HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH TỨ PHỦ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 43 - 48)

Chƣơng 2: NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH

2.2. HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH TỨ PHỦ

Trong nghi lễ hầu thánh chầu văn có một vai trò vô cùng quan trọng. Nó được chơi trong suốt buổi lễ và tạo ra một không khí nghi lễ giúp hoàn thiện hơn cho nghi lễ hầu thánh.

2.2.1. Văn chầu

Bài văn dùng để cung thỉnh các thánh Tứ phủ về nhập hồn trong nghi lễ hầu thánh Tứ phủ được gọi là văn chầu. Về hình thức các bài văn chầu đều được sáng tác dưới thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát – một thể thơ truyền thống của người Việt. Đôi khi trong văn chầu ta cũng bắt gặp hiện tượng biến thể (không sáng tác theo thể thơ truyền thống).

Mỗi bài văn chầu được gọi là một giá văn chầu. Các giá văn chầu nói về sự tích, công trạng của vị thánh được chầu.

Mỗi giá văn chầu bên cạnh nội dung chính phản ánh về các vị thánh của Tứ phủ còn nói tới nhiều địa danh, nhất là những danh lam thắng cảnh của đất nước,

nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sự kiện lịch sử mà sau này người đời thường gắn với các vị thánh, nhiều sinh hoạt văn hóa, xã hội cũng được miêu tả khá sinh động. Như vậy, qua các giá văn chúng ta có thể thấy được bức tranh lịch sử, văn hóa, xã hội của một thời kì được phản ánh chân thực và rõ nét.

Hình thức ngôn ngữ của các giá văn chầu cũng khá đa dạng. Nói chung đó là hình thức ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại, chủ yếu vào cuối thế kỉ XIX đến nay. Bên cạnh những áng thơ phản ánh chau chuốt, ngôn ngữ giàu hình ảnh và nhạc điệu, dùng nhiều điển tích Trung Hoa quen thuộc trong văn thơ cổ Việt Nam thì ta cũng thấy những câu mộc mạc, thậm chí còn có vẻ hơi thô, những hình ảnh quen thuộc của đời sống bình dân. Qua hình thức ngôn ngữ chúng ta thấy văn chầu gắn với nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, người nông dân ở thôn quê cũng như tầng lớp thương nhân, quí tộc quyền qu‎í. Nhìn chung các lời văn chầu chưa được trau chuốt tinh xảo như ca dao, dân ca nhưng điều kì lạ là các bài văn chầu khi kết hợp với âm nhạc và đặc biệt là khi được đặt trong hình thức diễn xướng quen thuộc của nó là nghi lễ hầu thánh Tứ phủ thì nó lại có sức thu hút, lôi cuốn kì lạ vượt xa nhiều hình thức âm nhạc khác.

2.2.2. Âm nhạc

Khi hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ cung văn thường sử dụng sáu nhóm làn điệu chính là nhóm Bỉ, nhóm Dọc, nhóm Cờn, nhóm Phú, nhóm Xá, nhóm Nhịp Một và một vài làn điệu dân ca đã được chầu văn hóa.

Điệu Bỉ thường dùng trong các đoạn nối tiếp các làn điệu chuẩn bị cho các động tác, công việc của nghi lễ hầu thánh như chuẩn bị cho ông Hoàng hiến rượu, múa hèo, Cô chèo đò, Cậu múa võ…Cũng có khi Bỉ được dùng để chuyển sang làn điệu khác như Bỉ Chim Thước ở giá Cậu, Bỉ Thơ ở giá ông Hoàng… Các làn điệu Bỉ thường ngắn chỉ từ hai câu lục lục bát đến ba bốn câu song thất lục bát. Đôi khi cũng có những điệu Bỉ kéo dài, thường ở các giá ông Hoàng và giá Cậu… Sau mỗi câu Bỉ thường có dạo đàn và dóc phách. Điệu này thường chỉ hát đơn chứ không hát đôi, mỗi cung văn hát một câu có tính chất ngâm ngợi.

Các làn điệu Dọc thường được dùng trong các giá Quan Lớn, giá ông Hoàng, giá Cậu và giá các Cô ở vùng đồng bằng. Các làn điệu này thường có âm nhạc khúc triết, kết cấu rõ ràng thường bao gồm hai câu lục bát. Các làn điệu Dọc dùng nhịp đôi, âm nhạc có tiết tấu, trường độ, cao độ rõ ràng nên có thể hát đôi. Sau mỗi khổ hát Dọc sẽ là một đoạn nhạc lưu không. Đoạn nhạc lưu không này thường không dài quá hai lần khổ hát.

Các điệu Cờn được phân làm hai loại: Cờn Xuân mang tính chất âm nhạc trữ tình còn Cờn Oán mang tính chất buồn, ai oán. Các làn điệu Cờn thường được sử dụng trong các giá văn Mẫu và văn các thánh Cô vùng đồng bằng. Các làn điệu này thường được cấu tạo bởi ba câu lục bát, lời thơ và âm nhạc thường không kết hẳn hoi mà có thể nối tiếp luôn vào một khổ khác, cứ câu cuối của khổ này sẽ là câu mở đầu của khổ sau (hát gối khổ) cho nên điệu Cờn có thể kéo dài liên tục. Điệu Cờn thường sử dụng nhịp đôi, có thể cho một hoặc nhiều người hát. Sau mỗi khổ cũng thường có đoạn nhạc lưu không.

Các làn điệu Phú âm nhạc thường chậm rãi, ngâm ngợi, mang tính chất thanh cao, nhịp điệu tự do, hát đòi hỏi nhả chữ rõ ràng. Tiết tấu sử dụng nhiều nhịp ngoại (đảo phách, nghịch phách). Mỗi khổ Phú thường gồm bốn câu song thất lục bát. Các làn điệu này chỉ dùng nhịp ba và chỉ hát đơn chứ không hát đôi. Các làn điệu này được dùng trong các giá văn hàng Quan, hàng ông Hoàng, Mẫu, Trần Triều và thường là dùng cho các nam thần (những vị thánh uy nghi, trang nghiêm).

Các điệu Xá có tiết tấu nhanh, vui, tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự hay thay đổi đột ngột, nhịp điệu tự do cho nên các làn điệu này thường không hát đôi. Các điệu Xá thường có thể dùng bốn, năm câu thơ lục bát hoặc ba, năm câu song thất lục bát hát theo kiểu gối khổ. Sau mỗi câu, mỗi khổ người ta thường dạo một đoạn nhạc lưu không. Các làn điệu này thường được sử dụng trong giá các vị thánh ở miền núi như giá Chầu Bà, giá Cô Thượng. Đôi khi có cung văn dùng cho cả giá ông Hoàng Bảy, giá Cậu Đệ Nhị và giá Cậu Sáu.

Các điệu Nhịp Một chỉ gồm hai câu lục bát có tiết tấu vui, khỏe mạnh, nhấn ở đầu nhịp tạo nên một tiết tấu rõ ràng thường được dùng để miêu tả động tác múa

trong hầu thánh như múa mồi, hái hoa, múa quạt hay một số điệu múa miêu tả đời sống lao động như gánh…Các điệu này chỉ dùng trong giá các thánh miền núi như giá các Chầu Bà, giá các Cô chứ không dùng trong hàng Quan Lớn.

Cũng giống như tính chất chung của chầu văn các bài chầu văn được sử dụng trong nghi lễ hầu thánh thường có giai điệu âm nhạc tuân theo niêm luật của lời thơ. Phần kết mỗi khổ có hai kiểu là kết cấu vần bằng và kết cấu không dấu. Khi hát, cung văn thường bổ sung thêm những âm phụ i, a vô nghĩa. Những âm đó rất phù hợp với lối hát bạch thanh, cách lấy hơi, nhả chữ riêng của hát chầu văn.

Trong nghi lễ hầu thánh Tứ phủ tuy chầu văn sử dụng nhiều làn điệu nhưng mỗi làn điệu thường chỉ phù hợp với một số nghi thức hoặc một số giá đồng nhất định. Tùy theo ‎ nghĩa của từng đoạn văn mà các làn điệu được sắp xếp cho phù hợp nhưng bao giờ cũng được mở đầu bằng điệu Kiều Bóng (thỉnh bóng) – trừ giá cô Bơ Thoải điệu mở đầu là Bỉ - sau đó sẽ đến các điệu Miễu, Thổng.

Có một số làn điệu lại chỉ được dùng riêng trong một số giá nhất định như: các giá hàng Quan Lớn chỉ dùng các điệu Dọc, Xá. Các giá hàng Chầu Bà chỉ sử dụng các làn điệu Xá như Xá Thượng, Xá Bắc, Xá Dây Tố Lan…

Trong nghi lễ hầu thánh Tứ phủ âm nhạc chầu văn thể hiện đậm tính dân gian trong cấu trúc, tiết tấu, giai điệu. Người ta tìm thấy trong nó những ảnh hưởng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ trong các làn điệu Bồng Mạc, Cò Lả... ảnh hưởng của ca trù trong các điệu Bỉ, Phú Nói, Phú Bình, Phú Chênh…

Âm nhạc của hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ rất phong phú về điệu. Mỗi điệu lại tương ứng với một số hàng chầu, biểu hiện những đặc điểm riêng về tính cách của các vị thánh mà điệu hát đó mô tả. Chẳng hạn cùng một điệu Dọc (nhịp đôi) nhưng ở trong giá Cô Bơ người cung văn sử dụng điệu thức Thương mang tính chất mềm mại, linh hoạt, tươi vui phù hợp với tính cách Cô Bơ theo quan niệm truyền thống của tín ngưỡng Tứ phủ:

Đặt tên chính vị Cô Bơ Vào tâu ra dộng, vua cha yêu dùng

còn ở văn ông Hoàng Mười điệu thức Thương lại thể hiện sự ung dung, sang trọng, cao qu‎í:

Khi phong nguyệt, lúc từ bi Khi xem hoa nở khi chờ trăng trong

(trích văn ông Hoàng Mười [12, tr.219]) Nói chung các điệu thức được sử dụng trong hát chầu văn nói chung và hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ nói riêng khá hoàn chỉnh, đa dạng và phong phú. Ở đây các điệu thức đã hình thành một cách khá rõ ràng, nó thể hiện sự phát triển ở trình độ cao của âm nhạc hát chầu văn.

Âm nhạc trong hát chầu văn rất giàu tính tiết tấu nhất là với những làn điệu hát hầu thánh Tứ phủ. Những làn điệu này thường kết hợp với múa hầu bóng bởi vậy nhạc cụ thường dùng nhất của nó gồm một đàn Nguyệt đi giai điệu với các nhạc cụ gõ không định âm gồm phách, trống, cảnh đồng, thanh la. Ngoài ra còn có thể sử dụng thêm một số nhạc cụ dân tộc như kèn, sáo, nhị, trống cái. Khi hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ cung văn chỉ sử dụng các nhạc cụ này để đệm cho hát. Nếu kể cả giọng hát chúng ta có đủ cả năm âm sắc: tơ (đàn Nguyệt), đồng (cảnh), gỗ (phách), da (trống) và giọng hát.

Đàn Nguyệt giữ vai trò chủ đạo trong hát chầu văn nói chung và hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ nói riêng. Trong hát hầu thánh Tứ phủ đàn Nguyệt sử dụng bốn âm sắc chính phù hợp với bốn giọng hát: thổ, đồng, kim pha thổ, kim và có bốn kiểu lấy dây là: giây bằng (giây quãng 5), giây lệch (giây quãng 4), giây song thanh (giây quãng 8), và đặc biệt là dây tố lan (dây quãng 7). Khi hát hầu thánh Tứ phủ đàn Nguyệt chủ yếu sử dụng kĩ thuật nhấn nhá, vê…

Bên cạnh đàn Nguyệt là bộ gõ. Sự kết hợp của các loại nhạc cụ trong bộ gõ tạo nên một âm sắc độc đáo, phong phú, đa dạng đệm cho phần giai điệu (đàn Nguyệt và giọng hát) rất có hiệu quả.

Đặc biệt trong hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ bộ gõ thường sử dụng ba dùi, hai dùi đánh phách, một dùi đánh cảnh hoặc hai dùi đánh trống, một dùi đánh vào thanh la tạo nên sự kết hợp tiết tấu và âm sắc rất chặt chẽ, độc đáo.

Trong hát nghi lễ hầu thánh Tứ phủ đàn Nguyệt và nhóm nhạc cụ gõ là hai bộ phận chủ đạo đảm nhiệm phần giai điệu và tiết tấu. Thông thường đơn giản nhất người ta sử dụng hai cung văn một người đánh đàn Nguyệt và một người sử dụng bộ gõ. Tuy nhiên cũng có một số cuộc lễ có quy mô lớn hơn để tăng cường sự phong phú của âm sắc, tiết tấu và âm lượng của dàn nhạc, quy mô dàn nhạc sẽ được mở rộng với sự tham gia của các nhạc cụ trong dàn nhạc truyền thống như tiêu, sáo, đàn tam thập lục, đàn nhị…

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)