Khái quát về tín ngƣỡng Tứ phủ và hệ thống thần linh Tứ phủ

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 37 - 39)

Chƣơng 2: NGHỆ THUẬT HÁT CHẦU VĂN TRONG NGHI LỄ HẦU THÁNH

2.1.1. Khái quát về tín ngƣỡng Tứ phủ và hệ thống thần linh Tứ phủ

Tín ngưỡng Tứ phủ hay còn gọi là thờ Mẫu Tứ phủ là một tín ngưỡng dân gian của người Việt bắt nguồn từ tục thờ nữ thần, thờ Mẫu thần từ thời nguyên thủy kết hợp với những ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa mà phát triển thành tín ngưỡng thờ Tam phủ, rồi chuyển sang tín ngưỡng thờ Tứ phủ như ngày nay.

Tứ phủ hay Tứ phủ công đồng là đại diện toàn bộ các thần linh tập hợp lại từ bốn miền của vũ trụ:

- Thiên phủ: Miền trời - Địa phủ: Miền đất

- Nhạc phủ: Miền rừng núi - Thoải phủ: Miền sông nước

Các thần linh Tứ phủ không chỉ phân biệt theo thứ tự từng phủ (từng miền) mà mình cai quản, mà còn phân thành các thứ bậc, trên đỉnh chóp thần điện là Ngọc Hoàng, rồi tới hàng các Thánh Mẫu, hàng Quan, hàng Chầu, hàng ông Hoàng, hàng Cô, hàng Cậu. Ngoài ra trong thần điện còn thờ Đức Thánh Trần cùng những bộ tướng, con gái của Ngài, thờ Ngũ Hổ, thờ Ông Lốt (rắn) và các linh hồn gia tộc…

Đứng đầu trong hàng các thần linh Tứ phủ là Ngọc Hoàng. Đây là nhân vật chịu ảnh hưởng từ đạo Giáo của Trung Hoa.

Tuy Ngọc Hoàng là vị thần đứng đầu thần điện nhưng có thể nói bao trùm lên thần điện Tứ phủ là Thánh Mẫu, bởi vậy về cội nguồn và bản chất có thể nói tín ngưỡng Tứ phủ là tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ mẹ). Mẫu bao trùm tứ phương. Mẫu Thượng Thiên được coi là đệ Nhất Thánh Mẫu, Mẫu đệ Nhị là Mẫu Thượng Ngàn, đệ Tam là Mẫu Thoải là đệ tứ là Mẫu Địa. Thực ra ban đầu người ta thường nhắc tới Tam tòa Thánh Mẫu, có lẽ tương ứng với quan niệm Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc

phủ, Thoải phủ), sau thành Tứ phủ nên có thêm Mẫu Địa. Lại có quan niệm về Mẫu Bán Thiên trị vì miền không trung, cũng gia nhập vào thần điện của tín ngưỡng Tứ phủ.

Mẫu là biểu tượng của quyền năng sáng tạo. Mẫu Thượng Thiên sáng tạo ra miền trời và làm chủ các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi giàu của cải ban phát cho con người. Mẫu Thoải cai quản miền sông nước giúp ích cho nghề nông cùng với Mẫu Địa cai quản đất đai, nguồn gốc mọi sinh vật… Cũng có quan niệm đồng nhất Mẫu Liễu Hạnh với Mẫu Thượng Thiên, bà được người đời tôn vinh và thờ cúng hơn các vị mẫu khác của tín ngưỡng Tứ phủ.

Sau hàng Thánh Mẫu là Ngũ vị Quan lớn (hàng Quan) được gọi theo thứ tự từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ. Trong Ngũ vị Quan lớn này bốn vị đầu có nguồn gốc thiên thần còn Quan Đệ Ngũ thì có nguồn gốc là nhân thần. Có người cho rằng bốn vị Quan lớn theo thứ tự từ Quan lớn Đệ Nhất đến Quan lớn Đệ Tứ cũng là sự thể hiện của Tứ vị Thánh Mẫu cai quan bốn miền hợp thành bốn phương của vũ trụ

Trong thần điện Tứ phủ, cùng ngang hàng với các quan thậm chí có vị trí cao hơn hàng quan là Đức Thánh Trần cùng những bộ tướng và con gái của Ngài.

Tiếp sau hàng Quan là Tứ phủ Chầu Bà. Đây là trợ thủ và hóa thân ở cấp bậc thấp hơn của Tam tòa Thánh Mẫu. Thông thường hàng Chầu Bà có bốn vị nhưng các thánh hàng Chầu Bà cũng có thể tăng lên tới mười hai vị. Các Chầu được sắp xếp theo thứ tự từ một tới mười hai trong đó bốn vị đầu là hóa thân của bốn vị Thánh Mẫu Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Địa và Mẫu Thoải. Thông thường người ta chỉ biết tới thần tích của sáu vị đầu tiên và Chầu Bé thường giáng trong buổi hầu đồng còn các vị khác thì không giáng nên ít được biết tới.

Dưới hàng Chầu là hàng các ông Hoàng được gọi tên từ ông Hoàng Đệ Nhất tới ông Hoàng Mười. Tương truyền các ông Hoàng đều có gốc tích là con trai vua Bát Hải Đại Vương ở Động Đình Hồ nên đều là Long thần.

Dưới hàng ông Hoàng là hàng các Cô. Có mười hai Cô được gọi tên từ Cô Cả (Cô Nhất) đến Cô Bé. Các Cô đều là thị nữ của các Thánh Mẫu hay các Chầu.

Dưới hàng Cô là Thập vị Vương Cậu. Tương truyền đây đều là những linh hồn chết trẻ từ một đến chín tuổi, thông minh, nhanh nhẹn và hiển linh là phụ tá của các ông Hoàng. Thông thường chỉ có Cậu Ba (Cậu Bơ) và Cậu Bé là giáng đồng còn các vị khác thì không.

Trong điện thờ Tứ phủ người ta còn thấy sự hiện diện của Ông Lốt (rắn) dưới hình tượng một đôi Thanh Xà – Bạch Xà nằm vắt ngang thần điện và Ngũ Hổ cùng với vong linh tổ tiên và các thần mang tính địa phương.

Như vậy xem xét thần điện Tứ phủ trong đó các vị thần thánh thường nhập hồn trong các buổi hầu đồng ta thấy vừa có sự phát triển nội tại của các hình thức tín ngưỡng dân gian người Việt, vừa thấy những đan xen, lồng ghép do giao lưu, ảnh hưởng từ bên ngoài.

Các thần linh Tứ phủ được phân thành một bên là nữ thần và bên kia là nam thần, và bao trùm lên cả thần điện là Thánh Mẫu. Tuy thứ bậc chính của mỗi vị thánh trong thần điện phụ thuộc vào việc họ thuộc hàng nào từ trên xuống dưới hay thuộc phủ nào mà họ cai quản nhưng có lẽ việc phân chia này vẫn bao hàm một ý nghĩa sâu xa nào đó.

Tóm lại hệ thống thần linh Tứ phủ bao gồm cả các thiên thần và nhân thần. Theo quan niệm dân gian thì họ đều là những phúc thần có thể xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, sức khỏe, tài lộc cho con người vì vậy mới có nghi lễ hầu thánh Tứ phủ để cầu mong các vị ban cho những điều tốt lành và tránh điều dữ.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật hát chầu văn trong nghi lễ hầu thánh (Trang 37 - 39)