalin thích ý kiến này. Trung Hoa cũng tán thành. Anh quốc không ưa vì sợ đế quốc của họ bị tan vỡ. Ngay từ trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, Hoa Kỳ đã nghĩ tới một trật tự thế giới nhằm phục vụ cho những lợi ích của nước Mỹ. Lúc này, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho rằng sự ổn định, phồn vinh và phục hồi vị thế của Pháp là rất quan trọng cho lợi ích của Hoa Kỳ trong thế đối đầu với Liên Xô. Để thoả hiệp với Anh và Pháp nhằm tập trung vào những vấn đề khác, từ đó trở đi Roosevelt không đặt lại vấn đề quản trị quốc tế đối với Đông Dương nữa. Cho đến trước khi chết (12.4.1945), Tổng thống Roosevelt vẫn không có một quyết định dứt khoát nào về vấn đề này. Trong mùa thu năm 1944, Roosevelt nhận một vài báo cáo nói rằng Anh, Pháp, Hà Lan đã đạt được ít nhất một hợp tác chính thức trong tái lập đế quốc của họ. Tuy nhiên. bất chấp những những báo cáo này, Roosevelt đã không nổ lực cho những kế hoạch trong tương lai của ông về ủy trị Đông Dương. Ông vẫn tiếp tục

tin rằng giải pháp chính trị cuối cùng có thể hoãn lại đến khi Đông Dương được giải phóng. Trong một bản ghi nhớ đến Stettinius vào ngày 1 tháng 1 năm 1945, Roosevelt đã bắt đầu một cách ngắn gọn: “Tôi vẫn không muỗn dính líu trong bất kì quyết định nào về Đông Dương. Đó là một vấn đề sau chiến tranh. Tương tự, tôi không muốn lẫn lộn bất cứ nổ lực quân sự nào đến giải phóng Đông Dương từ Nhật Bản” [38, tr 363].

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)