II. CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ NHẰM KIỀM CHẾ NHẬP SIÊU TRONG THỜI KỲ TỚI.
4. Giải pháp giảm nhập siêu một số ngành hàng.
(1) Ngành hàng điện, điện tử, máy tính và linh kiện máy tính, cơ khí, chế tác, phương tiện vận tải.
Hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ: Đối với các mặt hàng có nhập siêu: máy tính và linh kiện máy tính; cơ khí; phương tiện
vận tải, có thể đề xuất hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ theo hướng sau:
+ Ưu tiên cân đối ngoại tệ phục vụ các mặt hàng thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được: linh kiện để lắp ráp mát tính; máy móc thiết bị phục vụ ngành cơ khí; đối với phương tiện vận tải chỉ cân đối ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tải, không áp dụng cho ô tô du lịch loại trong nước đã sản xuất được.
+ Không khuyến khích cấp tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng cho các loại hàng tiêu dùng thuộc các nhóm hàng trên.
Áp dụng một số biện pháp giảm nhập khẩu:
+ Nâng thuế suất thuế NK tới trần khung thuế NK theo cam kết (đối với những sản phẩm trong nước đã sản xuất được).
+ Tiếp tục áp dụng nộp thuế NK trước khi nhận hàng (biện pháp này đã áp dụng đối với ô tô nguyên chiếc).
+ Không cấp tín dụng và bảo lãnh cho hàng trả chậm.
Hạn chế nhập khẩu một số hóa chất trong nước đã sản xuất được hoặc nhập khẩu các loại hóa chất với một số điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật (theo danh mục và tiêu chuẩn kỹ thuật hóa chất nhập khẩu ban hành kèm theo thông tư số 01/2006/TT- BCN).
Không nhập khẩu một số loại phân bón: Các loại phân chứa lân; phân bón tổng hợp NPK trong nước đã sản xuất đủ, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ nông nghiệp. Riêng phân bón DAP Đình Vũ Hải Phòng đã đi vào sản xuất tháng 6 năm 2008.
Tăng cường sản xuất trong nước: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt đang triển khai dự án đạm Ninh Bình, dự án đạm Cà Mau, dự án đạm Bắc Giang, dự án DAP Hải Phòng, DAP số 2. Tăng cường đầu tư chiều sâu, nâng công suất các nhà máy đang có như dự án sản xuất NPK Hiệp Phước, dự án săm lốp cao su, dự án sản xuất kháng sinh …
(3) Nhóm hàng dầu mỏ và các mặt hàng có nguồn gốc dầu mỏ.
Nâng cao năng lực khai thác và đẩy mạnh nhanh tiến độ các công trình dầu khí: Để hoàn thành sản lượng khai thác kế hoạch năm 2008 và nhằm tìm kiếm các giải pháp nhập siêu, Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam
nỗ lực tối đa, ưu tiên khoan và sửa chữa trước nhưng giếng có khả năng cho sản lượng cao để tăng quỹ giếng khai thác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng phát triển các mỏ để đưa vào khai thác theo tiến độ đề ra. Tổ chức khai thác an toàn và hiệu quả các mỏ đang khai thác, đưa 05 mỏ mới vào khai thác. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm về dầu khí, đưa nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành theo đúng tiến độ, tối ưu hóa và giảm thời gian chạy thử nhà máy nhằm mục đích khẩn trương đưa các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lưu thông ra thị trường, giảm tối thiểu lượng sản phẩm không đạt phẩm cấp trong quá trình chạy thử nhà máy.
Tìm kiếm, thăm dò ở nước ngoài: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò dự án mới ở nước ngoài, đặc biệt ưu tiên việc mua mỏ đang khai thác ở nước ngoài nhằm góp phần gia tăng sản lượng.
Các công tác tuyên truyền, vận động và thực hành tiết kiệm phối hợp với các đơn vị chức năng khuyến khích chương trình tiết kiệm năng lượng đối với các mặt hàng xăng dầu, đẩy nhanh các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (Ethanol, Biodiesel) nhằm góp phần giảm lượng xăng dầu nhập khẩu. Đẩy nhanh các chương trình tự lực và phát triển cơ khí quốc gia nhằm triển khai thực hiện các dự án đóng mới, giàn khoan đóng tàu chứa
dầu, gia tăng tỷ trọng trong việc chế tạo các thiết bị phi tiêu chuẩn và các thiết bị chuyên dụng phục vụ cho các công trình dầu khí và các nhà máy lọc hóa dầu. Tăng cường công tác chỉ đạo sát sao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam và các đầu mối nhập xăng dầu trong việc điều tiết việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu.
(4) Ngành hàng thép.
Phát triển ngành thép Việt Nam phải gắn chặt với hiệu quả kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc tế: ảnh hưởng dài hạn của các Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc (ASEAN+1) và giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) cũng như tác động của việc gia nhập WTO đến phát triển công nghiệp Việt Nam là rất lớn. Bảo hộ không còn là công cụ hữu hiệu hỗ trợ ngành thép. Như vậy ngành thép Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực tiếp trên thị trường nội địa với các cường quốc sản xuất thép. Phát triển ngành thép nước ta trong giai đoạn tới đảm bảo có hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế và bền vững.
Tự do hóa đầu tư phát triển ngành thép, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước phát huy đầu tư, khai thác hiệu quả nội lực hiện có (thị trường, tài nguyên khoáng sản, vốn, lao
động) đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (vốn, công nghệ) phát triển những công trình quy mô lớn.
Đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất ở công đoạn thượng nguồn (sản xuất gang, phôi thép) và các sản phẩm thép dẹt: Nhằm khắc phục dần tình trạng mất cân đối giữa năng lực sản xuất ở thượng nguồn và ở hạ nguồn (cán thếp và gia công sau cán), giữa sản phẩm thép dài và thép dẹt cần đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất ở công đoạn thượng nguồn (sản xuất gang, phôi thép) và các sản phẩm thép dẹt.
Khuyến khích hợp tác với nước ngoài để phát triển một số liên hợp mở - luyện kim, liên hợp luyện kim và nhà máy cán sản phẩm dẹt quy mô lớn: Đây là những công trình trọng điểm của ngành thép trong giai đoạn đến năm 2025 có quy mô công suất hàng triệu tấn/năm, vốn đầu tư trên 500 triệu USD với trình độ kỹ thuật kinh tế cao, có tác động lan tỏa lớn trong cả nước.
Cơ cấu lại ngành thép theo hướng đa sở hữu, liên kết liên ngành nhằm gia tăng tích tụ về quy mô sản xuất kinh doanh.
Về xuất khẩu một số sản phẩm: thị trường xuất khẩu thép của nước ta còn hạn chế, mới giới hạn ở một số nước trong khu vực. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gang đúc, thép cán dài, ống thép và một số ít tôn mạ. Phấn đấu và đẩy mạnh xuất khẩu các
sản phẩm dẹt khác ngoài những mặt hàng truyền thống như: thép không rỉ, thép cuộn, lá cán nguội …
(5) Ngành hàng giấy
Để tiếp tục phát triển và cân bằng cung cầu các loại giấy in báo, giấy in viết sản xuất trong nước đề nghị giảm 5% thuế nhập khẩu đối với giấy in báo, giấy in và viết có xuất xứ từ các nước ASEAN. Khi đó thuế xuất nhập khẩu sẽ là 0% để hỗ trợ các nhà in báo, các nhà sản xuất sách và các nhà sản xuất văn phòng phẩm nhập khẩu lượng giấy mà nhà sản xuất trong nước chưa đáp ứng kịp.
Cần có chính sách khuyến khích giấy tái chế: Thuế GTGT đối với giấy thu gom trong nước bằng 0%, hoặc khấu trừ thuế GTGT đối với nguyên liệu là giấy thu gom trong nước, nếu không khi thuế nhập khẩu là 0% vô hình chung chỉ khuyến khích nhập khẩu giấy các loại không khuyến khích thu gom tái chế trong nước, vừa tiết kiệm tài nguyên môi trường vừa giảm ô nhiễm môi trường.
Giảm thuế nhập khẩu phải đi đôi với tăng giá bán trong nước tương đương với giá nhập khẩu để hạn chế nhập siêu, khuyến khích đầu tư và sản xuất trong nước.
Khuyến khích đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất bột giấy và giấy cao cấp. Áp dụng công nghệ tiến tiến thân thiện với môi trường.
(6) Ngành Da – Giày
Nhà nước áp dụng các biện pháp ưu đãi xuất khẩu đối với ngành Da – Giày để ngành này vượt qua khó khăn kho không được hưởng GPS của EU nữa.
Khi ngành Da – Giày Việt Nam không được hưởng thuế ưu đãi theo hệ thống ưu đãi thuế quan (GSP) của EU thì ngành và các doanh nghiệp sẽ phải bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều, lý do:
+ Mức thuế ưu đãi khi xuất khẩu sang thị trường EU áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm dày dép xuất khẩu của Việt Nam (mức thuế chỉ bằng 70% mức thuế thông thường) tùy từng chủng loại giày dép, mức được ưu đãi dao động từ 3,5 – 5,5%.
+ Trong thời gian qua, ngành tiếp nhận sự chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, từ các nhà đầu tư nước ngoài do các lợi thế về mức thuế ưu đãi nêu trên, khi lợi thế này không còn, sức cạnh tranh nội lực của các doanh nghiệp còn yếu, ngành sẽ phải đối mặt với sức ép các đơn đặt hàng sẽ được chuyển sang các nước khác,
cho nên, nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ đầu tư sang lĩnh vực khác.
+ Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được mở rộng, song đối với ngành da – giày, thị phần xuất khẩu sang các thị trường khác không lớn, chủ yếu vẫn là thị trường EU, nếu không được ưu đãi khi xuất khẩu vào EU, tỷ trọng xuất khẩu sang EU sẽ giảm, các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất.
Chính phủ đàm phán để EC xem xét, xóa bỏ việc áp thuế CBPG các loại dày có mũ từ da vì việc EC áp thuế CBPG đi ngược lại với tinh thần tự do hóa thương mại do chính EC khởi xướng và làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp và công nhân ngành công nghiệp da – giày Việt Nam.
(7) Ngành nhựa
Các doanh nghiệp ngành nhựa cần tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm kỹ thuật có yếu tố khoa học cao, công nghệ cao. Mặt
khác, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội, các cam kết ưu đãi trong hiệp định thương mại song phương và đa phương mà các nước ta tham gia (AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP …).
Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá thương hiệu để tăng cơ hội xuất khẩu trực tiếp cho các nước nhập khẩu giảm dần việc xuất khẩu phải qua trung gian để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Tăng cường hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp để tránh bị ép giảm giá xuất khẩu. Hiệp hội nhựa Việt Nam làm đầu mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để thực hiện sự hợp tác này với hiệu quả cao nhất.
Đẩy nhanh việc thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý phế liệu nhựa thành nguyên liệu: Kết hợp cùng với Bộ tài nguyên môi trường nghiên cứu cơ chế chính sách để ngành nhựa có điều kiện tốt hơn trong việc nhập khẩu nhựa phế liệu giải quyết một phần khó khăn về nguyên liệu đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh môi trường.
(8) Đối với ngành hàng vật liệu xây dựng
Xây dựng danh mục mặt hàng sản xuất trong nước chưa đủ khả năng thay thế nhập khẩu để quản lý nhập khẩu ngành hàng
vật liệu xây dựng, xác định nhu cầu nhập khẩu các nhóm sản phẩm sau:
+ Thiết bị đồng bộ cho sản xuất xi măng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
+ Nguyên liệu cho sản xuất vật liệu như: Soda cho sản phẩm kính; Frit để làm men cho sản xuất gạch; Cera-mic sứ vệ sinh nguyên liệu sản xuất sơn xây dựng; các loại nguyên liệu … sản xuất vật liệu chống thấm, nguyên liệu sản xuất tấm lợp kim loại aminang xi măng, các loại phụ gia cho bê tông, các loại bông thủy tinh.
+ Nhập khẩu sản phẩm Vật liệu xây dựng chủ yếu là các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như vải kỹ thuật, tấm vải chống thấm, vật liệu cách nhiệt, phản nhiệt, các loại kính đặc biệt …
Giải pháp kiềm chế nhập siêu một số ngành hàng VLXD:
+ Giảm nhập khẩu thiết bị đồng bộ trong sản xuất xi măng bằng cách tăng phần chế tạo thiết bị trong nước. Trong những năm gần đây các doanh nghiệp đầu tư xi măng thường áp dụng hình thức tổng thầu EPC; thuê nước ngoài xây lắp,
cung cấp thiết bị vật tư; giải pháp này đã mang lại hiệu quả là đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
+ Với mỗi nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất VLXD thì nhu cầu phụ tùng thay thế hàng năm tương đối lớn. Hiện nay chủ yếu phụ tùng nhập ngoại. Điều này gây ra sự lãng phí lớn vừa đọng vốn do phải dự trữ, vừa hạn chế đến việc chế tạo trong nước. Vì vậy phải nhanh chóng thành lập các doanh nghiệp Việt Nam hoặc liên doanh để sản xuất thiết bị phụ tùng, đặc biệt là thiết bị cho ngành sản xuất xi măng như công ty lắp máy 69-3 của Lilama đang làm để chủ động trong việc chế tạo và lắp đặt thay thế phụ tùng trong sản xuất xi măng.
+ Đối với một số sản phẩm VLXD cao cấp (tấm cách nhiệt phản nhiệt …) sau nhiều năm nhập khẩu các nhà kinh doanh cũng đang chuyển sang đầu tư sản xuất trong nước nhằm giảm chi phí lưu thông, vận tải, tăng sức cạnh tranh. Đối với các sản phẩm nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được thì cũng đang có xu hướng tăng lượng sản xuất trong nước về cả chất lượng và số lượng bằng cách đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi mẫu mã.
+ Một trong các hướng giảm nhập siêu là phải đẩy mạnh sản xuất trong nước, phải tổ chức lại công tác xuất khẩu để tạo sức mạnh và tạo ra các doanh nghiệp xuất khẩu lớn.