Khái quát về nghi lễ hầu thánh Tứ phủ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 39 - 43)

Chƣơng 2: NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH

2.1.2. Khái quát về nghi lễ hầu thánh Tứ phủ

Hầu thánh hay hầu đồng, hầu bóng, lên đồng là một thuật ngữ quen thuộc trong tín ngưỡng Tứ phủ. Đây là nghi thức quan trọng của tín ngưỡng Tứ phủ. Đồng là từ gốc Hán chỉ người con trai trên dưới 15 tuổi với tư chất trong trắng, ngây thơ để thần linh có thể nhập vào. Dần dần sau này người ta dùng các cô gái để thay thế các thiếu niên này. Lên đồng là hiện tượng thần linh ứng nhập vào thể xác đồng nhi đó để giáng trần.

Đây là hiện tượng nhập hồn nhiều lần của nhiều vị thần linh, trong đó mỗi lần vị thần linh nhập hồn rồi làm việc quan và xuất hồn được gọi là một giá đồng.

Thông thường người ta quan niệm có ba mươi sáu giá đồng ứng với các vị thần linh Tứ phủ thường giáng đồng . Ngoài ra còn có một số giá ít giáng đồng hơn nên cũng không có nhiều người biết đến.

Nghi lễ hầu thánh thường diễn ra vào nhiều dịp trong một năm vào những ngày lễ, ngày khánh tiết quan trọng của tín ngưỡng Tứ phủ như Thượng Nguyên, Nhập hạ, Tán hạ, Tất Niên…nhưng quan trọng nhất là vào dịp “tháng tám giỗ cha, thánh ba giỗ mẹ”.

Để tiến hành hầu thánh các chân đồng (ông đồng, bà đồng) phải chọn ngày lành mời các bạn đồng, con nhang đệ tử và những người có lòng tin vào thánh thần đến dự.

Các cuộc hầu thánh thường diễn ra ở các đền, miếu, phủ trước bệ thờ vọng các thánh Tứ phủ.

Trước khi làm lễ hầu thánh các chân đồng phải chuẩn bị trang phục hầu và các lễ vật dâng cúng. Việc chuẩn bị trang phục và lễ vật dâng cúng trong lễ hầu thánh cũng khá tốn kém thời gian và tiền của. Các loại trang phục phải phù hợp với vị thánh được hầu trong buổi lễ ngày hôm đó. Các lễ vật thì phong phú đa dạng gồm có các thứ rượu, trà, thuốc, hoa quả, bánh trái, trầu cau…đôi khi còn có cả các loại đồ chơi và đồ trang sức dùng trong các giá Cô và giá Cậu. Các thứ trang phục và lễ vật này phải chọn màu sắc sao cho phù hợp với các giá đồng thuộc về phủ nào trong Tứ phủ như màu đỏ là của Thiên phủ, màu xanh là của Nhạc phủ, màu trắng là của Thoải phủ còn màu vàng là của Địa phủ. Trong những thứ cần chuẩn bị thì khăn đỏ phủ diện là một thứ không thể thiếu được dùng chung cho tất cả các giá đồng.

Đối với những chân đồng đang có tang (trong vòng một năm), đang có chửa, có kinh hay nuôi con bú đều được coi là không sạch sẽ và không được phép tham dự nghi lễ hầu thánh. Trước buổi lễ các chân đồng phải ăn chay thậm chí nhịn ăn và làm các nghi thức tẩy uế để giữ cho mình thật sạch sẽ.

Trước khi hầu các chân đồng phải làm lễ cúng chúng sinh và lễ thánh. Đây là một nghi lễ quan trọng có mặt trong hầu hết các nghi lễ của tín ngưỡng Tứ phủ. Đồ cúng lễ gồm có vàng mã, hoa quả, cháo, bánh trái…Sau khi cúng xong người ta đốt

vàng mã cho chúng sinh và cho các thánh, đem rắc quanh đền sau đó mới có thể bắt đầu nghi lễ hầu thánh.

Giúp việc trực tiếp cho chân đồng trong nghi lễ hầu thánh là hầu dâng và cung văn. Hầu dâng là người giúp các chân đồng trong việc thay trang phục, thắp hương, dâng trà, dâng rượu và các vật dụng cần thiết trong nghi lễ hầu thánh. Cung văn là người chơi nhạc và hát chầu văn trong suốt thời gian tiến hành nghi lễ hầu thánh.

Theo trật tự thời gian có thể phân một buổi hầu thánh thành các bước: - Thánh giáng và thánh nhập

- Thay trang phục - Thắp hương làm phép - Múa đồng

- Ban lộc và nghe chầu văn - Thánh thăng

Có hai hình thức thánh giáng là giáng trùm khăn (hầu tráng mạn) và giáng mở khăn. Hầu hết các giá Thánh Mẫu đều hầu theo hình thức trùm khăn (không xuất hiện trực tiếp trước mặt mọi người). Các giá hầu mở khăn, tức thánh nhập thực sự và xuất hiện trước mặt mọi người là hình thức hầu dành cho hầu hết các thánh từ hàng Quan trở xuống. Tuy nhiên trong một buổi hầu thánh không phải ai cũng hầu tất cả các vị thánh mà chỉ hầu một số vị thánh nào đó mà người ta biết rõ về thần tích cũng như có vai trò phù trợ với người trần. Ngay trong số các vị thánh mà nhiều người thường hầu thì cũng tùy theo căn số cũng như sở thích của mỗi chân đồng mà họ đặc biệt thường xuyên hầu một hay một số vị thánh nhất định.

Cũng có một số trường hợp thánh không giáng hay đúng hơn là chân đồng không tự thôi miên được bản thân mình. Người ta thường phân biệt hai trường hợp trong nghi lễ nhập hồn này là thánh giáng và thánh nhập. Thánh nhập là bước thứ hai sau khi giáng. Bởi vậy cũng có trường hợp thánh chỉ giáng chứ không nhập. Trong trường hợp như vậy chân đồng sẽ dùng tay ra hiệu cho mọi người biết vị thánh nào vừa giáng rồi lại thăng ngay chứ không nhập hồn và họ lại làm nghi lễ cầu khấn vị thánh tiếp theo.

Khi thánh đã giáng và nhập đồng thì lúc đó chân đồng không còn là mình nữa mà họ là hiện thân của thần linh, những người xung quanh phải tỏ ra tôn kính, thưa gửi bằng những cung cách tôn kính nhất.

Khi thánh đã nhập chân đồng sẽ dùng tay ra hiệu (với thánh nam nhập thì ra hiệu bằng tay trái, với thánh nữ nhập thì ra hiệu bằng tay phải) sau đó tung khăn phủ diện. Lúc này người hầu dâng giúp chân đồng thay đổi lễ phục cho phù hợp với vị trí và phong cách của vị thánh đã nhập ấy. Mỗi vị thánh đều có một kiểu lễ phục riêng.

Sau khi thay đổi lễ phục chân đồng sẽ tiến hành lễ dâng hương. Đó là nghi thức không thể thiếu được trong bất cứ sự hiện diện của vị thánh nào. Chân đồng sẽ nhận một bó hương từ người hầu dâng sau dó rút một nén hương cầm trong tay phải giơ lên phía các nén hương khác làm động tác phù phép (khai quang) nhằm xua đuổi đi cái trần tục, ma quỷ làm trong sạch hương cho các vị Thánh. Sau khi khai quang chân đồng sẽ ném nén hương xuống đất hoặc đưa cho người hầu dâng rồi cầm bó hương tiến tới trước bàn thờ thánh làm lễ dâng hương.

Sự nhập hồn và tái sinh của các vị thánh vào thể xác các chân đồng còn được biểu hiện sôi động bằng các động tác múa. Động tác múa của người hầu thánh kết hợp nhịp nhàng theo âm nhạc và lời hát tạo nên không khí nhộn nhịp, lúc hào hùng, khi duyên dáng. Tùy theo vị trí và tính cách các thánh mà động tác múa có sự khác nhau.

Múa xong thánh lại ngồi xuống. Lúc này cung văn sẽ hát những bài chầu văn kể về sự tích và công đức của vị thánh đang giáng, người hầu dâng cũng dâng lên thánh các thứ như trà, thuốc, rượu.

Đây cũng là lúc người ngồi dự xung quanh sán lại bên các chân đồng nghe thánh phán truyền về tương lai hay dâng lễ vật cầu xin sự bảo hộ, cầu tài lộc, xin chữa bệnh…

Trong lúc thánh ngồi nghe hát chầu văn, truyền phán cũng là lúc thánh phát lộc. Lộc thánh gồm nhiều thứ từ nén nhang cháy dở, đoạn mồi, điếu thuốc, bánh trái, hoa quả, tiền…Người tham dự ai cũng mong muốn sẽ nhận dược lộc của thánh bởi

họ quan niệm lộc này sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc cho họ. Nói chung những người tham dự nghi lễ hầu thánh không phân biệt sang, hèn, thân, sơ đều được thánh phát lộc. Mọi người nhận lộc thánh với một thái độ hết sức cung kính.

Tùy theo từng vị thánh hay sở thích của mỗi chân đồng mà việc phán truyền, phát lộc nhanh hay lâu rồi sau đó thánh thăng. Dấu hiệu thánh thăng thường là lúc chân đồng ngồi yên, khẽ rùng mình, hai tay bắt chéo trước chán hay che quạt lên đỉnh đầu thì lúc đó người hầu dâng phải nhanh chóng phủ khăn lên đầu chân đồng còn cung văn sẽ tấu nhạc và hát điệu thánh giá hồi cung. Cũng từ đó chân đồng lại chuẩn bị nhập đồng một vị thánh khác.

Khi vị thánh cuối cùng ra đi, thường là các thánh Cậu hoặc Ngũ Hổ, Ông Lốt thì chân đồng cởi bỏ trang phục thánh, cảm ơn những người cùng tới dự và mời mọi người cùng ở lại hưởng lộc thánh.

Các chân đồng sau buổi hầu thánh thường cảm thấy khỏe mạnh, vui tươi và mãn nguyện. Họ hầu thánh để cầu tài lộc, cầu sức khỏe và đôi khi nghi lễ hầu thánh cũng có ý nghĩa chữa bệnh.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)