Chƣơng 2: NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH
2.4. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÁT NGHI LỄ HẦU THÁNH TỨ PHỦ
Thứ nhất, hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ là một thể loại âm nhạc tín ngưỡng. Nó khác với hát chầu văn tự do ở chỗ nó được nghi lễ quy định chặt chẽ về mặt làn điệu, nội dung và hình thức trình diễn. Nó phải phù hợp với nội dung, tính chất buổi lễ hoặc tính chất của vị thánh được thỉnh đến trong buổi lễ đó. Mặc dù là một thể loại âm nhạc nghi lễ, chầu văn cũng không mang nặng tính gò bó của nghi lễ, ngược lại nó chứa đựng tính hồn nhiên, đa dạng của âm nhạc dân gian. Phải chăng hình thức tín ngưỡng này đã biết tìm thấy trong những hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian những yếu tố hấp dẫn để lôi cuốn người nghe đến với tín ngưỡng? Hoặc giả tín ngưỡng này đã ra đời cùng với thể loại âm nhạc này trong một hình thức sinh hoạt văn hóa nào đó, và rồi trong quá trình phát triển, cả tín ngưỡng lẫn âm nhạc đều được hoàn thiện, nâng cao để có dạng thức như ngày nay. Tuy nhiên dẫu có thế nào tín ngưỡng Tứ phủ cũng đã mang trong nó những yếu tố dân gian. Đó phải chăng cũng là lí do khiến cho tín ngưỡng này mặc dù trải qua rất nhiều thăng trầm vẫn có một sức sống mạnh mẽ trong đời sống nhân dân?
Thứ hai, hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ là một thể loại âm nhạc được quy định khá chặt chẽ về mặt trình diễn, từ làn điệu, bài bản, đến phương thức trình diễn, trang phục cũng như có sự kết hợp giữa hát và múa với các giá trong đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa làn điệu hát với động tác múa, trang phục, đạo cụ của người múa (người hầu bóng). Mối quan hệ tổng thể đó khiến cho thể loại âm nhạc này trở thành một sinh hoạt nghệ thuật tổng hợp, trong đó yếu tố sân khấu kết hợp chặt chẽ với yếu tố thính phòng khiến hát chầu văn trở thành một hình thức sinh hoạt độc đáo có ma lực hấp dẫn đối với những người theo tín ngưỡng Tứ phủ.
Thứ ba, một trong những yếu tố sân khấu rất dễ nhận thấy ở hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ là sự xuất hiện của những nhân vật múa khác nhau, với những tính cách khác nhau. Với những nhân vật, những tính cách khác nhau ấy chầu văn cũng có những làn điệu thích hợp. Điều đó cho thấy sự phong phú, đa dạng của giai điệu hát chầu văn. Về phương diện này hát chầu văn rất gần gũi với các thể loại âm nhạc sân khấu truyền thống như chèo, trong đó âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa nhân vật.
Thứ tư, như đã nói ở trên hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ quy tụ trong nó khá nhiều yếu tố của các thể loại, hình thức dân ca, dân nhạc của các địa phương, các vùng thậm chí của các dân tộc khác nhau. Hội tụ rất nhiều yếu tố âm nhạc khác nhau, chầu văn vừa biểu hiện được những nét điển hình, tiêu biểu của mỗi loại hình âm nhạc, dân ca của mỗi vùng, mỗi dân tộc, vừa giữ được nét điển hình của chầu văn. Có thể nói các loại hình âm nhạc khác đã được chầu văn hóa. Đó cũng là nét độc đáo trong thẩm mĩ âm nhạc của các loại hình âm nhạc này.
Thứ năm, trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn của người Việt, múa là loại hình ít xuất hiện hơn cả trong những năm gần đây. Có lẽ hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ là một trong những hình thức âm nhạc hiếm hoi đã có sự kết hợp chặt chẽ với múa. Phải chăng, ở đây người ta đã gặp một hình thức sinh hoạt nghệ thuật cổ xưa của người Việt mà sau này đã bị mai một dần? Trong sinh hoạt nghệ thuật đó, âm nhạc và múa thường gắn bó với nhau trong những dịp tiến hành các nghi lễ cúng tế.