Một số kiến nghị chung

Một phần của tài liệu Kết hôn giữa những người LGBT dưới góc độ quyền con người (Trang 93 - 95)

Thứ nhất, các quan điểm về người LGBT chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Ở Việt Nam, trong bối cảnh văn hóa, truyền thống còn gặp nhiều rào cản, nhận thức của xã hội còn chưa đầy đủ và còn nhiều kỳ thị thì vấn đề hợp pháp hóa một số quyền của người LGBT Việt Nam cần đi theo một lộ trình hợp lý, để tránh việc gây xáo trộn trong xã hội, đồng thời để người dân hiểu và thông cảm đối với người LGBT. Pháp luật được sử dụng như một công cụ để dần định hướng xã hội theo những giá trị nhân văn chung của thế giới.

Thứ hai, bản chất của yếu tố văn hóa, truyền thống mang tính bối cảnh luôn biến đổi không ngừng. Vậy có nghĩa rằng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi truyền thống. Cũng chính vì vậy, không thể dùng truyền thống, văn hóa để biện minh cho sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người LGBT. Xã hội Việt Nam đang ngày càng tiếp cận với nền văn hóa hiện đại, các tư tưởng ủng hộ người LGBT đang dần hình thành trong tư tưởng của người dân Việt Nam vì vậy thái độ của cộng đồng đối với người LGBT sẽ dần tích cực hơn. Từ đó những giá trị mới sẽ dần được định hình trong đời sống xã hội và pháp luật

nước ta. Các nhà lập pháp sẽ có được cái nhìn đầy đủ, toàn diện và nhân văn hơn, tích cực hơn trong việc thừa nhận những yếu tố đó.

Thứ ba, cần mở rộng quan niệm về bình đẳng giới tại Việt Nam, quan niệm về bình đẳng giới có tác động rất lớn đến việc chống phân biệt đối xử, kỳ thị đối với người LGBT. Trong thời gian gần đây, các quốc gia trên thế giới và tổ chức Liên hợp quốc liên tục ghi nhận nguyên tắc: mọi người đều bình đẳng bất kể thiên hướng tình dục nào; chống hình sự hóa đồng tính, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng của cộng đồng LGBT, xem vấn đề quyền của LGBT là một trong những thách thức của nhân quyền hiện đại (Mỹ)... Những động thái đó cho thấy đã đến lúc cần thay đổi quan niệm về bình đẳng giới, bao gồm cả việc chống sự phân biệt về thiên hướng tính dục, bản dạng giới.

Thứ tư, bản thân cộng đồng LGBT cũng cần có những động thái tích cực hơn, xây dựng hình ảnh tốt đẹp hơn trong cộng đồng xã hội. Việc làm cho xã hội thấy được LGBT là những điều hết sức bình thường, tự nhiên của loài người là hết sức quan trọng. Từ đó, làm thay đổi quan niệm về một xã hội chỉ có dị tính và nhường chỗ cho một xã hội đa dạng về tính dục hơn. Hành động tích cực của người LGBT sẽ tác động rất lớn đến quá trình lập pháp, giúp cho các nhà lập pháp có cái nhìn đúng hơn, đủ hơn về người LGBT.

Thứ năm, các tổ chức báo chí, tuyên truyền và các tổ chức xã hội cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề bảo vệ người LGBT. Đây là những thiết chế có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của xã hội về cộng đồng người LGBT. Không thể phủ nhận thời gian qua đã có những thay đổi tích cực trong việc phản ánh các tin tức liên quan đến cộng đồng LGBT trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Nhiều tổ chức xã hội cũng có những hoạt động rất tích cực trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền của người LGBT Việt Nam. Trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa các hoạt động này, tuy nhiên việc đưa tin, đăng bài của báo chí, truyền thông cần hướng đến

những giá trị xã hội chung, khai thác ở các góc độ tích cực hơn để mọi người có cái nhìn đúng hơn về cộng đồng LGBT; mở rộng phạm vi phổ biến đến các vùng nông thôn, miền núi... không chỉ để mọi người hiểu đúng về người LGBT mà còn giúp những người thuộc cộng đồng LGBT hiểu rõ về bản thân mình. Sức mạnh của truyền thông sẽ góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng, thực thi quyền của người LGBT Việt Nam.

Nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn để bảo vệ, chăm sóc trẻ em LGBT và phòng chống bạo lực gia đình. Có thể đặt ra các chính sách, đối xử, tạo điều kiện trong đời sống xã hội cho trẻ em LGBT, tránh tình trạng để chúng lang thang và bị lợi dụng, gia tăng các tệ nạn xã hội; Đặc biệt thực hiện các chính sách tuyên truyền về người LGBT làm giảm thiểu những cách hiểu sai lầm về người LGBT, giảm bạo lực trong gia đình đối với người LGBT.

Một phần của tài liệu Kết hôn giữa những người LGBT dưới góc độ quyền con người (Trang 93 - 95)