Hoa Kỳ đề nghị “trung lập hóa” Đông Dương

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 29 - 33)

7. Cấu trúc của đề tài

1.2.2.Hoa Kỳ đề nghị “trung lập hóa” Đông Dương

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Đông Dương là thuộc địa của Pháp và khi Nhật chưa đặt chân đến Đông Dương. Hoa Kỳ chưa xác lập vị thế của mình ở vùng đất này hay chưa có cơ hội chen chân vào Đông Dương, dòm ngó đến Việt Nam vì sự độc quyền của Pháp. Trong khoảng thời gian nước Pháp bị Đức tấn công, còn thuộc địa Đông Dương thì bị Nhật chiếm đóng, Hoa Kỳ tỏ ra lo ngại và đã quan tâm nhiều hơn đối với Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Lúc này, ý đồ của Mỹ được thể hiện như thế nào? Khi Nhật chiếm đóng Đông Dương nhưng chưa gây chiến tranh với Hoa Kỳ, dù là đồng minh nhưng Hoa Kỳ đã từ chối giúp Pháp và Tổng thống Roosevelt đã đặt vấn đề muốn “trung lập hóa” Đông Dương với Nhật.

Vào tháng 9.1940, chính phủ Pháp chấp nhận ký Hiệp ước dâng chủ quyền của mình ở Đông Dương cho Nhật và Nhật đem quân chiếm đóng toàn Đông Dương, làm bàn đạp tấn công Đông Nam Á. Điều này đã làm cho mâu thuẫn giữa Nhật và các cường quốc Âu – Mỹ trở nên gay gắt, bởi họ muốn giữ thuộc địa của mình ở khu vực Đông Nam Á nên sự có mặt của Nhật làm cho các

nước Đồng minh cảm thấy không hài lòng. Tuy vậy, Hoa Kỳ vẫn cố gắng né tránh một cuộc chiến tranh với Nhật bằng những cuộc đàm phán. Lúc này, chính phủ Hoa Kỳ đã ảo tưởng nghĩ rằng, bằng những cuộc đàm phán, Hoa Kỳ có thể phân chia quyền lợi với Nhật ở Đông Dương.

Từ tháng 3.1941, Đông Dương trở thành chủ đề chính trong nhiều cuộc nói chuyện giữa Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Cordell Hull và đại sứ Nhật Bản Nômura tại Washington. Việc quân đội Nhật vào Đông Dương và sự thoả hiệp của Pháp đã làm cho Tổng thống Roosevelt hết sức lo ngại vì điều đó đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Hoa Kỳ và tạo cho Nhật Bản một căn cứ để mở rộng xâm lược ra khắp Đông Nam Á. Với vị trí “đầu cầu” của Đông Nam Á, Việt Nam trở thành mục tiêu mà Nhật cần xâm chiếm nhất, đó là bước quan trọng trong chương trình của Nhật nhằm chinh phục Đông Nam Á [24, tr 79]. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng, việc chiếm Đông Dương của Nhật có thể là một bước tiếp theo quan trọng hơn nhằm nắm quyền kiểm soát vùng biển phía Nam, bao gồm các con đường thương mại cực kì quan trọng đối với Hoa Kỳ và để kiểm soát các sản phẩm chiến lược như cao su, thiếc, và nhiều sản phẩm khác. Và Đông Dương chưa phải là bước cuối cùng trong kế hoạch “Nam tiến” đầy tham vọng của Nhật.

Ngày 24.7.1941, Tổng thống Roosevelt đã đưa ra quan điểm của mình: “Không một cường quốc nào được tham gia bất cứ hành động quân sự nào để kiểm soát Đông Dương và cũng không chia sẻ cho nước Pháp tự do của De Gaulle”[47]. Tổng thống tuyên bố rằng Chính phủ Nhật phải ngưng không được chiếm đóng Đông Dương bằng quân đội và hải quân, hoặc nếu thực sự đã có những khởi sự được bắt đầu, nếu chính phủ Nhật ngưng và rút hết các lực lượng này, Tổng thống có thể đảm bảo với chính phủ Nhật rằng ông sẽ làm tất cả mọi thứ trong quyền hạn của mình để có được từ các chính phủ Trung Quốc, Anh,

Hà Lan, và tất nhiên cả chính Hoa Kỳ cùng ra một tuyên bố long trọng và có tính ràng buộc ký với Nhật cùng cam kết, coi Đông Dương là một quốc gia trung lập cùng một cách thức như nước Thụy Sĩ mà các cường quốc đã công nhận là quốc gia trung lập. Với hi vọng cùng chia sẻ quyền lợi ở Đông Dương với Nhật, tổng thống Hoa Kỳ đã đề xuất với phía Nhật thực hiện việc trung lập hóa Đông Dương bằng một Hiệp ước của tất cả các nước quan tâm (trừ Pháp). Nhật sẽ được đảm bảo quyền lợi được cung cấp nguyên liệu từ Đông Dương trên cơ sở cân bằng với các nước khác. Quan điểm này đã được Chính phủ Hoa Kỳ theo đuổi trong suốt cả năm 1941 và thậm chí Hoa Kỳ còn xúc tiến và hy vọng ký được một Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với nước phát xít Nhật.

Bất chấp những cố gắng của chính quyền Roosevelt, chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản vẫn nhảy theo những điệu nhạc khác nhau. Trong khi, Roosevelt cố ngăn chặn sự bành trướng của quân Nhật vào phần còn lại của Việt Nam và sự lan rộng hơn nữa của chiến tranh Thái Bình Dương bằng đề nghị trung lập hoá Đông Dương thuộc Pháp thì Nhật Bản đã bác bỏ đề nghị đó. Bởi nếu đồng ý với Tổng thống Roosevelt thì Nhật chấp nhận chia sẻ quyền lợi của mình, trước khi đánh chiếm Đông Dương, Nhật đã đưa ra “Thuyết đại Đông Á”. Tham vọng của Nhật là độc chiếm các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á và cả Australia, New Zeland, để biến các nước này thành thị trường hàng hóa của Nhật. Đồng thời đối với một nước đông dân, nghèo tài nguyên như Nhật thì rất cần khai thác nguyên liệu và sản phẩm. Trên thực tế, ngay cả bản thân Tổng thống Roosevelt cũng nhận thấy ít có hy vọng được Nhật chấp nhận, vì chấp nhận đề nghị đó có nghĩa là là Nhật phải nhân nhượng và chia sẻ quyền lợi mà Nhật vừa mới giành được từ tay Pháp. Điều này sẽ tạo ra trở ngại lớn trong việc sử dụng Đông Dương làm bàn đạp để tiếp tục thực hiện kế hoạch bành trướng - chìa khóa chiến lược cho toàn Đông Nam Á của Nhật.

Ngày 17.11.1941, cả Roosevelt lẫn Cordell Hull trực tiếp đến gặp Nomura để thuyết phục Nhật chấp nhận đề nghị trung lập hóa Đông Dương, nhưng thất bại. Tiếp tục, ngày 26.11, Hoa Kỳ đã trao cho Nhật một công hàm đề nghị triệu tập một hội nghị quốc tế gồm Mỹ, Nhật, Anh, Hà Lan, Trung Hoa và Thái Lan nhằm bảo đảm cho nền trung lập của Đông Dương, trong đó sáu nước có quyền ngang nhau trong việc trao đổi mua bán hàng hóa với Đông Dương. Như vậy, thực chất của chính sách “trung lập hóa Đông Dương” mà Mỹ đưa ra nhằm hạn chế, ngăn chặn đà xâm lược của Nhật đang tiến triển tại đây, chủ trương này đã đánh dấu sự thay đổi cách nhìn cũng như chính sách của Mỹ đối với vấn đề Đông Dương.

Đến cuối mùa hè năm 1941, quân Nhật tiến vào miền Nam Việt Nam. Đáp lại, Mỹ đóng băng các tài sản của Nhật. Tuy nhiên, việc này không cho thấy dự định nhằm “bảo vệ” Việt Nam hay thậm chí Trung Quốc trước Nhật Bản. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục các cuộc thảo luận với Tokyo với hy vọng trì hoãn, thậm chí có thể tránh một cuộc chiến tranh trên Thái Bình Dương. Như là một phần của nỗ lực để được Nhật đồng ý cho một hiệp ước không xâm lược, ngày 6.12, Hoa Kỳ vẫn hy vọng Nhật có thể thay đổi lập trường, Tổng thống Roosevelt đã gởi cho Nhật hoàng một thông điệp đề nghị Nhật rút khỏi Đông Dương, để cho Đông Dương được trung lập, hai nước Hoa Kỳ và Nhật đảm bảo không xâm lược lẫn nhau. Nhưng sự kiện ngày 7 tháng 12 năm 1941, khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng đã đẩy Hoa Kỳ đến chỗ không còn sự lựa chọn nào khác là phải nhảy vào vòng chiến chống lại liên minh ba nước Đức – Italia – Nhật[13, 30], đồng thời đặt vấn đề tương lai của Đông Dương vào một bối cảnh hoàn toàn khác những chiến lược của Hoa Kỳ trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

1.3. Anh hợp tác với Pháp nhằm duy trì quyền lực ở các thuộc địa Đông Nam Á

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 29 - 33)