Nhật đảo chính Pháp

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 61 - 67)

7. Cấu trúc của đề tài

3.1.1. Nhật đảo chính Pháp

Cho đến năm 1945, Đông Dương ở vào một tình trạng đặc biệt, Đông Dương là thuộc địa của một nước phương Tây mà khi Nhật chiếm đóng, chính quyền thuộc địa không bị người Nhật thay thế. Từ cuối năm 1940, chính quyền Pháp, sau khi thất trận ở châu Âu đã nhanh chóng đầu hàng Nhật và để Nhật mang quân vào chiếm đóng Đông Dương trước khi cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ vào cuối năm 1941 khi Nhật tấn công hạm đội Hoa Kỳ tại Trân Châu cảng.

Trong suốt thời gian chiến tranh đó, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã “tích cực” hợp tác với Nhật, không những về phương diện kinh tế, cung cấp lúa gạo và các nguyên liệu chiến lược cho Nhật mà cả về quân sự, để Nhật sử dụng các căn cứ quân sự tại Đông Dương bành trướng ra khắp vùng Đông Nam Á, đánh chiếm Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia. Từ năm 1940, Đông Dương, nhất là Việt Nam, đã trở thành một căn cứ hậu cần và tiếp tế quan trọng của Nhật Bản. Chính vì sự hợp tác của Pháp mà trong suốt thời gian này Nhật thấy không cần thiết phải lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương và thay thế bằng một chính quyền của mình. Trong những năm 1942 – 1943, Nhật không mấy lo ngại về Đông Dương. Bởi lực lượng Đồng minh còn cánh xa Việt Nam và mặc dù không hẳn thân mật nhưng quan hệ giữa Nhật - Pháp nhìn chung là tạm ổn. Mặc dù Nhật muốn giữ nguyên hiện trạng tại Đông Dương để quân đội rảnh tay tập trung vào giao chiến ở những nơi khác, nhưng vẫn tồn tại khả năng

thực dân Pháp đứng về phe Đồng Minh. Nếu điều đó xảy ra, quân Nhật sẽ buộc phải ngăn chặn những hành động thù địch ở Đông Dương. Và mối quan hệ Pháp - Nhật bắt đầu thay đổi khi chiến thắng của Đồng minh tại châu Âu tăng lên. Đến tháng 8 năm 1944, cuối cùng Paris được giải phóng. Trong khi người Pháp thể hiện vui mừng vì thủ đô của họ sạch bóng thù thì người Nhật càng tỏ ra cảnh giác hơn đối với thái độ của Pháp ở Đông Dương. Ngay từ đầu, việc Nhật tỏ ra “tôn trọng chủ quyền” của thực dân Pháp ở Đông Dương chỉ là một thủ đoạn để duy trì trật tự và đảm bảo sự hợp tác của thực dân Pháp. Vì Nhật biết rõ rằng thực dân Pháp bị buộc phải nhượng bộ, hợp tác do tình thế không còn sự lựa chọn nào khác. Khi tình hình thay đổi thì chắc chắn thái độ hợp tác của người Pháp sẽ thay đổi theo. Do vậy, Nhật luôn theo dõi các hoạt động của Pháp ở Đông Dương.

Chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng bắt đầu có ý đồ chống lại Nhật. Nhiều phái viên thuộc tổ chức “Nước Pháp Tự do” (Free French) của tướng De Gaulle được Anh bảo trợ đã bắt liên lạc với những sĩ quan Pháp tại các đồn biên giới với Trung Quốc để bí mật thành lập những tổ chức kháng chiến chống lại Nhật. Chẳng bao lâu một hệ thống tình báo đã được thành lập bên trong Đông Dương cung cấp các tin tức về hoạt động quân sự của Nhật cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đóng tại miền Nam Trung Quốc. Năm 1944, phong trào này đã gia tăng mạnh thêm khi Paris được giải phóng và chính quyền De Gaulle trở thành chính quyền chính thức của Pháp thay cho Vichy. Liên lạc trở nên thường xuyên giữa Cơ quan tình báo của quân đội Pháp tại Hà Nội và phái bộ Quân Sự Pháp của chính phủ De Gaulle tại Côn Minh. Chính các giới chức cao nhất trong chính quyền và quân đội Pháp tại Đông Dương lúc đó cũng bắt đầu tìm cách liên lạc với chính phủ De Gaulle và lo tổ chức những hoạt động để chống lại Nhật. Được những thắng lợi của Đồng minh cả ở châu Âu và khu vực Thái Bình Dương khích lệ, người Pháp ở Đông Dương đã dự đoán phe Trục sẽ thất bại

trong vòng vài tháng nữa; và đến đầu năm 1945, Pháp dần trở nên công khai hơn trong thái độ chống phe Trục. Nhà cầm quyền Nhật đã nhận thấy được điều đó và cảm thấy không hài lòng với người Pháp.

Tháng 10 năm 1944, quân đội Mỹ dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Mac Arthur đổ bộ xuống đảo Leyte của Philippines và đến tháng Giêng thì tiến đến Luzon và đánh vào Manila dẫn đến khả năng của một cuộc đổ bộ vào Đông Dương là chuyện rất có thể xảy ra. Đặc biệt, tháng Giêng năm 1945, máy bay của một hạm đội Mỹ ở ngoài khơi đột nhiên xuất hiện tại Sài Gòn và ném bom đánh đắm gần 20 chiếc tàu Nhật đang đậu tại cảng này khiến quân Nhật càng e ngại thêm rằng sau Philippines, Đông Dương có thể là mục tiêu mới của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Nhật biết rõ rằng trong trường hợp đổ bộ như vậy, quân đội Pháp tại Đông Dương sẽ trở cờ theo Đồng minh mà chống lại Nhật, không những qua những tin tức mà họ thu lượm được về các hoạt động ngầm của Pháp mà cả qua những chương trình phát thanh trong đó chính phủ De Gaulle luôn luôn tuyên bố ý định sẽ chiếm lại Đông Dương bằng vũ lực. Lúc này, Nhật không thể mạo hiểm có một kẻ thù ở sau lưng. Đề phòng Pháp có hành động như vậy là không thể tránh được. Pháp có lý do để trông chờ một cuộc đổ bộ của Đồng Minh vào Việt Nam.

Tháng 2 năm 1945, Wedemeyer tuyên bố rằng ông đã triển khai kế hoạch tiến vào Đông Dương. Cuộc tấn công đã không trở thành hiện thực vì chiến lược của Đồng minh quyết định từ Philippines tiến thẳng đến Okinawa mà không đổ bộ lên lục địa châu Á. Dẫu vậy, những đợt oanh kích bằng không quân và hải quân dữ dội đã khiến cho cả Nhật, Pháp và nhiều người khác ở Đông Dương lúc đó thật sự tin rằng một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh đang đến.

Tất cả những chuyện đó đã khiến cho Nhật quyết định đưa vào thực hiện chiến dịch gọi là “Meigo” (Minh Nguyệt) mà họ đã hoạch định sẵn trước để lật

đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương nhưng trong những khoảng thời gian khác nhau Tokyo đã quyết định để cho chính quyền Vichy của Pháp duy trì chế độ cai trị thuộc địa lâu hơn một chút. Một cuộc đảo chính nên được thực hiện chỉ khi tình hình đã làm cho nó hoàn toàn bắt buộc. Điều này tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức cho Nhật Bản [45, tr 4]. Và khi quân Nhật phát hiện ra sự phản bội của thực dân Pháp ở Đông Dương thì sự duy trì hợp tác để cùng cai trị Đông Dương đã không còn ý nghĩa, do đó Tổng hành dinh chiến tranh của Nhật ở Tokyo đã đi tới quyết định dùng đảo chính quân sự thủ tiêu chính quyền thực dân Pháp, tước vũ khí quân Pháp để trừ hậu họa và rãnh tay đối phó với quân Đồng minh.

Chế độ thực dân Pháp đã duy trì quyền kiểm soát ở Đông Dương trong suốt phần lớn cuộc chiến tranh Thái Bình Dương trong sự hợp tác với Nhật Bản. Không có cuộc đảo chính của Nhật vào ngày 9.3.1945, Pháp vẫn tiếp tục cai trị nơi này khi Nhật đầu hàng, không có “Cách mạng tháng Tám” diễn ra sau đó và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ không được thành lập [45, tr 2]. Thay vào đó, chính quyền thuộc địa Pháp sẽ tạm thời khẳng định chức năng của nó bởi De Gaulle. Chính người Nhật đã tách Đông Dương ra từ chế độ thực dân Pháp, nhưng sự giải phóng Đông Dương từ Pháp và đặt dưới một chế độ ủy trị quốc tế cũng là một trong những mục tiêu chiến tranh của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt. Ông đã nhiều lần bày tỏ trong chiến tranh với tuyên bố không ủng hộ chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, ông mong muốn thiết lập một chế độ ủy trị quốc tế để chuyển sang giai đoạn độc lập cho Đông Dương thuộc Pháp.

Sau sự kiện Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ đã tuyên chiến với Nhật, tham gia vào Chiến tranh thế giói thứ hai và đứng về phía đồng minh chống phát xít. Nhưng trước nguy cơ Nhật đảo chính Pháp, mặc dù là đồng minh với Pháp nhưng tổng thống Roosevelt đã từ chối hỗ trợ cho Pháp chống Nhật. Thiếu tá

Archimedes Patti đã ghi lại: “Trong những tuần lễ đầu tiếp sau cú 9.3, người Pháp đã phê phán mạnh mẽ việc Mỹ đáp ứng lại những yêu cầu giúp đỡ của họ. Họ đã xin tiếp tế đạn dược. Nhưng đạn dược của chúng ta không thích hợp với vũ khí của họ. Họ đã yêu cầu vũ khí thì vũ khí của chúng ta chỉ để dành riêng cho Trung Quốc. Họ đã yêu cầu chi viện đường không và mặc dầu điều đó không có trong kế hoạch của Đồng minh ở Trung Quốc. Đội Không quân thứ 14 đã tiếp tế nhiều hơn mức phải làm. Họ đã yêu cầu được vận chuyển đến Trùng Khánh bằng máy bay quân sự nhưng người Trung Quốc đã không cho phép”[26, tr 82]. Bởi Roosevelt có khả năng nhìn thấy kế hoạch của mình đối với Đông Dương được thể hiện rõ như thế nào trong cuộc chiến tranh chống Nhật. Nếu như Pháp cai trị Đông Dương, sẽ rất khó khăn để giải phóng thuộc địa từ Pháp. Nếu Đông Dương được cai trị hoàn toàn bởi Nhật Bản trước khi chiến tranh kết thúc, và sau đó được giải phóng bởi lực lượng Đồng minh, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có nhiều sức mạnh hơn ở Đông Dương. Một trong những mục tiêu chiến tranh của Tổng thống Roosevelt là thúc đẩy một dân tộc Trung Quốc mạnh mẽ. Nếu Nhật Bản chiếm Đông Dương, sau khi Mỹ ủng hộ các lực lượng Trung Quốc có thể tấn công người Nhật mà không bận tâm về thái độ của Pháp và Trung Quốc có thể nâng cao vị trí của họ trong khu vực sau chiến tranh [45, tr 7]. Cho nên Washington đã “lạnh lùng” từ chối trước lời kêu gọi của Pháp để chống Nhật ở Đông Dương, trong hồi kí của mình, tướng Chennault – tư lệnh Lực lượng không quân số 14 của Mỹ ở Trung Hoa đã viết: “Lệnh từ Tổng hành dinh chiến trường Trung Hoa nói rằng không được cung cấp vũ khí đạn dược cho quân Pháp trong bất kì trường hợp nào. Tôi được phép tiến hành hoạt động “bình thường” chống lại Nhật ở Đông Dương miễn là hành động ấy không dính dáng tới việc tiếp tế cho quân Pháp. Lệnh không được giúp đỡ người Pháp của tướng Wedemeyer được ban hành trực tiếp từ Bộ chiến tranh Mỹ” [18, tr 51]

Trước áp lực của Bộ Ngoại giao và thái độ phản đối của Anh đối với chính sách của Tổng thống Roosevelt, ông đã tuyên bố: "Tôi vẫn không muốn dính líu vào bất kỳ quyết định về Đông Dương, đó là một vấn đề sau chiến tranh. Vì lẽ đó, tôi cũng không muốn dính líu vào bất kỳ nỗ lực quân sự hướng tới giải phóng Đông Dương từ Nhật Bản ... từ cả quan điểm quân sự và dân sự, hành động vào thời điểm này là quá sớm” [45, tr 10]. Tại sao ông ấy không muốn dính líu trong bất kỳ nỗ lực quân sự để giải phóng Đông Dương. Người ta thường cho rằng vào thời điểm này, Roosevelt đã rút lui khỏi chính sách của ông về thúc đẩy hơn nữa vai trò củaTrung Quốc trong chiến tranh và sự phản đối của ông đối với sự cai trị của Pháp ở Đông Dương. Tuy nhiên, Roosevelt tích cực tìm kiếm những cách thức mới của việc thúc đẩy tăng cường Trung Quốc và ông đã nhìn thấy một kết nối giữa mục tiêu này và mong muốn của mình để giải phóng Đông Dương từ Pháp[45, 8]. Cho nên ý định “không dính líu” của Roosevelt có thể muốn chờ đợi và xem những gì xảy ra bên trong Đông Dương. Nếu Nhật tấn công và đánh bại quân đội thực dân Pháp, sau đó Đông Dương sẽ trở thành một lãnh thổ cai trị trực tiếp của đối phương. Như vậy, nó có thể được giải phóng bởi lực lượng Trung - Mỹ. Còn việc loại bỏ chế độ thực dân Pháp sau đó sẽ được để lại cho Nhật Bản.

Cho đến đầu năm 1945 sự mơ hồ trong chính sách của Mỹ về việc tiếp tục duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp vẫn chưa được giải quyết. Và có phải Tổng thống Roosevelt đã cố ý giành thế chủ động ở Đông Dương cho Nhật? Vì mục đích của Roosevelt là đặt Đông Dương dưới sự uỷ trị quốc tế nên phải kích động để Nhật thủ tiêu chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Câu hỏi liệu Roosevelt có cố ý giành “thế chủ động” cho Nhật hay không sẽ vẫn còn để ngỏ cho các phỏng đoán. Nhưng bất chấp ý định của Roosevelt, trên thực tế, những hành động của ông đã bật đèn xanh cho Nhật loại bỏ quyền lực của Pháp. Bởi nếu người Pháp bị đuổi ra khỏi Đông Dương bằng vũ lực thì vấn đề tách họ khỏi

thuộc địa sau chiến tranh mới dễ dàng hơn. Tổng thống Roosevelt mô tả ách thống trị của Pháp là “bòn rút” người dân Đông Dương, và ông tuyên bố nhân dân Đông Dương “có quyền được hưởng những gì tốt đẹp hơn thế”. Ông cảm thấy rằng thời của chủ nghĩa thực dân châu Âu đã hết và muốn giành được sự mến mộ trong các dân tộc châu Á bằng cách góp phần vào công cuộc giải phóng họ. Tổng thống Roosevelt đã nỗ lực thuyết phục các chỉ huy quân đội của đất nước mình rằng nên làm gì đó nhằm chấm dứt ách thống trị phản động của Pháp.

Một phần của tài liệu chính sách của các nước đồng minh hoa kỳ và anh đối với đông dương giai đoạn 1941 – 1946 (qua trường hợp việt nam) (Trang 61 - 67)